Vào nội dung chính
THÁI LAN

Truyền thông Thái Lan ngày càng bị kiểm soát khắt khe hơn

Trong bản xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới, Thái Lan đứng hàng thứ 153 trên số 178 nước được nghiên cứu,  và đã trở nên quốc gia 'cần theo dõi' trên bình diện tự do báo chí. Báo La Croix nêu tình hình trong bài báo tựa đề ' việc kiểm duyệt truyền thông ngày thêm nghiêm trọng'.

Biểu trưng của Phóng Viên Không Biên Giới -  RSF
Biểu trưng của Phóng Viên Không Biên Giới - RSF RSF
Quảng cáo

Đối với La Croix, quả là theo Phóng Viên Không Biên Giới, Thái Lan không còn là nơi mà quyền tự do ngôn luận không còn được tôn trọng đúng đắn. Đất nước vốn được xem là một nền dân chủ ở Châu Á, bị xếp hàng thứ 153 trên 178 quốc gia nghiên cứu.Trên trang thế giới, nhật báo Pháp ghi nhận tình hình với tựa đề : ''Kiểm duyệt truyền thông ở Thái Lan ngày càng nghiêm trọng hơn'', và tìm hiểu lý do.

Theo thông tín viên La Croix Emmanuelle Michel, vào lúc này, tức là sáu tháng sau các cuộc biểu tình phe Áo Đỏ, truyền thông của phe đối lập vẫn bị khoá miệng. Từ việc in ấn, phát thanh cho đến internet. Theo bài báo, tìm được một nơi in báo, tạp chí của họ là cả một con đưòng khổ ải.

La Croix nêu ví dụ của Somyos Preuksakasemsuk, chủ bút tạp chí Red News, không có cách nào in được tạp chí của ông ở Thái Lan, và đã phải sang  tận Cam Bốt. Lý do là không có một nhà in Thái nào nhận in cả. Chính quyền đã gây sức ép, đe doạ kiểm tra thuế chẳng hạn, cho nên không ai muốn gánh phiền toái vào thân.

In được tạp chí ở Cam Bốt nhưng đưa đến tay độc giả Thái lại là một con đường gian nan khác.

Các đài phát thanh, truyền hình của phe đối lập dĩ nhiên cũng bị kiểm duyệt gay gắt : 47 đài radio điạ phương bị đóng cửa. Một kênh truyền hình đã tìm lối thoát với một trạm tiếp sóng qua vệ tinh.

Mạng internet lại càng bị kiểm duyệt. Theo La Croix hơn 200.000 trang web đã bị xoá từ tháng 3. Chính quyền đã thành lập một nhóm chuyên dò tìm trên mạng những bài phạm tội khi quân, một tội danh bị trừng phạt rất nặng nề ở Thái Lan. Theo Phóng Viên không Biên Giới chính quyền Bangkok đã lạm dụng luật này vì mục tiêu chính trị. Ít nhất là 14 người đã bị bắt vì tội danh phạm thượng.

Theo bài báo những người bảo vệ truyền thông tố cáo chính quyền Thái lạm dụng luật về tin học, được chính quyền cho là để chống lại những mối đe doạ gây mất an ninh. Với danh nghiã này thì chính quyền có thể dễ dàng bắt giam người.

Không chỉ có trang web của những người trong phe đối lập bị phiền hà, mà website thông tin độc lập duy nhất ở Thái Lan, Prachaithai, cũng nằm trong tầm nhắm của chính quyền. Bà Chiranuch Premchaiporn, giám đốc Prachathai đã bị tố cáo phạm tội khi quân từ năm 2008. Tội của bà là đã chậm trễ trong việc rút bỏ các bài mang tính chất chỉ trích hoàng cung, bà có thể bị đến 50 năm tù. Bà đã bị câu lưu lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái, nhưng chỉ bị giam có vài tiếng đồng hồ.

Hiện nay theo bài báo, các phưong tiện truyền thông lớn ở Thái Lan đều áp dụng biện pháp tự kiểm duyệt, cho dù báo chí bắt đầu có nhiều bài viết về phe Áo Đỏ. Thủ tướng Abhisit, theo La Croix đã hứa tổ chức bầu cử trong năm 2011. Nhưng như phân tích của ông Kulachada Chaipipat, thành viên Hiệp Hội Báo Chí Đông Nam Á, ''việc kiẻm duyệt sẽ gắt gao hơn nữa nhân dịp này.''

Trong tình hình trên, Phóng Viên Không Biên Giới đã xếp Thái Lan vào diện quốc gia ''cần theo dõi'' trong báo cáo mới nhất về mạng Internet. Trong bản xếp hạng chung về quyền tự do báo chí, Thái Lan bị xếp thứ 153, tuột mất đến 23 hạng, và giờ đây nằm giữ những quốc gia vốn bị xem là có chế độ độc đoán như Azerbaidjan và Belarus.

Bắc Triều Tiên lại có hành động khiêu khích trên hồ sơ hạt nhân

Cũng trong vùng Châu Á, Le Figaro đã trở lại sự kiện Bình Nhưỡng tiết lộ một cơ sở hạt nhân cực kỳ tối tân, như tờ báo ghi nhận ở trang quốc tế. Washington theo bài báo, đã phản ứng ngay trước hành động mà họ cho là 'khiêu khích'' của Bắc Triều Tiên.

Vụ thông báo về cơ sở mới này lại là qua trung gian của nhà khoa học Mỹ Siegfried Hecker, Đại học Standford, viếng thăm Bắc Triều Tiên. Le Figaro nhìn thấy một sự dàn dựng phô trương từ phiá Bình Nhưỡng và mô tả sự ngạc nhiên của nhà khoa học Mỹ trước cơ sở rất hiện đại.

Chính quyền Mỹ đã xem trọng khám phá mới này, vì nó cho thấy là Bắc Triều Tiên quyết tâm thực hiện chương trình hạt nhân của họ, quyết tâm đọ sức với quốc tế mặc dù đang chuẩn bị cho việc thừa kế quyền lực ở Bình Nhưỡng. Washington đã cử ngay đặc sứ Stephen Bosworth đến Hàn Quốc đang trong tình trạng 'rất lo ngại'. Đặc sứ Mỹ đã đến Seoul hôm qua và sẽ đến Tokyo, Bắc Kinh, để đưa cuộc đàm phán 6 bên ra khỏi vũng lầy.

Trung Quốc phá bỏ tình trạng hưu chiến với Toà Thánh Vatican

Bên cạnh Bắc triều Tiên, Le Figaro còn chú ý đến quan hệ người láng giềng là Trung Quốc đã ''phá vỡ tình trạng hưu chiến với Toà Thánh'', cũng tựa trên trang quốc tế.

Phá vỡ hưu chiến là vì Trung Quốc cuối tuần vừa qua đã tiến hành việc phong giám mục mà không có sự đồng ý của Toà Thánh Vatican. Người được tấn phong là linh mục Quách Kim Tài, giáo phận Thừa Đức, Hà Bắc. Toà Thánh đã cho biết là không công nhận vị giám mục mới.

Theo Le Figaro hành động này của Trung Quốc không khác gì một lời khai chiến. Vatican, theo tờ báo, đã báo trước là việc làm này sẽ tác hại đến quan hệ hai bên. Le Figaro nêu một yếu tố đã làm tăng nỗi bất bình của Toà Thánh đó là các giám mục được Vatican công nhận đã bị buộc dự lễ tấn phong vị giám mục mới.

Tờ báo nhắc lại là nếu không khí giữa Bắc Kinh và Toà Thánh từ năm 1999 đến những năm 2005,2006, có vẻ lắng dịu, thì những năm sau này có vẻ căng thẳng trở lại. Trước đây hai bên đã tìm được phương cách thoả hiệp là những giám mục mà Trung Quốc tấn phong phải có sự chấp nhận của Vatican.

Cho đến nay, theo Le Figaro trên khoảng 50 giám mục Trung Quốc, Vatican chỉ không công nhận có 5 hoặc 6 người mà thôi. Với việc tấn phong linh mục Quách Kim Tài vừa qua, đây là lần đầu tiên từ năm 2006 đến nay mà Bắc Kinh phá vỡ thoả thuận nói trên. Phiá Trung Quốc đã bào chữa là Toà Thánh đã được thông báo về ý muốn tấn phong này từ hai năm qua. Theo Hội Người Công giáo Yêu nước Trung Quốc, thì còn phải tấn phong đến 40 giám mục trong thời gian tới đây.

Quan hệ Nga Trung : Maxkơva ở trong thế yếu

Les Echos hôm nay cũng chú ý đến Trung Quốc nhưng trên bình diện kinh tế, Bắc Kinh gia tăng việc chống lạm phát. Bên cạnh sự kiện này, tờ báo kinh tế còn theo dõi chuyên đi Nga của thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Theo Les Echos thủ tướng Trung Quốc gặp gỡ thủ tướng Nga Vladimir Putin vào hôm nay để thưong lượng giá khí đốt mà Trung Quốc muốn nhập từ Nga. Les Echos nhìn thấy cuộc thuơng lượng về mặt năng lượng này sẽ rất gay go. Trung Quốc đã nói trước là họ muốn giá khí đốt Nga bán cho họ phải thấp hơn giá bán cho Châu Âu. Trong khi đó thì Maxcơva cần tiền để khai thác mỏ mới ở vùng Đông Siberi.

Les Echos điểm lại những thoả thuận trước đây giữa hai bên trên vấn đề năng lượng : Bắc Kinh đã cho hai tập đoàn Nga Rosneft và Transneft vay 25 tỷ đô la, đánh đổi lại tập đoàn dầu lửa Nga ký hợp đồng bảo đảm cung cấp dầu trong 20 năm. Trong lãnh vực than, Bắc kinh đã ký cho vay 6 tỷ đô la để Nga khai thác những mỏ mới và xuất sang Trung Quốc 15 triệu tấn mỗi năm cho đến năm 2015.

Nhân dịp này, Les chos cung nhìn lại quan hệ Nga Trung, mà Nga ở trong thế yếu thấy rõ. Tờ báo trích lời một nhà quan sát phương Tây cho là hiện nay thì Bắc Kinh xem thường Maxcơva, tỏ vẻ 'khinh khi mô hình của Nga để ra khỏi thời kỳ cộng sản'. Vả lại ngoài năng lượng thì Nga không còn gì đê trao đổi với Trung Quốc.

Trên bình diện thương mại, Les Echos công nhận là trao đổi hai bên yếu kém xa so với trao đổi của Bắc Kinh với  Hoa Kỳ hay Châu Âu. Nga chỉ là đối tác thương mại đứng hàng thứ 13 của Trung Quốc.

Thế giới tìm phương cứu loài cọp

Cũng nhìn về Nga, nhưng báo Le Monde chú ý đến hội nghị... bảo vệ loài cọp khai mạc vào hôm qua tại thành phố Saint Petersbourg.

Đại diện 13 quốc gia có loại vật này sinh sống, các nước Châu Á từ Bangladesh Bhutan, Ấn Độ ..cho đến Việt Nam, cùng Nga, ngồi lại tìm biện pháp bảo vệ loài thú đang trên đà tiệt chủng : từ 100.000 con vào đầu thập niên 1900, hiện nay chỉ còn khoảng 3200 con. Riêng tại vùng lưu vực sông Mêkông, năm 1998 còn được 1200 con, nay chỉ còn có 350 con mà thôi.

Hội nghị kéo dài đến ngày 24/11 đươc Le Monde xem là cơ may cuối cùng của loài hổ. Mục tiêu của Hội nghị là làm thể nào tăng lên gắp đôi số hổ hiện nay vào năm 2022, tức là giáp năm Hổ tới.

Theo tờ báo, Nga là nước bảo vệ hổ tốt nhất, là quốc gia duy nhất thành công trong việc tăng số lượng hổ của mình trong những năm qua : từ 100 con trong những năm 1960, số hổ ở Nga đã tăng lên đến 500 hiện nay.
Điều này có lẽ cũng không lạ khi biết rằng đây là con thú mà thủ tướng Putin rất mến chuộng và bảo vệ. Vả lại Hội nghị tổ chức ở Saint Petersbourg được đặt dưới sự chủ toạ của thủ tướng Nga.

Nhưng Le Monde nhắc lại, thành công của hội nghị tùy thuôc vào Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc mê tín cao hổ cốt trong lúc tại Ấn độ, nơi tập trung một nửa số hổ sống hoang dã, thì đây cũng là loài thú được mua với giá rất cao, và là mục tiêu của giới buôn lậu.

Lược nhìn báo chí Pháp hôm nay, có 3 chủ đề thời sự lớn mà báo giới dành tít trang đầu, đó là Ireland sẽ được Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp đỡ, như tờ Les Echos loan báo. Ngoài ra chủ đề lớn khác là quyển sách của Đức Giáo Hoàng sắp ra mắt công chúng, trong đó Đức Thánh cha công nhận sự hữu ích của bao cao su trong một số trường hợp để chống SIDA, Le Figaro xem đây là một ''bước ngoặt lớn'' của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.

Về nước Pháp hồ sơ lớn hôm nay là vụ khủng bố ở Karachi năm 2002, khiến 14 người thiệt mạng trong đó có 11 người Pháp. Hồ sơ này đã khuyấy động chính trường Pháp từ hai ngày qua.

Tờ Le Figaro trên trang nhất hôm nay còn đăng ảnh tươi cười của hoàng tử Anh Quốc William và cô vợ tương lai Kate, và cho biết là dngười dân Anh hiện nay muốn William lên nối ngôi thay vì người cha, là hoàng tử Charles.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.