Vào nội dung chính
PHÁP - CHẤT ĐỐT - ĐÌNH CÔNG

Pháp: Đình công tại TotalEnergies tiếp diễn kéo dài tình trạng khan hiếm xăng dầu

Khủng hoảng chất đốt tại Pháp, do phong trào đình công kéo dài, vẫn chưa đến hồi kết. Hôm qua 15/10/2022, 27,3% số trạm xăng ở Pháp vẫn thiếu ít nhất một mặt hàng, theo số liệu bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng công bố trên đài BFMTV. Tại vùng Paris, con số này lên tới 39,9%.

Công nhân và các thành viên nghiệp đoàn tại nhà máy lọc dầu của  TotalEnergies ở Mardyck, Dunkerque, miền bắc Pháp, ngày 13/10/2022.
Công nhân và các thành viên nghiệp đoàn tại nhà máy lọc dầu của TotalEnergies ở Mardyck, Dunkerque, miền bắc Pháp, ngày 13/10/2022. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL
Quảng cáo

Tại tập đoàn Esso-ExxonMobil, phong trào đình công của công nhân viên hai nhà máy lọc dầu duy nhất của tập đoàn này tại Pháp đã kết thúc đêm 13 rạng sáng 14/10. Còn tại TotalEnergies, mặc dù một số nghiệp đoàn và ban lãnh đạo tập đoàn đã ký một thỏa thuận về việc tăng lương 7% cho người lao động, nhưng CGT, nghiệp đoàn phát động phong trào đình công, và nhiều người làm công ăn lương chưa đồng ý, kiên quyết đòi mức tăng 10%, nên đình công vẫn chưa chấm dứt.

APF cho biết CGT muốn duy trì các cuộc đình công đến thứ Ba 18/10, ngày diễn ra tổng đình công toàn quốc theo lời kêu gọi của 4 nghiệp đoàn lớn.

Chính phủ Pháp hôm nay chỉ trích tình trạng các nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu của tập đoàn TotalEnergies vẫn bị phong tỏa như vậy là « không chấp nhận được », « không thể hiểu nổi » và đó là hành vi « gây rối loạn trật tự công cộng ».  

Cũng trong hôm nay, theo lời kêu gọi của các đảng cánh tả, dự kiến có 30.000 người tham gia biểu tình chống vật giá đắt đỏ và sự bất hành động về chống biến đổi khí hậu. Cảnh sát lo ngại sẽ xảy ra bạo động từ những thành phần bạo lực thuộc phe cực tả và phong trào Áo Vàng.

Người dân Bồ Đào Nha cũng biểu tình chống lạm phát

Không chỉ ở Pháp, mà cả ở Bồ Đào Nha, người dân hôm qua 15/10 cũng được kêu gọi tuần hành chống tình trạng công việc bấp bênh và lương thấp. Chính phủ đã đề xuất tăng lương tối thiểu lên thành 705 euro/tháng trước khi trừ chi phí an sinh xã hội, nhưng nghiệp đoàn chính CGTP, thân đảng Cộng Sản, bác bỏ đề xuất của chính phủ, cho rằng mức đó vẫn là quá thấp trong bối cảnh lạm phát. Nhiều người biểu tình đòi mức lương tối thiểu phải được nâng lên thành 800 euro/tháng. Theo dự kiến, ngày 18/11 sẽ diễn ra tổng đình công của giới công chức Nhà nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.