Vào nội dung chính
ĐIỂM TUẦN BÁO

Điện Biên Phủ mở đầu cho hồi kết chính sách thuộc địa Pháp

Le Figaro Magazine chạy tít lớn « Cuộc chiến của những người hùng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm », dành trang bìa cho bức ảnh những người lính đang xung phong.

Ảnh tư liệu : Chiến dịch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, nhằm bảo vệ biên giới phía Lào và cắt đường tiếp tế của Việt Minh.
Ảnh tư liệu : Chiến dịch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, nhằm bảo vệ biên giới phía Lào và cắt đường tiếp tế của Việt Minh. AP
Quảng cáo

Trận đánh khiến Pháp lụi tàn giấc mơ Đông Dương 

Trong bài « Đông Dương, những chiến binh cuối cùng của Điện Biên Phủ », đặc phái viên tờ báo quay lại chiến trường xưa, nơi từng diễn ra trận đánh huyền thoại. Từ ngày 13/03 đến 07/05/1954, thất bại của quân đội do tướng De Castries chỉ huy trước Việt Minh đông gấp bốn lần, đã khởi đầu cho việc Pháp chia tay với Đông Dương.

Khi những người lính dù Pháp tham gia chiến dịch Castor nhảy xuống thung lũng ngày 20/11/1953, tại đây chỉ mới có vài làng người Thái đen. Năm 2024, Điện Biên Phủ là một thành phố biên giới 140.000 dân không ngừng mở rộng, những tòa nhà cao xấu xí thay thế những căn nhà miền núi duyên dáng bên bờ Nậm Rốm.

Một phi đạo mới vừa được khánh thành vào tháng 12/2023 - nơi xưa kia những chiếc Dakota của Không quân Pháp hạ cánh, trước khi đại bác của Việt Minh ngăn trở khiến chỉ còn cách nhảy dù. Ngày nay có những chuyến bay từ Hà Nội và bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn. Để có phi đạo dài 2.500 mét, một đoạn đồi Bản Kéo (Anne-Marie) đã bị san phẳng dù nằm trong số 46 cứ điểm lịch sử. Điều kỳ lạ là trong sáu tháng đào bới, không tìm thấy hài cốt lính viễn chinh nào.

Chiến trường Điện Biên nay là thành phố nhộn nhịp

Đại sứ quán Pháp theo dõi chặt chẽ, sau khi bị hiệp hội « Souvenir français » (Kỷ niệm Pháp) chỉ trích là không quan tâm đến việc hồi hương di hài những người lính ở Đông Dương. Một phái đoàn của Viện Khảo cổ được gởi đến Việt Nam tháng 4/2023 để giúp đào tạo người Việt, nhưng không được vào hiện trường. Trong trận Điện Biên Phủ, phía Pháp có 2.300 lính tử trận và 1.000 mất tích. Nhưng hơn 6.500 trong tổng số 11.000 người bị bắt làm tù binh đã chết trong chuyến đi khủng khiếp về các trại của Việt Minh hay khi bị giam giữ.

Tại một số cứ điểm như Éliane, Dominique, các chiến hào được gia cố để chống chọi với thời gian và mưa gió, hầm chỉ huy của tướng De Castries được tráng xi-măng. Những cô gái mặc áo dài chụp hình kỷ niệm trước một bức tranh toàn cảnh khổng lồ mô tả lại cuộc chiến. Tác giả nhận thấy việc dựng lại có phần hơi lố : cơ sở y tế của Việt Minh trông giống như một bệnh viện ở Dubai, còn của sở chỉ huy Pháp chỉ là một hầm chứa nước thải bẩn thỉu.

Cách đó vài trăm mét là đài tưởng niệm của phía Pháp do một cựu binh lê dương gốc Đức từng chiến đấu ở cứ điểm Hồng Cúm (Isabelle), Rolf Rodel dựng lên ngày 07/05/1994 nhân kỷ niệm 40 năm trận đánh. Xa hơn, ở Mường Phăng khoảng 17 kilomet đường chim bay là sở chỉ huy của tướng Giáp, ở ngoài tầm đại bác 155 ly, và những căn lều của cố vấn Trung Quốc. Pháp thua vì không ngờ người Việt làm được điều không tưởng là đưa đến nơi những khẩu đại bác hạng nặng, xuyên qua rừng núi với 260.000 dân công.

Những chiến binh Điện Biên Phủ cuối cùng

Bài phóng sự kèm theo rất nhiều hình ảnh, và chân dung các cựu binh của cả hai bên. Phía Pháp có Pierre Latanne, anh binh nhì 22 tuổi hai lần nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, nay là tướng tình báo. Trung sĩ Pierre Flamen năm nay 94 tuổi, cho rằng trận Điện Biên Phủ là sai lầm khủng khiếp của cấp chỉ huy, họ chiến đấu vì danh dự lính dù chứ không phải vì lá cờ cách đó 12.000 kilomet. André Mengelle, một người lính tình nguyện vì chưa đủ tuổi, nhận thấy người hùng có ở cả hai phía. Ông rời quân đội ở tuổi 57 với ngôi sao cấp tướng.

Phía Việt Nam, Phạm Đức Cư lúc đó 24 tuổi chỉ huy tiểu đoàn 394 trung đoàn pháo cao xạ 367 được đào tạo tại Trung Quốc, cho biết đơn vị 70 người bị chết hết phân nửa, nhưng được bổ sung thường xuyên. Nguyễn Xuân Mai còn trẻ hơn, khai tăng tuổi và cân nặng để đi bộ đội, từng tấn công cứ điểm Éliane, sau thành nhà báo quân đội với cấp đại tá. Ông Lê Quyên học tại Côn Minh, Trung Quốc, thuộc đại đoàn 316 và cũng nghỉ hưu với cấp đại tá như ông Mai, nhớ lại lúc chia nhau thực phẩm và sâm-banh tiếp tế cho tướng De Castries, thổ lộ lúc đó chưa ý thức được tầm vóc của chiến thắng.

Điện Biên Phủ sụp đổ là hồi chuông báo tử cho Đông Dương, và cả đế quốc Pháp với tác động dây chuyền lên Algérie và châu Phi. Jean-Marc Rouart, tác giả một vở kịch lấy bối cảnh Đông Dương nhấn mạnh : « Trận Điện Biên Phủ đánh dấu thời điểm lịch sử cho thế giới thứ ba. Lần đầu tiên kể từ 1905 khi Nhật đánh bại Nga, những người châu Âu bị thua một dân tộc thuộc một nền văn minh bị họ coi thường. Đó là khởi đầu cho sự lùi bước của phương Tây ». Le Figaro cũng lưu ý tinh thần đồng đội của người lính : Có đến 700 người tình nguyện đi tăng viện, và chuyến nhảy dù đầu tiên của họ thường cũng là chuyến cuối cùng.

Biển Đông : Bị Trung Quốc sách nhiễu, Philippines vận động truyền thông

Tại Biển Đông, đặc phái viên Le Point « Đi cùng với những người Philippines bị Trung Quốc quấy nhiễu ». Chỉ riêng trong tháng Ba, đã xảy ra hai sự cố : tuần duyên Trung Quốc cản đường tàu tiếp liệu Philippines, phun vòi rồng làm bảy người bị thương, dù đã giương cờ trắng xin ngừng tấn công.

Thị Tứ là điểm tiền tiêu xa nhất của Philippines, cách vùng đặc quyền kinh tế của nước này vài kilomet. Tuần báo nhắc lại về mặt lịch sử, Pháp đã kiểm soát quần đảo Trường Sa từ năm 1933 và tuyên bố chủ quyền, cụ thể Hải quân Pháp đổ bộ lên đảo Thị Tứ ngày 12/04/1933. Năm 1971 Philippines âm thầm cho quân chiếm đảo và đổi tên là Pag-asa (Hy vọng, theo tiếng Tagalog). Thị Tứ rộng 37 hecta, có một phi đạo, nhiều cây cối đã gãy đổ trong trận bão Odette tháng 12/2021. Những người sống trên đảo được hưởng trợ cấp hào phóng 1 triệu peso mỗi năm (trên 16.000 euro), 16 ký gạo mỗi tháng, chưa kể nhà ở miễn phí.

Nhân Tuần Thánh 2024, cơ quan du lịch quần đảo Kalayaan (phần Trường Sa do Philippines đòi chủ quyền) tổ chức cho khoảng 50 du khách Philippines đi thăm đảo Palawan, họ cho rằng đây là « chuyến đi để đời ». Xa xa là Bãi Cỏ Mây, năm 1999 Philippines dùng một chiếc tàu mắc cạn để cho binh lính đóng quân. Chiếc BRP Sierra Madre từng phục vụ trong trận Okinawa và ở Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến tranh Việt Nam đã quá cũ kỹ, và Bắc Kinh nghi ngờ Manila chở vật liệu đến để kéo dài tuổi thọ. Dù ở xa tít tắp nhưng Trung Quốc khống chế vùng biển với các chiến hạm, lực lượng tuần duyên và đoàn tàu dân quân biển đóng vai ngư dân.

Manila liên kết chống lại Bắc Kinh

Một người dân kể, từ 2012 bắt đầu thấy ngư dân Trung Quốc đến nhưng không đánh cá, thực ra là dân quân đến xây dựng đảo nhân tạo. Chính quyền không phản ứng và còn cấm đăng tin lên mạng. Rodrigo Duterte cố ve vãn Bắc Kinh để mong được đầu tư. Giờ đây ngay cả Duterte cũng nhìn nhận sai lầm, người kế nhiệm Ferdinand Marcos Junior chủ trương minh bạch vấn đề, và việc mở cửa Thị Tứ cho báo chí nằm trong chiến lược này. Trung Quốc yêu sách toàn bộ Trường Sa dù nằm cách đó hơn 1.000 kilomet. Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều tranh chấp.

Tiến sĩ Benjamin Blandin, Viện Công giáo Paris cho rằng không nên phóng đại sức mạnh Trung Quốc. Ba căn cứ hải quân và bốn điểm tựa của Bắc Kinh xây lên vội vã cách đây mười năm đã xuống cấp. Trong số 8.000 tàu dân quân chỉ có 1.000 chiếc thực sự hoạt động, và chỉ 200/400 chiến hạm có thể đi xa. Chuyên gia Gregory Poling, Center for Strategic and International Studies (CSIS) nhận thấy từ 2021 Trung Quốc chẳng chiếm được gì thêm, vì các nước Đông Nam Á không còn khoanh tay đứng nhìn. Chẳng hạn Việt Nam đã có 9 đảo và 14 rạn san hô được xây dựng kiên cố. Về phía Philippines đã thay đổi hẳn, lực lượng tuần duyên sẽ tăng gấp đôi, cho phép Mỹ đặt thêm 4 căn cứ quân sự.

Theo Le Point, đảng cộng sản Trung Quốc đã tự hại mình khi chế ra cái gọi là quyền lịch sử trên toàn bộ Biển Đông. Nào vũ khí siêu thanh, laser, đèn flash, trực thăng, hors-bord…và mới đây là vòi rồng ở mức mạnh nhất và trực diện để gây thiệt hại tối đa, nhằm « giết gà dọa khỉ ». Washington không có cách nào khác là lên tuyến đầu. Manila có sự hỗ trợ của Pháp, Nhật và mới đây là hiệp ước ba bên Mỹ-Nhật-Phi, giúp Manila không còn cô độc.

NATO, sức mạnh quân sự chưa từng thấy

Tại châu Âu Le Point phân tích « Chiến thắng kỳ lạ của NATO ». Liên minh Bắc Đại Tây Dương bảo đảm hòa bình từ 75 năm qua, nhưng lại bị gặm nhấm từ bên trong. Tháng Tư 1949, các nhà lãnh đạo 12 nước tự do ở Bắc Mỹ và Tây Âu thành lập NATO để ngăn chận đế quốc Liên Xô, bảo đảm cam kết của Hoa Kỳ đối với châu Âu. Nay với sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển NATO đã có đến 32 quốc gia.

Giữ gìn được hòa bình và thịnh vượng cho các nước thành viên trong hơn bảy thập niên qua là một chiến thắng đẹp đẽ. Thế nhưng năm 2016 Donald Trump nói rằng NATO « lỗi thời », và ba năm sau Emmanuel Macron chẩn đoán « chết não ». Đến khi Ukraina bị Nga xâm lược năm 2022, NATO chứng tỏ sự hiện diện của mình là thiết yếu cho an ninh châu Âu. Trên lý thuyết, Liên minh có sức mạnh chính trị quân sự khổng lồ.

Tổng sản phẩm nội địa của khối chiếm 50 % toàn cầu, ngân sách quốc phòng cao hơn tất cả các nước khác cộng lại. NATO có 3,3 triệu quân hoạt động, 20.000 phi cơ, trên 1 triệu xe thiết gáp, 2.000 chiến hạm…chưa kể vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ và Anh quốc (Pháp được cho là độc lập). Tuy vậy trên thực tế, NATO lại dễ tổn thương. Người ta lo sợ Donald Trump nếu đắc cử sẽ rút khỏi liên minh, nguy cơ Ukraina thất bại khiến các chuyên gia quân sự ngày càng lo lắng.

« Lời cuối của con thiên nga »

NATO chưa chính thức tham chiến, nhưng Nga đã coi Liên minh Bắc Đại Tây Dương là kẻ thù. Joe Biden cảnh báo Vladimir Putin « sẽ không dừng lại ở Ukraina », Emmanuel Macron nêu ra một cuộc chiến « sống còn cho châu Âu ».

Nếu thiết thân đến như vậy, tại sao NATO lại không thể biến cán cân sức mạnh nghiêng hẳn về phía Kiev ? Sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, mà cụ thể là Quốc Hội chặn viện trợ cho Ukraina, đóng một vai trò. NATO bị ăn mòn từ bên trong, còn trước mặt các kẻ thù liên kết lại : Nga, Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên - ba và sắp tới là bốn nước có vũ khí nguyên tử - ngày càng khắng khít, thêm vào đó là « các nước phương Nam ». Ngay cả một số thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và nay Slovakia, tỏ ra thông cảm với Vladimir Putin.

NATO thắng được chiến tranh lạnh trước Liên Xô là nhờ chưa bao giờ để phải nghi ngờ về quyết tâm tự vệ nếu bị tấn công, như trong cuộc phong tỏa Berlin năm 1948, Cuba 1962 và khủng hoảng hỏa tiễn năm 1983. Theo Le Point, các nhà lãnh đạo phương Tây ngày nay cần noi gương những người tiền nhiệm, nếu không muốn lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO sẽ tổ chức ở Washington vào tháng Bảy, là « tiếng kêu cuối cùng của con thiên nga » - một liên minh quân sự vốn hùng mạnh chưa từng thấy.

Liên Hiệp Quốc trôi dạt về đâu ?

Nhưng không chỉ có NATO, ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng đang bất lực. L’Express đặt câu hỏi : « Irak, Libya, Ukraina, Gaza…Sự trượt dài xuống địa ngục của Liên Hiệp Quốc sẽ còn tới đâu ? ». Có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới, Liên Hiệp Quốc trở thành sàn đấu giữa các nước dân chủ chống lại độc tài, và cần phải cải tổ để tồn tại.

Hôm 19/09/2023, ông Joe Biden, nhà lãnh đạo đại cường hàng đầu thế giới, có vẻ quá đơn độc khi lên án cuộc xâm lăng của Nga và tái khẳng định việc ủng hộ Ukraina. Trong năm ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An, hai nhà độc tài Vladimir Putin và Tập Cận Bình vắng mặt đã đành, nhưng hai đồng minh Anh và Pháp cũng không tham dự. Tổ chức quốc tế đang trong cơn khủng hoảng hiếm thấy. Tháng Tư 2022, tổng thống Volodymyr Zelensky đã chất vấn : « Đâu rồi hòa bình, lý do để Liên Hiệp Quốc được thành lập và có nhiệm vụ bảo vệ ? ». Và suốt hai năm qua, đất nước của ông vẫn phải chịu đựng cuộc xâm lăng của một quốc gia là ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An.

Còn Gaza ? Sáu tháng sau vụ thảm sát 1.200 người Israel hôm 07/10, Liên Hiệp Quốc vẫn chưa chính thức lên án hành động khủng bố của Hamas. Cuối tháng Giêng, diễn ra một sự kiện chấn động : Nhà nước Do Thái tố cáo 12 nhân viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) tham gia vào vụ sát nhân trên. Rồi đến báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc Francesca Albanese nói rằng vụ thảm sát là lời đáp cho « sự đàn áp của Israel ». Bộ Ngoại Giao Pháp phản đối tuyên bố bài Do Thái này, cho rằng « đáng xấu hổ ».

Tê liệt vì Nga và Trung Quốc

Liên Hiệp Quốc còn hữu ích hay không ? Được thành lập từ đống tro tàn của Hội Quốc Liên, liệu Liên Hiệp Quốc sẽ có cùng số phận của tổ chức tiền thân ? Từ khi đưa quân sang xâm chiếm Ukraina, Nga chặn tất cả mọi động thái của Hội Đồng Bảo An, có sự tiếp tay của Trung Quốc.

Diễn đàn xã hội của Hội đồng Nhân quyền tháng 11/2023 tại Genève do…Iran làm chủ tịch. Azerbaijan đã hủy diệt các di sản Armenia ở Thượng Karabakh, trở thành phó chủ tịch Unesco. Hai phần ba trong số 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền là các chế độ độc tài, tập trung tấn công Israel. Từ khi được thành lập năm 2006 cho tới 2023, Israel bị hội đồng này trừng phạt 103 lần, nhưng chưa một lần nào lên án Trung Quốc, dù 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh tống vào trại cải tạo.

Tuy vậy theo L’Express, Liên Hiệp Quốc trên thực tế là một tổ chức nhân đạo khổng lồ. Một số cơ quan trực thuộc có vai trò quan trọng như Chương trình Thực phẩm Thế giới, Tổ chức Lương Nông Quốc tế…xứng đáng được duy trì và cải tổ.

Trục xuất Nga khỏi Hội Đồng Bảo An ?

Về ý kiến đuổi Nga ra khỏi Hội Đồng Bảo An, theo chuyên gia địa chính trị Nicolas Tenzer, không phải là không thể thực hiện. Ông đề nghị hai cách. Hoặc vận dụng Điều 6 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, theo đó Đại hội đồng có thể trục xuất một thành viên theo khuyến cáo của Hội Đồng Bảo An nếu « ngoan cố vi phạm » các nguyên tắc – đây chính là trường hợp của Nga.

Chỉ cần 9/15 thành viên thường trực và không thường trực của Hội Đồng Bảo An đồng ý, và với thành phần hiện nay hoàn toàn có thể. Cách triệt để hơn là đặt lại tính chính danh của Liên bang Nga trong Hội đồng, vì cho đến nay chỉ có Liên Xô được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc ! Nhưng vấn đề không phải là pháp lý mà là ý hướng chính trị. Liệu có nên đi đến tận cùng, làm tan vỡ Hội Đồng Bảo An, hay chỉ nên dùng để gây áp lực lên Matxcơva ?

Ukraina, phòng thí nghiệm cho chiến tranh tương lai

L’Express đặt vấn đề « Quá tải và bị phá hoại từ bên trong, Liệu Liên Hiệp Quốc có gượng dậy được ? ». Nouvel Obs mời người đọc « Du hành trong nước Mỹ của Trump ». Le Point đăng ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron với dòng tít lớn « Nhân vật với số nợ 1.000 tỉ ». Hồ sơ của Courrier International tuần này được dành cho « Trí thông minh nhân tạo (AI) bước vào chiến tranh ». Từ Ukraina tới Gaza, AI xuất hiện trên chiến trường với sự kiểm soát ngày càng ít đi của con người.

Tạp chí Time gọi chiến tranh ở Ukraina là « Cuộc xung đột đầu tiên của AI ». Từ tháng 6/2022, tổng giám đốc Palantir, Alex Karp (được mô tả là nhà buôn các loại vũ khí có AI trợ giúp) đã thăm Kiev, rồi đến Microsoft, Amazon, Google, Starlink cũng đến để đánh giá hiệu quả thực tế. Ukraina trở thành « phòng thí nghiệm của chiến tranh tương lai ». Nhật báo Tây Ban Nha ABC được Courrier International dịch lại nhận định, cho tới nay các bên không để cho « robot sát thủ » quyết định, yếu tố con người là tối hậu. Nhưng dường như lằn ranh đỏ này đã bị vượt qua, không chỉ tại các nước đang chiến tranh hay các tập đoàn công nghệ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.