Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Khi tập đoàn Pháp Pernod Ricard tăng sản xuất rượu whisky

Nhắc tới Pernod Ricard, thực khách thường nghĩ tới ngay hai hiệu rượu mùi lâu đời của Pháp : loại pastis màu vàng khi pha loãng với nước, có hương vị đậm nồng của hoa hồi, thảo quả, hạt ngò hay thì là. Theo đà toàn cầu hóa hiện nay, tập đoàn Pháp Pernod Ricard ít còn chế biến rượu mùi pastis, mà chủ yếu sản xuất rượu whisky. Nhưng vì sao rượu whisky lại trở thành mặt hàng chủ lực của Pernod Ricard ?

Các loại rượu do công ty Pernod Ricard phân phối. Ảnh chụp ngày 28/07/2005 tại Caea, Pháp.
Các loại rượu do công ty Pernod Ricard phân phối. Ảnh chụp ngày 28/07/2005 tại Caea, Pháp. AFP - MYCHELE DANIAU
Quảng cáo

Theo tờ báo kinh tế Les Échos, rượu whisky hiện chiếm đến 45% doanh thu hàng năm của tập đoàn Pernod Ricard, tức 4,8 tỷ euro trên tổng số 10,7 tỷ euro doanh thu. Tập đoàn Pháp vốn có nhiều tham vọng phát triển thêm lãnh vực này, tiếp tục đầu tư mạnh vào các xưởng chưng cất rượu, kể cả việc khuếch trương cơ sở hoạt động nhằm nâng cao sản lượng như trường hợp của Ấn Độ, hay xây dựng nhà máy mới ở nước ngoài với hệ thống sản xuất hiện đại, tiêu biểu qua ba dự án tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ai Len. 

Cách đây gần một thế kỷ, khi ông Paul Ricard thành lập công ty (vào năm 1932) kinh doanh hiệu rượu mùi pastis, ông không ngờ rằng công ty gia đình Ricard sau đó lại trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới. Thật vậy, thành công ngoạn mục của Ricard đã kéo theo hàng loạt thương hiệu cùng khai thác một dòng sản phẩm như Pernod, Bardouin, Duval hay Creissauds … Khi được sáp nhập vào năm 1975, hai công ty Pháp Pernod Ricard trở thành tập đoàn lớn hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau tập đoàn Anh Diageo (với 24 tỷ euro doanh thu) có trụ sở tại Luân Đôn. 

Rượu whisky, mặt hàng chủ lực của Pernod Ricard

Giám đốc điều hành tập đoàn Pernod Ricard hiện giờ là ông Alexandre Ricard (sinh năm 1972), cháu nội của nhà sáng lập Paul Ricard. Tuy nhiên, thế mạnh thời nay của tập đoàn này không còn là rượu mùi pastis Ricard, mà lại là rượu whisky, loại rượu màu nâu, đôi khi có mùi hun khói, pha hương vị gỗ sồi hay hạt dẻ nướng. Thực tế cho thấy là theo thời gian, tập đoàn Pernod Ricard đã mở hàng loạt chi nhánh quốc tế, tăng gấp đôi doanh thu trong một thập niên qua nhờ chinh phục được nhiều thị trường quan trọng, mua lại các thương hiệu có uy tín và chất lượng, rồi nâng tầm phân phối, từ cấp quốc gia lên hàng quốc tế. 

Theo báo Les Échos, điều đó giải thích vì sao trong danh mục phong phú gồm hơn 240 sản phẩm của tập đoàn Pháp, hiện chỉ có 6 loại rượu mùi, trong khi Pernod Ricard lại nắm giữ hơn 50 nhãn hiệu whisky đủ loại, từ scotch hay bourbon cho đến nhiều loại whisky chưng cất thủ công, pha trộn mùi cỏ khô với hương thơm của hạnh nhân, hồ đào hay đậu phộng... Trong số các hiệu nổi tiếng nhất có whisky Ballantine's, Aberlour hay Chivas Regal của Scotland, rượu whiskey Jameson hay Powers của Ai Len, hiệu Lot N.40 của Canada, Jefferson's bourbon và TX whiskey (Texas) của Mỹ. Tập đoàn Pháp cũng phân phối tại châu Âu hiệu Fuji, loại whisky xuất khẩu của tập đoàn Kirin của Nhật Bản. 

Dù muốn hay không, Pernod Ricard phải bắt nhịp các trào lưu quốc tế. Thông qua các mạng xã hội, thực khách ngày càng uống nhiều bia hơn rượu vang, trong cocktail rượu mùi nhường chỗ lại cho các loại rượu mạnh, dùng nguyên chất hay để pha chế. Theo báo Les Échos, kết quả là whisky nói chung chiếm một phần ba (32%) tổng sản lượng trong ngành rượu mạnh, whisky cũng trở thành loại rượu bán chạy nhất thế giới, khi chiếm tới gần 40% doanh thu trên toàn cầu. 

Còn tại Pháp, các nhà sản xuất vẫn duy trì truyền thống làm rượu vang, chế biến champagne cũng như chưng cất cognac. Về điểm này, Pernod Ricard kinh doanh hiệu Martell có từ năm 1715 và nhất là hiệu Augier, được xem là hiệu cognac lâu đời nhất của Pháp, do được thành lập cách nay gần 4 thế kỷ (vào năm 1643). Thế nhưng, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thích uống bia hơn rượu xang, và whisky trở nên phổ biến do hợp hơn với khẩu vị của thực khách so với các loại rượu manh khác, các nhà sản xuất Pháp buộc phải thích nghi với tình huống, lao vào sản xuất whisky ngay tại Pháp như Ergaster ở vùng Picardie, Mavela trên đảo Corse, Celtic Whisky thuộc vùng Bretagne, Château du Breuil tại vùng Calvados hay Durance ở miền Provence…

Một tỷ đô la đầu tư hầu tăng gấp đôi sản lượng 

Về phần mình, tập đoàn Pernod Ricard chọn whisky làm trọng tâm trong chiến lược phát triển, mục tiêu là nâng thêm sản lượng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, tập đoàn Pháp lần đầu tiên đã cho xây dựng nhà máy chưng cất rượu whisky ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Với 150 triệu euro vốn đầu tư, nhà máy đã bắt đầu hoạt động kể từ tháng 08/2021, với công suất hàng năm từ một triệu đến một triệu rưỡi lít rượu nguyên chất. 

Trên lãnh vực rượu mạnh, các hoạt động kinh doanh đầu tư thường có một chu kỳ dài hạn, các chai rượu mạnh có thể được bán, sau ba năm chưng cất, nhưng các chai có giá cao nhất thường là từ 10 hoặc 12 năm tuổi trở lên. Điều đó buộc giới chủ nhà máy phải đầu tư vào khâu ''tích trữ''. Về điểm này, Pernod Ricard đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng rượu whiskey hiệu Jameson của mình. Cách đây một thập niên, tập đoàn Pháp đã đầu tư để tăng gấp đôi sản lượng, đạt tới mức hơn 9 triệu thùng whiskey hiệu Jameson vào năm 2020. Trong năm nay, Pernod Ricard lại lên kế hoạch đầu tư với tham vọng tăng nhiều hơn nữa sản lượng, ở mức 20 triệu thùng mỗi năm. Để đặt mục tiêu này, tập đoàn Pháp đã đầu tư 250 triệu euro và việc xây dựng một nhà máy mới ở thị trấn Midleton, nằm gần thành phố Cork, ở phía nam Ai Len. 

Tại bang Kentucky, miền đông nam Hoa Kỳ, tập đoàn Pháp cũng đã đầu tư 250 triệu euro xây dựng một nhà máy hoàn toàn mới để chưng cất rượu bourbon. Hiệu Jefferson's bourbon được sản xuất tại Louisville có nhiều dòng sản phẩm nổi tiếng, chẳng hạn như các chai ''Ocean, Aged at Sea'' là loại bourbon thùng gỗ được cất giữ trong khoan thuyền, neo đậu trên biển. Các sản phẩm đậm ''chất Mỹ'' là những mặt hàng ăn khách xuất khẩu mạnh sang châu Âu. 

Cuối cùng, tại Ấn Độ, tập đoàn Pháp Pernod Ricard đã đạt được nguồn doanh thu đáng kể trong năm 2023, nhờ sản xuất các hiệu whisky dành riêng cho thị trường này. Đó là trường hợp của các hiệu Royal Stag, Imperial Blue và Blenders Pride, với tổng sản lượng 270 triệu chai. Các loại rượu này không dễ xuất khẩu sang các nước khác và được chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng ở Ấn Độ. 

Nhìn chung, từ đây cho đến năm tới, tập đoàn Pháp Pernod Ricard lên kế hoạch chi gần 1 tỷ euro vào việc thiết lập nhiều cơ sở sản xuất mới, một phần quan trọng của nỗ lực đầu tư này chính là để củng cố và phát triển nhều hơn nữa ngành chế biến rượu whisky, trong vòng một thập niên tới. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.