Vào nội dung chính
PHÁP - COVID 19

Du lịch : Covid-19 lại đe dọa các lãnh thổ hải ngoại Pháp

Trước đà lây lan của biến thể Delta, tình trạng khẩn cấp y tế lại được ban hành với nhiều mức độ khác nhau kể từ ngày 30/07/2021 tại nhiều lãnh thổ hải ngoại của Pháp, trong đó có đảo Guadeloupe, Saint-Martin, Saint-Barthélemy, Guyane hay Polynésie thuộc Pháp …. Riêng trên hai đảo Martinique và Réunion, lệnh phong tỏa lần thứ tư đe dọa trực tiếp đến ngành du lịch địa phương, vốn đang ở trong mùa cao điểm.

Bãi tắm Sainte-Anne trên đảo Martinique (Ảnh tư liệu chụp ngày 20/11/2011).
Bãi tắm Sainte-Anne trên đảo Martinique (Ảnh tư liệu chụp ngày 20/11/2011). AFP - JEAN-MICHEL ANDRE
Quảng cáo

Tại hai đảo Martinique và Réunion, các biện pháp kiểm soát đã được tăng cường chặt chẽ hơn : ngoài lệnh giới nghiêm bắt đầu từ buổi tối (19 giờ tại đảo Martinique, 21 giờ tại đảo Réunion) mọi cư dân trên đảo được yêu cầu phải ở nhà. Họ chỉ được phép ra ngoài đường trong phạm vi 10 cây số khi thật sự có nhu cầu cấp bách (mua hàng thiết yếu, đi khám bác sĩ, chăm sóc người cao tuổi, thể thao một mình ngoài trời ….) và mỗi lần đi ra ngoài như vậy đều phải ký giấy chứng nhận để xác định khung giờ.

Ngành du lịch tại các lãnh thổ hải ngoại vẫn chưa phục hồi

Đối với đa số người dân sống trên đảo, do đây là lần phong tỏa thứ tư cho nên dù không thích, họ cũng đã phần nào chuẩn bị tinh thần. Thế nhưng đối với du khách Pháp đến từ các vùng đô thị lớn, lệnh phong tỏa làm cho họ thêm bất bình, đa số các hộ gia đình được đi nghỉ hè lần đầu tiên kể từ 18 tháng qua và du khách Pháp đã chọn các lãnh thổ hải ngoại của Pháp, vì họ tưởng rằng tình hình sẽ tạm yên ổn hơn.

Trên đảo Martinique, có khoảng 60 khách sạn, hơn một nửa là khách sạn từ ba sao trở lên và chủ yếu tập trung tại các trạm nghỉ mát nổi tiếng, chẳng hạn như Sainte-Anne hay là Trois-Îlets. Kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành trở lại, khách bản địa đều dời lại các chuyến đi chơi cuối tuần thường là những kỳ nghỉ ngắn ngày, còn đa số du khách đến từ Pháp đều hủy bỏ các chuyến đi nghỉ hè, thường là khoảng hai tuần. Còn người có điều kiện (thời gian và tài chính) dời lại cho tới cuối năm nay hay vào mùa hè năm sau.

Theo liên đoàn ngành du lịch Réunion FRT, việc phục vụ du khách đem về cho hòn đảo trên Ấn Độ Dương khoảng 360 triệu euro doanh thu hàng năm. Vấn đề là các đợt phong tỏa trong năm 2020 đã làm tê liệt hầu hết các hoạt động kinh tế. Lệnh tái phong tỏa nhiều lãnh thổ hải ngoại trong đó có Réunion và Martinique nằm ở tuyến đầu, không chỉ là một mối đe dọa mà còn được xem như là một tai họa cho ngành du lịch ngay vào mùa cao điểm.

Mùa du lịch trước viễn ảnh bị thất thu nặng nề

Riêng trên đảo Martinique, sau một thời gian dài cầm cự chống chọi, 60 khách sạn của đảo này đã bắt đầu nhìn thấy tia sáng hy vọng do vào mùa hè năm 2021, hầu như không còn phòng trống từ vài tháng trước. Thế nhưng, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa trở lại được áp dụng kể từ ngày 30/07, tối thiểu trong ba tuần lễ, đã làm tiêu tan niềm hy vọng phục hồi doanh thu.

Trước mắt, không có một sự chọn lựa nào khác. Những du khách đã đến trước ngày 30/07 vẫn có thể ở lại trên đảo, nhưng lại không được phép rời khách sạn, nếu vì một lý do đặc biệt họ được phép rời nơi lưu trú, thì một là đi lại trong phạm vi 10 km, hai là đổi vé đến sân bay để trở về nhà sớm hơn. Trong bối cảnh đó, rất nhiều du khách đều hủy chuyến đi hè, vì họ khó thể nào chịu ''ngồi yên'' trong khách sạn, cho dù dịch vụ có tốt cách mấy.

Kể từ cuối tháng 5/2021, khách du lịch đã bắt đầu trở lại trên các đảo thuộc Pháp, riêng Réunion thu hút đông đảo khách Pháp và châu Âu, còn Martinique thu hút nhiều khách Bắc Mỹ chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, do vị trí của Martinique khá gần với quần đảo Caribê. Thế nhưng, đối với những du khách này, việc bị ''mắc kẹt'' trên đảo ngoài ý muốn, chẳng khác gì người đang tắm nắng bị dội một ''gáo nước lạnh''. Các ngành phục vụ du khách như nhà hàng, khách sạn, chuyên chở, giải trí được bội thu trong hai tháng 6 và 7, nay buộc phải hạn chế tối đa các hoạt động. Doanh thu tháng 8/2021 coi như là bị mất trắng.

Tỷ lệ đặt phòng giảm mạnh vì nhiều khách hủy chuyến đi

Tuy không có nhiều khách sạn cao cấp (số cơ sở 5 sao trên đảo có thể đếm trên đầu ngón tay) nhưng Martinique luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với các hộ gia đình châu Âu. Từ nhiều tháng trước, tỷ lệ đặt phòng trong ba tháng hè xấp xỉ ở mức 90% nhưng chỉ vài ngày sau khi có quy định mới được ban hành, tỷ lệ đặt phòng đã giảm xuống còn 60%, và theo giới chuyên ngành, đà tuột dốc sẽ tiếp tục do các hộ gia đình chỉ có thể đi nghỉ mát với con em trong hai tháng hè. Đến đầu tháng 9 là phải nhập học trở lại, vì thế rất khó mà thay đổi kế hoạch khi cả gia đình phải đi xa.

Theo cơ quan Zilea, một câu lạc bộ tập hợp các chủ doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, trước khi có dịch Covid-19, tính trung bình đảo Martinique thu hút hơn một triệu du khách, thu về hơn 100 triệu euro mỗi năm. Nhưng kể từ đầu năm 2020 trở đi, hòn đảo này đã mất hai phần ba du khách, đặc biệt là khách Pháp, khách Mỹ, khách châu Âu (Đức, Hà Lan, Anh, Ý …..). Ngành du lịch trên đảo Martinique gồm 60 khách sạn và hàng chục quán ăn cũng đã mất hơn một nửa doanh thu (ở mức 48 triệu euro chỉ riêng cho ngành khách sạn). Ngành du lịch cũng tạo khoảng 10.000 việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp cho dân Martinique . Biến thể Delta đang hé mở một kịch bản khá đen tối cho các vùng lãnh thổ hải ngoại nói riêng, ngành du lịch của Pháp nói chung.

Theo cơ quan Tourisme & Territoires chuyên quảng bá du lịch ở các vùng miền và lãnh thổ của Pháp (ngoài những trung tâm kinh tế giàu có), trước cú sốc của dịch Covid-19, nạn nhân trả giá cao nhất về mặt kinh tế vẫn là các đô thị lớn, đôi khi mất tới gần 70% doanh thu do không còn du khách nước ngoài. Các lãnh thổ hải ngoại cũng có nguy cơ lâm vào hoàn cảnh tương tự, một lần nữa bị mất khách cho dù ''sức khỏe''  chưa thật sự phục hồi. Mối đe dọa năm trước chưa qua, mà tai họa năm nay ''bỗng dưng'' lại đến gõ cửa tận nhà.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.