Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Dưới bóng Trung Quốc, các nước BRICS tìm kiếm sức ảnh hưởng trước phương Tây

Hội nghị thượng đỉnh BRICS, khai mạc hôm qua 22/08/2023 tại Nam Phi với chương trình nghị sự chủ chốt là làm sao để nhóm nước mới nổi lên có thể mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu của mình. Trung Quốc đã nhìn thấy kỳ họp này là cơ hội thúc đẩy mô hình phát triển địa chính trị có thể cạnh tranh với G7 của phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đằng trước) và tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Pretoria, Nam Phi, ngày 22/08/2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đằng trước) và tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Pretoria, Nam Phi, ngày 22/08/2023. AP - Themba Hadebe
Quảng cáo

Thượng đỉnh đang diễn ra tại Johannesburg đang được các nước phương Tây theo dõi đặc biệt kỹ lưỡng vì tương lai BRICS sẽ mở rộng, với sự tham gia của nhiều thành viên mới, hướng tới một nhóm nước có khả năng trở thành đối trọng với nhiều định chế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế giới hay Tổ Chức Thương Mại Thế giới, đến giờ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nước phương Tây phát triển. 

Khoảng 40 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập hoặc muốn quan hệ chặt chẽ với BRICS. Đó là những nước đều có chung một quan điểm rằng nền tảng của trật tự quốc tế được thiết lập từ năm 1945 vẫn do Phương Tây thống trị đã lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình địa chính trị thế giới hiện nay. Kết thúc ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu : “Điều này cho thấy gia đình BRICS đang ngày càng có tầm quan trọng, có tầm vóc và ảnh hưởng trên thế giới.”

Có thể thấy rõ, 5 thành viên của BRICS, tạo thành một tập hợp không đồng nhất, gồm các quốc gia có khoảng cách địa lý xa xôi với nền kinh tế tăng trưởng không đồng đều. Ý đồ để BRICS có khả năng cạnh tranh ảnh hưởng quy mô quốc tế mới manh nha đã lỗ rõ nhiều vấn đề phức tạp.

Trung Quốc, nền kinh tế hùng mạnh nhất trong khối, muốn phát triển ảnh hưởng của mình, đặc biệt là trong các đối đầu toàn diện về kinh tế, chính trị với Hoa Kỳ. Khác với Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Brazil vẫn muốn duy trì mối quan hệ đối tác với các nước phương Tây. Vì thế, trong BRICS, việc mở rộng mà Trung Quốc hy vọng vẫn còn có quá nhiều bất đồng khi mỗi nước có tham vọng không giống nhau.

Ấn Độ, quốc gia ngày càng trở thành đối thủ của Trung Quốc, khó có thể ủng hộ việc mở rộng khối cũng như ý tưởng về một hệ thống trao đổi bằng đồng tiền quốc gia hoặc đồng tiền chung nhằm chống lại sự bá chủ của đồng đô la.

Theo nhật báo Le Monde, động cơ của Trung Quốc, tạo điều kiện cho nhiều nước mới gia nhập BRICS rõ ràng khiến Ấn Độ lo lắng vì nhận thấy sự sốt sắng của Bắc Kinh đối với việc mở rộng này tạo cảm giác rằng mục tiêu của Trung Quốc không phải là “làm việc cùng nhau và phối hợp hành động (…) để mang lại nhiều tiếng nói hơn của những nước mới trỗi dậy, mà là biến BRICS thành một nền tảng chống Mỹ được định hình bởi các ưu tiên của Trung Quốc”, Harsh Pant, phó chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Người Quan Sát, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York, được Le Monde trích dẫn nhận định.

Ông Ngưu Hải Tân, chuyên gia về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải giải thích : “Tôi nghĩ Trung Quốc muốn BRICS trở thành một tổ chức mang tính đại diện cao hơn cho thế giới và nền kinh tế ngày nay.” Ý đồ này của Bắc Kinh được chuyên gia Karin Costa Vazquez, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại đại học Phục Đán (Trung Quốc) khẳng định : “Trung Quốc tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương mới và cần bao quanh mình càng nhiều quốc gia có chung quan điểm này càng tốt. BRICS vẫn là trung tâm trong mắt Bắc Kinh và Brazil là một tác nhân quan trọng trong động lực này với tư cách là thành viên sáng lập của khối.”

Brazil là một nước lớn, nhưng nền kinh tế đang phát triển không thể bỏ qua được các đối tác lớn như Hoa Kỳ hay châu Âu. Về phần mình, trước thượng đỉnh, Nam Phi ngỏ ý cho biết là không muốn làm người cầm đuốc của phe chống phương Tây, cho dù Pretoria không ít lần thể hiện lập trường ủng hộ Bắc Kinh cũng như Matxcơva.  Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi tuyên bố : “Tôi cho rằng sẽ cực kỳ sai lầm khi coi BRICS là thân Nga và chống phương Tây.”  Ông cảnh báo việc mở rộng có thể đưa BRICS vào con đường  góp phần làm gia tăng xung đột trong cộng đồng quốc tế.

Hai “đầu tàu” Nga và Trung Quốc nuôi tham vọng tạo luồng sinh khí mới cho BRICS phục vụ những mục tiêu riêng của họ. Nhưng lộ trình để BRICS từ một nhóm nước mới trỗi dậy thành một khối cường quốc đầy đủ vẫn còn rất xa vời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.