Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Triển lãm nhiếp ảnh Cartier-Bresson tại Thư viện Quốc gia Pháp

Sau khi thành công vào mùa thu năm ngoái tại Palazzo Grassi ở Venise, cuộc triển lãm với các tác phẩm nhiếp ảnh của Henri Cartier-Bresson là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật tại Paris vào mùa hè 2021. 50 bức ảnh được chọn lọc, trích từ bộ sưu tập chủ ‘‘Master Collection’’ được trưng bày từ đây cho tới ngày 22/08/2021 tại Thư viện Quốc gia Pháp (BnF François Mitterrand).

Bức ảnh Golden Rush mô tả cảnh vào cuối ngày, đám đông chen lấn trước ngân hàng để mua vàng, trong những ngày cuối cùng của Quốc Dân Đảng, Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 23/12/1948.
Bức ảnh Golden Rush mô tả cảnh vào cuối ngày, đám đông chen lấn trước ngân hàng để mua vàng, trong những ngày cuối cùng của Quốc Dân Đảng, Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 23/12/1948. © Fondation Henri Cartier-Bresson / Magnum Photos
Quảng cáo

Nổi tiếng lúc sinh tiền nhờ tài quan sát và khả năng phi thường để nắm bắt khoảnh khắc ''quyết định'', ông Henri Cartier-Bresson quan sát thế giới để rồi đưa ra một cách nhìn riêng biệt tự nhiên, dung hòa trong cùng một khung ảnh nhiều bộ mặt cuộc sống lắm khi tương phản đối nghịch. Đó là nhãn quan của một phóng viên nhiếp ảnh, có tầm nhìn xa và kiến thức sâu rộng. Từ cuộc cách mạng Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đến Tây Ban Nha đắm chìm trong nội chiến, từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho tới xã hội Liên Xô thời hậu Staline, ông là một trong những nhà nhiếp ảnh Tây phương đầu tiên nhờ tài chụp hình phóng sự mà ghi lại nhiều khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử.

Vai trò quan trọng của hai nhà sưu tầm Pháp

Đến cuối đời, Henri Cartier-Bresson (1908-2004) đã trở thành một huyền thoại sinh động của làng nhiếp ảnh quốc tế, cuộc hành trình của ông đã xuyên qua thế kỷ XX, phản ánh nhiều biến đổi của thế giới qua hàng chục ngàn bức ảnh chụp. Vào năm 1973, nhà nhiếp ảnh lúc đó đã ngoài 65 tuổi, từ kho ảnh đồ sộ của mình đã tạo ra bộ sưu tập chủ bao gồm 385 bức ảnh chính gốc, theo lời khuyến khích của hai vợ chồng nhà sưu tầm người Pháp mang quốc tịch Mỹ Dominique và Jean de Ménil, từng sáng lập phòng triển lãm đương đại tại Houston, bang Texas.

Bộ sưu tập chủ này (Master Collection trong tiếng Pháp gọi là ''Le Grand Jeu'') phản ánh cuộc rong chơi trong thế giới lớn rộng mênh mông của nhà nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson. Khi chọn ra 385 bức ảnh chụp có thể gọi là ưng ý nhất, nhà nhiếp ảnh đã thực hiện một bộ sưu tập để đời, ghi chép lại những kinh nghiệm sống đáng ghi nhớ nhất. 

Các bức ảnh nhỏ sau đó được tập hợp lại dựng cùng trên một bức toàn cảnh khổ rộng, như thể đó là một tấm chân dung tự phác họa về sự nghiệp và cuộc đời. Tính tổng cộng có 6 phiên bản của bức tranh toàn cảnh này, được cất giữ tại Quỹ Menil (Houston), Bảo tàng Victoria & Albert (Luân Đôn), Đại học Mỹ thuật Osaka (Nhật Bản), tại Thư Viện Quốc gia Pháp BnF, tại Bộ sưu tập François Pinault sau khi khai trương Phòng triển lãm mới tại khu vực Les Halles và nhất là tại Quỹ Cartier-Bresson, cả ba đều nằm tại Paris.

Bộ sưu tập ảnh chụp của Henri Cartier-Bresson xen kẽ những hình ảnh đời thường với chân dung những nhân vật nổi tiếng, điển hình là ảnh chụp hai khách bộ hành đội mũ quả dưa tại Bỉ (năm 1921) hay chân dung của nhà văn Mỹ William Faulkner (1947), lễ đăng quang Quốc Vương Anh George VI (1938) hay chân dung của hai nhà vật lý Irène Curie và Frédéric Joliot tại Paris (1944) …..

Cartier- Bresson, cuộc phiêu lưu xuyên thế kỷ

Bộ ảnh chụp phong phú này cho thấy là bố cục và bối cảnh quan trọng không kém gì các nhân vật chính, một số gương mặt nổi tiếng không dễ gì nhận ra được ngay như trường hợp tấm ảnh chụp nhà điêu khắc Alberto Giacometti gần xưởng sáng tác của ông tại Paris (1961). Chỉ trong giai đoạn cuối đời, Cartier-Bresson mới chuyển từ nhiếp ảnh phóng sự sang nhiếp ảnh nghệ thuật và phát huy thêm các khái niệm trừu tượng trong thể loại tượng hình.

Xuất thân từ một gia đình thương gia giàu có ở vùng Normandie, Henri Cartier-Bresson từ thuở thiếu thời đã sớm bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật hình ảnh. Vào cuối những năm 1930, ông từng làm trợ lý trong vòng 4 năm cho đạo diễn Jean Renoir, nhất là trong hai bộ phim ''Une partie de campagne'' (Một chuyến về quê - 1936) và ''La Règle du Jeu'' (Luật chơi - 1939) rồi sau đó chuyển sang nhiếp ảnh phóng sự khi ông đồng thành lập hãng Magnum với nhiều bạn đồng hành là Robert Capa và David Seymour vào năm 1947.

Sau khi ông qua đời vào năm 2004, Trung tâm văn hóa Pompidou đã tổ chức một cuộc triển lãm lớn về Henri Cartier-Bresson, cho thấy nhà nhiếp ảnh có nhiều lối tiếp cận khác nhau, ông có thể chụp theo nhiều cách, để rồi như chuyên gia kiêm nhà phê bình Clément Chéroux từng nhận xét, Henri Cartier-Bresson tìm ra được một góc nhìn độc đáo, một chữ ký riêng biệt trong cách dựng khung hình để rồi thu vào đó những khoảnh khắc ''quyết định''. Hàng ngàn bức ảnh cho thấy Cartier-Bresson không chỉ chụp theo cùng một thể loại, mà là nhà nhiếp ảnh nắm bắt muôn đề tài.

Cartier-Bresson trong mắt 5 nhân vật nổi tiếng

Nhân cuộc triển lãm lần này tại Thư viện Quốc gia Pháp BnF, ban điều hành Quỹ Cartier-Bresson tiếp tục đối chiếu tác phẩm của nhà nhiếp ảnh bậc thầy người Pháp với góc nhìn của 5 nhân vật nổi tiếng gồm nhiếp ảnh gia kỳ cựu người Mỹ Annie Leibovitz, đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders, nhà văn Tây Ban Nha Javier Cercas, giám đốc Cục Nhiếp ảnh tại Thư viện Quốc gia Pháp Sylvie Aubenas và nhà sưu tầm François Pinault, vốn là chủ nhân của Palazzo Grassi, từng thực hiện cuộc triển lãm trên cùng chủ đề hồi mùa thu năm 2020 tại Venise.

Mỗi người một cảm nhận riêng trong lãnh vực chuyên môn của họ, các vị khách mời ở đây đã chọn ra 10 tấm hình được cho là tiêu biểu nhất. Nhà nhiếp ảnh Mỹ Annie Leibovitz chủ yếu chọn các tấm hình có bố cục mạnh mẽ trong cách sắp đặt các khối đen trắng, ánh sáng và bóng tối được khai thác như cách dàn dựng phim truyện, nơi mà những anh hùng đời thường bất chợt xuất hiện trong khung hình. Đạo diễn Đức Wim Wenders lại tập trung vào yếu tố con người, làm nẩy sinh những mô típ gần như là siêu thực, ảnh chụp thực tế những chi tiết lạ như thể được cắt ghép thêm. Nhà văn Tây Ban Nha Javier Cercas lại rất quan tâm đến các bức chân dung của các văn hào và những người chuyên cầm bút.

Nhà sưu tầm François Pinault chọn những hình ảnh gợi lên hạnh phúc đời thường, còn cô Sylvie Aubenas, giám đốc Cục Nhiếp ảnh tại Thư viện Quốc gia Pháp chọn những ảnh chụp gợi lên những khung cảnh đã biến mất thời nay trước đà hiện đại hóa của nhịp sống thành thị. Năm nhãn quan bổ sung cho nhau, nhưng khi ghép lại giống như một quyển truyện phiêu lưu dày 5 chương, được minh họa bằng hình ảnh của người từng được mệnh danh là ''Con mắt của thế kỷ''. Gần hai thập niên sau ngày qua đời, Henri Cartier-Bresson đã để lại một di sản đồ sộ như một ngọn núi, nơi vẫn còn cất giữ nhiều viên ngọc quý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.