Vào nội dung chính
PHÁP - HẠN HÁN

Hạn hán tại Pháp : 93 tỉnh bị hạn chế nước, nông nghiệp có nguy cơ mất mùa

Tháng 07/2022 là « tháng khô hạn nhất » ở Pháp kể từ khi bắt đầu đo đạc thống kê năm 1958, theo cơ quan khí tượng Météo-France ngày 01/08. Hiện có đến 93/96 tỉnh tại Pháp lục địa nằm trong tình trạng « báo động hạn hán », trong đó có 46 tỉnh « gặp khủng hoảng », chủ yếu ở miền tây và miền nam.

Phần lớn nước Pháp bị hạn hán. Ảnh chụp tại Herzeele, miền đông Pháp, ngày 02/08/2022.
Phần lớn nước Pháp bị hạn hán. Ảnh chụp tại Herzeele, miền đông Pháp, ngày 02/08/2022. AFP - FRANCOIS LO PRESTI
Quảng cáo

Pháp cũng như khu vực Tây Âu nói chung đang phải đối mặt với nạn hạn hán lịch sử do 2 đợt nắng nóng trong tháng 7 và một đợt vào đầu tháng 8. Cháy rừng diện rộng tại nhiều nơi, nước sông hồ cạn, băng tan… là những hiện tượng dễ nhận thấy nhất về hệ quả của biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, 70% nền kinh tế được cho là « nhạy cảm với khí hậu », có nghĩa là phần lớn hoạt động bị tác động vì khí hậu biến đổi, đặc biệt trong các ngành xây dựng, vận tải, nông nghiệp và lâm nghiệp.

Sản lượng thấp, lương thực tăng giá

Trả lời RFI ngày 29/07, bà Christiane Lambert, chủ tịch Liên đoàn Quốc gia các nghiệp đoàn khai khác nông nghiệp (FNSEA), kiêm chủ tịch Copa-Cogeca, nghiệp đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Âu, đánh giá tạm thời những thiệt hại mà hạn hán gây ra cho ngành nông nghiệp Pháp :

« Đối với mùa thu hoạch ngũ cốc, rơm và đại mạch đang tiến hành và sắp kết thúc, có những vùng mất khoảng 30% sản lượng, như vùng Bourgogne, nhiều địa phương ở Occitanie hay Charentes.

Những cánh đồng trồng cỏ nuôi gia súc bị tác động nặng nhất. Có thể thấy rất rõ khi đi tầu hoặc ô tô, tất cả đồng cỏ đều ngả sang màu nâu như thảm chùi chân, theo cách người ta vẫn gọi. Những cánh đồng đó rất khó hồi phục dù trời có mưa. Ngoài ra phải kể đến ngô, không được tưới tiêu, lá ngô bị khô đi. Tiếp theo là các cánh đồng nho. Quả nho đang độ lớn bị nắng gắt, lá thì bị cháy, rất dễ bắt lửa. Hoa quả cũng thế, bị nắng chói chang nên rất khó bảo quản.

Vì thế, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, thêm tình trạng đóng băng hồi mùa xuân, năm nay đúng là một năm đặc biệt về khí hậu và phức tạp cho nông dân ».

Theo đài truyền hình BFM ngày 17/07, các đợt nắng nóng năm 2022 sẽ gây thiệt hại nặng hơn cho nền kinh tế Pháp so với hai tuần nắng nóng mùa hè 2003 đã làm tăng trưởng của Pháp mất từ 0,1 đến 0,2%. Về tác động trước mắt, liệu Pháp có bị thiếu lương thực không ? Người tiêu dùng và nhà nông bị ảnh hưởng như thế nào ? Bà Christiane Lambert giải thích :

« Có bị thiếu lượng thực không ? Không. Chúng ta không thiếu ngũ cốc vì chúng ta đạt sản lượng ở mức trung bình trên toàn châu Âu. Dĩ nhiên là thế giới thiếu lúa mì của Nga, của Ukraina, nhưng đó chỉ là đối với các nước nhập khẩu ở Bắc Phi hay quanh khu vực Trung Đông, thậm chí là châu Á.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ có ít rau quả hơn và dĩ nhiên là giá sẽ cao hơn. Điều này đã được hiệp hội Các Gia đình nông thôn nêu lên. Còn đối với các nhà chăn nuôi, chi phí cho sản xuất chắc chắn sẽ tăng lên. Ở chỗ chúng tôi, chúng tôi cho lợn ăn ngô. Chúng tôi có 50 ha trồng ngô, thường thu hoạch được 95% sản lượng, nhưng hiện giờ ngô còn chưa ra bắp vì hạn hán và nắng nóng. Lợn sẽ không có thức ăn. Chúng tôi mất trắng khoảng 100.000 euro.

Có thể thấy là tác động về kinh tế vô cùng lớn. Nếu không tăng giá sản phẩm bán ra - hiện đây là chủ đề đang được thảo luận - thì chúng tôi sẽ không cân đối được tình hình kinh tế trang trại của mình ».

Ngành nông nghiệp cũng phải tiết kiệm nước

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng mùa hè 2022 có thể do một phần Pháp không tích trữ đủ nước, dù Thỏa thuận Varenne Nông nghiệp về Nước, được thủ tướng ký vào tháng 02/2022, dự tính tăng khả năng này. Vẫn theo bà Christiane Lambert khi trả lời đài France Info ngày 28/07, « chỉ có khoảng 5% đất ở Pháp được tưới tiêu. Chúng ta chỉ tích được 1,7% lượng nước mưa, trong khi Tây Ban Nha trữ được đến 25% ».

Hệ quả trước tiên là phải hạn chế dùng nước, tùy theo mức báo động ở mỗi vùng. Tỉnh trưởng là người chịu trách nhiệm xác định những lĩnh vực được ưu tiên sử dụng nước, theo giải thích với RFI của ông Loïc Obled, chịu trách nhiệm thanh tra nguồn nước của Cơ quan Đa dạng sinh học Pháp (Office français de la biodiversité, OFB), được Nhà nước giao trọng trách kiểm tra :

« Ở những vùng chịu sức ép về nước như có hoạt động công nghiệp, du lịch hay nông nghiệp, thì tùy theo đặc tính lãnh thổ của mỗi vùng mà tỉnh trưởng xác định ưu tiên sử dụng nước, có nghĩa là bị hạn chế. Dựa vào những tiêu chí đó, chúng tôi tiến hành kiểm tra.

Ưu tiên sử dụng đầu tiên là tiêu thụ cá nhân, như nước uống, thường không bị hạn chế. Tuy nhiên, một số mục đích sử dụng nước khác sẽ bị hạn chế, trước tiên là để bảo đảm cho toàn dân có nước dùng, như nước uống hay nước vệ sinh cá nhân. Tiếp theo, trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những ưu tiên là cung cấp thức ăn và nước uống cho gia súc. Đây là điểm ưu tiên so với những mục đích sử dụng nước khác. Rất khó tìm được sự cân bằng này, cho nên mỗi tỉnh trưởng cân nhắc từng trường hợp tùy theo khó khăn ở địa phương ».

Trong khoảng 1.400 cuộc kiểm tra được tiến hành từ đầu mùa hè, 80-90% trường hợp sử dụng nước đúng mục đích. Tuy nhiên, về lâu dài, tình trạng hạn hán hiện nay, cùng với việc hạn chế sử dụng nước, có thể tác động đến vụ mùa đông xuân tới, theo giải thích với RFI ngày 02/08 của ông Claude Golandeau, đại diện cho các nhà nông nghiệp sạch tại Cơ quan Nước Loire-Bretagne (Agence de l’Eau Loire-Bretagne, phía tây Pháp) :

« Nhiều khu vực trồng cấy bị tác động vì các biện pháp hạn chế, chủ yếu là các khu vực trồng cấy quy mô lớn. Một số khu được coi là sống còn hoặc quan trọng hơn cho nền nông nghiệp của tỉnh thì được miễn, có nghĩa là tiếp tục được dùng nước ; trong khi các khu trồng cấy quy mô lớn thì không được. Đó là điều mà chúng tôi lo sợ hiện nay, có nghĩa là, nếu khai thác cạn nguồn nước, kể cả các cây trồng được đặc cách cũng sẽ không có nước cho vụ mùa sau. Những nhà trồng rau, cung cấp chủ yếu cho địa phương, đóng góp cho nền kinh tế địa phương, cũng có nguy cơ không còn nước cho vụ thu. Vào mùa thu, phải tưới cho tỏi tây, bắp cải, xà lách mùa đông. Có nghĩa là những vụ mùa tới có nguy cơ bị tác động nếu một lúc nào đó, người ta phải nói : « Mức độ khủng hoảng trầm trọng đến nỗi phải khóa van hoàn toàn », thì khá là bất công về mặt phân chia và công bằng giữa những người sử dụng nước ».

Thích ứng ngành nông nghiệp với biến đổi khí hậu

Trước tình trạng thiếu nước khắp châu Âu do biến đổi khí hậu, ngày 03/08, Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các nước thành viên nỗ lực xử lý và tái sử dụng nước thải trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng đối với Pháp, nhà nghiên cứu Serge Zaka, được tuần báo L’Obs trích dẫn, cho rằng « ngành nông nghiệp phải thay đổi để tồn tại. Cần phải thay đổi cách làm, tưới tiêu tốt hơn, nếu không, trước những đợt hạn hán lớn trong những năm tới, chúng ta sẽ không sản xuất đủ ». Một số biện pháp được nhà nghiên cứu nêu ra là thích ứng nông nghiệp (dùng giống cây có sức chịu đựng hơn, như các loại lúa mì cần ít nước được sử dụng ở Ý và Tây Ban Nha), bớt lãng phí thực phẩm (ít nhất 20% lương thực bị vất đi), giảm tiêu thụ thịt (vì đây là một trong những lĩnh vực cần rất nhiều nước)…

Trước tình trạng lạm phát tăng lên 6,1% do nhiều yếu tố khách quan trên thế giới (giá năng lượng tăng do Trung Quốc phục hồi sản xuất, chiến tranh Ukraina khiến lương thực và phân bón đội giá, Nga cắt giảm khí đốt với châu Âu, giờ thêm hạn hán), ngành nông nghiệp Pháp không tránh được việc phải tăng giá. Kết quả là người dân Pháp bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng. Hầu hết các mặt hàng lương thực đều bị giảm khối lượng bán ra, ví dụ thịt giảm 13% trong vòng một năm, hoa quả giảm 10%.

Ngoài ra, do lạm phát, người dân Pháp cũng mua ít quần áo hơn, kể cả trong mùa giảm giá. Các mặt hàng mỹ phẩm và đồ chơi lần lượt giảm 10% và 6% số bán. Theo đài truyền hình TF1, ngày càng có nhiều khách hàng chuyển sang mua trực tuyến để tránh sử dụng ô tô và tiết kiệm năng lượng. Mặt hàng mới nhất bị lạm phát tác động là các sản phẩm dành cho trẻ em, ví dụ tã lót Pampers, rất phổ biến, đã tăng giá thêm 91,3%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.