Vào nội dung chính
THẾ GIỚI Ả RẬP

Thế giới Ả rập : Sự hấp hối của một chế độ

Khủng hoảng của các nước Ả rập là khủng hoảng xã hội chính trị đầu tiên của các quốc gia đang trỗi dậy. Đây chính là lý do khiến các diễn biến trong khu vực này, được Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi rất quan tâm. Sự phụ thuộc thái quá vào giá dầu, du lịch, hoạt động gia công, khiến cho các nước Ả rập bị ảnh hưởng nặng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, dự trữ tài chính từ dầu mỏ và bàn tay sắt của chính quyền chưa chắc đã cản được « mô hình » kinh tế hiện nay của các chế độ Ả rập sụp đổ.

Một phụ nữ Hồi giáo tại quảng trường Tahrir,  tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 1/2/11.
Một phụ nữ Hồi giáo tại quảng trường Tahrir, tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 1/2/11. Reuters
Quảng cáo

Về cuộc khủng hoảng tại nhiều quốc gia Ả Rập, phụ trương kinh tế của Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề « Thế giới Ả rập, sự hấp hối của một chế độ ». Theo Le Monde, cuộc khủng hoảng hiện nay trong thế giới Ả rập hay các nước Trung Đông và Bắc Phi, gọi tắt là MENA (Middle East và North Africa) là cuộc khủng hoảng xã hội chính trị, tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Khủng hoảng 2.008 là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của các nước giàu. Khủng hoảng của các nước Ả rập là khủng hoảng xã hội chính trị đầu tiên của các quốc gia đang trỗi dậy. Đây chính là lý do khiến các diễn biến hiện nay trong khu vực này, được các nước BRICS như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi rất quan tâm.

Theo ông Samir Aita, chủ tịch nhóm các nhà kinh tế Ả rập, trưởng biên tập phiên bản tiếng Ả rập của tờ « Le Monde Diplomatique », tại các quốc gia MENA, sau khi chế độ thực dân, chấm dứt, một Nhà nước phúc lợi đã hình thành. Tuy nhiên, các thể chế Nhà nước tại đây đã nhanh chóng chuyển thành các chế độ « quân chủ phi lập hiến », hay các chế độ « cộng hòa dưới sự lãnh đạo suốt đời của một người và mang tính cha truyền con nối ». Tiếp theo đó, các điều chỉnh cấu trúc kinh tế theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế những năm 1990 đã khiến cho các dịch vụ công và các cơ sở hạ tầng của các quốc gia này bị suy yếu.

Về trạng thái kinh tế của các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, Le Monde nhận xét : điểm chung thứ nhất của tất cả các quốc gia này là các nguồn tài nguyên thiết yếu như nước và đất trồng cây đều rất hiếm. Điểm chung thứ hai của các quốc gia MENA là phụ thuộc vào bên ngoài, hoặc về nguồn năng lượng, như Maroc, Tunisia hay Ai Cập, hoặc về nguồn lương thực, như Algérie, Ả rập Xê út, Libya và Yemen.

Sự mất cân bằng về cấu trúc cùng với sự tồn tại của các chế độ chính trị độc đoán mang tính tham nhũng khiến cho nền kinh tế tăng trưởng không đủ mạnh (đáng lý tỷ lệ này phải đạt đến mức 7-8%, thay vì 5% như hiện nay), để tạo ra được các công ăn việc làm mới cho giới trẻ, có học vấn và có tay nghề. Các xã hội Trung Đông và Bắc Phi đã và đang trải qua một giai đoạn bùng nổ dân số khiến cho vấn đề thất nghiệp và việc làm càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong giai đoạn gần đây, mặc dù, nền kinh tế các nước Ả rập có xu hướng đa dạng hóa và nỗ lực tham gia vào các công đoạn cao cấp trong dây chuyền sản xuất và thương mại toàn cầu, tuy nhiên, theo Le Monde, cấu trúc của các doanh nghiệp lớn của các nước Ả rập, đã gặt hái thành công, chủ yếu vẫn mang tính gia đình và được tổ chức theo chiều dọc, không tạo điều kiện cho sự phát triển của mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự phụ thuộc thái quá của các nước Ả rập vào giá dầu, vào du lịch, vào các hoạt động gia công, khiến cho các nước này bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, so với các nước châu Á và các nước Nam Mỹ. Trong bối cảnh này, dự trữ tài chính từ dầu mỏ và bàn tay sắt của chính quyền chưa chắc đã cản được sự sụp đổ của « mô hình » kinh tế hiện nay của các chế độ Ả rập.

Theo Le Monde, hy vọng của giới trẻ Trung Đông và Bắc Phi ít hướng về Iran, với chế độ của các giáo chủ, mà là về Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã thực hiện được một sự chuyển đối thành công. Thổ Nhĩ Kỳ, bằng con đường dân chủ, đã thoát khỏi sự thống trị của nhóm quân sự độc quyền, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, với một thế hệ các doanh nhân mới hết sức năng động, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, cũng như một mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tích cực trên thị trường quốc tế.

Cũng theo Le Monde, chính sự lưỡng lự của châu Âu trong việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên hiệp đã khiến cho Istanbul thay đổi chiến lược chính trị và kinh tế để hướng sang các nước Trung Đông và Bắc Phi, vùng lãnh thổ vốn thuộc về đế chế Ottoman trước kia. Trong khi đó, theo Le Monde, châu Âu đã ủng hộ đến cùng các chế độ tàn tạ của thế giới Ả rập, vốn bị các cuộc đấu tranh quyền lực xâu xé mà không hình thành nổi một liên minh Địa Trung Hải, và nếu tiếp tục đi theo hướng này, châu Âu có thể bỏ qua những nhân tố đang tạo nên sự đổi mới ngay chính tại thế giới Ả rập.