Vào nội dung chính
INTERNET

Internet «chiến thắng» màn ảnh nhỏ tại Olympic Luân Đôn

Khi Olympic được tổ chức tại Bắc Kinh hồi năm 2008, iPhone chỉ mới được tung ra thị trường ít lâu còn iPad thì chưa có. Bốn năm trôi qua, tại Olympic Luân Đôn năm nay, iPhone-iPad đã đắc dụng đến mức có rất nhiều người đã bỏ rơi truyền hình mà sử dụng chúng để theo dõi các trận đấu. Nhật báo Le Monde đi sâu vào chủ đề đáng chú ý này với bài viết : « Thế vận hội Olympic của ngành kỹ thuật số ».

Hoàng tử Anh William sử dụng iPhone để xem các trận thi đấu Olympic môn bơi lội, cùng với vợ là Catherine. Ảnh chụp ngày 03/08/2012.
Hoàng tử Anh William sử dụng iPhone để xem các trận thi đấu Olympic môn bơi lội, cùng với vợ là Catherine. Ảnh chụp ngày 03/08/2012. REUTERS/Michael Dalder
Quảng cáo

Để xem các trận đấu Olympic Luân Đôn trực tiếp hay tường thuật, người ta không hoàn toàn bị lệ thuộc vào tivi nữa, mà có thể xem bằng máy vi tính, iPhone hay iPad. Nhờ vào những phương tiện này, người dân ở nhiều nước, nhất là ở các nước phát triển, đã hoàn toàn « di động » trong việc theo dõi Olympic Luân Đôn.

Ở Pháp, tập đoàn truyền hình quốc gia France Télévisions đã chi đến 50 triệu euro để mua quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu trên truyền hình và internet.Trong hôm 1/8 này, đã có gần 1,5 triệu lượt truy cập xem thể thao trực tuyến trên France Télévisions qua mạng internet, trong đó 570.000 lượt bằng  iPhone và iPad, số còn lại là bằng máy vi tính.

Tại Vương quốc Anh, hãng BBC cũng đã chi nặng tay cho việc xem trực tuyến trên mạng. Người Anh có thể xem đến 24 kênh trực tiếp mỗi ngày bằng máy vi tính. BBC đã phát trên 2.500 giờ về Olympic Luân Đôn.

Người dân vùng Châu Mỹ La Tinh cũng không chịu thua: nhà cung cấp dịch vụ mạng Terra của Tây Ban Nha đã mua quyền trực tiếp trận đấu Olympic Luân Đôn trên mạng ở 10 nước. Người mê thể thao tại 10 nước này có thể xem các trận đấu tùy thích thông qua mạng internet.

Còn ở Hoa Kỳ thì ngày 2/8 này, để xem các trận đấu trực tiếp trên mạng của tập đoàn phát thanh truyền hình NBC, người Mỹ phải trả tiền, ngoại trừ trường hợp sử dụng truyền hình cáp. Nhiều phản ứng đã dấy lên, đến mức mà hôm 2/8, NBC phải chấp nhận phát trực tiếp miễn phí cuộc thi bơi vòng loại 200m có sự tham gia của hai vận động viên nổi tiếng của Mỹ là Ryan Lochte và Michael Phelps. Trên sóng truyền hình, lượng khán giả xem trực tiếp Olympic Luân Đôn của NBC đã đạt con số kỷ lục.

Đối với trang mạng video YouTube, khi Ủy ban Olympic Quốc tế thương thảo việc bán quyền trực tiếp các trận đấu trên mạng internet, trang mạng này chưa ra đời. Thế nhưng, hiện tại YouTube cũng đã mua được quyền truyền lại các trận đấu Olympic Luân Đôn ở 64 nước, trong đó có vùng Châu Phi nam Sahara. Với đà phát triển này, trong Olympic mùa hè 2016, truyền hình ắt hẳn sẽ trở nên « ế ẩm » hơn.

Nhật Bản : Sức ép từ bỏ hạt nhân ngày càng lớn

Nhìn về xứ sở Mặt trời mọc, Le Monde cho biết, từ sau thảm họa Fukushima hồi năm 2011, làn sóng phản đối nguyên tử ngày càng cao tại Nhật Bản, và hiện tại đang đe dọa các nỗ lực duy trì hạt nhân của nhà cầm quyền nước này.

Tờ báo nhận định, phong trào phản đối hạt nhân ở Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Theo thăm dò, có đến 2/3 người Nhật muốn rời bỏ điện nguyên tử. Phong trào này bắt đầu nổi lên từ tháng 3/2011. Người phản đối hạt nhân đã bắt đầu tập trung biểu tình trước trụ sở của tập đoàn điện lực Tokyo (Tepco - tập đoàn chủ quản của nhà máy hạt nhân Fukushima). Phong trào sau đó từng bước đi vào tổ chức, và vào tháng 11/2011, người phản đối hạt nhân đã tập trung dựng lều « đóng quân » trước trụ sở của Bộ Kinh tế - Bộ chủ trì chính sách hạt nhân ở Nhật Bản.

Ngay đến dinh thự của Thủ tướng Noda cũng bị «bao vây ». Người chống hạt nhân cũng đã không ngần ngại thường xuyên tập hợp trước nhà Thủ tướng để bày tỏ nguyện vọng từ bỏ điện nguyên tử.

Hôm 16/6, chính phủ quyết định cho tái vận hành nhà máy điện hạt nhân Ohi. Quyết định này như thêm dầu vào lửa. Mọi người lại tiếp tục xuống đường, đặc biệt có sự tham gia của những gương mặt lớn như nhà văn hay nghị sĩ. Phong trào phản đối hạt nhân tại Nhật Bản đã tạo bước ngoặt với sự ra đời của một chính đảng vì môi trường mang tên Midori No To.

Rồi hôm 3/8, hàng ngàn người lại xuống đường yêu cầu đóng cửa nhà máy điện nguyên tử Ohi. Bên cạnh đó, họ cũng phản đối quyết định của Thủ tướng Noda trong việc bổ nhiệm ông Shunichi Tanaka vào vị trí lãnh đạo Cơ quan điều phối hạt nhân Nhật Bản. Ông này nguyên là lãnh đạo của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử chính phủ, vì thế ông được xem là người từng góp nhiều công sức cho sự phát triển hạt nhân ở Nhật Bản. Việc bổ nhiệm ông Tanaka còn làm dấy lên làn sóng phản đối ngay trong lòng đảng cầm quyền.

Trước làn sóng phản đối nguyên tử ngày càng cao, chính phủ Noda buộc phải có sự chọn lựa chính thức một trong ba kịch bản về sự đóng góp của hạt nhân trong việc cung cấp điện : 0%, 15% và 25%. Hiện tại có vẻ kịch bản 15% đã được chính phủ ưu ái. Chính phủ cũng đã cho mở một trang mạng tiếp nhận ý kiến của người dân, đồng thời cũng tăng cường thu thập ý kiến từ mọi phía về chủ đề nguyên tử thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa chính quyền với người dân.

Tâm lí « sợ hạt nhân » càng lớn mạnh hơn ở khu vực có chứa nhà máy Fukushima, nơi trực tiếp chịu hậu quả của thảm họa năm rồi. Nhất là trong bối cảnh, chính phủ bị chỉ trích là không chăm sóc tốt, nếu không muốn nói là bỏ rơi người dân sau thảm họa.

Mỹ : Giảm thất nghiệp nhờ ngành công nghiệp

Trong tháng Bảy rồi, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 163.000 việc làm, tức mức cao nhất trong vòng năm tháng trở lại đây. Dù chưa thể đẩy lùi tình trạng thất nghiệp tại Mỹ, nhưng đây rõ ràng là một con số không nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn. Đi sâu phân tích thành công này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định : «Hoa Kỳ đã bước vào giai đoạn tái công nghiệp hóa».

«Tái công nghiệp hóa» có nghĩa là «một lần nữa tập trung phát triển công nghiệp». Có lẽ sắp tới nước Mỹ sẽ tập trung tăng cường quá trình này, bởi vì trong tổng số việc làm mà nền kinh tế Mỹ tạo ra vừa qua, có phần đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp, trong đó dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến và sản xuất ô tô. Trong khi đó, đóng góp của ngành dịch vụ và xây dựng cho sự phục hồi kinh tế Mỹ là rất hạn chế.

Sự tái khởi động của nền công nghiệp Mỹ có nhiều lý do. Thứ nhất là nhờ vào chính sách kích thích xuất khẩu của chính phủ Obama. Tỷ trọng đóng góp của xuất khẩu vào GDP cả nước đã tăng đáng kể. Ngành công nghiệp Mỹ thì được củng cố khả năng cạnh tranh nhờ vào một thị trường năng lượng có tính cạnh tranh cao. Nguyên nhân cuối cùng, cũng là nguyên nhân chính yếu, đó là quá trình chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ, tức hạn chế việc tập trung tạo việc làm ở các phân nhánh của những tập đoàn công nghiệp Mỹ hoạt động sản xuất và thương mại ở các thị trường lao động giá rẻ.

Như vậy, nước Mỹ đã vượt qua thời công nghiệp hóa để bước vào giai đoạn dịch vụ. Rồi giờ đây, khủng hoảng kinh tế và vấn đề việc làm đã đưa nước Mỹ vượt qua giai đoạn dịch vụ để trở lại giai đoạn công nghiệp hóa.

Hạn hán hoành hành khắp thế giới

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhật báo Le Figaro có bài chạy tựa : «Hạn hán tại Mỹ, một thảm họa gây hậu quả cấp độ thế giới ».

Tình hình hạn hán tại Mỹ đang rất nghiêm trọng. Tuần rồi, Bộ Nông nghiệp nước này đã đưa thêm 218 quận vào danh sách «vùng thiên tai ». Như vậy, đã có 1.584 quận, tức hơn phân nữa nước Mỹ, bị xếp vào danh sách này. Theo dự phóng, ở 50% vùng trồng bắp và 37% vùng trồng đậu tương, gần 80% khu vực chăn nuôi sẽ bị hạn hán ảnh hưởng nặng nề. Tình hình này có thể khiến Mỹ mất vị trí số một về sản xuất bắp.

Trong bối cảnh đó, giá ngũ cốc đã bắt đầu tăng lên, nhất là trong ba tháng rồi, giá lúa mì tăng 41%, giá đậu tương tăng 17%, giá bắp tăng 29%. Trong năm tới, tình hình có vẻ dịu đi với tỷ lệ tăng giá thực phẩm ở Mỹ có thể chỉ dao động từ 3 đến 4%. Việc bắp tăng giá sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực khác, và kéo theo các mặt hàng khác như gà, heo, bò và sữa, cũng tăng giá do chi phí thức ăn sẽ cao hơn.

Nhiều nước khác cũng đang quằn mình bởi hạn hán. Vùng Tây Âu cũng thiếu mưa trầm trọng. Sắp tới, nhiều dự phóng cho rằng giá cả thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trên phạm vi thế giới.
Trong bối cảnh đó, Le Figaro cảnh báo, giá thực phẩm tăng cao là một vấn đề lớn, có thể gây bất ổn xã hội. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2007 và 2008, tại Pakistan, Maroc, Sri Lanka và Ouzbekistan, xã hội đã rơi vào bất ổn chỉ vì giá thực phẩm tăng cao.

Phát hiện kháng thể tự nhiên chống bệnh dại

Trên lĩnh vực y tế, Le Figaro đăng bài viết với tựa đề: « Phát hiện một loại kháng thể tự nhiên chống bệnh dại».

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu ở hai vùng khác nhau tại Peru, nơi có nhiều người bị lây bệnh dại do bị dơi cắn. Qua xét nghiệm máu của 63 người, nhóm nghiên cứu đã phát hiện có đến 6 trường hợp trong máu có chứa chất kháng vi-rút gây bệnh dại. Điều đáng chú ý là cả 6 người chưa một lần chích ngừa căn bệnh quái ác này. Nghiên cứu cũng cho thấy, ở những vùng bị bệnh dại hoành hành, lượng kháng thể «tự nhiên» nói trên cao hơn những vùng ít bị bệnh dại đe dọa.

Phát hiện này rất quan trọng, sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của việc điều trị bệnh dại, bởi đến hiện tại, đa số các trường hợp mắc bệnh dại đều bị tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh dại cướp đi sinh mạng của khoảng 55.000 người trên thế giới.

Liên quan đến vật trung gian truyền bệnh dại, đứng đầu vẫn là chó. Tuy nhiên, loài dơi cũng đang ngày càng « khẳng định tên tuổi » trong việc truyền bệnh dại. Tại Úc, các nước Châu Mỹ La Tinh, các nước Đông Âu, dơi đã thực sự trở thành một mối đe dọa truyền bệnh dại cho con người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.