Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Khủng hoảng điện : Pháp mở lại một nhà máy điện than, lên kế hoạch cắt điện luân phiên theo khu vực

Đăng ngày:

Mùa đông đã về, nhiệt độ tại Pháp xuống thấp, hệ thống sưởi ấm vốn dĩ « ngốn » rất nhiều điện đã được bật, trong khi nguồn cung năm nay đặc biệt có hạn do nhiều yếu tố. Trước nguy cơ thiếu điện, sau vài tháng đóng cửa nhà máy nhiệt điện than Saint Avold, chính phủ Pháp đã buộc phải cho khởi động lại nhà máy, đồng thời chuẩn bị kế hoạch cắt điện luân phiên theo khu vực, tránh để hệ thống điện quá tải, gây mất điện diện rộng không kiểm soát được.  

Theo kế hoạch chính phủ Pháp công bố hôm 29/11/2022, nếu điện bị cắt luân phiên thì việc này sẽ được báo trước và điện chỉ bị cúp mỗi lần 2 giờ đồng hồ, trong giờ cao điểm từ 8 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ.
Theo kế hoạch chính phủ Pháp công bố hôm 29/11/2022, nếu điện bị cắt luân phiên thì việc này sẽ được báo trước và điện chỉ bị cúp mỗi lần 2 giờ đồng hồ, trong giờ cao điểm từ 8 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ. AFP - DAMIEN MEYER
Quảng cáo

« Nghịch lý » điện Pháp

Từ một nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu, nay Pháp phải nhập khẩu điện từ Đức, Anh và Tây Ban Nha. Từ một nước được xem là cường quốc điện hạt nhân, là tấm gương cho thế giới nhờ có ngành điện thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, nước Pháp đã phải cho mở cửa trở lại một nhà máy nhiệt điện than, cho dù điện than là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm môi trường và làm biến đổi khí hậu nghiêm trọng và tổng thống Pháp Macron cũng đã từng cam kết cho đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than của Pháp.

Ngày 29/11/2022, sau khoảng nửa năm đóng cửa, nhà máy nhiệt điện than Saint Avold, miền đông nước Pháp, đã hoạt động trở lại. Đương nhiên, theo chính quyền Macron, đây chỉ là giải pháp tình thế, nhà máy sẽ đóng cửa vào cuối tháng 03/2023, khi mùa đông đã qua. Nhà báo Jeanne Richard, chuyên về khí hậu, môi trường của đài RFI Pháp ngữ, ngày 29/11, giải thích :

« Nhà máy nhiệt điện than Saint Avold đã ngừng hoạt động từ tháng 03. Thế nhưng, giờ đây đợt không khí lạnh đầu tiên về, hệ thống sưởi ấm bắt đầu được bật, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Và với việc Nga ngừng cấp chất đốt, thêm vào đó là một số nhà máy điện hạt nhân của Pháp phải ngừng hoạt động để bảo trì, thì có nhiều nguy cơ điện bị cắt luân phiên theo khu vực trong mùa đông này ở Pháp. Vì thế, chính phủ đã chọn mở lại nhà máy nhiệt điện than Saint Avold. Chính phủ Pháp khẳng định rằng đó chỉ là một giải pháp tạm thời, tình thế, và rằng cam kết của tổng thống Pháp sẽ không thay đổi.

Quả thực, trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống Emmanuel Macron từng hứa cho đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện than cuối cùng còn hoạt động tại Pháp, bởi vì cho dù nhiệt điện than chỉ chiếm hơn 1% sản lượng điện trong năm 2020, nhưng lượng khí thải của các nhà máy nhiệt điện than thì chiếm tới ¼ tổng lượng khí thải nhà kính mà ngành sản xuất điện Pháp tạo ra. Ngành than cũng là nguồn chính thải khí CO2 trên thế giới. Nhà máy nhiệt điện than Saint Avold có thể sẽ cần 500.000 tấn than để hoạt động cho đến cuối tháng 3 năm sau ».  

Trên đài BFMTV ngày 29/11, dân biểu Sabrina Sebaihi, vùng Hauts-de-France, thuộc đảng Xanh, gọi đó là biện pháp đi ngược lịch sử, ý nói tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và chỉ trích sự lựa chọn sai lầm về chiến lược năng lượng của chính phủ Pháp kéo dài trong suốt nhiều năm, thế nhưng khác với thường lệ, lần này thông tin chính quyền cho tái khởi động hoạt động của nhà máy nhiệt điện than không gây nhiều phản đối. Có lẽ các nhà hoạt động môi trường và các đảng phái đối lập đều hiểu tình cảnh mà nước Pháp hiện đang phải đối mặt. Vả lại, công luận cũng đang đồn sự chú ý vào kế hoạch cắt điện luân phiên theo khu vực.

Chủ động cắt điện theo khu vực để tránh mất điện diện rộng

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, mối lo lớn nhất của chính phủ Pháp cũng như giới chuyên môn là « cung ít, cầu nhiều », lưới điện quốc gia quá tải, dẫn đến nguy cơ black-out  - mất điện ồ ạt trên diện rộng và vượt tầm kiểm soát của ngành điện. Không ai muốn thấy lại cảnh cả nước Pháp đột ngột mất điện như chuyện từng xảy cách nay hơn 40 năm. Theo France Info, vào ngày 19/12/1978, chỉ vài ngày trước Giáng Sinh, mức tiêu thụ điện lên mức cao nhất trong cả năm, phần do thời tiết giá lạnh (nhiệt độ Paris xuống tới –4°C), phần do đèn điện trang trí Noel lung linh tỏa sáng khắp nơi, đường điện 400.000 volts giữa Nancy và Troyes, miền bắc nước Pháp, lại bị hỏng. Và rồi kịch bản tồi tệ nhất đã xảy ra. Toàn bộ hệ thống điện ngừng hoạt động trong suốt 4 giờ đồng hồ.  

Các chuyến tàu bỗng dừng ở giữa vùng nông thôn hẻo lánh, các chuyến tàu điện ngầm ở Paris bị kẹt trong hầm tối giữa hai ga, đèn giao thông không còn tín hiệu gây tắc đường diện rộng ở nhiều thành phố lớn của Pháp. Nhiều người mắc kẹt trong thang máy. Các bãi đỗ xe ngầm, các đường hầm đều đóng cửa vì sợ xảy ra ngộ độc khí thải. Các bệnh viện yêu cầu cấp máy phát điện cho lực lượng cứu hộ… Black-out đã làm tê liệt gần như toàn bộ nước Pháp trong vài giờ, chỉ có miền đông bắc đất nước « thoát nạn » nhờ được tiếp điện từ Đức, Anh và Thụy Sĩ.

Chính phủ Pháp đang tìm mọi cách tránh để « cơn ác mộng » black-out tái diễn. Và một trong những giải pháp được chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne thông báo hôm 29/11 là chủ động cắt điện luân phiên theo khu vực nếu mức tiêu thụ điện lên cao đến mức « báo động đỏ ». Trên đài France Info ngày 02/12/2022, ông Stanislas Guerini, bộ trưởng bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp, nhấn mạnh :

« Vâng, đúng là mục đích dĩ nhiên là để tránh điều tồi tệ nhất, quý vị biết đấy, phải chuẩn bị đối phó với điều tồi tệ nhất, và điều tệ nhất chính là black-out, tức là mất điện không thể kiểm soát, nhưng chúng ta làm chủ được chuyện này, điều đó sẽ không xảy ra. Tất cả những biện pháp sử dụng điện điều độ có chừng mực và điều mà chúng ta gọi là cắt điện từng khu vực sẽ cho phép chúng ta không phải chịu cảnh black-out. Tôi xin nói rõ ràng là sẽ không có black-out trong mùa đông này vào bất kể lúc nào, chắn chắn là điều đó sẽ không xảy ra.

Kịch bản tệ nhất là quý vị sẽ bị cúp điện trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ và sẽ được báo trước nếu việc này xảy ra, về điều này tôi xin nói rõ rằng đúng là chúng ta đang chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ cho một kịch bản tệ nhất. Chúng tôi đang nêu lên mọi giả thiết và suy tính. Việc cắt điện theo khu vực sẽ gây ra hàng ngàn hậu quả rất cụ thể. Các tỉnh trưởng sẽ phải xác định cụ thể, chi tiết, từng khu vực, xem đâu là những cơ sở, địa điểm cần được ưu tiên hoàn toàn, cần được duy trì hoạt động, trong đó có các cơ quan dịch vụ công thiết yếu. Tôi xin nhắc lại là ở đây chúng ta nói đến chuyện mỗi người chỉ bị cắt điện 2 giờ. Cảnh sát, bệnh viện, lính cứu hỏa và các cơ sở chăm sóc y tế, các cơ sở dịch vụ công dĩ nhiên là nằm trong số các đơn vị hoạt động công ích và được bảo đảm hoạt động bất kể điều gì xảy ra ».

Thủ tướng Borne đã gửi văn bản cho các tỉnh trưởng về việc chuẩn bị tổ chức, bảo đảm an toàn cho tài sản và con người ở các địa phương nếu phải cắt điện. Theo thông báo của chính phủ, về nguyên tắc, nếu điện bị cắt thì việc này chỉ diễn ra trong giờ cao điểm các ngày trong tuần, trong khoảng từ 8 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ vì vào những ngày này nhu cầu tiêu thụ điện không cao. Việc cắt điện chỉ diễn ra theo các khu vực nhỏ chứ không ở cả một tỉnh hay trong cả một vùng.

Trừ các vùng lãnh thổ hải ngoại, một địa phương duy nhất ở Pháp lục địa không bị cắt điện là đảo Corse, vì đảo Corse của Pháp có mạng lưới điện riêng, không kết nối với lưới điện của Pháp lục địa mà hòa vào lưới điện của nước Ý cách đó không xa. Tổng cộng có khoảng 14.000 cơ sở được xác định là các cơ sở « được bảo vệ », « được ưu tiên » cấp điện liên tục. Do mang tính chiến lược, nhạy cảm, nên ngoài các sở cảnh sát, hiến binh, bệnh viện (cả công và tư), trung tâm cứu hộ cứu hỏa, danh sách cụ thể các cơ sở này, bao gồm cả các cơ sở sản xuất nhạy cảm, được giữ bí mật để bảo đảm an toàn. Các hộ gia đình sống gần những cơ sở được ưu tiên cũng sẽ không bị cúp điện.

France Info trích dẫn số liệu của chính phủ, theo đó 60% dân Pháp sẽ chịu cảnh cắt điện luân phiên. Vì các cơ sở ưu tiên tập trung đông hơn ở khu vực thành thị, nên vùng nông thôn sẽ là khu vực dễ bị cắt điện nhất. Để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân đang được điều trị tại nhà, nhất là bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ của các loại máy móc chạy bằng điện, chẳng hạn máy trợ thở, chính phủ yêu cầu các các cơ quan chức năng phải bảo đảm liên lạc với những người này (chưa đến 5.000 người trên toàn quốc) để thông báo cho họ về ngày giờ cúp điện, cấp điện dự phòng đủ dùng cho họ, hoặc chuyển các bệnh nhân này đến nơi an toàn và có điện.

Công tác chuẩn bị cho kịch bản cúp điện theo khu vực thực ra đã được chính phủ Pháp và ngành điện phối hợp chuẩn bị từ đầu năm. Ngày 09/12, công ty điện Enedis và RTE, nhà điều hành mạng lưới điện và truyền tải, phân phối điện của Pháp, sẽ thử nghiệm cắt điện luân phiên trong 3 ngày. Hiện giờ, vẫn còn một vấn đề khó chưa có đáp án thỏa đáng, đó việc gọi điện đến các số điện thoại khẩn cấp như 15 (cấp cứu), 17 (cảnh sát), 18 (cứu hộ) … , bởi mất điện thì các tổng đài này cũng không hoạt động được. Số duy nhất chính phủ khuyến cáo người dân sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là số 112 : số điện thoại khẩn cấp duy nhất quy mô toàn châu Âu. Tuy nhiên, nguy cơ là đường dây sẽ quá tải.

Ứng dụng « Dự báo điện » EcoWatt

Để người dân nắm được thông tin cắt điện tại khu vực sinh sống, chính phủ khuyến cáo mọi người truy cập vào trang web « dự báo điện » EcoWatt và theo dõi tình hình qua 3 mã màu « xanh - cam - đỏ » hoặc tải ứng dụng EcoWatt về smartphone. Trên đài France Info, bộ trưởng Stanislas Guerini, bộ trưởng bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp, « lên dây cót tinh thần » cho dân chúng :

 « Khi chúng ta trong tình trạng báo động EcoWatt đỏ, sau đó 3 ngày thì có thể xảy ra ngắt điện theo khu vực. Tôi khuyên tất cả các quý vị nên tải ứng dụng Ecowatt về điện thoại di động. Chẳng hạn, quý vị thấy đấy, 4 ngày tới đều là màu xanh, tức là tạm thời mạng lưới điện của chúng ta sẽ không có vấn đề gì. Còn nếu ứng dụng EcoWatt trên điện thoại quý vị hiện lên màu đỏ, thì có một thông điệp rất quan trọng gửi đến quý vị là chúng ta vẫn còn có giải pháp để thay đổi tình thế : Đó là, cùng nhau, chúng ta hãy tiêu dùng điện sao cho thật điều độ, nếu làm được như thế, 3 ngày sau chúng ta sẽ không bị cắt điện. Tôi nghĩ rằng điều đó là cực kỳ quan trọng. Tôi nghĩ rằng người dân Pháp cần được được trấn an, quý vị cần biết là chính phủ đang chuẩn bị mọi khả năng, nhưng mối ưu tiên trong số mọi ưu tiên là không để điện bị cúp ».

Cũng như nhiều nước châu Âu, nước Pháp đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa từng có kể từ những năm 1970. Về lý do Pháp thiếu điện, bộ trưởng Stanislas Guerinigiải thích thêm :

« Chúng ta đang ở trong một tình thế rất đặc biệt. Toàn bộ thị trường năng lượng châu Âu đều đang trong tình trạng căng thẳng. Khả năng nhập khẩu điện của chúng ta bị hạn chế, ngay cả khi chúng ta đã ký các thỏa thuận với các nước láng giềng châu Âu. Nhưng cũng đúng là do chúng ta gặp khó khăn trong sản xuất điện, nhất là liên quan đến khả năng sản xuất hết công suất của các nhà máy điện hạt nhân. Quả thực hiện nay khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện hạt nhân đã kém đi vì các lý do công nghiệp, do cả các cuộc đình công trong các nhà máy. Có những nhà máy đang phải sửa chữa, bảo trì, đương nhiên là để bảo đảm an toàn cho người dân Pháp. Đó là một ưu tiên tuyệt đối. Tất cả những điều đó đã làm thay đổi tình hình.

Chúng tôi dự trù sẽ cho cắt điện trong trường hợp nhiệt độ xuống rất thấp, thời tiết cực kỳ lạnh, nhiệt độ thấp hơn ngưỡng thường lệ của mùa đông, những khó khăn trong sản xuất điện và những khó khăn, hay hạn chế khi nhập khẩu điện. Tất cả những yếu tố đó sẽ có nhiều khả năng xảy ra trong tháng Giêng tới đây hơn (so với hiện tại). ». 

Tại Pháp, điện hạt nhân chiếm tới 70% sản lượng điện của cả nước. Thế nhưng, vào tháng 09/2022, chỉ có một nửa trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp còn vận hành, do các lò phản ứng đã bị ăn mòn hoặc do phải được bảo trì. Đứng thứ hai về sản lượng điện là các nhà máy thủy điện (10%). Thế nhưng các nhà máy thủy điện năm nay cũng bảo đảm được 62% sản lượng điện so với hàng năm, do tình trạng hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng kéo dài trong mùa hè vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.