Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nam Mỹ: Nga tranh giành ảnh hưởng trên « sân sau » của Washington ?

Đăng ngày:

Từ ngày 17-20/04/2023, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đến thăm 4 nước châu Mỹ Latinh Brazil, Nicaragua, Venezuela và Cuba. Nhiều nhà quan sát nhận định, hơn 30 năm sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Nam Mỹ lại trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt tay cựu chủ tịch Cuba Raul Castro với sự hiện diện của đương kim chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel, La Habana, Cuba, ngày 20/04/2023.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt tay cựu chủ tịch Cuba Raul Castro với sự hiện diện của đương kim chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel, La Habana, Cuba, ngày 20/04/2023. via REUTERS - RUSSIAN FOREIGN MINISTRY
Quảng cáo

Chuyến công du này của Serguei Lavrov này là sự tiếp nối một chiến dịch tấn công ngoại giao được Nga bắt đầu từ châu Phi ngay ngày hôm sau chiến tranh Ukraina bùng phát. Tháng 7/2022, Serguei Lavrov đến bày tỏ lý lẽ của Nga tại Ai Cập, Congo-Brazzaville, Ouganda và Ethiopia. Tháng Giêng năm 2023, ông đến Nam Phi, Eswatini, Angola, Erythrea, và tháng 2/2023 là Mali, Mauritanie và Sudan.

Nga – Nam Mỹ : Mối quan hệ truyền thống lâu đời

Ở Nam Mỹ, bang giao giữa Nga với toàn bộ các nước trong khu vực đã có từ thời Sa hoàng. Do vậy, theo Stephane Witkowski, chủ tịch Hội đồng định hướng chiến lược, Viện Nghiên cứu về châu Mỹ Latinh (IHEAL), chuyến công du Nam Mỹ của ông Lavrov còn là một phần trong chính sách truyền thống của Nga đối với khu vực. Dưới thời Liên Xô, Matxcơva có bang giao với 18 nước châu Mỹ Latinh trong những năm 1980.

Ảnh hưởng của Nga trong khu vực càng được củng cố khi Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000. Như một sự ngẫu nhiên của lịch trình, phe tả tại nhiều nước Brazil, Ecuador, Bolivia hay Venezuela… lần lượt lên lãnh đạo đất nước. Vladimir Putin và Dmitri Medvedev cùng các đồng nhiệm Nam Mỹ đã có những chuyến thăm viếng lẫn nhau, ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế, kỹ thuật và quân sự.

Trên kênh truyền hình France 24, ông Stephane Witkowski lưu ý thêm rằng các thỏa thuận thương mại giữa Nga với các nước trong khu vực liên quan đến mọi lĩnh vực, và được thực hiện ở ba cấp độ:

« Một mặt, có những thỏa thuận song phương với một số nước nhất định, bao gồm cả trong lĩnh vực y tế, quân sự, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Cấp độ thứ hai chính là hậu thuẫn các đồng minh truyền thống Cuba, Nicaragua và Venezuela, nhưng ở phía sau còn có cả một sự liên kết rộng lớn hơn với toàn bộ cộng đồng châu Mỹ Latinh, còn được gọi là CELAC. Ở đây có một thỏa thuận hợp tác chính trị giữa Nga với toàn bộ các nước sẽ đến Bruxelles tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Liên Hiệp Châu Âu trong tháng 7/2023 ».

Trong bối cảnh phe tả trở lại cầm quyền, Maxtcơva muốn « hất cẳng » Washington ngay trên chính « sân sau » của Mỹ, duy trì ảnh hưởng trước đà tiến của Bắc Kinh trong khu vực, và tìm cách có được sự hậu thuẫn ngoại giao của khối. Trên bàn cờ Nam Mỹ này, mở rộng hợp tác quân sự là « vũ khí lợi hại » nhất của Nga tại một khu vực mà tâm lý « chống Mỹ » vẫn luôn ngự trị tại nhiều nước.

Theo một báo cáo từ Evan Ellis, chuyên gia chính thuộc US Army War College, trình nộp cho Tiểu ban Bán cầu Tây, trực thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Mỹ, hồi tháng 7/2022, bên cạnh Venezuela, Cuba và Nicaragua, các nước châu Mỹ Latinh là những nước sở hữu nhiều vũ khí thời Liên Xô nhất và sau này là Nga, từ trực thăng quân sự Mi-17, trực thăng tấn công Mi-35, oanh tạc cơ Su-22, cho đến chiến đấu cơ Mig-29 và nhiều loại trang thiết bị quân sự khác như xe tăng, tên lửa địa-không… Trong số các khách hàng lớn, có thể kể các nước Brazil, Ecuador, Colombia, Mêhicô, Uruguay và Achentina.

Bán vũ khí : Mỹ muốn cạnh tranh với Nga tại « sân sau nhà mình »

Phải chăng đây còn là một trong số lý do chính của chuyến công du Nam Mỹ của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov ? Bởi vì có một chi tiết rất ít được giới truyền thông cũng như giới chuyên gia phương Tây đề cập đến, hoặc chỉ được nhắc thoáng qua, nhưng được trang mạng World Socialist Web Site (viết tắt là WSWS), một trang mạng nổi tiếng chống chủ nghĩa đế quốc (đặc biệt là Mỹ và phương Tây) nhắc đến trong một bài viết đăng hồi tháng Giêng năm 2023.

Theo đó, bà Laura Richardson, tướng của Mỹ và là lãnh đạo Bộ chỉ huy phía Nam của Mỹ (SouthCom) trong một diễn đàn trực tuyến do tổ chức cố vấn về địa chính trị Atlantic Council đóng trụ sở tại Washington tổ chức, có tuyên bố là Lầu Năm Góc đang thuyết phục nhiều chính phủ châu Mỹ Latinh « cung cấp » cho Ukraina những thiết bị quân sự do Nga sản xuất, đổi lại những nước này có thể thay chúng bằng thiết bị của Mỹ. Nếu như Hoa Kỳ từ chối nêu tên những nước nào họ đang đàm phán, thì Lầu Năm Góc theo dõi sát sao dòng vũ khí của Nga nhập khẩu trong khu vực. Đây cũng chính là nguồn gốc của bản báo cáo do ông Evan Ellis thực hiện như đề cập ở trên.

Trang mạng này đưa ra hai lý do để giải thích vì sao Mỹ thúc bách các nước Nam Mỹ hỗ trợ quân sự Ukraina. Thứ nhất, số vũ khí Nga/Xô tồn kho này hoàn toàn giống với những loại vũ khí mà quân đội Ukraina đã có và quen sử dụng, và như vậy có thể triển hai tức thì. Trái với những tuyên bố ồn ào của phương Tây, các loại xe tăng chiến đấu M1 Abrams của Mỹ hay Leopard 2 của Đức đòi hỏi nhiều thời gian để huấn luyện.

Thứ hai, Washington còn có những mục tiêu khác ở Nam Mỹ : Loại trừ Nga với tư cách là một đối thủ cạnh tranh, tái lập thế độc quyền của Lầu Năm Góc trong việc cung cấp vũ khí, và như vậy trong dài hạn điều đó sẽ cho phép Mỹ gầy dựng lại tầm ảnh hưởng chính trị tại một khu vực thường xuyên có đảo chính quân sự.

Tăng cường bán vũ khí cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cố vấn quân sự Mỹ hơn trên thực địa và số sĩ quan được gởi đến Mỹ để đào tạo cũng sẽ nhiều hơn. Điều đó cũng sẽ củng cố các mối quan hệ giữa giới quân nhân, sâu rộng hơn so với các mối quan hệ hiện có giữa các nhà ngoại giao hay dân biểu. Trong bài phát biểu này, tướng Laura xem các chiến dịch của Nga trong vùng Nam Mỹ như là một mối đe dọa nghiêm trọng cho các lợi ích của Washington.

Hiện tại ý định này của Mỹ và các đồng minh vấp phải sự phản đối của các nước Nam Mỹ. Đa số các nước tuy bỏ phiếu lên án hành động Nga xâm lược Ukraina, nhưng lại từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt, từ chối giao vũ khí Liên Xô cũ kỹ cho Ukraina khi nhắc lại lập trường trung lập trong cuộc xung đột.

Trong bối cảnh này, việc chọn bốn nước Brazil, Venezuela, Nicaragua và Cuba không phải là một sự ngẫu nhiên. Caracas, Managua và La Habana là những đồng minh lâu đời của Matxcơva. Cũng giống như Nga, ba nước Nam Mỹ này còn là đối tượng bị Mỹ trừng phạt từ nhiều năm qua. Chính tại những nước này mà ông Lavrov đã mạnh mẽ chỉ trích thế bá quyền của Mỹ.

Lavrov thăm đồng minh nhưng cũng cảnh cáo Mỹ

Mặc dù rất ít nội dung các cuộc gặp được công bố, nhưng những phát biểu của ông Lavrov tại những nơi ông đi qua cho thấy rõ mối quan tâm mới của Nga đối với khu vực khi đưa kịch bản đối đầu với Mỹ là một ưu tiên trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina. Tại Venezuela, ông Lavrov tuyên bố tin tưởng rằng Nam Mỹ sẽ trở thành « một trong những cột trụ » cho một trật tự thế giới mới, chống lại các chính sách thực dân của Mỹ, và cam kết hỗ trợ những nước nào trong khối CELAC bị xem là đi ngược lại với lợi ích của Hoa Kỳ.

Đồng thời, ông tuyên bố Nga ủng hộ đề xuất của tổng thống Lula thúc đẩy khối BRICS ngừng trao đổi mậu dịch bằng đồng đô la. Những tuyên bố mà nhà nghiên cứu Benjamin Gedan, giám đốc chương trình châu Mỹ Latinh tại Trung tâm Wilson, khi trả lời trang mạng Miami Herald, đánh giá là chỉ để  « chọc tức », và nhắc nhở Hoa Kỳ rằng « Nga có thể quấy rối Mỹ ở các nước láng giềng như là một cách để ngăn cản Washington can dự vào khu vực lân cận của Matxcơva ».

Dù vậy, theo quan sát của Christophe Ventura, giám đốc nghiên cứu, chuyên gia về Nam Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), tại bốn nước ông Lavrov đi qua, ý nghĩa chính trị là không giống nhau. Trên đài RFI, ông phân tích :

« Ông Lavrov đến thăm Brazil, trước hết là nhằm củng cố các mối quan hệ kinh tế, chìa khóa trong mối quan hệ giữa Brazil và Nga, nhất là vào giai đoạn mở cửa hậu Covid-19 cùng với cuộc chiến tại Ukraina. Vấn đề ở đây là phải bảo đảm rằng Brazil vẫn có thể tiếp cận nguồn phân bón mà Nga xuất khẩu cho nước này, một nguồn cung thiết yếu cho ngành nông nghiệp và cả nền công nghiệp thực phẩm của Brazil.

Đương nhiên, chuyến thăm này đã được lên lịch trình từ lâu. Ngoài trao đổi kinh tế, đúng là còn có vấn đề chiến tranh Ukraina (…) Những gì mà ông Lavrov muốn tìm kiếm ở Brazil chính là không muốn cực đoan hóa lập trường của Brazil về hồ sơ Ukraina, bởi vì lập trường của Brasilia là lên án Matxcơva vì hành động xâm lược này, nhưng không áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga. Do vậy, ông Lavrov sẽ không tìm cách thay đổi lập trường của Brazil trong hồ sơ này

Về phần Nicaragua, tại Liên Hiệp Quốc, nước này cùng với Bắc Triều Tiên, Erythrea, Belarus, Mali và Syria đã bỏ phiếu ủng hộ Nga. Còn Venezuela lại tỏ ra im lặng trên bình diện quốc tế trong các cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc. Nước này lượn lờ giữa sự trung thành với Matxcơva và ý định nối lại quan hệ về lâu dài với Washington, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina và khủng hoảng năng lượng toàn cầu. »

Cuba đồng minh thân thiết của Nga, kẻ thù sát cạnh Mỹ

Cuba – đồng minh lâu đời nhất của Matxcơva – đã điểm dừng chân sau cùng của ngoại trưởng Nga. Đây là lần thứ 8 ông đến thăm La Habana. Hai nước có mối quan hệ chặt chẽ quân sự, kinh tế và tài chính từ nhiều năm qua. Janette Habel, nhà chính trị học, chuyên gia về châu Mỹ Latinh, trên TV5 nhắc lại Nga năm trong số hiếm hoi các nước đã giúp Cuba lách các biện pháp trừng phạt. Quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhân đạo và xã hội nghiêm trọng. Do vậy, sự hậu thuẫn của Nga là một « nguồn ủng hộ tuyệt đối thiết yếu » cho chế độ Cuba.

Nếu như nhiều nhà quan sát đánh giá là chuyến đi của Lavrov là nhằm chứng tỏ Nga không bị cô lập, thì bà Janette Habel còn cho rằng ông đến thăm Cuba lúc này không phải là chuyện tình cờ. Cuba sắp nắm giữ chức chủ tịch luân phiên nhóm các nước phi liên kết, quy tụ 77 nước, ra đời trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, mà Trung Quốc cũng có tham gia. Matxcơva chuẩn bị địa bàn để các nước này nhân các kỳ họp lớn có những tuyên bố ủng hộ Nga và bác bỏ các mọi trừng phạt nhắm vào Matxcơva.

Nhìn từ toàn cảnh này, nhà chính trị học Janette Habel kết luận : « Đây là lần đầu tiên người ta có thể nói Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ ở một phía và bên kia là tuyệt đại đa số những nước tìm cách củng cố một mặt trận bất chấp những bất đồng có thể có. Điều gì sẽ xảy ra, chưa ai biết được, nhưng đây thật sự là một sự thay đổi, một sự biến đổi của thế giới, biến động về tương quan địa chính trị thế giới. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.