Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Paris mở lại Viện bảo tàng lịch sử Carnavalet

Tọa lạc ở trung tâm Paris trong khu vực Marais (quận 4), Viện bảo tàng Carnavalet nằm cách bảo tàng Picasso và quảng trường Place des Vosges chỉ có 300 thước. Sau 4 năm đóng cửa trùng tu, viện bảo tàng này với bộ sưu tập đồ sộ chuyên về lịch sử thủ đô Paris sẽ được mở lại vào ngày 29/05/2021.

Bảo tàng Carnavalet
Bảo tàng Carnavalet (Photo : Danielle Birck/ RFI)
Quảng cáo

Khách tham quan nào tinh ý sẽ nhận thấy bảo tàng Carnavalet có nhiều nét giống như Điện Sully nằm tại Cour Carrée (gọi nôm na là "Sân vuông") ngay giữa lòng bảo tàng Louvre. Cả hai công trình này đều được xây vào giữa thế kỷ XVI tức dưới thời vua Henri Đệ Nhị, kết hợp kiến trúc mặt tiền thời Phục Hưng, với lối thiết kế phong cảnh vườn tược sau này của Le Nôtre và các pho tượng điêu khắc baroque kể từ đầu thế kỷ XVII trở đi. Ban đầu là tư gia của nhà quý tộc Jacques de Ligneris, sau đó là của nữ hầu tước Sévigné (1626-1696), dinh thự đồ sộ này đã được biến thành Viện bảo tàng lịch sử Carnavalet vào năm 1880, tên đường cũng được đổi thành Rue de Sévigné cho dễ nhớ. 

Carnavalet, dinh thự sang trọng nhất Paris

Từ khi ra đời cho tới nay, tòa nhà đã trải qua nhiều đợt trùng tu, ngoài gian chính còn sát nhập thêm các toà nhà lân cận. Mỗi tòa nhà đều có cổng vào riêng ở tầng chệt, nhưng lại được nối liền với nhau bằng những hành lang xây thêm ở tầng trên. Trong đợt sửa chữa kỳ này kéo dài trong 4 năm, ban điều hành không những tân trang mặt tiền, mà còn tạo ra một "lộ trình" tham quan dài hơn 1,5 km ở bên trong hai tòa nhà cổ kính, thuộc vào hàng dinh thự sang trọng nhất phố Marais, ở trung tâm Paris. Nhìn vào bản đồ, lộ trình giống như một mê cung bao gồm hàng chục gian phòng triển lãm, cách thiết kế ánh sáng, phối hợp màu sắc không gian cũng được làm mới nhân dịp này, giúp cho khách xem triển lãm đi từ gian phòng này qua gian phòng nọ một cách liên tục, chứ không có cảm tưởng bị gián đoạn.  

Theo bà Valérie Guillaume, giám đốc Viện bảo tàng Carnavalet, do ban đầu là nhà ở, dành riêng cho sinh hoạt gia đình, cho nên lối sắp đặt nội thất không hẳn thích hợp với việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Gần 150 năm sau khi được biến thành bảo tàng, không gian trưng bày của Carnavalet vẫn thiếu tính nhất quán về trình tự thời gian. Việc đóng cửa 4 năm là cơ hội để nâng cấp toà nhà theo các tiêu chuẩn thời nay, trước hết là về mặt an toàn (các lối thoát và trang thiết bị đề phòng hỏa hoạn), sau đó là cách lắp đặt các thang máy (cho dù tòa nhà không có nhiều tầng) để tiếp đón khách ngồi xe lăn. 

Bà giám đốc Valérie Guillaume thừa nhận, trước đây, bảo tàng Carnavalet ít tiếp đón thành phần khách tham quan ngồi xe lăn, do các hành lang quá chật hẹp và không có đủ hệ thống thang máy. Giờ đây, nhờ vào các trang thiết bị mới, khách ngồi xe lăn có thể di chuyển dễ dàng để xem 98% bộ sưu tập. Một điểm mới khác nữa là gợi hứng từ mô hình của các viện bảo tàng ở các nước Bắc Âu, Carnavalet chọn cách trưng bày khá nhiều tác phẩm ở ngang tầm mắt của trẻ em, nhằm mục đích giáo dục, khi các trường lớp tổ chức các buổi tham quan. Đây là trường hợp của bức tranh mang đầy ý nghĩa tượng trưng "Sainte Geneviève" (vị Thánh bảo trợ của Paris), một trong những kiệt tác hội họa Pháp thế kỷ XVII. 

Bộ sưu tập khổng lồ với 600.000 tác phẩm

Theo cô Noémie Giard, trưởng ban dịch vụ tiếp đón công chúng,  bảo tàng Carnavalet muốn tận dụng ngày mở cửa trở lại để giới thiệu rộng rãi hơn nữa các tác phẩm nổi tiếng cũng như các bảo vật chưa từng được công bố. Bộ sưu tập đồ sộ của Carnavalet phản ánh lịch sử của Paris, từ thời đại đồ đá (mesolithic) cho tới tận ngày nay. Kho lưu trữ của Carnavalet bao gồm 625.000 tác phẩm và cổ vật, bộ sưu tập này được làm giàu trong vòng 140 năm qua nhờ các khoản quyên góp biếu tặng của giới tư nhân, thành phố Paris cũng biến các di sản thừa hưởng thành "của công" và sưu tầm thêm bằng cách trao đổi các hiện vật hay mua lại từ các viện bảo tàng khác. 

Nếu thời tiền sử của Paris chủ yếu được nhìn thấy qua các tác phẩm khảo cổ học, tình cờ tìm thấy trong các vụ khai quật, đào đất làm móng xây dựng thành phố, thì bộ sưu tập của Carnavalet còn rất phong phú đa dạng : ngoài các tác phẩm nghệ thuật như tranh tượng, còn bao gồm thêm nhiều vật dụng trang trí nội thất, từ phòng ăn phòng khách đến phòng ngủ, các loại huy hiệu hay tượng khắc treo ở mặt tiền các dinh thự hoặc thậm chí các bảng hiệu trên đường phố hoặc các cửa hàng buôn bán.

Do theo chuyên đề lịch sử nhưng lại không bị ràng buộc bởi bất cứ một lãnh vực chuyên môn nào, cho nên bộ sưu tập của bảo tàng Carnavalet có thể hơi "khó nuốt" đối với nhiều khách tham quan.  Tuy các phòng triển lãm chỉ trưng bày một phần tác phẩm sưu tập tương đương với 0,7% bộ toàn tập của Carnavalet, nhưng 3.800 tác phẩm xem trong một ngày đã là quá nhiều. 

Để tạo thêm tính nhất quán trong không gian triển lãm, ban điều hành đã thiết lập 184 tủ kính trưng bày dọc theo tuyến tham quan, đồng thời cuộc triển lãm thường trực thay vì bất biến, sẽ được cập nhật thường xuyên. Cách trưng bày luân phiên này giúp phổ biến rộng rãi hơn một số tác phẩm "quý hiếm", do chưa bao giờ hay ít khi nào được rời kho lưu trữ, đồng thời đó là một cách để thu hút sự tò mò của khách tham quan, khi bộ sưu tập thường trực được thay đổi cả về mặt nội dung lẫn hình thức. 

Mỗi gian triển lãm, một thuở huy hoàng

Nổi tiếng là một viện bảo tàng phong phú dành riêng cho lịch sử của thành phố Paris, Carnavalet đã tìm cách "đơn giản hóa" cách giới thiệu một nội dung dày đặc. Mỗi giai đoạn quan trọng được giới thiệu qua một sự kiện đầy ý nghĩa hay qua một nhân vật tiêu biểu của lịch sử. Cách dùng biểu tượng ấy giúp cho cách đọc trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách tham quan. Thay vì đơn thuần kể lại lịch sử của Paris qua các triều đại vua chúa, Carnavalet đã từ bỏ phòng triển lãm tranh chân dung của các hoàng gia để thành lập những phòng trưng bày xung quanh các nhân vật nổi tiếng có tên tuổi gắn liền với thủ đô Paris.

Chân dung của Madame de Sévigné, phu nhân của hầu tước cùng tên được trưng bày bên cạnh nhiều vật dụng cá nhân, trở thành biểu tượng văn hóa của thế kỷ 17 qua các "salon" văn học, nơi các nhà trí thức hay giới quý tộc gặp gỡ trao đổi với nhau. Một cách tương tự, chân dung của Voltaire đại diện cho phong trào Thế kỷ ánh sáng và tác phẩm của Beaumarchais (1732-1799) là cửa ngõ dẫn đến thời kỳ Cách mạng Pháp. Còn gian phòng dành riêng cho Marcel Proust, tái tạo khung cảnh từng được mô tả trong tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" đánh dấu một trong những dòng văn học Pháp quan trọng nhất thế kỷ 20.

Cuộc hành trình xuyên thời gian bắt đầu từ thời "tiền sử" kết thúc với xã hội thời nay. Gian phòng cuối cùng của bảo tàng Carnavalet phản ánh cuộc sống của người dân thủ đô Paris thời nay chủ yếu qua nhiếp ảnh, sách báo và tư liệu về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, phong trào áo vàng hay đợt tấn công khủng bố nhà hát Bataclan cuối năm 2015. Theo giám đốc bảo tàng Valérie Guillaume, gian phòng này là một không gian mở, tiếp tục thay đổi tùy theo nhưng diễn biến gần đây nhất kể cả hai đợt phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh. Nhiếp ảnh là nghệ thuật phản ánh sát sườn nhất về thời đại của mạng xã hội và công nghệ số.

Tuy không nổi tiếng bằng các viện bảo tàng lớn ở thủ đô Pháp như Louvre, Orsay hay Grans Palais, nhưng Viện bảo tàng lịch sử Paris Carnavalet cũng như Bảo tàng thời trang Galliera, sau khi tìm lại nét đẹp huy hoàng nhờ được tân trang, còn hứa hẹn tiết lộ nhiều "kho tàng" từng được cất giấu, sau biết bao năm tháng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.