Vào nội dung chính
PHÁP

Tước quốc tịch các tội phạm ngoại quốc : vấn đề đau đầu cho chính phủ Pháp

Việc Pháp trục xuất người Rom đã làm dấy lên nhiều chỉ trích trong và ngoài nước. Ngày 30 tháng 7 vừa qua, ở Grenoble, một địa phương đang bị nạn tội phạm hoành hành, tổng thống Sarkozy đã tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp trấn áp tội phạm, trong đó có biện pháp « tước quốc tịch ».

Ông Eric Besson, bộ trưởng Nhập cư Pháp (trái) và ông Pierre Lellouche, quốc vụ khanh phụ trách châu Âu (phải), nói chuyện với báo giới trước cuộc gặp bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng phụ trách Hội nhập người Rom của Rumani tại Paris (25/08/2010)
Ông Eric Besson, bộ trưởng Nhập cư Pháp (trái) và ông Pierre Lellouche, quốc vụ khanh phụ trách châu Âu (phải), nói chuyện với báo giới trước cuộc gặp bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng phụ trách Hội nhập người Rom của Rumani tại Paris (25/08/2010) REUTERS/Jacky Naegelen
Quảng cáo

Bài báo nhắc lại, ở Grenoble, ông Sarkozy đã khẳng định : « Thật là không hợp lí khi mà những tội phạm vị thành niên, tái phạm nhiều lần, khi đến tuổi trưởng thành, lại mặc nhiên được cấp quốc tịch Pháp». Kể từ đó, Bộ Nhập cư Pháp bắt đầu chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Quốc tịch với quy mô lớn.

Mỗi năm, ở Pháp có khoảng 30 000 trẻ vị thành niên, có cha mẹ là người nước ngoài nhưng bản thân lại được sinh ra trên đất Pháp, được cấp quốc tịch Pháp. Bộ Trưởng Nhập cư Pháp, ông Eric Besson đề nghị : Những trẻ phạm tội, nếu tái phạm nhiều lần, sẽ bị cấm nhập tịch. Về phần mình, bộ Trưởng Nhập cư Pháp đề nghị bố sung điều khoản cho phép tước quốc tịch đối với phạm nhân bị kết án từ 8 năm tù trở lên, với những hành vi mà theo luật pháp của Pháp là « trọng tội », hoặc « phạm tội chống người thi hành công vụ ». Còn Bộ Tư Pháp thì muốn mở rộng hình phạt tước quốc tịch cho « tội giết người thi hành công vụ ». Bộ trưởng Nội vụ Pháp ông Brice Hortefeux thì nhắm vào tội « đa thê », với đề nghị : « Đàn ông nào sống cùng lúc với nhiều vợ và nhận trợ cấp xã hội đều đặn, sẽ bị phạt 5 năm tù và 75 000 euro, và bị tước quốc tịch ».

Tuy vậy, tờ báo kết luận : Theo nhiều bộ ngành của Pháp, những đề xuất này rất « mong manh » về mặt pháp lý, vì thế sẽ khó được thông qua.

Liên Hiệp Quốc cáo buộc Pháp phân biệt chủng tộc

Cũng liên quan đến nước Pháp, nhật báo Libération hôm nay thông tin về việc: « Liên Hiệp Quốc chỉ trích nước Pháp phân biệt chủng tộc ». 

 Chính sách trục xuất người Rom của Pháp đã bị nhiều chỉ trích. Sau Vatican, Ủy Ban Châu Âu, giờ đây đến lượt lượt Ủy Ban Loại trừ Phân biệt Chủng tộc Liên Hiệp Quốc (CERD). Ủy Ban này lo ngại hiện tượng này lan sang các nước Châu Âu khác. Chẳng hạn như vừa rồi, Đảng Liên Đoàn Miền Bắc, một đảng chống nhập cư của Ý, đã lên tiếng ủng hộ rằng : « Chính sách của tổng thống Sarkozy là một chính sách đáng được làm theo ». CERD cho rằng : vấn đề người Rom đã vượt ranh giới nước Pháp, vì thể giải pháp phải được đưa ra ở cấp độ Châu Âu.

Phái đoàn của Pháp đã đến Genève để dự hội nghị định kỳ của các nước ký Công ước Quốc tế năm 1965 về loại trừ kỳ thị chủng tộc. Ở hội nghị này, Pháp đã bị các chuyên gia chỉ trích tới tấp.

Nước Pháp lập tức có phản ứng vào hôm qua (thứ sáu, 27/08/2010). Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố : « Về vấn đề người Rom, nước Pháp luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Châu Âu cũng như các cam kết nhân quyền quốc tế». Còn ông Pierre Lellouche, bộ trưởng đặc trách các vấn đề Châu Ấu của Pháp thì nói : « Báo cáo của Ủy Ban Loại trừ phân biệt chủng tộc Liên Hiệp Quốc là « thái quá và bóp méo sự thật ».

Tội ác diễn ra trong hai cuộc chiến ở Côngo có thể bị kết án là « Tội diệt chủng »

Hôm nay, Le figaro, và Le Monde đều quan tâm đến bản báo cáo của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về tội ác chiến tranh trong hai cuộc chiến ở Côngo. Le Figaro có bài viết : « Cuộc chiến ở Côngo : Liên Hiệp Quốc chuẩn bị tố cáo tội « diệt chủng ». 

Vừa rồi, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã có bảng báo cáo tạm thời về tội ác xảy ra ở nước Cộng Hòa Dân chủ Côngô. Bản báo cáo chưa được công bố chính thức, nhưng đã bị rò rỉ ra báo chí. Theo báo cáo, từ năm 1993 đến năm 2003, ở đất nước Trung Phi này, đã diễn ra 2 cuộc chiến với sự tham gia của 9 quốc gia. Trong 10 năm chiến tranh, đã có hơn 600 vụ thảm sát và con số tử vong lên đến hàng triệu người. Các tác giả báo cáo cho rằng tội các được nêu ra trong báo cáo nghiêm trọng đến mức có thể xem là « tội diệt chủng ». Báo cáo tập trung nhiều nhất vào cuộc chiến thứ nhất, diễn ra từ năm 1996 đến năm 1997, với việc người Hutu bị tàn sát ở miền Đông Côngo. Cuộc chiến năm ấy của Liên minh các lực lượng dân chủ Giải phóng Côngo (ASDL) đã được quân đội Rwanda hậu thuẫn. Các nhà điều tra nghi rằng hai lực lượng quân sự này để tiến hành tàn sát người Hutu một cách có hệ thống. Báo cáo nhận định : « Nếu việc này được tòa án chứng minh, thì có thể bị xem là « tội diệt chủng ».

Báo cáo gây sốc mạnh cho chính phủ Rwanda. Tổng thống nước này, ông Paul Kagame, vốn từng tham chiến năm 1994, trận chiến làm 800 000 người chết. Nếu Liên Hiệp Quốc kết luận vụ thảm sát này là « diệt chủng », thì chiếc ghế tổng thống của Paul Kagame sẽ nguy khốn. Bởi thế, hôm qua Bộ Tư pháp Rwanda đã lên tiếng khẳng định : Báo cáo của Liên Hiệp Quốc là « vô căn cứ ».

Nhật báo Le Monde phản ánh sự kiện này qua bài xã luận đăng trên trang nhất với tựa đề : « Cần một tòa án hình sự quốc tế để xét xử vụ việc ở Côngô. »

Tác giả cho rằng phần lớn các hành vi tội ác nêu ra trong báo cáo đã được mọi người biết đến từ lâu. Nét mới của báo cáo là tập hợp được toàn bộ sự việc để chuẩn bị cho các phiên tòa trong tương lai, và cung cấp minh chứng cho hành vi « diệt chủng ».

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc tạo cơ sở để tổ chức một tòa án hình sự quốc tế, để những kẻ thủ ác phải bị xét xử, để trả lại công bằng cho những người đã bị sát hại.

Tình hình hiện tại của 33 thợ mỏ Chilê bị kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng đất

Báo Pháp hôm nay dành nhiều quan tâm đến tình hình các thợ mỏ Chilê bị kẹt sâu dưới lòng đất từ ngày 5 tháng 8. Le Figaro có bài viết chạy dòng tít : « Tổ chức cuộc sống dưới lòng đất cho các thợ mỏ Chilê ». 

« Mọi người có thể tự hào về người thợ mỏ hôm nay », đó là thông điệp mà 33 thợ mỏ gửi cho người dân Chilê từ độ sâu gần 700 mét dưới lòng đất. Tối hôm thứ năm, đoạn video ghi lại hình ảnh của họ đã được phát trên kênh truyền hình quốc gia. Các thợ mỏ đã tự ghi hình bằng một máy quay phim mini được chuyển xuống qua ống thăm dò lòng đất. Ống thăm dò này cũng là lối duy nhất để chuyển cho họ thực phẩm, nước uống từ bên trên mặt đất. Hình ảnh cho thấy họ ốm đi gần 10 ký, phải cởi trần do nhiệt độ lên đến hơn 30°C, râu tóc mọc dài, mắt thâm quầng. Tuy nhiên, tinh thần của họ rất tốt. Họ vui vẻ cười nói với mọi người. Họ cố gắng tổ chức ngăn nắp cuộc sống dưới lòng đất. Họ phân công công việc thành 3 nhóm : một nhóm lo việc nhận đồ gửi từ trên lòng đất, một nhóm lo canh các vụ lở đất mới, nhóm còn lại lo về y tế.

Theo chính quyền Chilê, phải mất từ 3 đến 4 tháng mới có thể đưa những người thợ mỏ này ra khỏi lòng đất. Tuy nhiên, các kỹ sư Hoa Kỳ cho rằng thời gian này sẽ có thể rút ngắn một nửa.

Le Figaro cho biết : để vượt qua thử thách, các thợ mỏ này phải tổ chức cuộc sống giống như nhà du hành vũ trụ. Giờ giấc sinh hoạt phải tuyệt đối nghiêm ngặt. Thời gian giải trí cũng mang tính quyết định. Sách vở và máy chiếu phim sẽ được chuyển đến họ qua đường ống thăm dò. Thứ hai tới, 4 chuyên gia của Nasa sẽ đến nơi để hỗ trợ cho lực lượng bác sỹ và cứu hộ trên mặt đất.

Còn theo Le Monde thì việc cứu hộ được tiến hành bằng máy khoan thủy lực Strata 950, máy khoan thế hệ mới nhất của Australia. Hiện tại trên thế giới chỉ có 10 chiếc. Mỗi ngày máy này khoan sâu được từ 8 đến 15 mét. Công việc gồm 2 giai đoan. Giai đoạn 1 : khoan đứng từ mặt đất xuống tận hầm mà hiện tại các thợ mỏ đang kẹt. Lần khoan này sẽ tạo ra một đường dẫn thẳng đứng với chiều rộng là 33 cm. Giai đoạn 2 : khoan tăng chiều rộng đường dẫn từ 33 cm lên 66 cm. Trong quá trình khoan, sẽ có 350 tấn đá vụn rơi xuống hầm, vì thế các thợ mỏ phải thường xuyên dọn dẹp. Khi công việc hoàn tất, từng thợ mỏ sẽ lần lượt được đưa lên mặt đất : mỗi người sẽ ngồi vào một sàn treo nhỏ, mặc đồ bảo hiểm, được trang bị chai đựng ô xy để đề phòng trường hợp giảm áp quá mức. Thời gian để kéo một người lên mặt đất là 30 phút. Trước kia Hoa Kỳ cũng đã sử dụng kỹ thuật này để cứu 9 thợ mỏ bị kẹt trong lòng đất suốt 3 ngày. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên Chilê áp dụng kỹ thuật này, hơn nữa lại ở độ sâu đến gần 700 mét. 

Tầm quan trọng của « hình thức bên ngoài » trên thị trường lao động hiện nay

Cuối cùng, xin giới thiệu với quí vị một thông tin về tầm quan trọng của « nhan sắc và cân nặng » đối với người lao động trong xã hội hiện đại. Đây là chủ đề của bài viết : « Vẻ đẹp bên ngoài, tiêu chuẩn bất thành văn trong tuyển dụng » trên Le Monde.

Trên thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay, « nhan sắc và cân nặng » có thể là yếu tố quyết định.

Tờ báo kể vụ việc một phụ nữ Nhật Bản 36 tuổi, cô Rina Bovrisse, đã cáo buộc bị công ty sa thải do « không có nhan sắc». Công ty sa thải cô là Công ty Prada Japon, chi nhánh ở Nhật Bản của tập đoàn Prada của Ý. Lãnh đạo công ty này quyết dịnh kiện Bovrisse. Ngày 24 tháng 8, trước tòa án Tokyo, công ty Prada Japon đã đòi Bovrisse bồi thường uy tín 307 000 euro. Tuy nhiên, Bovrisse quyết kiện tới cùng, cô nói : « Tôi hành động như vậy là để gửi thông điệp đến cho những người phụ nữ Nhật bị đối xử bất công ».

Le Monde cho hay, hiện tượng này cũng tồn tại từ lâu ở Pháp. Theo một nghiên cứu năm 2004, ở vùng Ile-de-France, hồ sơ xin việc có ảnh cho thấy ngoại hình xấu sẽ có nhiều nguy cơ bị từ chối. Nghiên cứu sau đó cho biết thêm là người béo phì cũng bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng.

Từ năm 2001, Pháp đã thông qua luật « cấm kỳ thị vì dáng vẻ bên ngoài ». Tuy nhiên, hiện tại, ít vụ kiện nào liên quan đến việc « kỳ thị do dáng vẻ bên ngoài » được xử tới nơi tới chốn, bởi trong việc này, rất khó tìm ra bằng chứng cho thấy có đúng là người đi kiện bị phân biệt đối xử vì « thiếu nhan sắc » hay không.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.