Vào nội dung chính
PHÁP - TOÁN HỌC

Ngành toán học Pháp thành công nhờ hệ thống tuyển chọn sinh viên ưu tú

« Các nhà toán học Pháp lên đến tột đỉnh vinh quang ». Đó là tựa đề bài xã luận đăng ngay trên trang nhất của nhật báo uy tín Pháp, tờ Le Monde ra từ chiều hôm qua, bình luận về sự kiện hai nhà toán học Ngô Bảo Châu và Cédric Villani đã đoạt được giải thưởng Fields, được coi như giải Nobel ngành toán.

Hai nhà toán học đoạt giải Fields 2010 : Ngô Bảo Châu ( trái ) et Cédric Villani ( phải).
Hai nhà toán học đoạt giải Fields 2010 : Ngô Bảo Châu ( trái ) et Cédric Villani ( phải). Ảnh : MFO và Valerie Touchant-Landais / RFI ghép hình.
Quảng cáo

Tờ báo nói đến một nghịch lý : trong cuộc thi Olympic toán quốc tế năm nay, nước Pháp chỉ đứng hàng thứ 31. Nhưng hôm qua tại Hyderabad, Ấn Độ, trong số bốn nhà toán học đoạt giải thưởng Fields vốn có giá trị như một giải Nobel toán học, đã có đến hai người Pháp. Đó là Ngô Bảo Châu, giáo sư đại học Chicago và Cédric Villani, giám đốc Viện nghiên cứu Poincaré ở Paris. Hai nhà toán học này đại diện cho hai mặt khác nhau của ngành toán học nước Pháp.

Ngô Bảo Châu là người gốc Việt, nghiên cứu về lý thuyết số học, và anh đã mở được một cánh cửa mà nhiều người tin là không thể xâm nhập nổi. Còn Cédric Villani nghiên cứu những hiện tượng vật lý cụ thể hơn. Le Monde cho biết thêm, kèm theo giải thưởng Fields – được trao bốn năm một lần cho các nhà toán học dưới 40 tuổi – còn có giải thưởng Gauss, cũng được trao cho một người Pháp là Yves Meyer, cho các nghiên cứu về lý thuyết các làn sóng nhỏ cho phép phát triển các hệ thống nén hình như JPEG.

Le Monde nhận định, như vậy ngành toán học Pháp đã được vinh danh trên mọi phương diện. Và sự kiện này cũng đã khẳng định truyền thống quốc gia xưa nay : từ khi giải thưởng cao quý này được khai sinh vào năm 1936, gần một phần tư số huy chương Fields đã được trao cho các nhà toán học Pháp, hay đã từng học tại Pháp, mà thường nhất là xuất thân từ trường đại học lẫy lừng của Pháp là Ecole Normal Supérieur, tạm dịch là trường đại học sư phạm. Vui mừng trước thành tựu mới này, nhưng tờ báo cũng cho rằng chưa nên ca khúc khải hoàn.

Nếu ngành toán vẫn đứng đầu trong các ngành khoa học và đã leo lên tột đỉnh vinh quang tại Hyderabad, thì trong bảng xếp hạng Thượng Hải cách đây vài ngày, trường đại học danh giá của Pháp là Paris VI chỉ được xếp thứ 39 trong số các trường đại học trên thế giới.

Như vậy vinh quang do ngành toán học Pháp mang lại vẫn là một ngoại lệ. Ngành này cho đến nay vẫn được hưởng lợi từ hệ thống đào tạo lâu nay, với các lớp dự bị để tuyển chọn vào những trường đại học nổi tiếng, khiến cho các trường đại học Sư phạm và Bách khoa thu hút được những bộ óc thông minh nhất. Hơn nữa, đây là một ngành học ít tốn kém, so với các ngành như vật lý hay sinh học, vốn cần nhiều hỗ trợ trên các phương diện tài chính, kỹ thuật, công nghiệp…để có thể lao vào cuộc đua trên trường quốc tế. Theo nhận định của Le Monde, sự cạnh tranh trên thế giới đặc biệt về lương bổng là rất gay gắt. Tờ báo cảnh giác, mức lương cao thường thu hút các nhà toán học Pháp đem tài năng của mình phục vụ cho nước khác.

Le Monde kết luận, sự kiện hai nhà toán học Pháp giành được giải thưởng cao quý nhất là một câu trả lời đích đáng cho những nghi ngờ lâu nay, thậm chí ở cấp cao nhất của nhà nước, về sự hữu ích của các ngành nghiên cứu cơ bản vốn không cho ra kểt quả cụ thể trước mắt. Đây là một bài học cần được

Các tờ báo Pháp xuất bản hôm nay cũng đưa tin về giải thưởng Fields, với tấm ảnh cả hai nhà toán học đang cầm chiếc huy chương, và đều thống nhất với ý kiến cho rằng thành tựu của ngành toán Pháp phần lớn nhờ vào hệ thống tuyển chọn sinh viên ưu tú vào các trường đại học nổi tiếng qua các lớp dự bị.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng đưa tin trang nhất, và ở bài viết trang trong, đã phấn khởi nhận xét, sau những huy chương vàng của thể thao Pháp, đến lượt những huy chương vàng khác, lần này dành cho chất xám. Chiếc huy chương bằng vàng thật của giải Fields, mặt sau có chân dung nhà toán học thời cổ đại Archimède, có giá trị trên 10.000 euro.

Tờ báo cho biết, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thủ tướng François Fillon đều lên tiếng khen ngợi thành tựu của hai nhà toán học trẻ, còn Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu Valérie Pécresse cho rằng giải thưởng năm nay «Một lần nữa cho thấy sự xuất sắc của ngành nghiên cứu toán học Pháp ». Tính đến nay, nước Pháp đã chiếm 11/52 giải thưởng Fields, đứng nhì sau Hoa Kỳ.

Le Figaro thông tin, cả hai khuôn mặt đoạt giải đều đến với toán học rất sớm. Tờ báo nhấn mạnh đến trường hợp Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972 tại Hà Nội, nhập quốc tịch Pháp vào năm 2010, nhờ khả năng toán học đáng kinh ngạc đã được học bổng nghiên cứu tại đại học Paris VI, và sau khi đậu tiến sĩ đã giảng dạy tại Hoa Kỳ. Công trình của ông đã đặt chiếc cầu nối giữa hai lãnh vực tách biệt là hình học và lý thuyết nhóm, được tuần báo Times vào cuối năm qua đánh giá là « Một trong những phát hiện ngoạn mục nhất trong năm ».

Nếu Le Figaro đặt câu hỏi, bao giờ mới có được một nhà toán học nữ người Pháp đoạt được huy chương, thì nhật báo Le Parisien tỏ ra lo âu trước tình hình học sinh trung học Pháp ngày càng dở toán. Còn nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh đến sự tự chủ của trường đại học Paris VI trong việc quản lý công tác nghiên cứu, việc kết hợp với các trường danh tiếng để tổ chức các khoa song ngành chọn lọc.

Trả lời nhật báo cánh tả Libération, ông Jean-Pierre Bourguignon, giám đốc Viện Nghiên cứu Chuyên sâu Khoa học cho rằng, sở dĩ nước Pháp vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu về toán học, là do đã có sẵn truyền thống. Học lên cao trong ngành toán lâu nay vẫn được quý trọng, thêm vào đó là vai trò của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS. Các tiến sĩ trẻ có thể tìm được việc làm ổn định, và có thể yên tâm lao vào các công trình nghiên cứu gai góc.

Ông cho biết, hiện nay có 3.500 nhà toán học tại Pháp, trong đó có 500 đến 600 nhà nghiên cứu ở độ tuổi 30 đến 40. Đây là một thế hệ trẻ đầy tương lai, cần phải tạo điều kiện cho họ. Ngành toán tuy ít tốn kém nhưng cũng cần khoảng 15 triệu euro một năm, và ông Bourguignon hy vọng với thành tựu mới đây của hai nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu và Cédric Villani, chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngành này.

Trung Quốc : Tăng lương cho công nhân để tránh bất ổn xã hội

Nhìn sang Trung Quốc, phụ trang kinh tế của báo Le Figaro có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc nhượng bộ về mặt lương bổng ».

Thông tín viên của tờ báo ở Bắc Kinh cho biết, từ khi các cuộc đình công bắt đầu vào mùa xuân năm nay, đã có 27 vùng đồng ý tăng lương cho công nhân. Lương tối thiểu đến nay đã được nâng lên 20%, trong đó Thượng Hải đứng đầu về mặt lương bổng với mức 1120 nhân dân tệ, tương đương 129 euro. Yên tâm với khả năng tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng ưu tiên nay phải dành cho việc tránh các bất ổn trong xã hội, tái phân phối sức mua. Trong khi tổng sản lượng quốc nội của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, thì phần lớn dân chúng vẫn cảm thấy đang bị gạt ra ngoài lề của công cuộc phát triển. Họ tỏ ra phẫn nộ trước hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng bị đào sâu. Việc đầu cơ vào bất động sản càng chứng tỏ điều này, và theo một chuyên gia, thì lẽ ra việc tăng lương cơ bản đã phải được thực hiện sớm hơn.

Tờ báo nói thêm, còn tại Foxconn, nhà máy nổi tiếng với hàng chục vụ công nhân tự tử trong thời gian qua, đang cố gắng đánh bóng lại hình ảnh của mình, và đã nhờ đến dịch vụ tư vấn của một công ty chuyên về quan hệ công chúng của Mỹ.

Foxconn đã tăng lương căn bản lên gấp đôi, và cầu viện đến các nhà sư để hỗ trợ về mặt tinh thần cho công nhân. Công ty hứa hẹn sẽ giảm số giờ làm thêm từ 80 giờ hàng tháng xuống còn 36 giờ cho phù hợp với luật lệ Trung Quốc. Nhà máy chuyên gia công cho các nhãn hiệu nổi tiếng là Nokia, Apple và Sony cho biết sẽ giảm bớt các hoạt động ở Thâm Quyến, xây thêm các nhà máy mới tại miền trung như ở Hà Nam và Tứ Xuyên, để người lao động được gần với gia đình ở nguyên quán.

Một nhà quan sát cho biết, đó là vì công ty Đài Loan khổng lồ này đang tràn ngập đơn đặt hàng, và đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân sau các vụ tai tiếng vừa qua. Cách đây hai hôm, Foxconn thông báo sẽ tuyển thêm 400.000 công nhân mới, nâng tổng số công nhân lên 1,3 triệu người !

Foxconn đã quyết định dỡ bỏ các lưới chắn để ngăn nạn tự tử tại nhà máy ở Sơn Tây, hy vọng hành động này sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới. Nhưng Le Figaro cho biết, tại các nhà máy khác thuộc công ty này, hãy còn đến 3,5 triệu mét lưới vẫn còn đang giăng ra, chờ đợi một công nhân tuyệt vọng nào đó.

Xung đột xã hội không còn là chuyện riêng của các nước giàu

Một cách tổng quát hơn, nhật báo Le Monde trong bài « Tình hình xã hội ngày càng thêm căng thẳng ở những nước mới trỗi dậy » cho rằng các cuộc xung đột về việc làm, lương bổng, điều kiện môi trường không còn là chuyện riêng của những nước giàu.

Từ các cuộc đình công của công nhân ngành xe hơi ở Ấn Độ, các cuộc đấu tranh tại các hầm mỏ châu Phi, làn sóng tự tử tại Trung Quốc, cho đến việc ám sát các cán bộ công đoàn ở Colombia…Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các yêu sách của người lao động ngày càng tăng, nhằm đối phó với tình trạng điều kiện làm việc tồi tệ và sức mua giảm sút. Từ châu Phi, châu Á cho đến châu Mỹ la tinh, nhiều cuộc xung đột đã bùng nổ trong năm 2010, và các vi phạm về quyền nghiệp đoàn xảy ra rất nhiều tại Nga, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Cũng vì thế mà Liên minh các Nghiệp đoàn Thế giới, với 175 triệu đoàn viên thuộc 311 tổ chức công đoàn tại 155 nước đã kêu gọi tổ chức một ngày tranh đấu cho vấn đề này vào ngày 7/10 tới.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.