Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

PANG, « quái vật khổng lồ » kế nhiệm hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles De Gaulle

Le Monde ngày 09/04/2024 nói về hàng không mẫu hạm sẽ kế nhiệm chiếc « Charles-de-Gaulle », một công trình khổng lồ có giá trị cả quân sự lẫn dân sự. Động cơ nguyên tử giúp chiếc tàu sân bay tương lai trị giá 10 tỉ euro có thể hải hành suốt mười năm, đồng thời mang lại luồng gió mới cho kỹ nghệ hạt nhân.

Hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đậu tại căn cứ hải quân ở Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 09/11/2022.
Hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đậu tại căn cứ hải quân ở Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 09/11/2022. AP - Eric Gaillard
Quảng cáo

Hàng không mẫu hạm nguyên tử khẳng định vị thế Pháp

Hàng không mẫu hạm thế hệ mới PANG (viết tắt của Porte-Avions de Nouvelle Génération) sẽ là chiến hạm lớn nhất từ trước tới nay ở châu Âu, có trọng tải 75.000 tấn so với hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle 42.500 tấn. Được hạ thủy từ năm 2001, chiếc « Charles », như lính thủy vẫn gọi, sẽ rời hạm đội vào năm 2038.

Người khổng lồ mới sẽ mang theo khoảng 40 phi cơ, Rafale dành cho hải quân, trực thăng, drone và có thể cả chiến đấu cơ tương lai từ chương trình SCAF. PANG cần thủy thủ đoàn 2.000 người, tổng cộng 5.000 người làm việc trên tàu. Các sĩ quan tàu ngầm, không quân, thủy quân lục chiến, biệt kích, chiến hạm đều có cơ hội phục vụ trên hàng không mẫu hạm mới. Pháp là nước duy nhất ngoài Hoa Kỳ có được loại tàu sân bay nguyên tử này.

Đội tàu hộ tống sẽ rất hùng hậu, gồm các tiềm thủy đĩnh tấn công, chiến hạm đa nhiệm, phòng không, tuần tra, tiếp liệu, bảo vệ hàng không mẫu hạm trong đường kính 1.000 kilomet ; và các phi cơ có thể tấn công nguyên tử. Tên của PANG chưa được quyết định, có thể là Simone Veil hay François Mitterrand. Những người tham gia dự án được chia làm 16 nhóm làm việc, riêng nhóm kỹ nghệ đã có đến 600 người.

Lãnh vực nguyên tử Pháp có cơ hội huy động tất cả các nhân tố từ thiết kế cho đến bảo trì, giúp duy trì đội ngũ chuyên môn và đào tạo thế hệ kỹ sư, kỹ thuật viên mới. Riêng vỏ tàu cần 1.500 đến 2.000 công nhân trong một năm, Pays de la Loire và vùng Bretagne được hưởng lợi nhiều nhất. Hải quân cũng theo dõi các tiến bộ công nghệ để đối phó với những mối đe dọa mới như hỏa tiễn siêu tốc, drone, thủy lôi, vệ tinh do thám. Tổng giám đốc Naval Group nhìn nhận ở Hắc Hải và Hồng Hải, tốc độ phát triển các hệ thống mới hết sức nhanh chóng.

Trung Quốc : Từ « đồ cũ » của Ukraina đến tàu sân bay hiện đại

Trong khi đó sức mạnh hải quân đang tăng lên của Bắc Kinh gây lo ngại. Năm 2000, một hàng không mẫu hạm cũ của Ukraina được bán cho một công ty ở Macao để làm một « casino nổi » nhưng rốt cuộc đã biến thành chiếc Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Và nay Bắc Kinh đã có được hàng không mẫu hạm thứ ba, chiếc Phúc Kiến hạ thủy năm 2022 với hệ thống phóng điện từ tương tự như phương Tây.

Hàng tỉ nhân dân tệ được đổ vào các cảng, hệ thống 5G từ châu Phi, châu Mỹ la-tinh tới vùng vịnh Caribê. Trung Quốc đầu tư vào khoảng 40 dự án cảng biển ở nhiều nơi trên thế giới, đáng chú ý là cảng khổng lồ Chancay ở Pêru với 3,6 tỉ đô la, có thể đón nhận những tàu container lớn và cả hàng không mẫu hạm. Trung Quốc còn có 12 tàu ngầm nguyên tử trong số 65 tàu ngầm từ nay đến 2025.

Quốc phòng : Quay lại với chiến tranh kỹ nghệ

Cũng về quốc phòng, theo Le Monde, « châu Âu sở hữu năng lực kỹ nghệ có thể đáp ứng mọi yêu cầu của quân đội, nhưng không thể huy động được vì thiếu một chiến lược liên quốc gia ». Tuy công nghệ châu Âu không thua kém Hoa Kỳ, nhưng quốc phòng là lãnh vực riêng của từng quốc gia, ít có hợp tác giữa các nước. Sức mạnh kỹ nghệ bị chia nhỏ ra nhiều nơi, có những tiêu chuẩn khác biệt và còn cạnh tranh lẫn nhau. Một ví dụ, theo tổng giám đốc Airbus, là sự cạnh tranh giữa chiến đấu cơ Rafale (Pháp), Eurofighter (Đức, Anh), Gripen (Thụy Điển). Vũ khí cho bộ binh, tàu ngầm, lá chắn chống tên lửa cũng tương tự.

Bên cạnh quyết tâm chính trị và một ngân sách lớn, còn phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, và có sự táo bạo về mặt định chế. Chẳng hạn đặt ra chức ủy viên châu Âu chuyên trách quốc phòng - như đề nghị của bà Ursula von der Leyen trong hội nghị an ninh Munich. Châu Âu sẽ chẳng bao giờ thay thế được chú Sam, nếu không tập trung 5 % nguồn lực, tức hai lần rưỡi hiện nay, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

Israel bước sang giai đoạn thứ ba của chiến dịch « Kiếm sắt »

Israel chuyển sang hình thái mới của chiến tranh, khủng hoảng ngoại giao giữa Ecuador và Mêhicô, Vatican công bố những tiêu chí về phẩm giá con người của Đức giáo hoàng Phanxicô là những chủ đề thời sự quốc tế được chú ý hôm nay. Bên cạnh đó là những vấn đề của nước Pháp như học sinh ngày nay đọc sách quá ít, dành thời gian cho màn hình, hay chiến dịch chống ma túy của chính phủ bị nghi ngờ là « pháo xịt ».

Về việc Tsahal rút khỏi nam Gaza và chuẩn bị chiến tranh với Iran. Les Echos cho rằng quân đội Israel nay chú trọng vào các hoạt động biệt kích. Chiến dịch « Kiếm sắt » tung ra từ sáu tháng qua tại Gaza nay bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ ba.Giai đoạn đầu là oanh tạc dồn dập, rồi chiến dịch trên bộ với 20.000 đến 30.000 quân nhân. Từ cuối tuần qua, chỉ còn vài trăm chiến sĩ dọc theo một « hàng lang » cắt đôi Dải Gaza từ đông sang tây, để ngăn cản hàng trăm ngàn người Palestine tị nạn ở miền nam quay về.

Theo quân đội Israel, đã có 12.000 tay súng của Hamas đã bị tiêu diệt, chỉ có bốn tiểu đoàn quân Hồi giáo cố thủ ở Rafah, miền nam Gaza. Tối hôm qua, thủ tướng Benyamin Netanyahou loan báo đã ấn định thời điểm để tấn công vào Rafah. Cũng trong tối qua, tổng thống Emmanuel Macron cùng với đồng nhiệm Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi và quốc vương Jordanie Abdallah II đã cảnh báo Israel về các « hậu quả nguy hiểm » của chiến dịch Rafah, kêu gọi ngưng bắn lập tức và thả tất cả con tin.

Một cú lừa cho quân khủng bố Hamas 

Một sĩ quan cho biết, yếu tố bất ngờ là quan trọng. Tsahal đã trắc nghiệm khi lại tấn công vào bệnh viện Chifa ở Gaza hôm 18/03. Cơ sở này, từ đầu vẫn được Israel coi là đại bản doanh quân sự của Hamas, đã bị quân Israel xâm nhập rồi rút đi.Trong đợt tiến công thứ hai, « Chúng tôi đã tiêu diệt được 200 tên khủng bố và bắt 500 nghi can, vốn ngỡ rằng chúng tôi không quay lại nên đã ra khỏi nơi ẩn nấp ».

Tuy nhiên Les Echos dẫn lời một tướng lãnh trừ bị lưu ý về hạn chế của chiến thuật này : « Ngay khi binh lính của chúng tôi rời Khan Younès, Hamas lại kiểm soát thành phố » trong khi mục tiêu của Benyamin Netanyahou là diệt trừ hẳn mối họa từ phong trào Hồi giáo.

Ngược lại ở miền bắc đối mặt với Hezbollah và Iran, quân đội Israel bắt đầu chuyển từ thế thủ sang thế công. Dự kiến sẽ dùng đến quân dự bị trong trường hợp khẩn cấp trên tiền tuyến. Căng thẳng tiếp diễn từ khi trừ khử được tướng Mohammed Reza Zahedi, nhân vật số hai của Vệ binh Cách mạng và nhiều sĩ quan cao cấp khác của Iran. Teheran thề sẽ trả thù, còn Hezbollah có thể tung những trận mưa rốc-kết sang Israel. Lực lượng quân dự bị tại các đơn vị phòng không của Israel đã được huy động.

Nạn nhân diệt chủng bị kiện tội diệt chủng : Đổi trắng thay đen

Trên bình diện chính trị, Le Figaro nói về « Cú sốc hồi ức thế giới ». Với xung đột kéo dài ở Ukraina và Trung Đông, chiến tranh hiển hiện mỗi ngày trên màn ảnh truyền hình và báo chí. Nhờ trời, viễn cảnh Đệ tam Thế chiến lùi xa. Nhưng nếu mặt đất và đại dương của hành tinh không trở thành chiến trường, tiêu hủy sinh mạng hàng triệu thanh niên như hai cuộc đại chiến trước đây, thì lại có một cú sốc mới khi lịch sử bị đảo ngược. Đáng kinh ngạc nhất là Israel, nạn nhân của diệt chủng bị Nam Phi kiện lên tòa án La Haye về tội « diệt chủng ».

Điều đáng nói là luận điệu này được nhiều nơi hưởng ứng, không chỉ bởi đa số « các nước phương Nam », mà cả một phần đáng kể giới sinh viên các trường đại học Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha. Họ hô hào trong các cuộc biểu tình chống Israel « Từ sông tới biển, Palestine sẽ được giải phóng ! ». Có nghĩa là Nhà nước Do Thái chấm dứt sự tồn tại !

Vụ kiện được tuyên truyền ồn ào này là thành công của ANC, đảng cầm quyền Nam Phi, đánh lạc hướng được người dân về những thất bại kinh tế xã hội trong nước. Tác giả bài viết cho rằng, trong khi ở Israel, những sai lầm của chính quyền Ben Gourion vẫn được ghi nhận một cách trung thực, thì các những người phản đối cũng nên nhớ lại những tội ác của nhiều phong trào « giải phóng quốc gia » khác nhau trong thập niên 50 và 60.

Vi phạm công ước về đặc miễn ngoại giao, Ecuador bị cô lập

Tại châu Mỹ la-tinh, Le Monde La Croix đều nhận thấy Ecuador bị quốc tế đồng loạt lên án vì vụ xâm nhập đại sứ quán Mêhicô ở Quito. Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Liên Hiệp Quốc và hầu như tất cả các nước Nam Mỹ đều phản đối việc bắt giữ cựu phó tổng thống Ecuador, Jorge Glas, sống tại đại sứ quán Mêhicô từ tháng 12/2023 và được chấp nhận cho tị nạn chính trị vài giờ trước đó.

Tố cáo « vi phạm trắng trợn luật quốc tế và chủ quyền Mêhicô », tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, thường gọi là « AMLO », đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega, cũng hành động tương tự để tỏ tình tương trợ. Ngoại trưởng Mêhicô cho biết sẽ kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế. Hình ảnh ông Roberto Canseco, lãnh sự Mêhicô bị một cảnh sát đánh ngã xuống đất đã gây sốc cho cả nước.

Các nhà ngoại giao Mêhicô hôm Chủ nhật đã về nước, được đại sứ các nước Đức, Panama, Cuba, Honduras hộ tống đến phi trường. Đại sứ Alicia Barcena trong cuộc họp báo đã khẳng định : « Các nhân viên ngoại giao của chúng tôi đã bỏ lại tất cả ở Ecuador, ngẩng cao đầu trở về. Ngay cả nhà độc tài Pinochet cũng chẳng dám xông vào đại sứ quán Mêhicô ở Chilê ». Bà cho biết 18 nước châu Mỹ la-tinh và 20 nước châu Âu đã ủng hộ Mêhicô. Ngay cả các nước thân thiết như Hoa Kỳ, Achentina cũng lên án việc vi phạm Công ước Vienna về quyền đặc miễn ngoại giao.

Khủng hoảng với Mêhicô đã có mầm mống từ trước

Điều mỉa mai là trước đây Ecuador dưới thời tổng thống Rafael Correa từng cho Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks trú ẩn tại đại sứ quán ở Luân Đôn suốt bảy năm (2012- 2019), từ chối yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển. Le Monde nhắc lại, cảnh sát Anh chỉ vào bắt Assange khi tổng thống Lenin Moreno, người kế nhiệm của ông Correa bật đèn xanh.

Ngoại trưởng Ecuador biện minh rằng Jorge Glas đang bị truy nã, mọi đối thoại với Mêhicô không kết quả. Thực ra khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước đã xảy ra ba ngày trước đó, khi tổng thống Mêhicô Lopez Obrador hàm ý lẽ ra một nhân vật thân cận với Correa đã đắc cử nếu ứng cử viên Fernando Villavicencio không bị ám sát một ngày trước bầu cử.

Tổng thống Daniel Noboa đến nay vẫn giữ im lặng. Năm nay 36 tuổi, tổng thống trẻ tuổi đã triển khai quân đội để chống lại các băng nhóm ma túy, hiện vẫn được người dân ưa thích. Cựu phó tổng thống Jorge Glas, từng bị 6 năm tù vì tham nhũng và đang bị cáo buộc tội biển thủ, đã được chuyển sang trại giam La Roca được canh gác cẩn mật. Luật sư và người thân lo ngại : Các nhà tù ở Ecuador từ năm năm qua thường xảy ra các vụ nổi loạn, sát nhân. La Croix cho biết thêm, lâu nay tương đối yên bình, nhưng tại Ecuador gần đây bạo lực lan tràn : chỉ trong ba ngày nhân lễ Phục Sinh vừa qua, đã có 80 người thiệt mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.