Vào nội dung chính
EURO 2020 - LỊCH SỬ

Cúp Bóng Đá Châu Âu : Một chiếc tủ kính Lịch sử châu Âu đương đại

Trong vòng một tháng, từ ngày 11/6 – 11/7/2021, người hâm mộ bóng đá được thưởng thức những trận cầu sôi động từ các đội bóng châu Âu. Được tổ chức trễ một năm, Euro 2020 còn là dịp để nhìn lại lịch sử của giải, ra đời lần đầu năm 1960, ngay giữa lòng cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Cúp Giải Vô Địch Bóng Đá Châu Âu 2020.
Cúp Giải Vô Địch Bóng Đá Châu Âu 2020. © AFP - JUSTIN TALLIS
Quảng cáo

Khi phía Đông hối thúc thành lập giải Euro

Nhưng có một điều chắc chắn, « nếu như các nước thuộc khối Đông Âu năm xưa không tham gia mùa giải đầu tiên của Cúp Các Quốc Gia Châu Âu, thì cuộc tranh tài này sẽ không có được như ngày nay », ông Philippe Vonnard, sử gia về thể thao, nhà nghiên cứu trường đại học Lausanne khẳng định không chút do dự.

Theo ông, sự ra đời của giải Euro Cup một phần lớn nhờ vào liên đoàn bóng đá các nước khối Đông Âu. Vào giữa những năm 1950, các đội tuyển chỉ có cơ hội chứng tỏ tài nghệ của mình mỗi bốn năm một lần tại Cúp Bóng Đá Thế Giới, phần lớn thời gian còn lại là những trận cầu hữu nghị với các liên đoàn « láng giềng và thân cận ».

Ngay từ những năm 1920, ông Henri Delaunay, tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) đã có ý tưởng thành lập một giải Cúp Bóng Đá Châu Âu. Tuy nhiên, sáng kiến này của ông vấp phải nhiều trở ngại : Sự ra đời của Cúp Bóng Đá Thế Giới và Bùng nổ Đệ Nhị Thế Chiến.

Hòa bình trở lại nhưng châu Âu bị chia rẽ thành hai khối Đông – Tây. Sáng kiến của Henri Delaunay ban đầu bị các nước Tây Âu tìm mọi cách cản trở. Bởi vì, sẽ không có chuyện các nước Tây Âu đến tranh tài với Liên Xô hay các nước Nam Tư cũ, cho dù « giai đoạn này đã thuận lợi hơn nhiều sau cái chết của Stalin năm 1953. Một trận đấu bóng đá, không phải chuyện tầm thường, đó là một cuộc họp mặt chính thức, có những sự trao đổi », sử gia Philippe Vonnard lưu ý.

Nhưng rồi ý tưởng này của ông Delaunay cũng đã thành hiện thực nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước Đông Âu. Bất chấp những khó khăn và sự cách biệt về phương tiện ở cấp độ câu lạc bộ, ba trong số bốn đội tuyển quốc gia đã tham dự vòng chung kết giải đấu đầu tiên năm 1960, đó là các nước Liên Xô, Nam Tư và Tiệp Khắc.

Trong trận chung kết mùa giải Euro Cup đầu tiên năm 1960 tại Pháp, đội tuyển Liên Xô đã đoạt chức vô địch sau khi hạ đội Nam Tư với tỷ số 2-1.
Trong trận chung kết mùa giải Euro Cup đầu tiên năm 1960 tại Pháp, đội tuyển Liên Xô đã đoạt chức vô địch sau khi hạ đội Nam Tư với tỷ số 2-1. (Photo : AFP)

Tây Ban Nha : Gieo nhân nào, hái quả ấy

Ông Guillaume Germain, tác giả tập sách « 1960-2020 : 60 năm Cúp Bóng Đá Châu Âu » cho rằng, điều làm nên sự lý thú cho mùa giải đầu tiên được tổ chức ở Pháp chính là bối cảnh địa chính trị lúc bấy giờ. Tại vòng tứ kết, tướng Franco, khi ấy cầm quyền lãnh đạo tại Tây Ban Nha, đã từ chối để đội tuyển Tây Ban Nha di chuyển đến Liên Xô để tranh vé vào trận chung kết.

Tướng Franco chỉ trích Liên Xô giam giữ nhiều người Tây Ban Nha kể từ khi Chiến Tranh Thế Giới lần 2 kết thúc. Quyết định này đã có một tác động lớn đối với thể thao. Đội tuyển Tây Ban Nha thời đó được cho là có nhiều cơ may đoạt chức vô địch : Real Madrid từng 5 lần vô địch giải Cúp Bóng Đá Các Câu Lạc Bộ Châu Âu, đóng góp nhiều danh thủ tài năng cho đội tuyển quốc gia.

Nhưng quyết định này của Franco đang mang lại cơ hội cho Liên Xô có được chiến thắng trong mùa giải đầu tiên của Euro Cup. Nhà nghiên cứu lịch sử thể thao Philippe Vonnard nhấn mạnh : « Nếu bóng đá có thể là chiếc cầu nối giữa Đông và Tây, thì môn thể thao này lại không thể vượt qua được những bối cảnh địa chính trị căng thẳng. ». Tây Ban Nha bốn năm sau đó đã phục thù thắng Liên Xô với tỷ số 2-1 trong trận chung kết năm 1964.

Nhưng với thắng lợi đầu tiên, Liên Xô đã để lại một dấu ấn đậm trong lịch sử bóng đá châu Âu. « Mỗi chiến thắng đều phản ảnh một quyết tâm củng cố quyền lực hiện hữu và của hai khối, nhất là khối phía Đông. Theo dòng thời gian, Liên Xô là quốc gia ghi dấu ấn cho nền bóng đá châu Âu ngay từ giải Euro Cup đầu tiên », theo như ghi nhận của ông Guillaume Germain. 

Vô địch Cúp Châu Âu năm 1960, á quân năm 1964, 1972 và 1988, Liên Xô đã khẳng định được vị thế là một sức mạnh sống động tại lục địa châu Âu. Nếu sự đối đầu của Liên Xô với mô hình phương Tây đã ảnh hưởng trực tiếp đến những bước khởi đầu của cuộc tranh tài, thì giai đoạn tiếp theo của Cúp Bóng Đá Châu Âu lại được đánh dấu bằng những biểu tượng của chiến tranh lạnh nhiều hơn.

 Cộng hòa Liên bang Đức : Vô địch hòa hoãn

Giải năm 1972 là bước khởi đầu cho sự thống trị của Tây Đức đối với nền bóng đá thế giới. Trước khi đoạt chức Vô địch Bóng đá Thế giới (World Cup) hai năm sau đó, Tây Đức đánh gục Liên Xô trong trận chung kết với tỷ số 3-0. Tuy quan hệ quốc tế không có những tác động địa chính trị lên cuộc tranh tài, nhưng « chính nước Đức, cội nguồn một dạng hòa hoãn, hiển hiện như một quốc gia chiến thắng ».

Từ năm 1969, thủ tướng Tây Đức Willy Brandt phát triển điều gọi là « chính sách hướng Đông - Ostpolitik », mở rộng cánh tay sang khối các nước Đông Âu. Hiệp ước Matxcơva, cho phép bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Tây Đức và Liên Xô, đã có hiệu lực 11 ngày trước khi giải đấu bắt đầu. Trong khi Tây Đức đánh bại Bỉ trong trận bán kết, các cuộc thương lượng với Đông Đức cũng thuận buồm xuôi gió, dẫn đến việc ký kết một hiệp ước cơ bản vài tháng sau đó.

Thế nên, theo cách nhìn của ông Paul Dietschy, tác giả tập sách Lịch sử Bóng đá, thì Cúp Bóng Đá Châu Âu cũng là một không gian đi lại và điều này cho thấy là bức màn sắt ngăn cách Đông-Tây cũng hơi bị thẩm thấu.

Đan Mạch : Bất ngờ của mùa Euro 1992

Sáu tháng trước khi khởi động mùa Cúp Bóng Đá Châu Âu năm 1992 được tổ chức ở Thụy Điển, sự đối đầu về ý thức hệ giữa Đông và Tây đã chấm dứt với sự sụp đổ của Liên Xô. Chiến Tranh Lạnh không còn, mùa giải thứ 9 của Euro Cup chịu nhiều tác động trực tiếp từ cuộc « chấn động » địa chính trị trên trường quốc tế. Đạt đủ điểm, Liên Xô tham dự giải đấu này dưới tên gọi CIS (Commonwealth of Independent States) – Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập.

Nam Tư cũ không tham dự giải đấu. Vài tuần trước khi khai mạc, đội tuyển hay tin đất nước bị loại cuộc chơi vì lý do chiến tranh đang diễn ra ở trong nước. Mặc dù có một dàn cầu thủ xuất sắc (Prosinecki, Savicevic, Suker, Pancev, Mihajlovic…) và được cho là có ưu thế, Nam Tư đành phải nhường vé cho Đan Mạch, vừa được một chiếc vé vớt. Ngoài sự mong đợi, Đan Mạch đã đăng quang khi thắng áp đảo Đức với tỷ số 2-0.

Nhà sử học Guillaume Germain nhận xét, « lần đầu tiên, một đội tuyển chẳng được kỳ vọng đã gây bất ngờ và khẳng định vị thế. Đây chính là phần thưởng cho sự xứng đáng : Một quốc gia nếu muốn vẫn có thể thành công vượt qua. Với sự phân mảnh của châu lục, sự phát triển của ngành giải trí và kinh doanh đang mang lại nhiều điều kiện cho một giải Euro mới. »

Kết quả là, một Cúp Bóng Đá Châu Âu ngày nay đã được mở rộng và phiên bản năm 1996 lần đầu tiên quy tụ đến 16 đội tranh tài cho vòng chung kết.

(Theo franceinfotv)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.