Vào nội dung chính
PHÁP - ĐÌNH CÔNG

Pháp: Đình công ngành xăng dầu tiếp diễn, chính phủ dọa trưng dụng các kho nhiên liệu

Chính phủ Pháp sáng hôm nay, 17/10/2022, thông báo nếu tình hình không được cải thiện sẽ trưng dụng thêm hai kho xăng dầu của tập đoàn TotalEnergies để cung ứng cho các trạm xăng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hôm nay các nhân viên tiếp tục đình công và phong tỏa 5 cơ sở lọc dầu và kho chứa của tập đoàn này.

Biểu tình của công nhân trước một nhà máy lọc dầu của TotalEnergies ở Donges, gần Saint-Nazaire, Pháp, ngày 12/10/2022.
Biểu tình của công nhân trước một nhà máy lọc dầu của TotalEnergies ở Donges, gần Saint-Nazaire, Pháp, ngày 12/10/2022. REUTERS - STEPHANE MAHE
Quảng cáo

Phát biểu trên đài TF1 tối hôm qua 16/10, thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết hơn 30% trạm xăng trong cả nước thiếu ít nhất một mặt hàng, cao hơn con số 27,3% mà chính quyền Pháp ghi nhận trước đó một hôm. Thủ tướng Borne kêu gọi những người đình công tại TotalEnergies tôn trọng thỏa thuận mà các nghiệp đoàn chiếm đa số trong công ty đã ký với ban lãnh đạo tập đoàn, và ''ngưng phong tỏa đất nước”. Cũng trong hôm nay, trên đài BFMTV, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire khẳng định cần phải “giải tỏa các nhà máy lọc dầu và kho chứa”. 

Về phía nghiệp đoàn giới chủ, chủ tịch MEDEF lo ngại nếu kéo dài thêm 1 tuần, nạn khan hiếm xăng dầu “có nguy cơ gây tác hại cho nền kinh tế”. Ông Geoffroy Roux de Bézieux xem việc khoảng 150 người phong tỏa các nhà máy lọc dầu của TotalEnergies là hành động “bắt dân Pháp làm con tin”. Chủ tịch nghiêp đoàn giới chủ nhấn mạnh “đây không phải là một cuộc đình công bình thường và quyền đình công cũng có những giới hạn” cần tuân thủ. Phong trào đình công trong những ngày qua vẫn ảnh hưởng đến 3 nhà máy lọc dầu (trên 7) và 5 kho chứa lớn (trên tổng số 200) của tập đoàn dầu khí TotalEnergies.

CGT, nghiệp đoàn phát động phong trào đình công tại ToatalEnergies, cũng như nhiều người lao động, hiện giờ vẫn chưa đồng ý với thỏa thuận về việc tăng lương 7%, nhất quyết đòi mức tăng 10% và một khoản trợ cấp lạm phát.

Tình hình thêm phức tạp trong bối cảnh, các nghiệp đoàn lớn tại Pháp phát động đình công liên ngành ngày mai 18/10 đòi tăng lương cho người lao động và đòi các quyền tự do cho nghiệp đoàn.

Còn hôm qua, tại Paris, hưởng ứng lời kêu gọi của đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) và các đảng cánh tả khác, 30.000 người (theo số liệu của cảnh sát), khoảng 140.000 người (theo ước tính của ban tổ chức) đã tham gia biểu tình phản đối vật giá đắt đỏ và tình trạng đình trệ của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.