Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Làn sóng ''manfra'', truyện tranh Nhật theo kiểu Pháp

Vào những năm 1990, có cả một thế hệ độc giả khám phá game video, phim hoạt hình cũng như truyện tranh manga của Nhật Bản. Đến khi họ lớn lên, nhiều họa sĩ trẻ thuộc thế hệ này chẳng những vẫn ghiền đọc manga mà còn tự tay tạo ra một phong trào mới tên là ''manfra'', truyện manga theo kiểu Pháp. Trào lưu này thu hút sự chú ý của công chúng nhân kỳ Liên hoan quốc tế về truyện tranh Angoulême lần thứ 50 vừa qua.

Du khách tại Manga City nhân Triển lãm truyện tranh quốc tế Angouleme lần thứ 50, Angouleme, miền tây nước Pháp, ngày 27/01/2023.
Du khách tại Manga City nhân Triển lãm truyện tranh quốc tế Angouleme lần thứ 50, Angouleme, miền tây nước Pháp, ngày 27/01/2023. AFP - YOHAN BONNET
Quảng cáo

Nước Pháp là thị trường bán nhiều truyện tranh manga nhất trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Theo khảo sát gần đây nhất của Viện nghiên cứu thị trường GfK, trong năm 2022, đã có hơn 48 triệu quyển manga, trong số 87 triệu cuốn truyện tranh đủ loại, được mua tại Pháp. Tựa sách best seller tại Pháp trong năm qua với hơn nửa triệu bản chính là tập truyện tranh ''Le monde sans fin'' (Thế giới bất tận) của hai tác giả Pháp Christophe Blain và Jean-Marc Jancovici. Có thể nói, tại các hiệu sách hay trong các thư viện, truyện manga ngày càng chiếm một vị trí quan trọng.

Nhìn chung doanh thu của toàn ngành xuất bản Pháp lên tới 4,3 tỷ euro, trong đó ngành truyện tranh chiếm tới 25,2%. Ngay cả trong mùa dịch Covid, ngành truyện tranh vẫn duy trì đều đặn tỷ lệ tăng trưởng. Theo dự phóng của Viện GfK, đà thành công này sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm tới, truyện tranh thu hút một lượng độc giả trẻ tuổi hùng hậu, đông đảo. Có mới hay chăng là các tác giả người Pháp, dựa vào sự hưởng ứng nhiệt tình này để tạo ra các bộ truyện tranh mới, theo góc nhìn của họ.

Nhu cầu đọc truyện tranh nguyên tác ngày càng cao  

Truyện tranh manfra là chữ ghép gồm hai từ manga/truyện tranh của Nhật và français/người Pháp. Theo mạng thông tin ActuaLitté, chuyên về ngành xuất bản sách, trong cách vẽ cũng như trong lối dựng kịch bản, truyện manfra vẫn giống như các quyển manga của Nhật Bản, nét khác biệt chủ yếu nằm ở trong cách khai thác chủ đề và tâm lý nhân vật. Các nhân vật chính được xây dựng theo nhãn quan của các tác giả Pháp và như vậy có một sự khác biệt nổi bật trong văn hóa ứng xử cũng như tính khôi hài.

Truyện manfra thật ra không phải là mới lạ ở Pháp. Trào lưu này đã xuất hiện cách đây hai thập niên, nhưng vào thời ấy, các nhà xuất bản Pháp đã không biết nắm bắt cơ hội để tận dụng khai thác phong trào này. Từ khoảng vài năm gần đây, làn sóng manfra ngày càng trở nên quan trọng hơn, sự hưởng ứng đông đảo của nhiều độc giả ở Pháp đã thúc đẩy các nhà xuất bản cho ra mắt nhiều bộ truyện sáng tác theo kiểu Pháp hầu đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Đó là trường hợp của tác giả Guillaume Dorison, với bút danh là Izu, đến từ ngành thiết kế game video. Kể từ năm 2006, anh cho ra mắt tủ truyện Shogun, chuyên khai thác các bộ truyện manga nguyên tác, khác với các tác giả cùng thời chủ yếu phóng tác các bộ truyện sẵn có, dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Pháp. Tác giả Guillaume Dorison vừa phát hành tập nhì của bộ truyện manfra "Talento Seven" vào cuối năm 2022. Theo anh, cách đây một thập niên, đã có khá nhiều tác giả và họa sĩ vẽ manga ở Pháp, nhưng sáng tác truyện mà không có thù lao cũng như chẳng được ai đọc, quả thật là các tác giả không có đất dụng võ, tài năng của họ không thể nào vươn cao, bay xa. Thời nay, các nhà xuất bản cởi mở hơn nhiều so với 20 năm trước, khi họ thấy rằng thể loại này ngày càng hút khách và các tựa manga nguyên tác thường được bán chạy.

Truyện manga của Pháp nay lại xuất khẩu sang Nhật

Vạn sự khởi đầu nan. Vào những năm 2000, các tác giả Pháp chẳng những khó tìm ra một nhà xuất bản, mà còn gặp phải sự chỉ trích của các độc giả manga thuần túy. Họ rất hâm mộ manga Nhật Bản và không chấp nhận việc một tác giả Pháp như Reno Lemaire ra mắt bộ truyện manga theo kiểu Pháp ''Dreamland'' vào năm 2006. Đối với thành phần độc giả này, manga là của Nhật, không cớ gì mà phải Tây hóa. Tình hình giờ đây đã thay đổi theo đà phát triển của ngành công nghệ internet, ngoài manga còn có webtoon. Theo anh Romain Lemaire, tác giả của bộ truyện manga tiếng Pháp ''Everdark'', vào năm 2023, thị hiếu của thế hệ bạn đọc trở nên thông thoáng, đa dạng hơn. Nhiều độc giả đã quá quen thuộc với manga Nhật Bản, giờ đây đi tìm một số tác phẩm có gì đó khác biệt, điều này đã giúp tạo ra ''trường phái'' sáng tạo manfra theo kiểu Pháp.

Về điểm này, có thể xem các tác phẩm Pháp như "Radiant", "Dreamland" hay "Everdark" là những trường hợp may mắn nhất. Các quyển manfra sau khi thành công tại Pháp, có thêm cơ hội chinh phục các độc giả ở nước ngoài. Trong số các truyện manfra đem lại nhiều lợi nhuận, có tác phẩm ''Radiant'' của tác giả Tony Valente. Sau khi ăn khách tại Nhật Bản và tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, bộ truyện này đã được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ thành phim hoạt hình tiếng Nhật vào năm 2018. 

Đây là một thắng lợi bất ngờ đối với tác giả Pháp sinh trưởng ở thành phố Toulouse. Theo Tony Valente, tác phẩm của anh đã xuất hiện đúng thời điểm, nhờ vậy mà bén duyên với bạn đọc. Tuy là tác phẩm Pháp, nhưng "Radiant" lại được khen là giống như manga, có nội dung dễ tiếp cận và gần gũi với độc giả Nhật Bản. Có lẽ cũng vì lý do này mà một tập truyện Pháp khác ''Dreamland'' của họa sĩ Reno Lemaire cũng sẽ được chuyển thể thành loạt phim hoạt hình, các tập đầu tiên dự trù được phát hành vào cuối năm 2023.

Manfra : Sáng tạo thông thoáng hơn so với truyền thống

Hầu hết các tác giả Pháp đều đã chọn việc sáng tác manfra, bởi vì họ lớn lên trong một môi trường thuận lợi, thấm nhuần văn hóa Nhật Bản qua manga và phim hoạt hình. Đến khi nghĩ tới việc sáng tác truyện theo ý mình, họ tìm thấy trong thể loại manga nhiều tự do hơn là trong lãnh vực vẽ truyện tranh theo truyền thống châu Âu (chủ yếu là Pháp và Bỉ). Trong mắt các tác giả Pháp, thể loại manga không bị giới hạn về số trang (trong khi truyện tranh của Pháp tính trung bình có khoảng 50 trang). Truyện manfra có thể trải dài trên rất nhiều tập, do vậy nhịp điệu, lối dẫn dắt, cách dựng truyện cũng như tần suất phát hành cũng khác hẳn đi. Yếu tố này giúp cho các tác giả Pháp tạo ra nhiều tuyến phụ, dùng quan hệ tương tác với các nhân vật khác để tạo thêm chiều sâu cho nhân vật chính.

Cũng như phim ảnh, truyện tranh manga/manfra cũng có rất nhiều thể loại : phiêu lưu, hài hước, triết học, tình cảm, tâm lý, kinh dị, kỳ ảo, khoa học viễn tưởng… và đôi khi có thể dung hòa cùng lúc nhiều thể loại với nhau. Có những bộ truyện đơn thuần đọc để giải trí, nhưng cũng có nhiều tác phẩm với nhiều tầng khác nhau, mang tính ngụ ngôn, đậm chất nhân văn và như vậy đọc truyện tranh không còn đơn thuần để giải trí, mà là để hiểu bằng cách nào các tác giả phản ánh quan hệ trong xã hội, cũng như minh họa thế giới mà họ đang sống. Về điểm này, manga/manfra rất gần với nghệ thuật thứ bảy, trong cách diễn đạt nội dung, cũng như tận dụng ngôn ngữ hình ảnh. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.