Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Kế hoạch hòa bình cho Ukraina : Thực tế và những ý đồ của Trung Quốc

Đăng ngày:

Ngày 24/02/2023, đúng vào ngày đánh dấu một năm Nga mở « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lăng Ukraina, Trung Quốc công bố kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Đối với nhiều nhà phân tích tại Pháp, tài liệu gồm 12 điểm này của Bắc Kinh không mang lại một giải pháp nào cụ thể để thoát khỏi cuộc chiến, mà đúng hơn là minh họa cho các tham vọng của Bắc Kinh.

Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022.
Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022. © REUTERS - SPUTNIK
Quảng cáo

Những nét chính của kế hoạch 12 điểm

Phần lớn các nhà phân tích tại Pháp có chung một nhận xét : Đề xuất này của Trung Quốc không là một « kế hoạch hòa bình » như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu mong đợi, mà là một văn bản, liệt kê lập trường của Bắc Kinh đã được đưa ra từ đầu cuộc chiến. Điều này đã được thể hiện rõ ngay trên tiêu đề của văn bản : « Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina ».

Bắc Kinh nhắc lại việc tôn trọng « chủ quyền lãnh thổ, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia », đồng thời kêu gọi các bên can dự hậu thuẫn Nga và Ukraina mở lại đối thoại trực tiếp. Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân và hóa học, kêu gọi Nga và Ukraina « tôn trọng nghiêm ngặt luật nhân đạo của quốc tế, tránh tấn công thường dân hay các tòa nhà dân sự ». Trong số 12 điểm, Bắc Kinh ngầm chỉ trích NATO khi nói đến chấm dứt lối suy nghĩ kiểu « chiến tranh lạnh ».

Cuối cùng, Trung Quốc cho rằng để có thể tiến đến hòa bình, phương Tây, Nga và Ukraina phải tìm cách « duy trì sự ổn định các chuỗi dây chuyền công nghiệp và cung ứng », nhưng « phản đối việc sử dụng kinh tế thế giới như là một công cụ hay vũ khí nhằm mục đích chính trị ». Một lời tố cáo các biện trừng phạt nhắm vào Nga mà các đồng minh của Kiev hiện tìm cách siết chặt hơn nữa.

Trung Quốc « vờ » trung lập

Điểm đầu tiên thu hút sự chú ý của một số nhà quan sát ở Pháp chính là lời kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đánh giá đây là điểm mâu thuẫn chính trong các đề xuất của Bắc Kinh.

« Rõ ràng trong thế lưỡng nan giữa toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của một dân tộc, thì đối với Trung Quốc sự toàn vẹn lãnh thổ có một tầm quan trọng. Trung Quốc đang nghĩ đến chính vấn đề của họ tại Đài Loan. Nếu chúng ta đi theo lô-gic này, thì điểm mâu thuẫn ở đây chính là trong bản đề xuất, điều đầu tiên Bắc Kinh lẽ ra phải làm là yêu cầu Nga triệt thoái quân khỏi lãnh thổ Ukraina. Thế nhưng, Trung Quốc không hề nhắc đến. Đây thật sự là sự mâu thuẫn chính yếu của Trung Quốc. » (France Culture 26/02/2023)

Điều đáng chú ý khác là văn bản này của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga triệt thoái quân khỏi Ukraina. Hơn nữa, Bắc Kinh vẫn kiên định lập trường, chỉ nói đến « khủng hoảng Ukraina », mà không dùng từ « chiến tranh », cũng như nêu lên vai trò, trách nhiệm của Nga.

Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp ở Matxcơva, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhận định bản kế hoạch 12 điểm này của Trung Quốc, trước hết là có lợi cho Nga, bởi vì « văn bản dự trù ngưng các hoạt động thù nghịch (điều đó có nghĩa là ngưng giao tranh tại những đường chiến tuyến hiện tại và duy trì quân Nga trên khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraina trước khi bắt đầu đàm phán) cũng như là dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhắm vào Nga ». (Le Figaro ngày 01/03/2023)

Quan điểm này cũng được Marc Julienne, nhà nghiên cứu về các hoạt động của Trung Quốc, Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), đồng chia sẻ trên đài truyền hình ARTE: « Về mặt chính thức, Trung Quốc duy trì thế trung lập trong cuộc chiến tại Ukraina kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 02/2022. Nhưng tính trung lập này rõ ràng chỉ là bề ngoài, bởi vì trên thực tế, Trung Quốc ngầm hậu thuẫn Nga và chế độ Vladimir Putin về mặt chính trị. »

Chống các giá trị phương Tây : Nền tảng cho mối hợp tác Nga - Trung

Thế giới cũng chưa quên ngày 04/02/2022, Bắc Kinh tuyên bố « tình hữu nghị không gì lay chuyển » với Matxcơva. Nếu như trong bản kế hoạch 12 điểm, Trung Quốc không còn nhắc đến « tình bằng hữu vô bờ bến », thì nhà Trung Quốc học Marie Holzman cũng không quên nhắc lại rằng nền tảng cơ bản cho mối liên kết Nga – Trung chính là ý muốn hình thành một mặt trận chung chống phương Tây.

Trả lời kênh truyền hình Public Senat, bà giải thích : « Trung Quốc tự trao cho mình vai trò bảo vệ các nước đang phát triển trước "chủ nghĩa đế quốc và các giá trị của phương Tây". Đây là một điểm rất rõ ràng từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Tại Trung Quốc, nói về chủ nghĩa hợp hiến, các giá trị phổ quát, nhà nước pháp quyền hay nhân quyền, tất cả những gì làm nên rường cột cho các giá trị phương Tây, đều bị cấm.

Đây còn là phương cách để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, nhắn nhủ các nước bị khối phương Tây bỏ mặc rằng "có một mô hình phát triển khác với mô hình do châu Âu và Mỹ đề xướng." Ông Putin, dù có phần nào thô thiển hơn Tập Cận Bình trong các phát biểu, cũng đi theo đúng kiểu lô-gic này ».

Chính thái độ mập mờ này của Trung Quốc trong một năm qua đã khiến giới quan sát và các lãnh đạo phương Tây không mấy tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh. Nỗi hoài nghi càng gia tăng khi gần đây Hoa Kỳ khẳng định có bằng chứng là Trung Quốc có ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

Trang mạng Question Chine.net trích dẫn tiết lộ của báo Đức Der Spiegel ngày 23/02 cho biết « Bingo Intelligent Aviation Technology », một doanh nghiệp ở Tây An, dường như đang thương lượng với Nga để bán 100 chiếc drone « ZT-180 » có khả năng mang từ 35-50 kg vũ khí quân sự. Đây cũng có thể được xem như là một hình thức chuyển giao công nghệ « trá hình » của Trung Quốc cho Nga, theo như cáo buộc của trang thông tin Le Devoir tại Quebec, Canada (24/02/2023).

Về điểm này, nhà Trung Quốc học Marie Holzman khẳng định Trung Quốc cũng giống như bao nước khác, sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Nga, nhưng sẽ ít có khả năng Bắc Kinh gia tăng hậu thuẫn quân sự bằng cách cung cấp chiến đấu cơ hay xe tăng. Trung Quốc bám chặt học thuyết « không can thiệp » trong các xung đột ở nước ngoài.

Trung Quốc : Tham vọng mô hình thế giới hậu phương Tây

Cho dù hành động của Nga khiến Trung Quốc khó xử, Bắc Kinh một mặt không muốn đánh mất mối quan hệ với Matxcơva, nhưng mặt khác cũng không muốn gây tổn hại các mối quan hệ thương mại với Mỹ và châu Âu. Trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ và Châu Âu lần lượt ở mức 800 tỷ và 600 tỷ đô la, cao gấp 4 và 3 lần so với Nga, chỉ ở mức 200 tỷ đô la.

Bắc Kinh ý thức được rằng, một sự hậu thuẫn đi quá xa có nguy cơ lãnh đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu sẽ buộc phải đi theo. Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu Marc Julienne thuộc IFRI đồng chia sẻ :

« Vào lúc Trung Quốc chuyển giao vũ khí sát thương, như lời ngoại trưởng Mỹ Blinken nói, thì lúc ấy Trung Quốc trở thành bên tham chiến, can dự vào cuộc xung đột, và do vậy nước này tức thì sẽ hứng lấy các đòn trừng phạt của Mỹ. Đó sẽ là những biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi Trung Quốc đang bị cấm vận trong lĩnh vực công nghệ. Những biện pháp hạn chế này hiện đang gây khó khăn rất lớn, thậm chí cản trở đổi mới công nghệ của Trung Quốc. »

Trung Quốc tìm kiếm gì khi đưa ra bản kế hoạch 12 điểm này, đúng vào ngày đánh dấu một năm Nga mở « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lược Ukraina ? Theo quan sát nhiều nhà phân tích, mục tiêu của việc công bố kế hoạch này chỉ nhằm thể hiện lập trường của Trung Quốc muốn chấm dứt xung đột, để làm hài lòng những nước nào không hậu thuẫn Ukraina. Lập trường này có thể sẽ là mục tiêu cho một nghị quyết ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại các nghị quyết của phương Tây.

Pierre Lellouche, cựu bộ trưởng Pháp, cựu chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, trên đài RFI tóm lược dụng ý của Trung Quốc như sau :

« Tôi không tin rằng Trung Quốc chấp nhận một giải pháp có lợi cho Mỹ hay phương Tây. Họ không thể nào bỏ rơi Nga, họ cần một nước Nga bị suy yếu, đó sẽ là một nước chư hầu. Nhưng Trung Quốc có ý định hình thành một thế giới hậu phương Tây và đó là những gì họ đang thực hiện với Tổ chức Thượng Hải, qua việc phi đô la hóa ngày càng nhiều các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc.

Nước này mua dầu hỏa của Nga bằng nhân dân tệ rồi đem bán lại. Ả Rập Xê Út cũng đang làm điều tương tự, mua dầu hỏa của Nga bằng nhân dân tệ rồi bán lại bằng đô la. Trung Quốc đang tạo ra một hệ thống kinh tế thay thế cho sự thống trị của Mỹ dựa trên đồng đô la. (…) Trung Quốc đang xây dựng một thế giới hậu Ukraina. Theo tôi, điều quan trọng ở đây chính là một trật tự thế giới mới, một trật tự thế giới kiểu Trung Quốc. »

Trung Quốc : Kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraina

Trung Quốc ngày 24/02/2023 công bố bản kế hoạch hòa bình 12 điểm để giải quyết chính trị cuộc xung đột Nga – Ukraina. RFI Tiếng Việt dịch giới thiệu.

**********

1. Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của mọi quốc gia. Luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được bảo đảm một cách hiệu quả. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giầu hay nghèo, đều là những thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế. Các bên khác nhau phải cùng nhau gìn giữ các chuẩn mực cơ bản chi phối các mối quan hệ quốc tế và duy trì sự công bằng và công lý quốc tế. Thế giới phải thúc đẩy việc áp dụng luật pháp quốc tế một cách công bằng và thống nhất, bác bỏ tình trạng « nhất bên trọng, nhất bên khinh ».

2. Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh. Không nên tìm kiếm an ninh cho một quốc gia bằng cách gây phương hại cho an ninh của các quốc gia khác, cũng như không được bảo đảm an ninh của một khu vực bằng cách tăng cường hoặc thậm chí mở rộng các khối quân sự. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của các quốc gia khác nhau phải được tôn trọng và giải quyết một cách thích hợp. Không có giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp. Tất cả các bên phải theo đuổi tầm nhìn chung về an ninh, hội nhập, hợp tác và bền vững, gìn giữ hòa bình và ổn định lâu dài trên thế giới, thúc đẩy xây dựng một cơ cấu an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và lâu dài. Trung Quốc chống đối điều mà một quốc gia tìm kiếm an ninh của riêng mình bằng cái giá an ninh của nước khác, ngăn chặn sự đối đầu giữa các khối và cùng nhau hợp tác vì hòa bình và ổn định trên lục địa Á-Âu.

3. Ngưng chiến sự. Xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho ai. Tất cả các bên phải thể hiện lý trí và sự kềm chế, không châm dầu vào lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraina thêm xấu đi hoặc thậm chí bị sa lầy. Thế giới phải hậu thuẫn Nga và Ukraina sao cho cả hai nước đi theo cùng một hướng để nối lại sớm nhất đối thoại trực tiếp, từng bước thúc đẩy hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

4. Khởi động đàm phán hòa bình. Đối thoại và các cuộc đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng phải được khuyến khích và hỗ trợ. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục đi đúng hướng, thúc đẩy đàm phán hòa bình, giúp các bên của xung đột nhanh chóng mở ra cánh cửa đi đến giải quyết khủng hoảng bằng con đường chính trị, tạo điều kiện và nền tảng để nối lại đàm phán. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong chiều hướng này.

5. Xử lý khủng hoảng nhân đạo. Bất kỳ biện pháp nào nhằm xoa dịu khủng hoảng nhân đạo đều phải được khuyến khích và ủng hộ. Các hoạt động nhân đạo phải tuân thủ các nguyên tắc trung lập, vô tư và các vấn đề nhân đạo không được chính trị hóa. Sự an toàn của thường dân phải được bảo vệ hiệu quả và các hành lang nhân đạo phải được thiết lập để sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột. Viện trợ nhân đạo cho các khu vực liên quan, cải thiện các điều kiện nhân đạo và cung cấp khả năng tiếp cận nhân đạo nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở phải được tăng cường, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn. Nỗ lực đóng vai trò điều phối của Liên Hiệp Quốc trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại các khu vực xung đột cần phải được hỗ trợ.

6. Bảo vệ thường dân và tù nhân chiến tranh. Các bên tham gia cuộc xung đột phải tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, tránh tấn công dân thường và các cơ sở dân sự, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân khác của cuộc xung đột và tôn trọng các quyền cơ bản của tù nhân chiến tranh. Trung Quốc ủng hộ việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine và kêu gọi các bên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mục đích này.

7. Bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc phản đối các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân hòa bình khác, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về An toàn Hạt nhân và kiên quyết ngăn chặn các tai nạn hạt nhân do con người gây ra. Trung Quốc ủng hộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong nỗ lực đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân vì mục đích hòa bình.

8.Giảm thiểu rủi ro chiến lược. Không được sử dụng vũ khí hạt nhân và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Phải chống lại việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân phải. Điều cấp bách là phải ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh các cuộc khủng hoảng hạt nhân. Trung Quốc phản đối việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

9. Tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc. Tất cả các bên nên thực hiện một cách cân bằng, đầy đủ và hiệu quả Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen được ký kết bởi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina và LHQ, đồng thời ủng hộ LHQ cho các nỗ lực đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Sáng kiến ​​hợp tác an ninh lương thực toàn cầu của Trung Quốc đưa ra một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

10. Chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương. Các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp lực tối đa không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ tạo ra những vấn đề mới. Trung Quốc phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào mà không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép. Các quốc gia liên quan phải chấm dứt việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán ngoài lãnh thổ đối với các quốc gia khác, và phải đóng vai trò giảm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraina và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi của người dân các nước đang phát triển.

11. Đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp. Tất cả các bên phải bảo tồn hiệu quả hệ thống kinh tế toàn cầu hiện có và phản đối việc chính trị hóa hoặc sử dụng nền kinh tế toàn cầu như một công cụ hoặc vũ khí. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giảm thiểu tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng để nó không làm gián đoạn hợp tác quốc tế về năng lượng, tài chính, thương mại và vận chuyển thực phẩm, hoặc gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

12. Thúc đẩy tái thiết sau xung đột. Cộng đồng quốc tế phải thực hiện các bước để hỗ trợ tái thiết sau xung đột ở các khu vực xung đột. Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hỗ trợ và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.

******

Ghi chú: https://www.fmprc.gov.cn/fra/zxxx/202302/t20230224_11030718.html

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.