Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Hồi ký của văn hào Pháp Pagnol được dựng thành phim

''Souvenirs d'enfance''(Kỷ niệm tuổi thơ) là bộ hồi ký gồm 4 tập truyện nổi tiếng của nhà văn Pháp Marcel Pagnol. Sau hai quyển đầu tiên do đạo diễn Yves Robert phóng tác, nay đến phiên tập truyện thứ ba mang tựa đề ''Le Temps des Secrets'' (Thời gian của bí mật) được đạo diễn Christophe Barratier chuyển thể lên màn ảnh lớn.

Ảnh minh họa : Bìa cuốn tiểu thuyết "Lâu đài của mẹ tôi" của Marcel Pagnol.
Ảnh minh họa : Bìa cuốn tiểu thuyết "Lâu đài của mẹ tôi" của Marcel Pagnol. ©Editions des Saints Pères
Quảng cáo

Trung thành với lối làm phim đậm chất hoài niệm về tuổi thơ và những câu chuyện gia đình, Christophe Barratier vừa trình làng hồi cuối tháng 03/2022 bộ phim ''Le Temps des Secrets'' (Thời gian của bí mật) dựa theo tác phẩm cùng tên của Marcel Pagnol (1895-1974). Có thể nói là anh đã tiếp nối những gì đạo diễn Yves Robert đã làm cách đây hơn ba thập niên. Thật vậy, vào năm 1990, Yves Robert đã từng dựng phim từ hai tập truyện ''La Gloire de Mon Père'' (Niềm vinh quang của cha tôi) và ''Le Château de Ma Mère'' (Lâu đài của mẹ tôi). Cả hai phiên bản điện ảnh này đều từng ăn khách khi được chiếu ở rạp. 

Giã từ những năm tháng vô tư 

30 năm sau, đạo diễn Christophe Barratier đã mong muốn thực hiện phần kế tiếp, chủ yếu cũng vì hai lý do. Thứ nhất, trong 4 tập hồi ký của bộ truyện ''Những kỷ niệm tuổi thơ'', hai tập chót ít khi nào được phóng tác thành phim truyền hình hay tác phẩm điện ảnh. Thứ nhì, trong mắt đạo diễn Christophe Barratier, các tập hồi ký cuối cùng của Pagnol lại càng đáng quan tâm hơn vì cốt truyện tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên, khi nhà văn Marcel Pagnol giã từ những năm tháng ''vô tư'' của tuổi thơ để bước vào thế giới đầy lo âu tính toán của người lớn.

Về nội dung, ''Le Temps des Secrets'' kể lại câu chuyện mùa hè năm 1905 tại miền nam nước Pháp, từ thành phố Marseille cậu bé Marcel theo bố mẹ về miền quê (giữa Aubagne và Allauch) nhân mùa nghỉ hè. Sau kỳ nghỉ này, cậu bé Marcel (do Léo Campion thủ vai) sẽ phải đổi trường lớp, đi học xa hơn một chút vì lên cấp trung học phổ thông, chứ không còn đến trường tiểu học ở gần nhà. Trở về quê, Marcel tìm lại bạn cũ của mình là Lili, nhưng đồng thời làm quen với cô bé Isabelle, xuất thân từ một gia đình trưởng giả, có địa vị cao hơn trong xã hội. Mối tình ngây thơ mùa hè năm ấy cũng là lúc cậu bé Marcel khám phá những rung động đầu đời, mà 60 năm sau nhà văn đã khéo léo diễn đạt lại qua các dòng chữ như một nguồn cảm xúc mới.

Đặc điểm của bộ phim (cũng như quyển tiểu thuyết tự truyện) là được kể từ góc nhìn của một cậu bé mới lớn. Đối với bậc phụ huynh, việc lên trung học cấp 2 chẳng có gì là to tát cả, thế nhưng trong ký ức của Marcel Pagnol, qua những dòng hồi tưởng, cậu bé buộc phải từ bỏ điều mà nhà văn gọi là ''thiên đường tuổi thơ''. Cậu bé Marcel phát hiện ra rằng người lớn (kể cả cha mẹ hay cô chú) thường hay che giấu những suy nghĩ của mình chứ ít khi nào dám nói lên sự thật. Ngay cả trong gia đình, có rất nhiều nỗi phiền muộn không nên nói ra, dẫn tới sự hiêu lầm, cũng như tạo ra những mâu thuẫn đầu tiên giữa con cái với bố mẹ. Trong đôi mắt trẻ thơ, cái tuổi bắt đầu trưởng thành chính là lúc khám phá cái thế giới đầy ''bí mật'' thầm kín của người lớn.

Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, bố mẹ đều là diễn viên, Christophe Barratier còn là cháu ruột của nhà đạo diễn  kiêm diễn viên nổi tiếng Jacques Perrin (anh gọi ông bằng cậu). Theo lời kể của Christophe Barratier, anh đã từng lớn lên với truyện của Pagnol. Bà ngoại anh là diễn viên sân khấu kịch nghệ và đã nuôi nấng dạy dỗ Christophe Barratier từ năm anh lên ba. Hai bà cháu thường hay xem phim do chính Marcel Pagnol làm đạo diễn, mỗi lần phim được chiếu trên đài truyền hình. Còn khi tới giờ đi ngủ, bà thường hay đọc vài trang của bộ truyện ''Kỷ niệm tuổi thơ'' để ru cháu, cho tới khi cậu bé ngủ thiếp đi.

Truyện Pagnol nuôi dưỡng tâm hồn đạo diễn Pháp 

Có thể nói là các chủ đề tuổi thơ xuyên suốt bộ tiểu thuyết của Pagnol đã thấm nhuần lối dẫn dắt câu chuyện cũng như phong cách làm phim của Christophe Barratier từ lúc nào không hay. Đạo diễn này thành danh vào năm 2004 nhờ bộ phim ''Les Choristes'' (Dàn đồng ca) quay tại vùng Auvergne kể lại câu chuyện của giáo viên dạy nhạc cũng như quan hệ thầy trò trong một trường nội trú tại Pháp thời hậu chiến. Với hơn 8 triệu rỡi lượt người xem, ''Les Choristes'' (Dàn đồng ca) lọt vào danh sách 20 bộ phim Pháp ăn khách nhất mọi thời đại, không kém gì ''Cuộc đời tuyệt vời của Amélie Poulain'' của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet. Nhiều thập niên sau đó, Christophe Barratier lại hai lần nối bước đàn anh là đạo diễn Yves Robert.

Vào năm 2011, Christophe Barratier thực hiện một phiên bản điện ảnh mới cho quyển tiểu thuyết ''La Guerre des Boutons'' của nhà văn Pháp Louis Pergaud và từng được tác giả Lê Chu Cầu dịch sang tiếng Việt thành ''Cuộc chiến Khuy cúc''. Cách đây 60 năm, đạo diễn Yves Robert từng đoạt giải thưởng điện ảnh Jean Vigo khi lần đầu tiên phóng tác quyển truyện ''Cuộc chiến Khuy cúc'' thành phim. Đến năm 2022, Christophe Barratier một lần nữa nối bước Yves Robert, nhưng lần này anh cảm thấy đủ chững chạc để thực hiện phần kế tiếp (tập ba) của bộ hồi ký thay vì quay lại hai phần đầu. Độ chín muồi của Christophe Barratier có thể được thấy trong cách dựng kịch bản. Trái với hai tập đầu là ''Vinh quang của cha tôi'' và ''Lâu đài của mẹ tôi'', tập thứ ba do được viết nhiều năm sau, cho nên không được gói ghém chặt chẽ như tiểu thuyết, trở nên khó phóng tác.

Lần này, Christophe Barratier thành công trong việc chuyển thể tập thứ ba ''Thời gian của bí mật'' một cách tự do hơn. Bên cạnh quan hệ trong gia đình giữa Marcel Pagnol với bố mẹ và cậu em trai (Joseph, Augustine và Paul Pagnol) cũng như với những người thân khác (dì Rose và cậu Jules), đạo diễn Christophe Barratier còn thắt thêm vào tuyến truyện chính nhiều nhân vật phụ khác nhưng không kém phần quan trọng. Năm 1905 là thời kỳ xuất hiện những phong trào đầu tiên đấu tranh cho nữ quyền, thông qua việc cho phụ nữ đi bỏ phiếu. Nhà văn Pagnol có nhắc tới điều đó trong bộ truyện của ông, nhưng đạo diễn Christophe Barratier lại chọn yếu tố này làm điểm nhấn, như tác giả Julien Liti đã từng đề cao vai trò của các nhân vật nữ khi chuyển thể tiểu thuyết ''Germinal'' của Zola thành phim truyền hình nhiều tập.

Từ khi còn học trung học, Marcel Pagnol đã bắt đầu viết thơ và sáng tác truyện. Quyển tiểu thuyết đầu tay của ông được đăng năm ông 26 tuổi. Nhà văn Pháp thành công từ năm 31 tuổi nhờ sáng tác nhiều vở kịch nổi tiếng và sau đó nữa nhờ nghề đạo diễn, từ năm 38 tuổi trở đi. Giải nghệ sân khấu điện ảnh năm ông tròn 60 tuổi, chính nhà văn kiêm đạo diễn Marcel Pagnol đã chuyển thể kiệt tác văn học ''Les Lettres de Mon Moulin'' (Những cánh thư hè) của Alphonse Daudet thành phim truyện. 

Hoàn cảnh ra đời của bộ truyện ''Kỷ niệm tuổi thơ'' 

Sau một thời gian dài bận rộn với nghề quay phim và sản xuất điện ảnh, Marcel Pagnol ở tuổi 62 mới có đủ thời gian để làm điều ông đam mê từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Theo đề nghị của bà Hélène Lazareff, nhà sáng lập kiêm chủ bút tuần báo phụ nữ Elle thời bấy giờ, Marcel Pagnol lúc đầu chỉ dự định sáng tác một loạt bài viết ngắn về tuổi thơ để đăng thành phụ trang nhân dịp hè về. Rốt cuộc, chỉ trong vòng một tháng, ông lại viết thành hai tập, mỗi tập dày hơn 300 trang. Tập đầu tiên ''Niềm vinh quang của cha tôi'' xuất bản vào năm 1957 lập kỷ lục số bán với hơn 50.000 quyển trong đợt phát hành đầu tiên để rồi 4 lần được tái bản. Tập thứ nhì ''Lâu đài của mẹ tôi" phát hành vào năm 1958 cũng lập thành tích tương tự. Đến năm 1960, ông viết tiếp quyển thứ ba ''Le Temps des Secrets'' (Thời gian của bí mật), trong khi quyển thứ tư ''Le Temps des Amours'' (Thời gian của Tình yêu) chỉ được xuất bản vào năm 1977, ba năm sau ngày nhà văn qua đời.

Một bộ tiểu thuyết ăn khách khác (xuất bản vào năm 1962) cũng trở thành sau đó những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Cả hai phim ''Jean de Florette'' và ''Manon des Sources'' với các diễn viên hàng đầu như Émmnuelle Béart, Daniel Auteuil và Yves Montand đều được chuyển thể từ hai tác phẩm cùng tên trong bộ tiểu thuyết ''L'eau des collines'' '(Mạch nước trên đồi).

Thế nhưng một trong những hiện tượng của ngành xuất bản, với số lượng hàng triệu quyển sách bỏ túi được bán đều đặn, vẫn là bộ hồi ký gồm 4 tập ''Souvenirs d'enfance'' (Kỷ niệm tuổi thơ) của văn hào Marcel Pagnol. Những cảm xúc đầu đời qua lời kể của một nhà văn luống tuổi, cho tới nay vẫn chưa bị lỗi thời, kể cả với những người luôn khao khát sự thay đổi. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.