Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Trung Quốc : Quyền đến trường của trẻ em nhập cư bị đe dọa

Mấy năm gần đây, quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt, chính phủ hình như không ứng phó kịp với những hệ lụy kéo theo từ quá trình đô thị hóa này, nhất là tình trạng người dân nông thôn đổ xô lên thành thị tìm kế sinh nhai. Ở vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, người nhập cư ngày càng đông, cuộc sống của họ rất khó khăn, tương lai con em họ không được đảm bảo, thậm chí còn bị đe dọa.

Những người Trung Quốc từ quê lên lao động tại các đô thị lớn thường xuyên bị kỳ thị.
Những người Trung Quốc từ quê lên lao động tại các đô thị lớn thường xuyên bị kỳ thị. Reuters/ David Gray
Quảng cáo

Phản ánh tình hình đó, thông tín viên Brice Pedroletti của nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh gửi về bài nhận định : « Cuộc chiến của những ngôi trường dành cho người nhập cư ».

Các « ngôi làng đô thị » của vùng ngoại thành Bắc Kinh là « những khu phố ổ chuột theo kiểu Trung Quốc », là nơi cư trú của « thế giới thứ ba » bao gồm dân  từ tỉnh lẻ và dân địa phương vốn xuất thân nông nghiệp. Sự hình thành các ngôi làng này, về lâu về dài, sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực, nhất là các vấn đề xã hội.

Người bản địa sống bằng cách cho người nhập cư thuê phòng trọ. Khi có lệnh giải tỏa của chính quyền, thì họ có cơ may nhận được căn hộ chung cư, nhưng thường thì chất lượng rất thấp. Người nhập cư nhiều hơn gấp 10 lần dân bản địa. Sống ở xứ lạ quê người, họ luôn cảm thấy người bản địa luôn kiêu ngạo và khinh thường họ. Họ bám trụ để kiếm sống.

Theo thời gian, những đứa trẻ ra đời, nhiều vấn đề phát sinh, trong đó có việc học hành của các em. Do thiếu hộ khẩu, dù sinh ra tại Bắc Kinh, nhưng con em họ không được hưởng quyền đến trường miễn phí như con em người tại chỗ. Vì vậy, họ đã góp sức và tìm cách tự thành lập trường tư để con em mình không bị dốt. Thế nhưng, hiện tại, nhiều ngôi trường tư như vậy đang có nguy cơ bị chính quyền đóng cửa.

Hàng chục ngôi trường đã bị chính quyền ra lệnh đóng cửa với lí do chất lượng phòng ốc thấp, công tác phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo... Thế nhưng, một hiệu trưởng trường nhập cư bị lệnh đóng cửa khẳng định : « Chúng tôi có đủ giấy chứng nhận, phòng giáo dục địa phương thanh tra cơ sở chúng tôi từ hai đến ba lần mỗi học kỳ ». Để gây sức ép, chính quyền cho cúp điện các ngôi trường. Để đối phó, các trường sắm máy phát điện. Thế là, chính quyền cho cúp nước. Các trường đi mua nước từ nơi khác, nhưng chính quyền đã tìm cách ngăn cản. Thậm chí công an còn thường xuyên lảng vảng trước cổng các trường.

Tờ báo cho biết cụ thể là trong mùa hè rồi, có khoảng 15 ngôi trường bị đóng cửa. Sự tấn công mạnh tay của chính quyền đã làm dấy lên làn sóng bất bình trong xã hội, đến mức mà tờ Bắc Kinh Nhật báo đã dành trang nhất ba số liền cho chủ đề này. Một vài nhà đấu tranh cũng vào cuộc. Tuy nhiên kết quả không đáng kể, một số ngôi trường được lùi thời hạn đóng cửa, nhưng sẽ phải ngưng hoạt động.

Trong khi đó, Sở Giáo dục Bắc Kinh khẳng định là chưa bao giờ ra lệnh đóng cửa các trường học trên, và luôn « quyết tâm không để trẻ em nào không được đến trường ». Thế nhưng, theo một luật sư bảo vệ các ngôi trường nhập cư, sở này muốn tránh bị rơi vào cảnh bị chỉ trích như Bộ Đường sắt Trung Quốc vừa rồi.

Vị luật sư này cũng nghi ngờ rằng chính quyền có một chính sách bí mật đóng cửa các ngôi trường trên để hạn chế nhập cư, bởi hiện tại khu vực Bắc Kinh đã có đến 150.000 trẻ em thuộc diện nhập cư.

Chính phủ Trung Quốc đang dần bị mất niềm tin từ phía người dân

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài cung cấp cái nhìn bao quát hơn về tình hình hiện tại của chính phủ Bắc Kinh sau nhiều xì căn đan liên tiếp của chính quyền. Bài viết chạy dòng tít : « Chính phủ Trung Quốc đang trong thời kỳ khủng hoảng niềm tin ».

Đây là sự khủng hoảng niềm tin giữa chính quyền và người dân. Từ sau tai nạn đường sắt hồi tháng 7 ở Ôn Châu, cụm từ « khủng hoảng tín nhiệm» thường xuất hiện trong các bài xã luận và ngày càng dày đặc trên mạng internet. Ngay cả tờ Hoàn cầu Thời báo (thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc), trong bản tiếng Anh, cũng dành hẳn một mục cho chủ đề này.

Nói về nguyên nhân khủng hoảng, tác giả lược lại một số xì căn đan gây mất lòng dân thời gian qua, trong đó nổi bật là vụ tai tiếng về đại dịch SARS vào năm 2003, vụ sữa nhiễm melamine năm 2008, và mới đây là vụ đường sắt cao tốc. Mỗi vụ đều kéo theo tranh luận, bàn thảo, cải cách, và cả sự thất vọng.

Người dân như tức nước vỡ bờ, đã dám xuống đường đấu tranh, như trường hợp tại cảng Đại Liên vừa qua : người dân không tin vào cam kết an toàn môi trường của chính quyền, đã xuống đường biểu tình, buộc chính quyền phải di dời một nhà máy gây ô nhiễm.

Báo giới Trung Quốc thì ngày càng mạnh dạn lên tiếng chỉ trích tiêu cực. Thế nhưng, tác giả cho hay, việc chính quyền tăng cường kiểm soát báo giới vừa qua gióng lên tiếng chuông báo tử cho các phong trào tranh luận. Tòa án thì bị giật dây, người đấu tranh bị đàn áp, bắt bớ.

Trong bối cảnh đó, nhà nước tập trung đánh mạnh vào các trang mạng xã hội. Phiên bản Twitter của Trung Quốc, trang blog Vi Bác (Weibo), đã được lệnh ra sức ngăn chặn tin đồn. Người đứng đầu trong phong trào lên án vụ thảm họa đường sắt Ôn Châu đã bị đóng tài khoản trên weibo.

Thế nhưng, theo phân tích của một giáo sư báo chí thuộc trường Đại học Bắc Kinh, trong cuộc chiến thông tin này, chính quyền càng ra sức giành địa bàn, nhất là trên các trang mạng, thì họ càng bị mất niềm tin, bởi một lẽ đơn giản là, khi nhìn thấy báo chí bị định hướng, Internet bị kiểm soát và điều khiển, thì mấy ai còn tin vào lời nói của chính quyền.

Tác giả cũng nhấn mạnh, khi mà xã hội Trung Quốc đang ngày càng trưởng thành, thì chính phủ lại áp đặt ở đó một kiểu quản lí nhắm tới việc bắt quyền được thông tin và nhiều quyền khác của người dân phải lệ thuộc vào mục tiêu ưu tiên là duy trì ổn định và chế độ hiện hành.

Người dân luôn đòi hỏi có sự minh bạch và sự thật. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, họ đi từ thất vọng đến tuyệt vọng. Từ đó, trong họ dần dần hình thành sự phẫn nộ và uất hận. Để rồi, họ bắt đầu giảm sút niềm tin vào chính quyền. Và phía sau sự khủng hoảng niềm tin đó, theo tác giả, đang hiện lên một cuộc khủng hoảng khác trầm trọng hơn, đó là cuộc khủng hoảng về « tính chính danh của chế độ».

Hàn Quốc : Quyền tự do ngôn luận đang tuột dốc

Do đề phòng chế độ phía bắc, chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường bắt bớ những người bất đồng chính kiến hay bị nghi ngờ ủng hộ Bình Nhưỡng. Tương lai hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên đã lắm khó khăn, thế mà theo bài viết « Quyền tự do ngôn luận đang lùi bước tại Hàn Quốc ». thông tin được nhật báo Công Giáo La Croix mang đến hôm nay, viễn cảnh lại càng thêm u ám.

Theo nhận định của một giáo sư Hàn Quốc, thì tại nước này, quyền dân chủ chưa bao giờ được đạt đến bởi trong xã hội ngày càng có nhiều vụ bắt bớ có liên quan đến vấn đề chính kiến. Việc bắt bớ nói trên dựa theo bộ luật ra đời từ những năm 1980, nhằm duy trì an ninh quốc gia. Đạo luật này đã giúp cho Hàn Quốc trở thành một nền dân chủ « năng động và ổn định ».

Thế nhưng, theo báo cáo của ông Frank La Rue, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc trách về quyền tự do ngôn luận, thì tình trạng xâm hại quyền tự do ngôn luận tại Hàn Quốc ngày càng tăng với nhiều vụ truy tố trước tòa dựa theo những đạo luật « không phù hợp với chuẩn mực quốc tế ». Hồi tháng 5 này, tổ chức phi lợi nhuận Freedom House của Hoa Kỳ đã giảm hạng của Hàn Quốc từ « nước tự do » xuống còn « nước tự do một phần ».

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, từ khi ông Lee Myung-bak lên làm tổng thống hồi năm 2008, các vụ bắt bớ do vi phạm luật an ninh quốc gia đã tăng lên gấp ba lần, dù trước đó, bộ luật này đã được những người tiền nhiệm của ông áp dụng thường xuyên để dập tắt mọi ý kiến bất đồng bị quy là « ủng hộ kẻ thù Bắc Triều Tiên ». Một nhân viên của tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hàn Quốc cho biết : « Hiện tại, luật này được áp dụng một cách võ đóan để chống lại những người có ý kiến ngược lại với chính phủ ».

Hai vụ tấn công của miền Bắc hồi năm 2010 (vào chiến hạm Cheonan và một hòn đảo thuộc miền nam) đã khiến cho mục tiêu « an ninh quốc gia » tại Hàn Quốc trở thành « một ưu tiên tuyệt đối ». Vì thế, nhiều người Hàn Quốc càng cảm thấy bị đe dọa bởi đạo luật nói trên. Đặc biệt đối với những người từng tham gia phong trào đấu tranh dân chủ trong những năm 1980, thì làn sóng bắt bớ này cho thấy nền dân chủ tại Hàn Quốc đang trong tư thế thụt lùi.

Libya : Tripoli tình hình vẫn chưa ổn định

Từ khi quân nổi dậy chiếm được thủ đô Tripoli đến nay, người dân thủ đô vẫn tiếp tục bị chia rẽ. Có người hân hoan chiến thắng, có người tỏ ý nghi ngờ về tương lai đất nước. Nội dung này được nhật báo Libération phản ánh qua bài phóng sự mang dòng tựa « Ở Tripoli, niềm vui pha lẫn sự nghi ngờ ».

Tờ báo cho biết, đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi Tripoli rơi vào tay quân nổi dậy, thế nhưng niềm hân hoan hầu như vẫn còn chưa dịu xuống. Nhiều thanh niên còn tiếp tục vẽ tranh chống Kadhafi trên các bức tường. Dù chính quyền nghiêm cấm, nhưng thỉnh thoảng đây đó vẫn còn những phát súng mừng chiến thắng vang lên.

Cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Điện ít bị cúp hơn. Các cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại. Những dấu vết của cuộc chiến đã dần biến mất. Các cơ quan chính quyền, thường không bị tổn hại nhiều trong các cuộc giao tranh vừa qua, đang trong tư thế sẵn sàng hoạt động. Ở các ngã tư đã xuất hiện vài cảnh sát giao thông.

Thế nhưng, Tripoli vẫn còn bị chia rẽ. Cách quảng trường Xanh (mà quân nổi dậy vừa phục hồi tên trước đây là quảng trường Tử Vì Đạo, nơi mà những người phản đối ông Kadhafi thường hay tụ tập ăn mừng chiến thắng) vài cây số, đó là khu phố El Sharguiya, khu vực ủng hộ Kadhafi, tình hình hoàn toàn ngược lại. Vẫn còn ít xe cộ lưu thông trên đường, « cờ cách mạng » cũng xuất hiện hiếm hoi. Khi tấn công vào khu vực này, phe nổi dậy tưởng rằng sẽ vấp phải sự phản kháng kịch liệt nhất, thế nhưng cuối cùng đã chiếm được vị trí này một cách dể dàng.

Tờ báo kể lại, có hơn chục người đàn ông lớn tuổi ngồi bên đường, nhưng họ từ chối trả lời báo chí nước ngoài. Một chủ cửa hàng máy truyền hình chấp nhận trả lời, nhưng phải vào bên trong cửa hàng của ông. Người này nói : « Tôi là một công dân bình thường, tôi không làm chính trị và không theo phe nào trong cuộc chiến này. Thế nhưng, hiện tại, tôi rất lo lắng, bởi giành chiến thắng thì dễ, mà xây dựng chính quyền mới thì khó đấy. Nếu quá trình chuyển tiếp dân chủ thất bại, điều gì sẽ xảy ra ? Lại sẽ có biểu tình, và sẽ có thêm nhiều người bị giết ».

Một người khác bức xúc : « Tại sao người ta luôn gọi những người lính bị giết thuộc quân nổi dậy là những người tử vì đạo ? Những thường dân bị bom NATO sát hại không phải là những người tử vì đạo chăng ? ». Thế rồi, họ than phiền về việc thiếu nước sinh hoạt, thiếu cảnh sát, hiện tượng không trả tiền lương, việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Họ lo lắng sẽ xảy ra tình trạng báo thù.

Để minh chứng thêm cho sự lo lắng của người dân, Liberation dẫn thêm lời của một nam sinh viên y khoa 23 tuổi. Anh này cho biết : « Việc họ dùng vũ khí để chiến thắng khiến tôi không hài lòng. Tôi chắc rằng họ có thể đàm phán được với ông Kadhafi, và ông này cũng đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Hội đồng Chuyển tiếp. Người ta có thể buộc ông Kadhafi cho tổ chức bầu cử. Đó là cách tốt nhất để cho toàn thể người dân Libya được cùng vui hưởng chiến thắng ».

Tổng thống Pháp không triệu tập hội nghị lưỡng viện về vấn đề « Quy tắc vàng »

Liên quan đến nước Pháp, các báo Pháp hôm nay dành nhiều quan tâm đến việc quốc hội nước này đang thảo luận về biện pháp khắc khổ do chính phủ Fillon đệ trình. Đặc biệt Libéraion còn nhìn về cái gọi là « quy tắc vàng » mà tổng thống Pháp dự định đưa vào Hiến Pháp.

Tại Pháp, để sửa đối hiến pháp hiện tại có hai cách : tổng thống cho trưng cầu dân ý hoặc triệu tập hội nghị lưỡng viện tại điện Versailles. Theo Libération, do lo ngại không giành đủ phiếu ủng hộ tại hội nghị lưỡng viện, nên tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ không cho triệu tập hội nghị này trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống trong năm tới.

Trên phương diện chính thức, giới thân cận của tổng thống vẫn để ngỏ khả năng : « Ông ấy vẫn chưa có quyết định cuối cùng ». Libération đánh giá đây là một chiêu bài nhằm đè nặng tâm lí đối với Đảng Xã hội đối lập.

Cụ thể là, trong hội nghị Versailles, nếu được triệu tập, để có thể đạt được 3/5 số phiếu ủng hộ theo qui định để nguyên tắc vàng có thể được thông qua, Đảng UMP của tổng thống phải thuyết phục được một số nghị sỹ thuộc đãng Xã hội, hoặc bỏ phiếu thông qua qui tắc vàng, hoặc vắng mặt. Thế nhưng, không ai trong đảng UMP dám nghĩ đến khả năng này, trong khi đó, tối qua, đảng Xã Hội cho biết đại biểu của họ sẽ không « sập bẫy » cánh hữu để thông qua qui tắc vàng.

Theo nguồn tin thân cận của điện L’Elysée, để tránh bị thị trường tài chính cho rằng đó là một bước thụt lùi của tổng thống, sắp tới ông Sarkozy sẽ lên tiếng đảm bảo rằng : « Đó không phải là sự từ bỏ, mà chỉ là một sự hoãn lại », và rằng : « Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ có giá trị như cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này ».

Nếu tái cử, ông Sarkozy sẽ có thể giữ đúng cam kết của mình là cho thông qua qui tắc vàng trước mùa hè năm 2012. Các cố vấn của tổng thống đang dự trù tổ chức cho ông buổi xuất hiện trên truyền hình vào cuối tháng này để giải thích về quyết định của mình và cũng để tố cáo « sự vô trách nhiệm » của đảng Xã hội, những người mà đảng UMP cho là « những kẻ bất trị ủng hộ sự chi tiêu công ».

Về phần mình, sáng nay, thủ tướng François Fillon bắt đầu đợt tham vấn ý kiến « các nhân vật quan trọng » , thuộc một số đảng phái khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.