Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Kinh tế Việt Nam : nhiều nhược điểm cần khắc phục

Trong khi Châu Âu và Hoa Kỳ phải vất vả đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì các quốc gia Châu Á vẫn tăng trưởng mạnh. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Tuần san kinh tế Challenges của Pháp dẫn lại bài « Ngành may mặc Việt Nam tăng trưởng nhẹ » của tờ The Economist cho biết : xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục.

Một công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp xe đạp của Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Hà Nội (09/09/2010)
Một công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp xe đạp của Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Hà Nội (09/09/2010) REUTERS/Kham
Quảng cáo

Trong bảy tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc « made in Vietnam » tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.8 tỷ đô la. Qua đó cho thấy : Nhờ vào nguồn nhân công rẻ, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút giới đầu tư. Sau hàng loạt các vụ đình công, nhiều công ty miền nam Trung Quốc phải tăng lương cho công nhân. Từ đó, giá thành sản xuất tăng lên tính cạnh tranh thì giảm xuống. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn có lợi nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ. Bằng chứng là mức thu nhập của công nhân Việt Nam hiện tại là 84 đô la một tháng, thấp hơn nhiều so so với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.

Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, trong vòng 20 năm, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên 10 lần : năm 1990 là 100 đô la/người/năm, hiện tại con số này là 1000 đô la. Với 86 triệu dân, thị trường Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn.

Thế nhưng, tờ báo cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để nâng cao tính cạnh tranh. Đó là tay nghề công nhân còn thấp, hiệu quả sử dụng nguồn vốn và công nghệ chưa cao, hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ và tệ quan liêu hoành hành. Ngoài ra còn nhiều chính sách không hợp lí khác, như trong việc muốn ưu tiên phát triển các tỉnh nghèo, chính quyền đã cho xây dựng ở Quảng Ngãi một nhà máy lọc dầu ở một khu vực cách xa các giếng dầu và các thành phố công nghiệp.

Tỷ lệ lạm phát ở mức 8.2% cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Dù một vài lĩnh vực, như lĩnh vực ngân hàng, đã được tự do hóa, nhưng hầu hết các tập đoàn vẫn còn là tập đoàn quốc doanh, luôn được ưu đãi tín dụng và được hưởng nhiều thuận lợi nhờ vào các mối quan hệ chính trị. Giới lãnh đạo Việt Nam rất chuộng mô hình tập đoàn liên hiệp theo kiểu Hàn Quốc, nhưng việc áp dụng theo kiểu Việt Nam rõ ràng không mang lại hiệu quả cạnh tranh. Tờ báo kết luận : Việt Nam còn lâu mới đạt được mô hình tập đoàn liên hiệp theo kiểu Hàn Quốc.

Nhựa đang đe dọa Hành tinh xanh

Với bài viết: « Nhựa : kẻ thù thân thiện », tuần san tờ Le Monde giới thiệu kết quả điều tra mang tên « Plastic Planet » của nhà báo Werner Booter thuộc Cộng Hòa Áo về nguy cơ độc hại của nhựa.

Vào mùa xuân năm 1997, trong một chuyến hải hành, Charles Moore vô tình đi ngang qua khu nước xoáy ở phía bắc Thái Bình Dương. Bất chợt, tàu của ông bị vây chặt bởi vô số chai nhựa, đồ chơi trẻ em, bàn chải đánh răng, túi xách, mũ nhựa : đó là khu vực chứa rác khổng lồ ở ngoài khơi Thái Bình Dương. Theo đánh giá của Moore, khu vực này có khoảng 3 triệu tấn rác nhựa. Mùa thu năm 2006, một đoàn của tổ chức Hòa Bình Xanh đã đi kiểm tra thực địa. Ở gần khu vực nước xoáy, ngoài khơi vịnh Hawai, đoàn kiểm tra đã phát hiện vô số rác thải nhựa : chậu hoa, bảng hiệu, võ chai, phao cứu hộ ...

Theo Tổ chức Phi lợi nhuận Oceana, mỗi giờ có khoảng 675 tấn rác được thải xuống biển. Thông thường, nước và tảo sẽ phân hủy các loại rác thải, nhưng trừ rác thải nhựa. Hiện tại, khu trữ rác thải ngoài khơi Thái Bình Dương có diện tích tương đương với Bang Texas, thậm chí bằng với cả khu vực Trung Âu, đến mức người ta đã dặt cho nó biệt danh là « Châu lục thứ sáu ».

Theo các chuyên gia, việc dọn dẹp khu vực rác thải này là khó khả thi do chi phí quá lớn và đòi hỏi sự hợp lực của nhiều quốc gia. Thế nhưng, đâu ai sẵn sàng chia sẻ gánh nặng tài chính khổng lồ như vậy. Rồi còn hàng loạt vấn đề khác đặt ra là : dọn một khối lượng rác lớn như thế đi đâu ? và dùng để làm gì ?

Tờ báo cho hay : Hoa Kỳ tiêu thụ 2.5 triệu chai nhựa mỗi giờ và 25 tỷ tách cà phê nhựa mỗi năm. Mỗi năm họ sản xuất ra 6.8 triệu tấn nhựa, nhưng chỉ có 450 000 tấn là được thiêu hủy hoặc tái tạo. Trên thế giới, mỗi năm con người sản xuất ra 260 triệu tấn nhựa, tương đương với 30 kg/người.

Thêm vào đó là việc có nhiều chất độc hại trong các sản phẩm nhựa. Như chất bisphenol A được dùng trong sản xuất bình sữa trẻ em. Theo một cuộc điều tra của 38 nhà khoa học Mỹ, cùng với 60 cuộc nghiên cứu chuyên ngành khác, chất bisphenol A tan vào trong sữa, xâm nhập vào tuyến giáp và cơ quan sinh dục của các bé. Dẫn chất phtalat cũng hiện diện trong tất cả sản phẩm nhựa PCV. Chất này cũng thâm nhập vào cơ thể, gây hại cho các cơ quan sinh sản, nhất là ở các bé. Còn chất DEHP được dùng trong mỹ phẩm, cũng có thể gây hại cho thai nhi và làm giảm khả năng sinh sản.

Các nghiên cứu cũng cho thấy chất bisphenol A và dẫn chất phtalat khi bị đun nóng hay tiếp xúc với chất tẩy rửa sẽ được giải phóng, có thể làm rối loạn nội tiết và ảnh hưởng xấu đến quá trình tạo tinh trùng và có thể kích thích sự phát triển của bệnh tiểu đường và béo phì. Việc tích tụ lâu ngày các dẫn chất sản xuất nhựa như các hợp chất phun hơi của nước sơn, hay chất bảo quản dùng trong mỹ phẩm, có khả năng làm giảm đến 40% lượng tinh trùng ở đàn ông trong vòng 20 năm.

Nhiều nhà sinh thái đã kêu gọi trở lại sử dụng thủy tinh để sản xuất bao bì thực phẩm và các sản phẩm dành cho trẻ em, thay thế túi nhựa bằng túi giấy tái chế. Trong đó, giải pháp đáng chú ý nhất là dùng « nhựa phân hủy sinh học », làm từ các chất có thể tái tạo, như bắp, mía hoặc từ dầu hỏa.

Thế nhưng ngành « nhựa sinh học » cũng đang đặt ra muôn vàn khó khăn, như việc tìm đất để trồng cây chuyên phục vụ cho việc tạo nhựa sinh học, lượng nước khổng lồ phải sử dụng, việc gây ô nhiễm khi vận chuyển. Đây là những câu hỏi đau đầu và còn cần nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời thích đáng.

Ông Putin muốn tìm một « địa vị lịch sử »

Liên quan đến tình hình chính trị Nga, tờ L’Express có bài phân tích về sự nghiệp chính trị của thủ tướng Putin với nhận định : « Valadimir, người bất khả chiến bại ». 

Mùa hè này ông Putin liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đaị chúng với những hình ảnh gây chú ý trong dư luận: lái trực thăng kiểm tra các vụ cháy rừng, săn cá voi, say sưa ngắm một chú gấu ở khu bảo tồn thiên nhiên vùng Kamtchatka, lái xe thể thao Lada Kalina... Tác giả đặt câu hỏi : Phát đi một loạt hình ảnh như vậy có ích gì cho mục tiêu hiện đại hóa đất nước mà ông Putin vãn thường hô hào ?

Chính trị gia Bismarck của Đức từng nói : « Nguời ta thường có khuynh hướng nói dối cao nhất trong ba trường hợp : Sau khi đi săn, trong chiến tranh và trước khi bầu cử ». Tác giả cho rằng ở đây, ông Putin hội đủ cả ba trường hợp : Yêu thích thiên nhiên hoang dã, là người chịu trách nhiệm trong nhiều chiến dịch quân sự mấy năm qua và cũng đang có khả năng ra tranh cử tổng thống vào năm 2012.

Việc ông Putin ra tranh cử năm 2012 đã làm giới phân tích tốn hao nhiều giấy mực. Theo tác giả, ông Putin ra tranh cử năm 2012 không phải nhằm để kiếm thêm quyền lực, bởi hiện tại ông đã có tất cả, mà là muốn tìm cho mình một « địa vị lịch sử ». Nếu ông đắc cử năm 2012 với nhiệm kỳ 6 năm, sau đó năm 2018 ông có thể đường đường chính chính tái tranh cử lần nữa, và nếu đắc cử ông sẽ lãnh đạo nước Nga đến năm 2024. Cộng thêm hai nhiệm kỳ trước, ông sẽ trở thành nhân vật nắm quyền tối cao ở Nga lâu thứ hai ở Nga, chỉ sau Staline.
Tác giả thừa nhận rằng với chính sách tập trung quyền lực vào tay người đứng đầu nhà nước và quay lưng lại với mô hình mở rộng dân chủ, ông Putin đã thành công trong việc vực dậy nước Nga thời hậu Elsine. Thế nhưng, nếu cứ mãi mê theo đuổi con đường không chấp nhận tiếng nói đối lập này, thì chính phủ sẽ thiếu vắng những thử thách, sự thi đua, năng lực sáng tạo, từ đó viễn cảnh hiện đại hóa đất nước sẽ trở nên xa vời.

Phim châm biếm về tình trạng nông dân tự sát ở Ấn Độ

Với thông tin : « Bộ phim hài châm biếm của Bollywood về vấn nạn nông dân tự sát », tuần báo Le Courrier International giới thiệu về bộ phim Peepli Live vừa ra mắt vào tháng 8 rồi ở Ấn Độ.

Tháng 6 năm 2004, vụ tự sát của 100 nông dân thuộc miền Trung Ấn Độ đã làm cả nước này chấn động. Nguyên nhân được cho là do hậu quả của 5 năm hạn hán mất mùa, sự mất lòng tin vào giới cầm quyền và tình trạng nợ nần chồng chất. Sau đó vài tuần, thủ tướng Manmohan Singh đã đến thăm một số ngôi làng có nhiều người tự sát. Ông quyết định trợ cấp 50 000 roupie (840 euro) cho gia đình mỗi nạn nhân.

Nữ nhà báo Anusha Rizvi, năm ấy 27 tuổi, đã quyết định làm một bộ phim phản ánh mặt trái của sự kiện này, cô cho rằng : « Trong một đất nước mà người ta sẳn sàng bán máu để kiếm được 7 roupie, thì số tiền trợ cấp khổng lồ 50 000 roupie của chính phủ có thể khuyến khích người tuyệt vọng tìm đến cái chết ». Tờ báo thông tin thêm rằng thu nhập thường niên của các hộ nông dân Ấn Độ chỉ ở mức 6 750 roupie (113 euro).

Bộ phim kể về câu chuyện hai anh em nông dân bị nợ nần, sắp bị mất đất. Một chức sắc trong làng đã khuyên một trong hai người họ nên có tự tử để được lãnh tiền trợ cấp của chính phủ. Hai anh em đều « nhường » phần chết cho nhau. Một nhà báo đã đăng tin về câu chuyện. Thế là hai anh em trở nên nổi tiếng, báo đài và chính quyền các cấp đổ xô về nhà họ để tranh thủ tạo hình ảnh từ sự kiện này. Thế là, bỗng nhiên « Vấn đề đói nghèo nông thôn trở thành ưu tiên của chính phủ ».

Tờ báo nhận định ắt hẳn bộ phim này không làm chính phủ hài lòng. Thế nhưng, tác giả bộ phim tâm sự là chỉ muốn phản ánh sự thật chứ không hề có ý phê phán hành động của chính phủ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.