Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Pháp : Hiệu áo quần Venum, nhà cung cấp hàng đầu cho môn võ tổng hợp

Ra đời cách nay ba thập niên, môn võ thuật tổng hợp MMA (mixed martial arts) còn được gọi là võ tự do, kết hợp cùng lúc nhiều kỹ thuật cận chiến như quyền anh, nhu đạo, đô vật, jiu-jitsu, kickboxing… Được cho là quá hung bạo, môn võ tổng hợp chỉ được phép thi đấu ở Pháp từ năm 2020 trở đi. MMA bị cấm phổ biến tại Pháp trong nhiều năm, nhưng hiệu Venum của Pháp lại về đầu trong việc cung cấp áo quần và phụ kiện thể thao cho làng ''võ tự do''.

Ảnh minh họa : Võ sĩ Aljamain Sterling (T) mặc quần hiệu Venum ở Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, ngày 19/08/2023.
Ảnh minh họa : Võ sĩ Aljamain Sterling (T) mặc quần hiệu Venum ở Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, ngày 19/08/2023. Getty Images via AFP - PAUL RUTHERFORD
Quảng cáo

Theo báo kinh tế Les Échos, khi trở thành nhà cung cấp trang thiết bị chính thức cho Giải vô địch Võ Tự do ''Ultimate Fighting Championship'' (UFC), hiệu Venum của Pháp đã tạo cho mình một chỗ đứng quan trọng trong làng thể thao MMA (võ tổng hợp). Ban đầu chỉ là một công ty cỡ nhỏ ở Val de Marne (94), vùng ngoại ô Paris, hiệu Venum sau khi giành được hợp đồng với các nhà tổ chức các giải thi đấu MMA chuyên nghiệp, lại nhân doanh thu lên gần gấp mười lần, chỉ trong vòng một thập niên qua. 

Được hai ông Franck Dupuis và Jean François Bandet thành lập vào năm 2005, thời họ mới tốt nghiệp trường cao đẳng kinh doanh, công ty Venum trong giai đoạn sơ khai là một trang web thương mại điện tử dành cho giới hâm mộ võ thuật. Gợi hứng từ thần tượng điện ảnh Lý Tiểu Long, trang web này được đặt tên là ''Blue Dragon'' và bắt đầu khai thác từ năm 2006 thương hiệu đầu rắn hổ mang phun nọc độc ''Venum''. Áo quần và phụ kiện thể thao ban đầu được nhập khẩu từ Brazil và Châu Á, nhiều năm sau đó mới được sản xuất tại Pháp. 

Cơ hội ngàn vàng : Venum thay thế tập đoàn Reebok 

Hiện giờ, công ty Venum đặt trụ sở hai tầng tại vùng ngoại ô Rungis (Val de Marne). Ở tầng trệt rộng khoảng 1.800 m2, nhà sáng lập Franck Dupuis đã mở một câu lạc bộ với nhiều võ đài và phòng thể dục dành cho các võ sĩ luyện tập, kể cả các vận động viên chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư. Còn nguyên tầng trên là khu vực văn phòng, nơi chủ công ty Franck Dupuis cùng với đội ngũ cộng tác viên làm đủ mọi việc, từ khâu phác họa thiết kế áo quần, cho đến thử nghiệm sản phẩm với mẫu đầu tiên, trước khi đem ra sản xuất đại trà. 

Một khi được làm xong, sản phẩm còn qua khâu tiếp thị, chụp ảnh và thu hình quảng cáo chuyên nghiệp, rồi mới tung ra thị trường. Có thể nói công ty kiểm soát từ đầu đến cuối, hầu hết các sản phẩm mới đều được thử nghiệm với các vận động viên, chuyên tập luyện ở tầng dưới. Sau khi dùng thử xong, các võ sĩ chia sẻ trải nghiệm của họ, hầu giúp cho đội thiết kế tạo ra một sản phẩm ''hoàn chỉnh'', đáp ứng các nhu cầu của giới võ sĩ. 

Cho đến nay, theo báo Les Échos, chiến lược kiểm soát toàn diện đã giúp cho công ty Venum gặt hái khá nhiều thành công. Với các kiểu áo quần được phân phối tại các cửa hàng thể thao chuyên môn như Made4Fighters hay Khun Pon hay thông qua các cửa hàng đa thể thao, mang tính phổ thông đại chúng hơn như Decathlon hay Intersport… công ty Venum với khoảng 80 nhân viên trong vòng 10 năm đã nhân doanh thu lên gấp 8 lần, từ 14 triệu euro năm 2013 lên tới 100 triệu euro hiện thời. Cơ hội ngàn vàng đã đến với Venum cách nay ba năm, khi công ty Pháp nhỏ bé này lại được chọn thay thế cho tập đoàn Reebok, nhằm cung cấp trang thiết bị chính thức cho Ultimate Fighting Championship (UFC), giải thi đấu võ tự do có uy tín nhất thế giới. 

Doanh thu từ 14 triệu lên 100 triệu euro 

Mối quan hệ hợp tác giữa cậu bé tí hon Venum và gã khổng lồ UFC (doanh thu của UFC trong năm 2022 đạt mức 1,2 tỷ đô la) đã khiến cho uy tín của thương hiệu Venum lên như diều gặp gió trong mắt giới hâm mộ MMA, một cộng đồng thành viên đông đảo trên thế giới, chi tiền để xem các trận đấu võ tại các sân vận động, hay qua truyền hình trực tiếp. 

Ultimate Fighting Championship (UFC) hiện là một chi nhánh của tập đoàn Endeavour. Tập đoàn này là một cỗ máy hái ra tiền, tuyển dụng khoảng 650 vận động viên, tham gia hơn 40 cuộc tranh tài hàng năm, với 15 trận võ cho mỗi lần thi đấu. Khi được tổ chức, các giải thi đấu luôn thu hút đông đảo khán giả. Lần cuối cùng là vào mùa thu năm ngoái tại sân vận động có mái che Accor Arena Paris. Cuộc tranh tài lần thứ nhì ''UFC Fighting Night'' một lần nữa đã chật kín khán giả không còn chỗ ngồi, dù rằng giá vé vào cửa thấp nhất là 100 euro, còn hạng vé cao nhất lên đến 1.690 euro. 

Đối với công ty Venum, các giải thi đấu MMA là một tủ kính trưng bày tuyệt vời, một phương tiện quảng cáo ''lý tưởng''. Phần lớn doanh thu của giải vô địch UFC đến từ việc mua quyền phát sóng các trận đấu võ, qua hình thức khán giả trả tiền cho mỗi lần xem (pay per view). Theo báo Les Échos, có khoảng 900 triệu khán giả trên thế giới từng được xem một trận đấu trong khuôn khổ giải UFC. Tại mỗi sự kiện, logo của Venum đều xuất hiện ở khắp nơi, trên các bộ quần thể thao của các võ sĩ, trên đồng phục của đội ngũ chuyên viên kỹ thuật. Kể từ khi hợp tác chính thức với UFC, công ty Venum đã thấy doanh thu tăng vọt. Hiệu áo quần này không chỉ dành riêng cho các võ sĩ MMA, mà còn thu hút đông đảo những người mê xem đấu võ tự do. 

Chinh phục giới trẻ 

Từ năm 2019 cho đến nay, hợp đồng với UFC đã tạo cơ hội cho thương hiệu Venum này đẩy nhanh sự phát triển của mình. Công ty Pháp đã cố gắng tạo ra một thế giới riêng biệt, đặc trưng, với dòng sản phẩm áo quần và phụ kiện với những đường nét và logo có thể nhận ra ngay lập tức. Mỗi năm, Venum cho ra mắt 3 bộ sưu tập, bên cạnh dòng sản phẩm thiết kế riêng và sản xuất riêng cho giải UFC.

Công ty Venum khai thác biểu tượng của sức mạnh ''tự chủ'' những vẫn dũng mãnh, chớp nhoáng, vũ bão thần tốc. Những chiếc áo thun, áo polo, áo khoác, giầy đấm bốc hay quần đùi thể thao thường được minh họa bằng những loài động vật hoang dã, mãnh thú có thật, hay linh vật thần thoại : sư tử, cá sấu, hổ trắng, rồng lửa …. Giá sản phẩm dao động từ 35 euro đến hơn 140 euro cho các kiểu áo quần thể thao. Về phụ kiện, giá đôi găng tay đấm bốc loại rẻ nhất là 50 euro, loại cao cấp lên đến 450 euro một đôi. 

Để tiếp cận giới trẻ, thương hiệu Venum đã hợp tác với các nhà sản xuất trò chơi điện tử. Đặc biệt, công ty Pháp đang phát triển cho tập đoàn Ubisoft nhiều loại mũ nón, áo thun tay dài, hay các kiểu áo hoodie có màu sắc và hình dáng của ''Assassin's Creed'' (Sát thủ bóng đêm), một trong những dòng sản phẩm trò chơi video ăn khách kể từ năm 2007. Công ty Pháp cũng đã tuyển dụng ngôi sao màn bạc người Anh Tom Hardy, từng thành công trong các bộ phim chiến tranh như ''Black Hawk Down'' hay ''Dunkirk''. Còn trong thể loại phim siêu anh hùng, Tom Hardy từng vào vai thủ lĩnh Liên minh bóng đêm Bane, vai phản diện trong phim ''Dark Knight'' (phiên bản Người Dơi Batman của Nolan), hay là ''Venom'' vai tà hắc ám trong loạt phim Spider Man. Với thời gian, Venum nuôi tham vọng duy trì các hoạt động độc lập, một võ sĩ ''nhỏ con'' mà dũng mãnh, không cần thần lực mà vẫn đủ sức quật ngã các gã khổng lồ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.