Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Paris – Berlin rạn nứt : Do chiến tranh Ukraina hay vì Pháp suy yếu ?

Đăng ngày:

Cuộc chiến Ukraina do Nga tiến hành đang làm xáo trộn quan hệ Pháp – Đức. Hai quốc gia được cho là cặp bài trùng đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu thời gian qua đã có những bất đồng, thậm chí cạnh tranh chiến lược trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng, quốc phòng đến thương mại. Nhưng cuộc chiến này còn làm lộ rõ thế suy yếu của Pháp trước một nước Đức ngày càng có tham vọng khẳng định vai trò lãnh đạo châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 26/10/2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 26/10/2022. via REUTERS - HANDOUT
Quảng cáo

Bữa ăn trưa làm việc giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại điện Elysée ngày 26/10/2022 khó thể che giấu được những bất đồng sâu sắc giữa hai nước trong những ngày gần đây. Cuộc gặp này diễn ra sau việc Paris hoãn vô thời hạn cuộc họp Hội đồng các bộ trưởng Pháp – Đức, dự kiến diễn ra ngày 26/10 tại lâu đài Fontainbleau, ngoại ô Paris.

Hầu hết giới chuyên gia tại Pháp đều có chung nhận định : Cuộc chiến tại Ukraina đã làm bùng nổ các căng thẳng, làm bất ổn châu Âu và đẩy nước Đức đi theo chiến lược « Germany First », nhằm khắc phục những hậu quả do mô hình chiến lược mà Đức áp đặt từ bao lâu nay và được dựa trên ba yếu tố : Phụ thuộc vào khí đốt của Nga, phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc và phụ thuộc an ninh vào Mỹ.

Ba điểm bất đồng hay cạnh tranh chiến lược ?

Chiến tranh Ukraina do Nga phát động đã làm lộ rõ những yếu kém của mô hình này, khiến nền kinh tế Đức lao đao. Berlin tìm mọi cách hạn chế tính dễ tổn thương của họ và cứu vãn các lợi ích của họ bằng mọi giá, bất chấp nguy cơ ảnh hưởng đến các đối tác, đặc biệt là Pháp. Nếu như danh sách các bất đồng giữa hai nước ngày một dài, thì ít nhất có ba lãnh vực đang đẩy cặp đôi Paris – Berlin ngày một rời xa nhau.

Thứ nhất, trong lĩnh vực năng lượng. Pháp chỉ trích Đức, bên phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc Nga có thể gia tăng áp lực về cung cấp khí đốt cho châu Âu, là đã tìm cách cản trở biện pháp áp giá trần khí đốt, cải cách thị trường điện và tách rời giá điện với giá khí đốt, và cùng lúc tiếp tục một chiến lược bền bỉ "phá hoại" ngành điện hạt nhân. Trong hồ sơ năng lượng này, Pháp và Đức còn đối đầu nhau trong dự án đường ống dẫn khí đốt nối Đức và Tây Ban Nha, băng qua lãnh thổ Pháp.

Thứ hai, Paris trách Berlin có hành động « đơn thương độc mã » khi tuyên bố chi 200 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế mà không thông báo trước cho Pháp và các đối tác khác, vốn dĩ chủ trương một hình thức đối phó chung với các cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, Nicolas Baverez, một cây bút bình luận cho báo Pháp Le Figaro, trên đài Europe 1 cho rằng khó thể chỉ trích Đức vì đó là chuyện bảo vệ các lợi ích quốc gia:

« Đức bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng điều đó cũng không cấm cản Đức nghĩ đến tình liên đới. Nước Đức sẽ nghĩ đến điều này khi họ không có chọn lựa nào khác, khi họ nhận ra rằng điều đó thật sự cũng nằm trong lợi ích của Đức. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng đồng euro, Đức đã phản đối tình liên đới cho đến lúc họ nhận thấy là, nếu cứ để như thế, thị trường to lớn châu Âu có nguy cơ tan vỡ và đây cũng sẽ là một vấn đề cho ngành công nghiệp của Đức. Điều này cũng tương tự cho cuộc khủng hoảng dịch tễ, cho kế hoạch chấn hưng kinh tế mà Đức rồi cũng đã đổi ý và chấp nhận khoản nợ 750 tỷ euro của Liên Âu, khi Berlin hiểu ra rằng Roma không thể tự cứu mình, tương tự cho cả vùng Nam Âu. Nếu Nam Âu sụp đổ, cả châu Âu và nền thị trường lớn sẽ sụp đổ theo. »

Về điểm này, nhà nghiên cứu, cố vấn về Đức, Alexandre Robinet-Borgomano, Viện Montaigne, trên đài truyền hình quốc tế France 24, giải thích những điều nghịch lý, phản ảnh một cách nhìn khác về biện pháp kinh tế này của Đức.

« Từ khoảng một chục năm nay, người ta chỉ trích Đức là không đầu tư đầy đủ, không theo trường phái Keynes, không hậu thuẫn kinh tế qua đầu tư công, bởi vì ngày nay chúng ta hiểu rằng chính sách theo mô hình Keynes không phải là một chính sách theo đó phải bơm tiền công vào nền kinh tế, mà đó là một chính sách trước hết là phản chu kỳ, dùng các khoản thặng dư trong giai đoạn tăng trưởng để đưa chúng trở lại vào nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái. Nước Đức sau 16 năm bình ổn, thịnh vượng, giờ đang bước vào thời kỳ khó khăn chưa từng thấy và nước Đức có một ngân sách dồi dào đủ để cứu vãn kinh tế đất nước. »

Điểm thứ ba gây căng thẳng lớn cho trục Pháp – Đức chính là quốc phòng. Sau thông báo 100 tỷ euro tái vũ trang cho quân đội Đức, thủ tướng Olaf Scholz, trong bài diễn văn tại Praha, thủ đô Cộng hòa Séc, bất ngờ đưa ra dự án lá chắn tên lửa với 14 nước châu Âu, trong đó có Anh Quốc và các nước vùng Baltic, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ và Israel mà không có nước Pháp, vốn cũng có một hệ thống phòng không địa đối không.

Paris cảm thấy bực bội vì Berlin không một lời đả động đến các dự án quốc phòng chung châu Âu mà ông Macron xúc tiến từ nhiều năm qua. Với nhiều nhà quan sát, sự kiện này xem như đặt dấu chấm hết cho chương trình hợp tác quốc phòng chung về các loại xe tăng và chiến đấu cơ cho tương lai giữa hai nước.

Cũng tại Praha, ông Olaf Scholz còn nói đến một châu Âu mở rộng từ 30 nước thành viên như hiện nay lên thành 36 nước, được điều hành theo đa số. Với ông Pierre Lellouche, cựu nghị sĩ, quốc vụ khanh đặc trách đối ngoại dưới thời chính phủ tổng thống Nicolas Sarkozy, khi đưa ra tầm nhìn này, nước Đức có tham vọng củng cố vai trò lãnh đạo hàng đầu tại châu Âu, khi tìm cách dựa vào các nước vệ tinh xung quanh như các quốc gia Trung Âu, các nước vùng Baltic và các nước Bắc Âu, trước một nước Pháp bị cô lập và một vùng Nam Âu bị gạt ra bên lề.

Trên kênh truyền hình France 24, Pierre Lellouche giải thích :

« Hiện nay có một sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đức. Một ý định lãnh đạo chính trị tại châu Âu mà Đức muốn mở rộng thêm cho 8 hay 10 nước nữa, nhất là cho tất cả các nước vùng Balkan với một cách vận hành theo kiểu Đức, nghĩa là theo đa số, cho phép Đức cùng với vô số các nước nhỏ xung quanh giữ ưu thế đúng như những gì nhà báo Jacques Bainville từng dự báo ngay sau khi ký kết hiệp ước Versailles năm 1919. Nghĩa là người ta trở về với thế cân bằng một nước thống trị một chuỗi các nước nhỏ hơn xung quanh, dĩ nhiên phụ thuộc vào sự che chở an ninh của Mỹ, như các nước vùng Baltic, Ba Lan và Đức thì áp đặt mô hình. Hệ quả là Pháp hoàn toàn bị gạt ra khỏi hệ thống. »

Pháp và những sai lầm chiến lược kinh tế

Thế nhưng thái độ kiên quyết bảo vệ các lợi ích và mô hình « trọng thương » của Berlin còn được nuôi dưỡng bởi sự yếu kém của Pháp, ông Nicolas Baverez cay đắng nhận xét. Nhiều nhà phân tích chỉ trích Paris ngây thơ không biết bảo vệ các lợi ích của mình. Nhận định này, một lần nữa, đã bị ông Nicolas Baverez trên đài Europe 1 phản bác. « Bởi vì Pháp đã bị suy yếu đáng kể, và nước Pháp đang trong tình trạng lệ thuộc vào Đức. Ở đây chúng ta có một mối tương quan lực lượng về kinh tế. Cách biệt về giầu có giữa người Pháp và Đức là 15%.  Đức có thể chi ra 200 tỷ euro bởi vì nợ công của họ chỉ ở mức 70%  GDP, trong khi của Pháp lên đến 112,5%. »

Cũng theo ông Nicolas Baverez, nền kinh tế Pháp hiện nay trong một tình trạng thảm hại, tăng trưởng kinh tế 0%, trong khi thâm hụt thương mại lên đến 155 tỷ euro. Nếu gộp hết các khoản nợ công, nợ tư nhân và nợ các hộ gia đình, tổng nợ của Pháp chiếm đến 350% của GDP, cao hơn rất nhiều so với nợ của Đức. Đây cũng chính là điều mà nước Đức, từ nhiều đời chính phủ qua, vẫn luôn chỉ trích Paris là « buông thả », không tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết về ngân sách.

Theo Pierre Lellouche và Nicolas Baverez, nước Pháp trong một thời gian dài đã có những sai lầm trong các chính sách về kinh tế. Các nhà lãnh đạo Pháp đã chọn con đường phi công nghiệp hóa đất nước, làm biến mất nhiều lĩnh vực được cho là thế mạnh của Pháp – từ nông nghiệp, sản xuất xe ô tô, cho đến năng lượng, thay vào đó là mô hình tăng trưởng nhờ tiêu thụ. Hệ quả là ngày nay, uy tín của Pháp tại châu Âu sụt giảm theo với đà suy yếu kinh tế. Pierre Lellouche nhận định :

« Trong phát biểu của ông Macron, người ta thấy có một thiện chí tiếp tục theo đuổi đường hướng được tướng De Gaulle, các đời tổng thống Pompidou, Giscard d'Estaing hay Mitterand vạch ra từ lâu. Ý tưởng đưa ra là xây dựng xung quanh cặp đôi Pháp – Đức một liên minh chính trị sao cho khối này có thể trụ vững giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc. Đó cũng chính là mục tiêu đối ngoại của Pháp. Nhưng người ta cũng nhận thấy rằng, để cho ý tưởng này có thể thực hiện thì thế mạnh về kinh tế giữa Pháp và Đức phải tương quan với nhau.

Chỉ có điều cách biệt tương quan này giữa hai nước từ 15 năm qua ngày càng lớn. Nước Pháp ngày nay chẳng có gì để xuất khẩu cả. Chính tình trạng phi công nghiệp hóa đã làm ngành thương mại của Pháp bị suy sụp, trong khi nước Đức vẫn tiếp tục chăm chút cho ngành xuất khẩu của mình. Với một sự cách biệt ngày càng lớn, cho dù chúng ta có là cường quốc hạt nhân, có mạnh hơn chăng về mặt quân sự thì điều đó cũng chưa đủ để bù đắp. Vào lúc thủ tướng Scholtz tuyên bố chi ra 100 tỷ euro để tái vũ trang cho Đức, biến Đức thành cường quốc quân sự hàng đầu tại châu Âu, mối quan hệ giữa hai nước còn tồi tệ hơn nữa »

Trong cuộc tranh luận trên đài France 24, Pierre Lellouche có nhắc lại một công thức do vị tổng thư ký NATO đầu tiên Hastings Lionel Ismay đưa ra : « To keep the Soviet Out, The US In and the German Down. – Phải giữ Liên Xô ở xa, Đưa nước Mỹ vào, và Khống chế nước Đức ». Trong bối cảnh hiện nay, công thức này phải chăng đã lỗi thời ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.