Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Liên Hiệp Châu Âu và những « lỗ hổng » an ninh năng lượng

Đăng ngày:

Cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga phát động làm lộ rõ thế bất an năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu khi lệ thuộc vào Nga đến 40% nguồn cung khí đốt và 30% dầu hỏa. Cuộc xung đột này cũng được xem như là một cơ hội để Liên Âu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng liệu việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, có làm gia tăng nguy cơ « chồng chất » sự phụ thuộc hay không ?

Một mỏ muối ở Nevada, Mỹ, nguồn lithium quý của tương lai năng lượng sạch của thế giới.
Một mỏ muối ở Nevada, Mỹ, nguồn lithium quý của tương lai năng lượng sạch của thế giới. AP - John Locher
Quảng cáo

Xung đột tại Ukraina đẩy Liên Hiệp Châu Âu (EU) rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Trước xung đột, mỗi năm EU chi trả 200 tỷ euro để mua khí đốt của Nga. Chiến sự bùng nổ, giá dầu hỏa và khí ga tăng vọt. Không những các lệnh trừng phạt không làm cho cỗ máy chiến tranh Nga ngừng hoạt động mà xuất khẩu khí đốt của Nga, nguồn thu tài chính quan trọng, còn tăng thêm 70%.

Trước việc Nga dùng năng lượng như là một vũ khí để chống lại các đòn trừng phạt cũng như là răn đe Liên Âu hậu thuẫn Ukraina, khối 27 nước thành viên đã nhanh chóng chuyển hướng tìm kiếm các thị trường cung cấp nhiên liệu khác, tập trung chủ yếu ở ba khu vực : Trung Đông, Đông Địa Trung Hải và Bắc Mỹ, cụ thể là Hoa Kỳ. Tại Hội thảo Địa Chính Trị, do Viện Nghiên Cứu Quốc Tế (IRIS) và đài RFI đồng tổ chức ở Nantes (phía tây nước Pháp) ngày 23/09/2022, nhiều chuyên gia về năng lượng cảnh báo, những thị trường này khó thể thay thế trong « một sớm một chiều » 30% nhu cầu dầu hỏa và 40% khí đốt của Nga cho Liên Âu.

Trung Đông, Địa Trung Hải, Bắc Mỹ : Những thị trường tiềm năng và các rủi ro

Một mặt, khi chuyển sang tìm kiếm nguồn cung ứng từ nhiều thị trường khác, nhất là tại Trung Đông, châu Âu vô hình chung lao vào một cuộc cạnh tranh với nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản – những quốc gia « ngốn » nhiều dầu khí nhập khẩu từ bên ngoài. Riêng với Trung Quốc, một phần tư lượng dầu hỏa nhập khẩu là đến từ Ả Rập Xê Út. Nếu nhìn một cách tổng quát hơn, Liên Hiệp Châu Âu cộng thêm Thổ Nhĩ Kỳ có lượng nhập khẩu dầu hỏa ngang ngửa với Trung Quốc : Từ 11 đến 12 triệu tấn dầu mỗi ngày.

Tuy nhiên, Emmanuel Hache, giám đốc nghiên cứu của IRIS, kinh tế gia thuộc IFP chuyên về Năng lượng Tái tạo, tại hội thảo Nantes, lưu ý thêm, ẩn sau vấn đề nhập khẩu dầu hỏa và khí đốt, là một cuộc chiến tiền tệ đang phát triển. « Trung Quốc hiện đang đàm phán thanh toán các hợp đồng bằng đồng nhân dân tệ với Ả Rập Xê Út. Người ta còn thấy Nga và Trung Quốc thương thảo các hợp đồng bằng đồng rúp, đồng nhân dân tệ. Do vậy, đằng sau vấn đề dầu hỏa, còn có việc giành thế ưu việt đồng tiền quốc tế. Chúng ta thấy là Bắc Kinh, thông qua vấn đề dầu hỏa có những nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của mình. Đây chính là những gì Trung Quốc đang làm với Những Con Đường Tơ Lụa Mới. »

Mặt khác, tại Đông Địa Trung Hải, trong những năm gần đây, có thêm nhiều mỏ dầu khí trữ lượng lớn đã được phát hiện, nhưng đây lại là một khu vực có nhiều xung đột địa chính trị do những tranh chấp lãnh thổ để tiếp cận các nguồn tài nguyên, như căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nhất là với Cộng hòa Chypre.

Chuyên gia về những thách thức năng lượng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, bà Noemie Rebière, hiện công tác tại bộ Quân Lực Pháp, trong hội thảo về Địa Chính Trị Năng Lượng ở Nantes, nhấn mạnh, khí đốt tại vùng Địa Trung Hải, ngoài những vấn đề địa chính trị và những căng thẳng giữa các nước trong khu vực, trước hết sẽ được dành cho tiêu thụ tại các nước trong vùng.

« Ai Cập với hơn 100 triệu dân, là một nước đông dân có nhu cầu năng lượng rất cao, do vậy khí đốt khai thác được sẽ dành cho tiêu thụ trong nước trước tiên. Tương tự, Israel, vốn có một chính sách an ninh năng lượng khá nghiêm ngặt, cũng sẽ ưu tiên dành cho tiêu thụ nội địa rồi mới tính đến xuất khẩu. Rồi người ta cũng thấy Thổ Nhĩ Kỳ, tuy có những hiềm khích với những nước này, giờ đang tìm cách xích lại gần. Nhiều cuộc đàm phán đã được khởi động giữa Tel Aviv và Ankara để xây dựng các cơ sở hạ tầng, cụ thể là một đường ống dẫn khí đốt từ Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng là một thị trường tiêu thụ tiềm tàng với hơn 85 triệu dân. »

Riêng về thị trường khí hóa lỏng GNL, đây còn là một thách thức lớn khác. Liên Hiệp Châu Âu ngày càng trông cậy nhiều vào Mỹ và trong một chừng mực nào đó là Canada. Theo giảng viên Maria-Eugenia Sanin Vazquez, chuyên nghiên cứu về Kinh tế Năng lượng và Môi trường, đại học Paris Saclay, thì Liên Âu dường như đang chất thêm một phụ thuộc mới.

« Thứ nhất, đối với thị trường GNL, chúng ta sẽ bị cạnh tranh nếu nhu cầu tăng lên. Chúng ta lao vào một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, với một khối các nước khác có nhu cầu, do vậy, đây chưa là một giải pháp. Điều này sẽ không làm giảm giá cả trên thị trường và chúng ta sẽ lại rơi vào một tình trạng lệ thuộc khác. Điểm quan trọng thứ hai chính là để nhập khẩu khí đốt, kể cả các nguồn nhiên liệu ngoài khu vực, cần phải đầu tư ồ ạt vào các cơ sở hạ tầng chế biến khí hóa lỏng. Nhưng nếu chúng ta nhất quán với chính mình và tôn trọng các cam kết về khí hậu, thì đây là những đầu tư khó hoàn vốn, vì tuổi thọ của những kiểu cơ sở hạ tầng này phải kéo dài đến 30 năm. »

Năng lượng xanh : Thoát khí ga của Nga để phụ thuộc kim loại Trung Quốc ?

Trục thứ hai mà Liên Âu nhắm đến để bảo đảm an ninh năng lượng là thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng xanh khi cho phát triển nhiều nguồn cung cấp năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời… Trên nguyên tắc, đây sẽ là những nguồn năng lượng « hòa bình », « không xung đột » và « an toàn », do việc chúng cho phép hạn chế nhập khẩu khí đốt. Thế nhưng, đối với ông Emmanuel Hache, ý nghĩ này là một sai lầm. Xung đột Ukraina sẽ làm tăng tốc hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, đẩy châu Âu và thế giới lao vào một cuộc đua địa-kinh tế, cạnh tranh công nghệ mỗi lúc một khốc liệt giữa các nước.

« Điều thú vị đáng quan sát ở đây chính là, người ta thường hay nói về cạnh tranh Mỹ - Trung trên nhiều bình diện, nghĩa là cạnh tranh thế mạnh giữa hai ông khổng lồ trên thế giới. Nhưng đàng sau cuộc cạnh tranh này, còn có cả một vấn đề địa chính trị về sở hữu bằng sáng chế các kỹ nghệ phát thải ít khí các-bon. Tại sao ư ? Đơn giản bởi vì nếu người ta muốn khẳng định thế mạnh trong nhiều thập niên tới, tuyệt đối phải có nhiều bằng sáng chế, nghĩa là phải có cách tân, rồi sản xuất những công nghệ phát thải khí các-bon thấp đó. Ở đây, quý vị thật sự có vấn đề về cạnh tranh địa-kinh tế trong chính lĩnh vực công nghệ. »

Nhưng những công nghệ này lại đòi hỏi một nguồn cung nhiều loại đất hiếm, kim loại quan trọng. Đơn cử như chất lithium để sản xuất bình ắc quy cho xe ô tô điện, mà châu Âu dự trù phát triển rộng rãi từ đây đến năm 2035. Nhu cầu lithium – một loại « vàng trắng » theo như cách gọi của giới chuyên gia – vốn đã tăng gấp ba lần từ năm 2015, để đạt mức sản lượng là 100 ngàn tấn/năm trong năm 2021.

Nếu như nghiên cứu của đại học Louvain, Bỉ (25/04/2022), dự báo tại châu Âu, đến năm 2050, nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp 35 lần so với hiện nay, thì bà Maria-Eugenia Sanin Vazquez, đại học Paris Saclay cảnh báo, nguồn cung lithium lại rất hạn hẹp. « Hiện trên thế giới chỉ có 6 điểm khai thác chất lithium cho bộ bình điện xe ô tô điện, trong số này có hai điểm tại Trung Quốc và phần lớn chất lithium khai thác tại Úc cũng được xuất sang Trung Quốc, quốc gia sản xuất và cung cấp đến 70% bộ bình điện cho châu Âu ».

Theo quan sát của nhà địa chất học Olivier Vidal, giám đốc nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia – CNRS, được France 24 trích dẫn, thì trong bối cảnh tất cả các nước đang bắt đầu chuyển sang năng lượng sạch gần như cùng một lúc, nhu cầu nhiều thứ kim loại quan trọng sẽ tăng vọt và « điều đó chắc chắn sẽ gây ra nhiều căng thẳng địa chính trị trong những năm sắp tới, cùng với việc phải dự trù chi phí tăng cao và khả năng gặp khó khăn về nguồn cung. »

Nhìn từ góc độ này, sau một thế kỷ căng thẳng địa chính trị về dầu khí, giờ Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ lại rơi vào thế phụ thuộc mới vào các nước sản xuất các loại kim loại quan trọng cho việc phát triển các công nghệ phát thải ít khí CO2. Theo ông Emmanuel Hache, thì rõ ràng châu Âu cũng như là Pháp không phải đang thay đổi sự phụ thuộc mà là đang nạp thêm các mối lệ thuộc.

« Người ta vẫn sẽ tiếp tục tiêu thụ dầu khí và than đá, và họ sẽ thêm vào trong gói hỗn hợp năng lượng thế giới những công nghệ ít phát khí CO2 như năng lượng mặt trời, phong điện… Điều đó có nghĩa là địa chính trị hóa thạch mà chúng ta biết đến hiện nay, giờ sẽ có thêm lĩnh vực mới : những nguồn năng lượng tái tạo. Đó là điểm thứ nhất.

Điều thứ hai phải bổ sung chính là, càng đi sâu vào chuyển đổi năng lượng, châu Âu (cũng như là Mỹ) càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì sao ư ? Đơn giản chỉ vì Trung Quốc trong vấn đề nguyên vật liệu, tuy chưa hẳn là nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới, nhưng lại quốc gia tinh chế hàng đầu. Chính Trung Quốc sẽ tinh chế các loại khoáng sản, những loại khoáng sản cần thiết cho các kỹ nghệ phát thải ít khí các-bon ».  

Điều độ năng lượng hay điều độ sử dụng các khoáng sản ?

Cũng theo vị giám đốc nghiên cứu tại IRIS này, người ta nói nhiều đến đất hiếm, về lithium, cobalt nhưng lại bỏ qua các vấn đề có liên quan đến các thứ kim loại thông thường khác như đồng, bauxit, nickel…, vốn dĩ cũng rất cần thiết cho cuộc sống thường nhật và đóng một vai trò không nhỏ cho quá trình phi các-bon hóa các nguồn năng lượng. Mỗi một thứ kim loại, gắn liền với một vấn đề, có thể là địa kinh tế, nhưng cũng có thể là môi trường hay địa chính trị. Việc chuyển sang nền năng lượng xanh sẽ còn làm gia tăng thêm các áp lực cho các nguồn cung các thứ kim loại thông thường, vốn dĩ cũng đang chịu nhiều sức ép trên thị trường quốc tế.

Do vậy, theo quan điểm của chuyên gia về kinh tế này, Liên Âu nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với một ma trận các vấn đề địa chính trị về năng lượng.

« Khi chúng ta nói về địa chính trị các nguồn năng lượng, chúng ta có nguy cơ có một sự pha lẫn giữa địa chính trị các kim loại và địa chính trị năng lượng để rồi tạo ra một thứ hỗn hợp địa chính trị to lớn. Nhưng điều đó không muốn nói là chúng ta không nên phi các-bon hóa, nên phải đi theo hướng này, nhưng phải cân nhắc mọi rủi ro có thể có, không nên nhắm mắt mà đi trước ngần ấy mối quan hệ phụ thuộc, nhất là tại châu Âu. »

Trong bối cảnh này, Liên Âu cho rằng còn có một giải pháp thứ ba : Sử dụng năng lượng « điều độ ». Hầu hết giới chuyên gia tại Pháp đều cho rằng « điều độ » năng lượng không chỉ trong cách tiêu thụ năng lượng mà cả trong việc sử dụng các loại nguyên vật liệu. Trong hướng đi này, Liên Hiệp Châu Âu còn đề xuất giải pháp tái chế, tái sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu quý hiếm, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ bên ngoài hay hạn chế tác động môi trường nếu khai thác ngay trên lãnh thổ. Chỉ có điều, ông Matthieu Auzanneau, giám đốc văn phòng cố vấn chuyển đổi năng lượng Shift Project, một lần nữa gióng chuông báo động : Châu Âu, đặc biệt là Pháp không còn ngành luyện kim để mà tái chế hay sản xuất các bộ bình điện lithium !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.