Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

« Thiên hạ đại loạn », bạo lực lên ngôi

Tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro ngày 08/04/2024 nhận định « Bạo lực đã vượt quá mọi sự kiểm soát ». Hai năm sau khi Nga xâm lăng Ukraina, thế giới đã thay đổi hẳn. Trật tự quốc tế biến mất nhường chỗ cho một hệ thống đa cực hỗn loạn, vũ lực được bình thường hóa.

Các quân nhân thuộc lữ đoàn lực lượng đặc biệt số 12 Azov bắn đại bác Howitzer về phía quân Nga tại Donetsk, ngày 05/04/2024.
Các quân nhân thuộc lữ đoàn lực lượng đặc biệt số 12 Azov bắn đại bác Howitzer về phía quân Nga tại Donetsk, ngày 05/04/2024. REUTERS - Sofiia Gatilova
Quảng cáo

Drone tự sát làm chiến trường trở nên vô cùng nguy hiểm

Liên quan đến Ukraina, Le Monde mô tả « Cuộc chiến sóng điện chống lại drone » : Matxcơva và Kiev cùng lao vào chiến tranh công nghệ để đối phó với mối đe dọa từ drone tự sát.Quân đội Ukraina đang cố gắng xin cho được các thiết bị gây nhiễu tần số để bảo vệ tiền tuyến. Pháp gọi là « hệ thống chiến tranh điện tử » (SGE), còn giới quân sự Nga và Ukraina dùng chữ « coupole » (vòm) hay REB.

Những thiết bị này trở nên vô cùng quan trọng từ mùa hè 2023, khi những drone tự sát (FPV) bắt đầu được hai bên sử dụng ồ ạt. Các drone giá rẻ này (300-1.000 euro một chiếc) có thể tấn công chính xác bất kỳ mục tiêu nào – một người lính trong chiến hào, một chiến xa hay xe cấp cứu…

Hậu quả là vô cùng nguy hiểm khi di chuyển trong dải đất dài 10 kilomet dọc theo chiến tuyến. Chiến trường trở nên « trong suốt », việc chuyển quân, tiếp tế hay sơ tán đều bị địch quân quan sát. Nhiều chỉ huy Ukraina khẳng định với Le Monde là các drone tự sát của Nga là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho phía mình. Mặt trận bị bão hòa bởi các drone loại DJI Mavic, nhà sản xuất Trung Quốc hàng đầu thế giới.

Thiết bị gây nhiễu trong cuộc đọ sức chiến tranh điện tử 

Công ty Kvertus, một trong ba nhà sản xuất chính của Ukraina về thiết bị gây nhiễu giải thích, các SGE này cắt đứt tín hiệu radio của người điều khiển và tín hiệu video của drone gởi về. Không hoạt động độc lập được, các drone rơi rụng hay bay một cách hú họa. Kvertus thiết kế hai loại thiết bị gây nhiễu cơ động và cố định, loại nhỏ nhất trông giống như một khẩu súng, được người lính hướng ăng-ten về mục tiêu thường là đã định trước. Một mô-đen khác nặng hơn, to bằng hộp đựng giày, có thể mang trong túi ba lô, gây nhiễu 360 độ (nên mang tên « vòm ») trong bán kính 600 mét.

Các SGE này gây nhiễu được tần số của 80 % drone Nga. Hàng ngày các chiến sĩ thông báo số lượng drone của kẻ thù bị chặn, và nếu địch đổi tần số, công ty sẽ gởi những module thích hợp. Phía Nga triển khai hệ thống chiến tranh điện tử của nhà nước mỗi 10 kilomet dọc theo chiến tuyến. Một trong số đó, loại Shipovnik-Aero có thể kiểm soát một drone trong vòng 10 kilomet với độ chính xác 1 mét.

Tuy Nga ở thế thượng phong, nhưng thường khoảng bốn tháng là đối thủ tìm được sơ hở. Các SGE của Nga rất tinh tế và mạnh, nhưng lại cồng kềnh, dễ bị tình báo Ukraina tìm ra và trở thành vô hiệu, thế nên quân Nga đang tìm cách thu nhỏ kích thước. Tổng giám đốc một doanh nghiệp khác của Ukraina là Infozahyst nhận định, dường như phương Tây chưa ý thức được tầm quan trọng của thiết bị gây nhiễu. Các drone tự sát là mối đe dọa an ninh toàn cầu, sẽ còn tăng lên khi trang bị trí thông minh nhân tạo, khi đó rất khó bảo vệ các phi trường và nhà ga dù ở trung tâm châu Âu.

Trong tầm ngắm quân Nga, Kharkiv lại chìm trong bóng tối

Phóng sự của Le Figaro nói về « Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì Ukraina một lần nữa lại trong tầm ngắm của quân Nga ». Matxcơva tung ra chiến dịch oanh tạc ác liệt nhằm đánh gục thành phố này.

Oleksandr, bác sĩ phẫu thuật 38 tuổi sau ngày 24/02/2022 đã dọn đến « ngôi nhà trong mơ » : một penthouse rộng 150 mét vuông ở tầng 24 với cảnh quan tuyệt đẹp, biên giới nằm cách đó 30 kilomet. Những người bạn đã mua căn nhà này một tháng trước cuộc xâm lăng đã di tản và đề nghị ông ở giữ nhà. Nhưng từ ba tuần qua, Oleksandr phải đi bộ lên 24 tầng lầu, vì Nga nhiều lần đánh vào hệ thống điện thành phố bằng drone và hỏa tiễn. Cho đến hôm qua, vẫn còn 410.000 hộ gia đình không có điện. Thị trưởng Ihor Terekhov phẫn nộ nói, Nga muốn làm người dân sợ hãi phải ra đi.

Sau chiến thắng thần tốc của quân đội Ukraina, người dân di tản đã quay lại dù 20.000 tòa nhà bị phá hủy. Công viên lại rộn rã tiếng cười trẻ em, đường phố bắt đầu kẹt xe. Tuy nhiên gần đây những hồi còi báo động lại rền vang, tiếng máy phát điện rì rào khắp nơi. Kharkiv dễ tổn thương vì kết nối với mạng điện quốc gia bằng ba trạm cao thế thường xuyên bị Nga oanh tạc. Phòng không Ukraina căng thẳng từ khi không còn viện trợ Mỹ, Kharkiv nằm quá gần biên giới nên khó thể chặn nổi bom một khi chúng được thả xuống. Thế nên Kiev cố gắng chống đỡ bằng cách khác, chủ yếu là tấn công vào các phi trường và cơ sở hạ tầng chiến lược của Nga. Bên cạnh đó là nguy cơ quân Nga lại tiến chiếm lần nữa, Kharkiv là thành phố nói tiếng Nga và mục tiêu mang tính biểu tượng cao mà Matxcơva luôn thèm muốn từ 2014.

Châu Âu chưa thực sự tỉnh thức 

Về phía châu Âu, trên Libération, nhà văn Đan Mạch Jens Christian Grøndahl nhận định « Không cần phải tự hỏi người Nga có kéo sang hay không, họ đã có mặt rồi ». Cuộc sống bình thường của người dân châu Âu đã bị tấn công. Không đao to búa lớn, Volodymyr Zelensky cũng đã phát biểu tương tự trong những bài nói chuyện qua video đầu tiên của với nhân dân Ukraina sau khi bị Nga xâm lăng.

Ông cho rằng tổng thống Pháp đã có lý khi nhận định NATO « chết não » tuy có hơi sớm, và ý định đưa quân sang Ukraina. Tại Đan Mạch, nữ thủ tướng Mette Frederiksen bị chỉ trích khi tuyên bố : « Các dây chuyền sản xuất hoạt động 24/24 tại Nga, 7 ngày trong tuần ; còn ở châu Âu tôi thường nghe nói chúng ta muốn làm việc ít hơn ». Đó là những nhà lãnh đạo quyết đoán và ý thức được trách nhiệm lịch sử. Grøndahl nhấn mạnh : Nếu chúng ta không biết liệu có nên hy sinh những gì cần thiết để bảo vệ nền văn minh dân chủ châu Âu, ủng hộ Ukraina trước kẻ xâm lược Nga, thì tại sao cử tri của Donald Trump lại phải quan tâm ?

Israel : Kinh tế vẫn ổn nhưng tình đoàn kết không còn

Chiến tranh ở Gaza kéo dài đã sáu tháng, và cuộc chiến ở Ukraina tiếp tục là mối quan tâm chính của báo chí. Về Israel, Le Monde chạy tít « Sáu tháng chiến tranh được khuấy động bởi hận thù ». Ở trang trong, Le Monde tả lại cuộc sống người dân Palestine ở phía bắc Dải Gaza, mỗi ngày trôi qua là một đấu tranh để sống sót vì thực phẩm quá hiếm hoi.

La Croix nói về « Hồi kết của sự đoàn kết » trên cả nước : lo cho số phận các con tin, người dân chỉ trích thủ tướng Netanyahou. Nhật báo công giáo nhận thấy « Đường phố lại sôi sục chống đối ông Netanyahou », trong khi một địa điểm tưởng niệm được dựng lên dành cho những nạn nhân của liên hoan âm nhạc Nova. Sau cái chết của các nhân viên tổ chức nhân đạo, Washington cao giọng với Tel Aviv nhưng nhà phân tích Dominique Moisi cho rằng « Hãy còn quá sớm để chôn vùi mối quan hệ giữa Israel và Mỹ ». Les Echos tổng kết « Israel-Hamas : Sáu tháng chiến tranh chưa có lối ra », tuy nhiên nền kinh tế Israel vẫn đứng vững.

Chiến tranh robot Mỹ-Trung

Trên lãnh vực khoa học kỹ thuật, Les Echos đưa tít trang nhất « Trung Quốc-Hoa Kỳ : Cuộc chiến tranh robot mới ». Việc phát triển robot mang hình dạng người đang được đẩy nhanh ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Chính quyền Bắc Kinh coi đây là phương tiện để hiện đại hóa kỹ nghệ, còn Tesla và các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ đặt cược vào việc sử dụng ồ ạt tại các kho hàng và nhà máy.

Ngày 29/12/2023, lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Hồng Kông, không phải là con người mà Walker S, một robot cao 1 m 45 nặng 77 ký đã đánh kẻng mở màn việc niêm yết UBTech, công ty Trung Quốc đã tạo ra nó. Công ty này với sự bảo trợ của Bắc Kinh muốn chuyển sang một kỷ nguyên mới : những động vật hai chân nhân tạo có thể tương tác với con người. Tại Hoa Kỳ, tuy chưa lên sàn chứng khoán nhưng những start-up loại này đã thu hút nhiều nhà đầu tư.

Một phần tư thế kỷ sau khi tập đoàn Honda trình làng robot Asimo, những robot được « nhân cách hóa » không còn dừng lại ở phòng thí nghiệm mà được coi là thị trường tương lai. Một số tập đoàn ở Mỹ đã sử dụng để làm những công việc hậu cần, tại Trung Quốc bắt đầu dùng chúng để kiểm tra chất lượng xe hơi. Chế độ Bắc Kinh cuối năm ngoái công bố một văn bản 9 trang ấn định đường hướng phát triển, với mục tiêu sản xuất hàng loạt robot « nhân cách hóa » từ nay đến 2025, tức là chẳng bao lâu nữa ! Truyền thông đưa hình ảnh Tập Cận Bình quan sát sản phẩm bán dẫn và robot hình người - hai lãnh vực chiến lược.

Tại Mỹ từ lâu đã có những nghiên cứu, và có lợi thế về trí thông minh nhân tạo vốn cần thiết để robot có thể tự chủ, vừa hoạt động được trong kỹ nghệ vừa phục vụ được con người, tương tác với cử chỉ và tiếng nói của người thật. Nhưng giá thành robot « nhân cách hóa » còn quá cao, còn phải hạ xuống dưới mức 100.000 đô la. Elon Musk nêu ra con số phấn đấu 20.000 đô la, còn rẻ hơn những chiếc xe Tesla.

Một thế giới bạo lực tràn ngập

Nhìn chung toàn cảnh thế giới, tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro nhận thấy « Bạo lực vượt quá mọi sự kiểm soát ». Khắp nơi, bạo lực được bình thường hóa, được coi như là nguyên tắc của các chế độ độc tài, một trật tự thế giới mới dựa trên cơ sở mạnh được yếu thua.Hai năm sau khi Nga xâm lăng Ukraina, thế giới đã thay đổi hẳn. Chiến tranh ở Ukraina thành động cơ cho thế kỷ 21, như Cách mạng Pháp là động cơ của thế kỷ 19 và Đệ nhất Thế chiến trong thế kỷ 20. Trật tự quốc tế biến mất nhường chỗ cho một hệ thống đa cực hỗn loạn, bạo lực lên đến cực độ không ai kiểm soát.

Tại Ukraina, một cuộc chiến tiêu hao không biết bao giờ mới kết thúc, một nấm mồ khổng lồ, dẫn đến động viên hàng loạt, oanh kích chiều sâu và nhu cầu vũ khí, đạn dược tăng vọt. Vụ khủng bố ở Matxcơva vừa bộc lộ những lỗ hổng an ninh vừa cho thấy sự biến thái của chế độ Vladimir Putin. Kremlin đã cắt đứt với thực tại khi đổ tội cho Ukraina và phương Tây trong khi thủ phạm là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Khorasan mấy lần nhận trách nhiệm, từ đó lấy cớ gia tăng tấn công Ukraina.  

Tại Gaza, chiến dịch trả đũa vụ khủng bố của Hamas đã gây ra 33.000 nạn nhân cùng với thảm họa nhân đạo. Các cuộc oanh kích của Israel đã tiêu diệt được sáu sĩ quan cao cấp của Vệ binh Cách mạng tại lãnh sự quán Iran ở Damas, mở đường cho leo thang. Phe Houthi phong tỏa giap thương ở Hồng Hải, phá hủy 3 trong số 10 tuyến cáp ngầm dưới biển nối châu Á với châu Âu, bắn hỏa tiễn đạn đạo vào các thành phố Israel.

Độc tài, thánh chiến đe dọa các nước dân chủ

Ở châu Á, căng thẳng không ngừng tăng lên trên Biển Đông và xung quanh Đài Loan. Bắc Triều Tiên không chỉ làm săng-ta nguyên tử mà còn bắt tay với Nga, lăm le quân sự hóa không gian. Tại Kavkaz, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan gây áp lực lên Armenia. Nội chiến trải rộng khắp nơi, từ Miến Điện tới Congo, Sudan, Irak, Libya, cộng thêm nạn dịch đảo chánh ở châu Phi. Thánh chiến ngóc đầu dậy, đe dọa từ vịnh Ghinê tới Philippines.

Chúng ta cũng bước vào một kỷ nguyên mới với sự đối đầu giữa các đế quốc độc tài được « các nước phương Nam » ủng hộ, và các quốc gia dân chủ ; với việc quân sự hóa toàn cầu cộng thêm trừng phạt. Bạo lực không còn là độc quyền của các Nhà nước, mà cả phiến quân, nhóm khủng bố, tổ chức tội phạm cũng có được những vũ khí chiến lược. Bạo lực diễn ra trong những lãnh vực mới, từ không gian đến thế giới mạng, cơ sở hạ tầng ; nhắm chủ yếu vào thường dân, được bình thường hóa.

Độc tài và thánh chiến là những vec-tơ hàng đầu của bạo lực, nhưng theo Le Figaro, cũng có trách nhiệm của các nền dân chủ. Cơ hội hòa bình bị đánh mất năm 1989 và trước đó là 1918, do thiếu nhất quán và mị dân, không lo xây dựng một hệ thống quốc tế bền vững. Hoa Kỳ sau chiến tranh Irak phải đối phó với kinh tế bong bóng, các quốc gia tự do thu mình lại trong các vấn đề nội bộ, bỏ trống sân chơi cho các bạo chúa và bọn cuồng tín. Triết gia Raymond Aron ngay từ năm 1960 đã đặt vấn đề « Con người là một sinh vật có lý trí, nhưng nhiều con người thì có lý trí hay không ? »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.