Vào nội dung chính
THỂ THAO - ĐIỀN KINH

Usain Bolt từ giã đường đua, Gatlin nối ngôi gây nghi ngại

Tối ngày 5/08/2017, cả thế giới hâm mộ thể thao hướng về sân vận động Olympic Luân Đôn, nơi đang diễn ra giải Vô địch điền kinh thế giới 2017, để theo dõi một trong những cuộc so tài cuối cùng trên đường đua 100 m của Usain Bolt. « Tia chớp » Jamaica, người chạy nhanh nhất hành tinh trong suốt cả thập kỷ qua, đã không thành công ở cuộc đua, nhưng để lại nỗi xúc động và ngưỡng mộ còn nguyên vẹn của người hâm mộ.

Sau khi về đích đầu tiên ở cự ly 100 m hôm 05/08/2017 tại Luân Đôn, vận động viên Mỹ Justin Gatlin (T) quỳ gối bày tỏ ngưỡng mộ trước Usain Bolt
Sau khi về đích đầu tiên ở cự ly 100 m hôm 05/08/2017 tại Luân Đôn, vận động viên Mỹ Justin Gatlin (T) quỳ gối bày tỏ ngưỡng mộ trước Usain Bolt REUTERS/Phil Noble
Quảng cáo

Trên sân vận động Olympic Luân Đôn tối thứ Bảy, tất cả người hâm mộ đã đón đợi một cái kết hào hùng cho « ông Hoàng » trên đường đua nước rút 100 mét. Thế nhưng, siêu sao điền kinh Usain Bolt đã lỡ cơ hội để có thể giã từ sự nghiệp đỉnh cao bằng một chiến thắng và đành hài lòng với tấm huy chương đồng sau thành tích 9’’95. Vận động viên Mỹ Justin Gatlin, 35 tuổi trở thành nhà vô địch thế giới mới với thành tích 9’’92.

Thế nhưng Gatlin đăng quang ngôi vương thay thế Bolt trong tiếng la ó của khán giả trên khán đài sân vận động. Lý do là người hạ bệ tượng đài điền kinh của họ có một quá khứ thể thao không được sạch cho lắm, từng bị treo thi đấu 4 năm vì doping.

Vận động viên người Jamaica, 30 tuổi, đã đi vào huyền thoại của làng điền kinh thế giới không chỉ vì suốt 9 năm vừa qua, anh luôn là người chiến thắng ở tất cả các cuộc đua lớn của thế giới ở cự ly ngắn mà còn bởi anh có một lý lịch thể thao không tỳ vết, một hình ảnh thân thiện đáng tin.

Được phát hiện từ Thế vận hội mùa hè Olympic Bắc Kinh 2008, từ đó cho đến trước giải Vô địch điền kinh thế giới tại Luân Đôn, sự nghiệp thi đấu của Usain Bolt là một chuỗi nối tiếp nhau những huy chương vàng, những kỷ lục, tự lập nên rồi tự phá.

Ngoại trừ một lần bị loại ở giải Vô địch thế giới năm 2011 ở Daegu (Hàn Quốc) do xuất phát phạm luật, Usain Bolt đã 7 lần phá kỷ lục thế giới ở các cự ly thi đấu 100m, 200m, tiếp sức 4x100m. Usain Bolt đã có bộ sưu tập 8 huy chương vàng Olympic, 11 huy chương vàng giải vô địch thế giới ở tất cả các cự ly ngắn.

Usain Bolt hiện là người giữ kỷ lục 9’’58 ở cự ly 100m và 19’’19 ở cự ly 200m. Vận động viên Jamaica chỉ một lần duy nhất bỏ lỡ huy chương vàng, đó là tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, ở môn thi tiếp sức 4X100m, khi người đồng đội Nesta Carter của anh dính doping.

Ở đấu trường Olympic môn điền kinh, tia chớp Jamaica chỉ xếp sau hai người khổng lồ đó là Paavo Nurmi, vận động viên điền kinh của Phần Lan ở những năm 1920 và Carl Lewis, nhà vô địch Mỹ ở các môn chạy nước rút, nhảy cao, nhảy xa, trong thập niên cuối thế kỷ 20.

Ngoài thành tích phi thường của một vận động viên chạy được mệnh danh là « người siêu thanh » này, người ta còn thấy ở Usain Bolt một con người dễ mến. Anh luôn xuất hiện trước công chúng như một ngôi sao nhạc rock . Sức cuốn hút người hâm một của Bolt là phong thái thoải mái, nụ cười hồn nhiên chân thật và những động tác ngẫu hứng vui nhộn ở các sự kiện cũng như trước lúc thi đấu đầy căng thẳng.

Ngay sau cuộc đua 100 m cuối cùng hôm thứ Bảy, dù buồn nhưng Bolt vẫn nở nụ cười quen thuộc như những lần chiến thắng, thoải mái chụp hình selfi với khán giả. Phủ quốc kỳ lên vai, anh làm động tác mô phỏng tia chớp quen thuộc khiến cả sân vận động Luân Đôn phát cuồng vì vui sướng.

Trước khi rời hẳn đường đua sau gần chục năm độc chiếm, ngày 12/08 tới đây, Usain Bolt còn một cuộc thử sức nữa ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m. Cũng như người hâm mộ điền kinh, Bolt hy vọng buổi chia tay thực sự đó sẽ kết thúc bằng một chiến thắng xứng tầm của một huyền thoại.

Những hoài nghi đối với người kế vị Usain Bolt

Thất bại của Usain Bolt trước Gatlin hôm thứ Bảy vừa qua tại Luân Đôn không như mong đợi nhưng càng làm cho công chúng ngưỡng mộ thần tượng của họ nhiều hơn. Usain Bolt để lại một khoảng trống khó có thể lấp được trong làng điền kinh thế giới, nhất là khi bộ môn thể thao cơ bản của đấu trường Olympic này đang bị bủa vây bởi những ngờ vực, bê bối, khiến cho hình ảnh đang bị xuống thấp.

Usain Bolt từ giã đường đua, thế giới điền kinh đã có nhà vô địch mới là Justin Gatlin, nhưng không ít người đặt câu hỏi, việc một vận động viên từng có quá khứ vấy bẩn vì doping như Gatlin đăng quang có phải là một tai họa cho điền kinh ?

Trước khi truất ngôi của ông hoàng điền kinh Usain Bolt ở cự ly 100 m, Justin Gatlin, từng bị treo thi đấu vì doping từ 2006 đến 2010. Chiến công của Gatlin tại Luân Đôn chẳng những không gây được cơn sốt mà lại là gáo nước lạnh đối với giới điền kinh, đang trong nỗ lực đánh bóng lại hình ảnh của một môn thể thao bị vấy bẩn bởi những vụ bê bối gian lận.

Những tiếng la ó của khán giả trên sân vận động Luân Đôn khi vận động viên Mỹ, 35 tuổi, đăng quang ngôi vô địch thế giới là một minh chứng cho tâm trạng chung đó.

Usain Bolt không thể mãi chiếm giữ đỉnh cao, nhưng người hâm mộ và giới chuyên môn hy vọng sự ra đi của anh sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho điền kinh, kỷ nguyên của một thế hệ mới, sạch sẽ, không có tì vết gian lận nào. Thế nhưng, cuối cùng người kế vị ông hoàng Usain Bolt lại là một gương mặt gắn với những thời điểm đen tối nhất của môn thể thao này.

Trong khi mà bộ môn điền kinh vẫn còn chưa giải quyết hết hậu quả của bản báo cáo nổi tiếng McLaren, phát giác ra cả một hệ thống dùng doping được tổ chức và chỉ đạo ở cấp chính phủ ở Nga. Vụ việc này đã khiến toàn bộ vận động viên điền kinh nước này bị Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế ( IAAF) cấm thi đấu hồi tháng 11/2015, thì việc một vận động viên đã nhúng chàm như Gatlin nối ngôi Usain Bolt quả là một hình ảnh không thật thuyết phục cho môn thể thao Olympic hàng đầu này.

Hôm Chủ nhật, phát biểu trước truyền thông Anh Quốc, chủ tịch IAAF Sebastian Coe đã nói thẳng ra rằng việc vận động viên Mỹ này đăng quang ngôi vô địch không phải là một « kịch bản lý tưởng » và ông vẫn nhắc lại ý muốn treo thi đấu vĩnh viễn với các vận động viên bị phát hiện dùng doping.

Căng thẳng có thể thấy ở trong cuộc họp báo sau khi đăng quang ngôi vô địch thế giới lần thứ 2 của Gatlin, người mà báo chí thể thao đã gắn cho biệt danh « chàng trai xấu – Bad boy ». Các nhà báo đã dành khá nhiều thời gian quay quanh các câu hỏi về doping khiến cho vận động viên Mỹ không khỏi bực mình.

Bầu không khí đón nhà tân vô địch thế giới người Mỹ tại Luân Đôn chứng tỏ điền kinh thế giới vẫn chưa xua tan được đám mây doping. Ông Guy Ontanon, huấn luyện viên chuyên về chạy nước rút bình luận với AFP rằng, không phải người ta trách cứ cá nhân Gatlin mà là trách các định chế quản lý thể thao như Ủy Ban Olympic Quốc Tế và Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế. Chính các tổ chức này, với những quy định lỏng lẻo, đã giúp cho những người gian lận có thể tiếp tục giành chiến thắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.