Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Bão lửa bị chặn đứng : Iran đánh mất vị thế và tặng hào quang cho Israel

Sự kiện Iran tấn công Israel cuối tuần qua là trọng tâm chú ý của báo chí Pháp, bên cạnh đó là việc cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phải hầu tòa, thủ tướng Đức thăm Trung Quốc. La Croix chạy tít « Cận Đông trước nguy cơ leo thang », tương tự với Libération « Iran-Israel : Leo thang đến đâu « ? Les Echos nói về « Israel và Iran trước thách thức hạn chế leo thang », Le Figaro lo âu trước « Mối đe dọa bùng nổ sau khi Iran tấn công Israel ».

Hệ thống Vòm Sắt của Israel bắn chận các hỏa tiễn từ Iran bắn sang ngày 14/04/2024.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel bắn chận các hỏa tiễn từ Iran bắn sang ngày 14/04/2024. AP - Tomer Neuberg
Quảng cáo

Đêm trắng của người dân Israel

Les Echos mô tả đêm trắng của người dân Israel khi chờ đợi hàng trăm drone và hỏa tiễn từ Iran bay tới đất nước mình. Báo chí Israel dẫn lời các viên chức Mỹ đã loan báo vào tối thứ Bảy, và truyền hình thậm chí còn cho biết cả giờ giấc dự đoán. Chẳng hạn các drone phải mất 8 đến 9 tiếng đồng hồ mới đến được mục tiêu, hỏa tiễn hành trình 2 giờ còn hỏa tiễn đạn đạo chỉ 12 phút.

Nhiều người dân dán mắt vào màn hình suốt đêm dù quân đội nói rằng không phải lo sợ. Họ chỉ thở phào nhẹ nhõm vào sáng sớm Chủ nhật, khi nghe thông báo 99 % đã bị bắn hạ khi đang bay bởi bốn hệ thống phòng không Israel và các phi cơ, kèm theo đó là sự tự hào về công nghệ của đất nước. Kết quả rất tuyệt vời : toàn bộ 170 drone đều bị chặn trước khi bay vào không phận Israel, 30 hỏa tiễn hành trình cũng chịu chung số phận. Chỉ có khoảng mười mấy trong tổng số 120 hỏa tiễn đạn đạo xuyên qua được bức tường phòng vệ, và duy nhất một mục tiêu bị đánh trúng là căn cứ không quân Netavim nhưng không mấy thiệt hại, các phi cơ vẫn làm nhiệm vụ bình thường.

Điều quan trọng là Nhà nước Do Thái được sự trợ giúp tối đa của một liên minh quốc tế thực sự : Mỹ, Anh, Pháp, Jordanie đều tham gia bắn chặn. Một sự hãnh diện nữa là hệ thống lá chắn tên lửa thế hệ mới « Arrow 3 » đã chứng tỏ hiệu quả trong điều kiện khó khăn nhất. Tuy nhiên theo kênh truyền hình được theo dõi nhiều nhất là kênh 12, « cái giá phải trả cho vài tiếng đồng hồ ‘’pháo bông’’ này vượt quá 100 triệu đô la ». Chính quyền thận trọng cho các trường học ngưng hoạt động, hủy bỏ lễ hội Pessah và cấm các cuộc biểu tình trên 1.000 người cho đến khi có lệnh mới.

Chọn giải pháp táo bạo nhất, Iran thất bại nặng nề

Le Figaro nhận thấy Iran đã chọn lựa kịch bản táo bạo nhất, nhiều rủi ro nhất, và đã thất bại nặng nề. Có quốc gia nào trên thế giới đối phó được trận bão lửa khủng khiếp này với rất ít thiệt hại như Israel ? Teheran nói rằng đã kềm chế, nhưng thực ra cũng đã cố làm bão hòa « Vòm Sắt » Israel. Chính phủ Benjamin Netanyahou có thể hài lòng với chiến thắng cả về quân sự lẫn ngoại giao : không chỉ Washington mà cả Luân Đôn, Paris và Amman đều nhanh chóng trợ giúp, một sự phối hợp vượt lên cả mọi mong đợi.

Về việc Jordanie bắn hạ những hỏa tiễn nhắm vào Israel, là vấn đề bảo vệ chủ quyền. Nhưng cũng cần biết rằng Iran từ nhiều tuần qua muốn gây bất ổn cho Jordanie, đồng minh của phương Tây. Thứ Sáu nào cũng có những cuộc biểu tình trước đại sứ quán Israel ở Amman, và Teheran muốn vũ trang cho những người Palestine sống ở Jordanie để sang tấn công Israel. Hơn nữa, kinh tế của quốc gia láng giềng với Israel cùng với Ai Cập, đang khốn đốn với cuộc chiến ở Gaza.

Dù kết quả thảm hại, vẫn là sự tuyên chiến

Libération cho rằng với hai nước đều quan tâm trước hết đến nội tình, dường như sự việc khó thể dừng lại. Iran đã đẩy Trung Đông vào một thời kỳ bất định. Teheran oanh kích trực tiếp vào Israel với quy mô chưa từng thấy, chứ không còn thông qua các lực lượng tay sai trong khu vực là Hezbollah, Houthi và Hamas. Cuộc xung đột Palestine được mở rộng thành chiến tranh khu vực dù chưa định hình.

Tuy kết quả cuộc tấn công của Iran về quân sự là thảm hại, là con số không, nhưng vẫn là sự tuyên chiến, vượt qua tầm mức « trả đũa tương xứng » vụ oanh kích lãnh sự quán ở Syria hôm 01/04. Như vậy Israel không có chọn lựa nào khác là trả đũa tương tự, nói cách khác là làm khủng hoảng sâu sắc hơn.

Libération lưu ý bối cảnh xung đột giữa Iran và Pakistan, vụ tấn công của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Kerman, thêm vào đó tòa phá án Achentina tuần trước khẳng định vụ khủng bố vào đại sứ quán Israel ở Buenos Aires làm 29 người thiệt mạng năm 1992 là do Iran giựt dây. Những sự kiện này làm thêm tính chính danh cho việc Nhà nước Do Thái trả đũa. Đang sa lầy ở Gaza, ông Benjamin Netanyahou có cơ hội nhấn mạnh đến an ninh trong khi các giáo sĩ thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa để làm quên đi khủng hoảng kinh tế và phản kháng xã hội.

Một nhân tố khác không thể đánh giá thấp là xuất khẩu vũ khí, vốn đã đạt kỷ lục trong năm ngoái của Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Iran, Israel. Hình ảnh ngoạn mục khi hệ thống Vòm Sắt tiêu diệt mấy chục hỏa tiễn đạn đạo đang bay và những cỗ máy chứa mấy chục ký chất nổ, vô cùng thuyết phục đối với những khách hàng còn do dự. Đức đã mua của Israel một hệ thống với giá 4 tỉ euro. Tương tự đối với Iran, các drone tự sát là trợ thủ đắc lực cho quân Nga ở Ukraina.

Tầm vóc quốc tế của Iran bị phá vỡ

Ông Antoine Basbous, giám đốc Đài quan sát các nước Ả Rập (OPA) nhận định trên Les Echos « Israel có cơ hội phá vỡ tầm vóc quốc tế của Iran ». Dù có rất nhiều lời kêu gọi kềm chế, nhưng Israel « không thể khoanh tay đứng nhìn », và vụ tấn công cuối tuần qua là « cơ hội để Tel Aviv tìm lại ưu thế trong tương quan lực lượng trước Iran ».

Tại Liban, Hezbollah ngày càng gia tăng tấn công ; ở Gaza, xung đột với Hamas sa lầy ; phiến quân Houthi ở Yemen tiếp tục quấy nhiễu một cách có phương pháp. Và sau khi là mục tiêu của 300 drone, hỏa tiễn, Israel không thể ngồi yên. Truyện dài nhiều kỳ chưa thể chấm dứt ở đây. Iran đã chứng tỏ dám tấn công vào lãnh thổ Israel. Teheran hy vọng giữ được thể diện, và muốn dừng lại ở đây. Nhưng chính quyền Shia chỉ giữ được mặt mũi đối với dân mình, vì thực ra là một thất bại : Israel và lá chắn trong khu vực đã bắn tan tành 99 % vật thể bay của Iran trước khi chúng chạm đất.

Israel có thể trả đũa cách nào ?

Về cách đáp trả, Israel sở hữu các tàu ngầm trang bị hỏa tiễn đang tuần tra ở vịnh Pecxich, có những hỏa tiễn đất đối đất mãnh liệt và chính xác, bom hạng nặng có thể thả xuống những địa điểm chiến lược của Iran, từ những phi cơ được tiếp tế trên không. Tuy nhiên chỉ Hoa Kỳ mới có phương tiện gây thiệt hại nặng nề cho Teheran, ngay cả làm chậm lại đáng kể chương trình nguyên tử, có điều hiện Washington muốn tránh mọi sự leo thang. Đó là vì 2024 là năm bầu cử, đang bận rộn với cuộc chiến tranh ở Ukraina, và phải đối phó với Trung Quốc.

Trả lời La Croix, nhà nghiên cứu Héloise Fayet của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng « khó thể có việc đánh trả vào lãnh thổ Iran ». Khả năng mạnh tay nhất là tấn công vào Iran bằng chiến đấu cơ và hỏa tiễn đạn đạo, có thể nhắm vào các cơ sở nguyên tử. Tuy nhiên những địa điểm này được bảo vệ rất cẩn mật, nếu thất bại sẽ phản tác dụng. Israel có thể chọn đánh vào Hezbollah hay các nhân vật quan trọng của Iran ở Liban, như vậy sẽ mở ra một mặt trận thứ hai tại nước này. Nhà nước Do Thái có khả năng chiến đấu trên cả hai mặt trận cùng lúc, nhất là Gaza đã bị tiêu hủy nặng nề và Cisjordanie vẫn chưa có biến động. Vấn đề là có chịu đựng được lâu dài hay không.

Bài học của việc leo thang 

Les Echos rút ra « Bài học đầu tiên về một cuộc leo thang đã được báo trước ». Khi lần đầu tiên bắn sang lãnh thổ Israel 300 drone và hỏa tiễn, Iran đã tạo một tiền lệ nguy hiểm. Teheran đặt Hoa Kỳ vào trung tâm xung đột Trung Đông, và cho thấy chất lượng của tình báo Mỹ. Năm 2022 Washington đã không nhầm lẫn khi cảnh báo Nga sẽ xâm lăng Ukraina, và lần này cũng vậy. Mỹ muốn đứng ra xa, nhưng một mặt bị kẹt giữa Israel và Iran, mặt khác là tham vọng đế quốc của Putin, Hoa Kỳ không thể tập trung vào việc đối đầu với địch thủ Trung Quốc.

Với vụ tấn công này, Teheran không chỉ khiến Hoa Kỳ phải đóng vai trò trung tâm, mà còn giúp Israel ra khỏi tình trạng cô lập về ngoại giao. Những nước rất khác nhau như Hoa Kỳ, Jordanie, Anh và gián tiếp là Pháp, đều hoàn toàn đứng về phía Israel. Cuộc chiến tranh Gaza khiến Israel bị coi là kẻ tấn công, dù là nạn nhân của vụ khủng bố vô cùng dã man hôm 07/10. Từ đêm thứ Bảy, vị trí đã đảo lộn : Teheran mới là kẻ hiếu chiến. Iran cũng làm cho thế giới thấy được ưu thế công nghệ áp đảo của Nhà nước Do Thái và đồng minh chính là Hoa Kỳ.

Các giáo sĩ Iran cũng khinh địch như Putin ?

Tại sao Iran lại bộc lộ điểm yếu thay vì điểm mạnh của mình ? Tại sao chỉ phản ứng yếu ớt sau vụ nước Mỹ của Donald Trump tiêu diệt tướng Soleimani tháng Giêng 2020, nay Teheran lại chọn lựa leo thang vào tháng Tư 2024 ? Có thể nghĩ rằng cũng như Putin, các giáo sĩ Hồi giáo đã tự đánh giá quá cao và coi thường đối thủ. Từ 2020 đến 2024, thăng bằng khu vực đã thay đổi. Kabul sụp đổ, Israel trong ngõ cụt ở Gaza, Iran coi đây là cơ hội, nhất là Teheran đang yếu đi từ bên trong do bất tài và tham nhũng. Được các chế độ độc tài khác từ Matxcơva đến Bắc Kinh ủng hộ, nhất là « các nước phương Nam », Iran cho rằng không nên bỏ qua dịp may.

Hiệu quả hầu như toàn bộ của Vòm Sắt khiến Kiev cũng mơ đến. Nhưng Israel chỉ lớn bằng vài tỉnh của Pháp, còn Ukraina rộng bằng cả nước Pháp. Những gì diễn ra đêm 13 rạng 14/04 chứng minh Nga chỉ mạnh vì phương Tây yếu đuối, đặc biệt là sự tê liệt của Hạ Viện Mỹ. Đoàn kết trong việc bảo vệ Israel, phương Tây có thể áp đặt được sự kềm chế của Jerusalem chăng ? Hamas, Hezbollah, Houthis không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ về chính trị, tài chánh và quân sự của Iran. Phá hủy những nhà máy sản xuất các drone đã gây nhiều thiệt hại cho Ukraina sẽ rất hữu ích cho sự ổn định của thế giới chứ không chỉ Trung Đông, nhưng đánh vào được các cơ sở nguyên tử của Iran đặt sâu dưới lòng đất lại là chuyện khác.

Trong khi chờ đợi, Biden vừa ủng hộ mạnh mẽ Israel trước kẻ tấn công, nhưng đồng thời gây áp lực để tránh Benjamin Netanyahou dấn tới. Les Echos nhắc nhở, vào lúc Israel và Iran đang bên bờ vực một cuộc chiến tranh trực diện, hai nước đã đối đầu trên mạng ảo. Số vụ tin tặc Iran tấn công đã tăng gấp ba kể từ đầu chiến dịch Gaza.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.