Vào nội dung chính
CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Ngành giáo dục Pháp, báo động đỏ ?

Lương thầy cô giáo tại Pháp thấp hơn so với trung bình của khối OCDE và thấp hơn so với hơn 10 năm về trước. Tỷ lệ thanh niên cắp sách đến trường cũng thấp hơn so với các nước khác thuộc Tổ chức Hợp Tác và Phát triển Kinh tế.

Trường học ở Pháp
Trường học ở Pháp DR
Quảng cáo

Vào mỗi dịp tựu trường tranh luận chung quanh chính sách giáo dục của Pháp lại nổi lên. Mùa khai giảng năm nay không phải là môt ngoại lệ. Giữa tháng 9/2011, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE công bố một bản báo cáo về tình trạng giáo dục tại các nước thành viên. Theo đó nếu lấy năm 2005 làm cột mốc với chỉ số 100 thì lương của các thầy cố giáo 10 năm trước tức là vào năm 1995 đã dao động từ chỉ số 105 đến 107 tùy cấp nhưng đến năm 2009 thì chỉ số này đã tuột xuống chỉ còn là 95.

Nếu nhìn chung đến các nước trong khối OCDE thì lương của giao viên hay giáo sư trong cùng thời kỳ đều đã nhảy vọt từ chỉ số 93 lên thành 107, trong vỏn vẹn 4 năm gần đây, tức là từ 2005 đến 2009.

Năm 2007, ba nhà nghiên cứu thuộc đại học kinh tế Paris 1- Sorbonne đã lên tiếng báo động về hiện tượng sức mua của các nhà giáo sụt giảm trong suốt giai đoạn trải dài từ năm 1960 đến 2004 và nhiều nhà giáo nản lòng, bỏ nghề gõ đầu trẻ.

Công trình nghiên cứu đó tuy đã được công bố và cho in trong tạp chí uy tín Revue d'Economie Politique nhưng cả ba tác giả đã bị tấn công dữ dội và bị phê bình là sử dụng phương pháp "sai lệch" trong cách tính toán. Trong báo cáo vừa cho công bố vào tuần trước, Tổ chức OCDE đã không sử dụng phương pháp toán học của các nhà nghiên cứu đại học Paris, nhưng cũng đã đi đến cùng một kết luận.

Kể từ 2007 cho đến mùa khai giảng năm nay, đã có 66 000 ghế của các thầy, cô giáo bị bỏ trống do quyết định của bộ Giáo dục. Lương bổng của các thầy các cô thì đã tăng chậm hơn so với vật giá.

Báo cáo của OCDE khiến người đọc không khỏi nêu lên câu hỏi : giáo dục phải chăng vẫn còn là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu khi biết rằng, tại một cường quốc kinh tế và công nghiệp như nước Pháp mà tỷ lệ GDP dành cho giáo dục đã giảm đi 0,3 điểm từ năm 2000 đến 2008.

Sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy cho đến giờ mục tiêu đế 50 % thanh niên của Pháp tốt nghiệp đại học hãy còn là một cam kết trên giấy tờ và theo thẩm định của OCDE thì tại Pháp, vào năm 2009 chỉ có 84 % thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 còn cắp sách đến trường thay vì 89 % vào năm 1994. Tỷ lệ này thấp hơn đến 6 điểm so với các thành viên khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

OCDE đi đến kết luận : kể từ năm 1995 chính sách giáo dục của Pháp không còn tiến bộ thêm nữa. Tiếc cho nước Pháp là cho đến năm 1995 quốc gia này vẫn dẫn đầu khối OCDE trong địa hạt giáo dục và luôn là ngọn hải đăng trong biển chữ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.