Vào nội dung chính
THỂ THAO - OLYMPIC 2012

Olympique Luân Đôn vực dậy kinh tế nước Anh ?

Toàn bộ các trang nhất tờ báo Paris được dành cho đại hội thể thao toàn cầu, bốn năm một lần : Thế vận hội Olympique Luân Đôn 2012. Với Olympique 2012, vương quốc Anh mơ « tìm lại được thời vàng son đã qua ». Đó là tựa bài báo lớn của Le Figaro trong phần trang đặc biệt dành cho sự kiện thể thao quan trọng nhất toàn cầu.

Nước Anh hy vọng đạt huy chương vàng  về kinh tế  sau kỳ Thế Vận hội mùa hè  2012.
Nước Anh hy vọng đạt huy chương vàng về kinh tế sau kỳ Thế Vận hội mùa hè 2012. AFP PHOTO / LONDON 2012
Quảng cáo

 Đây là cơ hội để Luân Đôn tạm quên đi những khó khăn kinh tế và chứng minh với cả thế giới rằng Anh Quốc vẫn là một cường quốc. Trong ba tuần lễ sẽ có hàng triệu du khách và hàng trăm nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, 21 000 phóng viên quốc tế và 10 490 vận động viên trên toàn cầu sẽ dừng chân tại thủ đô Luân Đôn.

Cách nay chưa đầy một năm, không xa sân vận động, bạo động đã dấy lên và đã phải mất nhiều ngày sau, cảnh sát Luân Đôn mới làm chủ được tình hình. Tiếp theo đó là khủng hoảng về kinh tế. Hệ thống xe điện metro liên tục bị trục trặc trong thời gian gần đây, cũng như là đe dọa đình công vài ngày trước giờ khai mạc Thế vận hội là những dấu hiệu cho thấy bầu không khí ở Luân Đôn đang căng thẳng đến mức độ nào. Thế nhưng vào giờ chót thì tất cả mọi người đều mong mỏi là mọi việc sẽ diễn ra êm đẹp vì đó là cả một vấn đề «thể diện quốc gia ».

Buổi lễ khai mạc do đạo diễn người Anh, Danny Boyle – tác giả của bộ phim nổi tiếng Slumdog Millionaire dàn dựng. Tại sân vận động Olympique Luân Đôn đêm nay, 80 000 người đóng góp vào một chương trình đặc biệt và lễ khai mạc sẽ khép lại với phần trình diễn đặc biệt của ông hoàng nhạc pop Paul McCartney.

Tờ báo kinh tế La Tribune nêu lên câu hỏi Thế vận hội liệu có tạo cú hích cho các hoạt động kinh tế của nước Anh hay không ? Giới thương gia ở bên kia bờ biển Manche kỳ vọng kiếm lời trên 700 triệu euro nhờ Olympique Luân Đôn và đây sẽ là một tin vui đối với nước Anh trong bối cảnh GDP của Anh Quốc liên tục sút giảm trong ba quý vừa qua.

Ban tổ chức đã bán được 8,8 triệu vé. Thủ đô Luân Đôn đang chờ đón ít nhất là 400 000 lượt du khách toàn cầu. Theo tiết lộ của tờ báo, trung bình mỗi người sẽ chi ra đến gần 74 % ngân sách du lịch của mình để mua sắm, vui chơi và mua vé vào xem các cuộc tranh tài.

Chuyện vui chơi ở thủ đô Luân Đôn luôn được gắn liền với việc tiêu thụ các loại nước ngọt, rượu, bia tại các quán bar. Các quán Pub trên đường phố Luân Đôn dự phóng doanh thu của họ sẽ tăng 19 % trong ba tuần lễ tới. Những quán ăn cũng đang hy vọng bội thu thêm 107 triệu euro nhờ Thế vận hội 2012.

Cho dù dự phóng cho thấy kinh tế Anh Quốc sẽ thu vào hàng trăm triệu euro trong dịp Thế vận hội năm nay nhưng theo một cuộc thăm dò dự luận gần đây, chỉ có 38 % người Anh tin rằng Olympique 2012 sẽ tác động tích cực đến kinh tế của vương quốc Anh. 16 % những người được hỏi lo ngại những chi phí tốn kém để hoàn thành sứ mệnh mà Ủy ban Thế Vận Olympique đã trao cho Luân Đôn sẽ đè nặng lên ngân sách quốc gia vào lúc mà nước Anh đang áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm bội chi ngân sách nhà nước và giảm nợ công. Libération nhắc lại : phí tổn để tổ chức Thế vận hội 2012 của Luân Đôn hiện lên tới 12 tỷ euro, cao gấp 4 lần so với dự kiến ban đầu.

Cũng tờ báo này tò mò nhìn vào mặt trái của chiếc huy chương : « qua Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã khẳng định vị trí siêu cường của mình trên thế giới. Ngược lại Olympique Luân Đôn đang phơi bày những nhược điểm của xã hội Anh, của chủ tuyết tự do quá trớn và của cả một xã hội với đầy dẫy những bất công. Điển hình là việc chính phủ Anh đã thất bại ê chề trong việc tháo khoán cho một công ty tư nhân bảo đảm an ninh cho mùa Thế vận hội năm nay. Để rồi vào giờ chót, Luân Đôn phải cầu viện quân đội tăng cường »

Về mặt đạo đức tác giả bài báo tiếc rằng tinh thần Thế vận với năm tháng đã bị mai một. Olympique đã trở thành nơi để các thương hiệu lớn trên thế giới trổ tài và phô trương sức mạnh. Báo địa phương Le Nouvel Alsace cũng đưa ra nhận định tương tự : từ nhiều thập niên qua Ủy ban Thế Vận đã không chút hổ thẹn khi «bán mình cho các nhà tài trợ giàu có nhất ». Tác giả bài báo muốn nói là Ủy ban này đã biến thế vận Olympique thành một bãi quảng cáo khổng lồ của các tập đoàn thế lực nhất hành tinh. Libération nêu lên một chi tiết nhỏ : ngay cả trong nhà tắm và khu vệ sinh của ngôi làng Olympique, cũng có cả một đội ngũ cảnh sắt đặc nhiệm để kiểm tra các hiệu xà phòng và giấy vệ sinh được sử dụng !!! đó phải là sản phẩm doác « đối tác thương mại » của Thế vận hội cung cấp.

Olympique, đại hội thể thao toàn cầu
Nhìn đến những thành tích thể thao trong những ngày tới : báo L’Equipe điểm danh 63 vận động viên Pháp có khả năng đoạt huy chương Thế vận hội 2012. Báo Le Parisien và Aujourd’hui en France khiêm tốn hơn khi nhấn mạnh « đó là 63 nhà thể thao trên nguyên tắc có thể lập được thành tích ». Nhưng mục tiêu của phái đoàn Pháp tại Luân Đôn lần này là vượt quá thành tích cách nay 4 năm tại Bắc Kinh. Tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Pháp đã gặt hái được tổng cộng 41 chiếc huy chương đủ loại.

Trong khi đó tờ báo công giáo La Croix chú trọng nhiều hơn đến những « cơ hội bằng vàng » của đội tuyển Pháp. Dưới hàng tựa « những vận động viên đi tìm vàng » : Camille Muffat, 22 tuổi đang tràn đầy hy vọng ở các cự ly 200 và 400 me bơi tự do. Trong lúc đương kim vô địch thế giới 100 m bơi ngửa Camille Lacourt được coi là một ứng cử viên rất lợi hại.

Ở các bộ môn điền kinh, tại Olympique Bắc Kinh 2008 đội Pháp chỉ đem về có vỏn vẹn hai chiếc huy chương bạc và đồng. Lần này tại Luân Đôn theo đánh giá của La Croix thì có đến bốn vận động viên được coi là có nhiều triển vọng và trong số đó có vô địch châu Âu nhẩy sào Renaud Lavillenie.

Olympique : cơ hội tranh dành vị thế siêu cường
Le Figaro nhìn Thế vận hội Olympique dưới góc độ « ngoại giao » với nhận xét : mọi người còn nhớ như in hình ảnh pháo hoa rực trời, bao phủ lên sân vận động Tổ chim của Trung Quốc tại Olympique Bắc Kinh. Trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ ngay trên sân nhà, Trung Quốc đã làm lung lay chiếc ngai vàng của Mỹ.

Cách nay 4 năm Trung Quốc thu về tổng cộng 100 chiếc huy chương với 51 vàng. Để so sánh thì đội tuyển Hoa Kỳ đã đoạt tổng cộng 110 huy chương nhưng chỉ giành được 36 giải vô địch Olympique. Lần này tại Luân Đôn cũng lại diễn ra một cuộc « tranh hùng » giữa hai quốc gia có được cả một « kho dự trữ vô tận về những tài năng ».

Ở những bộ môn như thể dục dụng cụ, nhẩu cầu, hay bóng bàn thì phần thắng nghiêng về phía Trung Quốc. Ngược lại ở các môn bơi lội hay điền kinh, Hoa Kỳ chiếm vị thế áp đảo. Nói về số lượng huy chương, thì sau Mỹ và Trung Quốc, Nga đứng hạng ba. Anh Quốc xếp hạng tư và nước Pháp thì chỉ đứng hàng thứ 10.

Làn sóng thất nghiệp tại Pháp
Rời xa Olympique để trở về với thực tế : Le Monde trên trang nhất bên cạnh đề tài Olympique Luân Đôn đưa tin « sau hãng xe hơi PSA đến lượt tập đoàn viễn thông Alcatel thông báo sa thải 5000 ngàn nhân viên ». Thất nghiệp tại Pháp tăng liên tục trong 14 tháng qua và tới nay có gần 3 triệu người Pháp không có việc làm.

Le Figaro trong phần phụ trang kinh tế bồi thêm « Alcatel »lún sâu thêm vào khủng hoảng cắt giảm thêm 5000 chỗ làm. Tập đoàn viễn thông của Pháp Alcatel khi sáp nhập lại với Lucent của Mỹ năm 2006 nuôi tham vọng thống lĩnh thị trường viễn thông thế giới. Nhưng từ đó tới nay trong ngành viễn thông Alcatel Lucent đã bị cạnh tranh dữ dội, trước hết là từ phía tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi hay ZTE. Cả hai cùng đang mở rộng địa bàn hoạt động tại châu Á và châu Phi và giá thành của họ thấp hơn so với của Alcatel đến 20 %.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.