Vào nội dung chính
PHÁP - CẢI TỔ HƯU TRÍ

Cải tổ hưu trí Pháp: Các nghiệp đoàn nhận lời đối thoại với thủ tướng

Liên hiệp các nghiệp đoàn Pháp chống dự án cải tổ hưu trí của chính phủ hôm qua, 31/03/2023, đã chấp nhận lời mời đối thoại của thủ tướng Elisatbeth Borne vào ngày thứ Tư 05/04 tới. Tuy nhiên hai bên đều duy trì quan điểm rất cứng rắn. Lãnh đạo nghiệp đoàn CGT, nghiệp đoàn lớn thứ hai tại Pháp, tuyên bố đối thoại sẽ chấm dứt, nếu chính phủ từ chối xét lại cải cách. Về phần mình, thủ tướng bác mọi khả năng ‘‘ngưng’’ cải cách.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Theo AFP, thủ tướng Elisatbeth Borne đã hoan nghênh quyết định của liên hiệp các nghiệp đoàn. Bà Borne khẳng định trong cuộc đối thoại này, chính phủ và các nghiệp đoàn có thể trình bày lập trường về rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề ‘‘chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa với lao động nặng nhọc’’, cũng như về luật cải cách hưu trí. Tuy nhiên, thủ tướng Borne cũng nói rõ là kiên quyết không chấp nhận ngưng cải cách hưu trí với giải thích: ‘‘đây là một dự luật đã được thông qua tại Quốc Hội, và đang chờ Hội Đồng Hiến Pháp xem xét’’.

Phản ứng của một nghiệp đoàn trong liên hiệp các nghiệp đoàn chống luật cải tổ hưu trí có thể khác nhau, nhưng tất cả chia sẻ một mục tiêu chung : buộc chính phủ trở lui về điều khoản nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64. Tân lãnh đạo nghiệp đoàn CGT, Sophie Binet, đắc cử tổng thư ký hôm qua, 31/03, trong phát biểu đầu tiên đã khẳng định : đòi hỏi đầu tiên của liên hiệp các nghiệp đoàn, khi đến phủ thủ tướng, sẽ là yêu cầu chính phủ rút luật cải cách.

Tân tổng thư ký CGT nhấn mạnh : cuộc đối thoại ‘‘có thể sẽ chỉ kéo dài 5 phút’’, nếu chính phủ từ chối xét lại cải cách và biện pháp chính nâng tuổi về hưu. Việc nghiệp đoàn CGT, vừa thay đổi lãnh đạo, tiếp tục chủ trương tranh đấu đã được nghiệp đoàn số một nước Pháp CFDT hoan nghênh. Theo bà Marylise Léon, nhân vật số hai của CFDT, đây là ‘‘một dấu hiệu rất tích cực’’ thể hiện rõ sự đoàn kết của mặt trận các công đoàn.

Nghiệp đoàn giới viên chức CFE-CGC cũng bày tỏ niềm tin là động lực tranh đấu của các nghiệp đoàn chống luật hưu trí ‘‘sẽ tiếp tục’’ được duy trì. Nghiệp đoàn ngành giáo dục Unsa đặt hy vọng vào việc luật sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý theo thể thức RIP, hiện đang được Hội Đồng Hiến Pháp xem xét. Theo tổng thư ký Unsa, Laurent Escure, đây sẽ là ‘‘cửa thoát mang tính hướng thượng’’ cho khủng hoảng hiện nay.

Nhiều đảng phái cánh tả và cực tả cũng đặt hy vọng vào việc Hội Đồng Hiến Pháp chấp thuận thể thức trưng cầu dân ý RIP. Trước đó, hôm 30/03, hai đảng, đảng Nước Pháp Bất Khuất và đảng Cộng Sản, thông báo từ chối lời mời đối thoại của thủ tướng. Các dân biểu đảng Cộng Sản dự kiến tổ chức một ‘‘cuộc tuần hành cộng hòa’’ vào ngày thứ Ba, 04/03, từ Quốc Hội đến điện Elysée, để trực tiếp trao kiến nghị đến tổng thống, yêu cầu rút luật cải tổ hưu trí.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.