Vào nội dung chính
LẠM PHÁT VÀ ĐỜI SỐNG

Các quán ăn Tây Ban Nha mất khách khi lạm phát lên hơn 10%

So với châu Á, ngành du lịch châu Âu đang trên đà phục hồi nhanh hơn sau đại dịch. Việc di chuyển bằng máy bay trong mùa thu 2022 đạt mức 85% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tại Tây Ban Nha, các hàng quán lại ít bội thu hơn dự kiến. Tỷ lệ lạm phát 10,7% trong mùa hè vừa qua khiến ngành nhà hàng buộc phải tăng giá. Thực đơn ba món trong ngày nổi tiếng là ''hút khách'' nay không còn đặc biệt hấp dẫn.

Ảnh minh họa: Quốc kỳ Tây Ban Nha
Ảnh minh họa: Quốc kỳ Tây Ban Nha © Pexels/CC0/Pixabay
Quảng cáo

Theo nhật báo Tây Ban Nha Diario de Mallorca, mặc dù lạm phát đã giảm đôi chút, xuống còn 9,2% vào đầu mùa thu, nhưng nhìn chung tỷ lệ này vẫn ở một mức tương đối cao 8% tính trung bình cho cả năm 2022 (mức cao nhất từ hơn ba thập niên qua). Tình trạng vật giá leo thang đã tác động đến một trong những biểu tượng của ngành du dịch Tây Ban Nha : thực đơn ba món lập sẵn trong ngày, còn thường được gọi là ''menu del día'', nhờ giá mềm nên rất được phổ biến vào giờ ăn trưa và thường được phục vụ vào những ngày trong tuần tại các quán cà phê, quán bar hay tiệm ăn.

Hàng quán đồng loạt tăng giá menu trong ngày

Theo một cuộc khảo sát gần đây do công ty Edenred thực hiện cùng với tổ chức Hostelería de España, đại diện cho ngành khách sạn nhà hàng, cứ trên 10 hàng quán tại Tây Ban Nha có đến 6 quán đã tăng từ 7% đến 10% giá thực đơn, một phần ba còn lại tăng thêm khoảng 15%. Cụ thể, giá trung bình của một thực đơn trong ngày là 12,8 euro. Thêm từ 10% đến 15% có nghĩa là thực đơn nay được bán với giá từ 14 đến 14,7 euro, tức đã tăng từ một đến gần hai euro cho một bữa ăn. Theo nhận xét của Diaro de Mallorca, tại các thành phố đông khách du lịch như Sevilla, Valencia, Malaga hay Bilbao, thực đơn trong ngày đã chạm ngưỡng 14 euro, còn Madrid, Barcelona và nhất là Palma (de Mallorca) chính là ba thành phố dọn bữa ăn trưa gồm ba món với giá cao nhất khoảng 15 euro.

Cũng cần biết rằng nước Tây Ban Nha có 47 triệu dân, tính trung bình mỗi ngày ngành nhà hàng phục vụ 4 triệu bữa ăn "menu del dia", cho cả hai đối tượng : khách nước ngoài cũng như dân bản xứ. Bữa ăn trưa ba món trở nên phổ biến đến nỗi, ''menu del día'' đã trở thành thước đo kinh tế, chẳng những để thẩm định ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng mà còn để bắt mạch thăm dò các xu hướng nơi người tiêu dùng.

Được thành lập vào mùa hè năm 1964 theo đề xuất của ông Manuel Fraga (Bộ trưởng Du lịch và Thông tin dưới thời tướng Franco từ năm 1962 đến 1969), ''menu del día'' được nâng lên hàng quốc sách qua việc buộc ngành nhà hàng phải cung cấp một ''bữa ăn ba món'' với giá phải chăng nhằm phục vụ làn sóng khách du lịch nước ngoài đổ về các bãi biển Tây Ban Nha. Bữa ăn theo thực đơn lập sẵn trong ngày phải bao gồm một món khai vị thường là xà lách trộn hay súp thịt hầm với đậu và khoai tây, một món ăn chính thường là thịt cá hay đặc sản trong vùng, một món ngọt dùng để tráng miệng, menu được kèm theo một chút bánh mì và một ly rượu vang.

Lạm phát buộc ngành nhà hàng thay đổi truyền thống

Với thời gian, thức uống chủ yếu là rượu vang ngày càng ít xuất hiện trên thực đơn, cà phê có thể thay thế cho món ngọt, chủ yếu do chính sách y tế công cộng, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Kể từ đầu những năm 1970, ''menu del día'' trở nên phổ biến khắp cả nước Tây Ban Nha. Tuy thực đơn giá mềm này ban đầu nhắm vào du khách nước ngoài, nhưng sau đó lại thu hút thêm nhiều khách nội địa, nhất là thành phần người lao động hay nhân viên công sở không thể về nhà ăn trưa, hoặc không có căng tin ở sở làm.

Hầu như tất cả các hàng quán Tây Ban Nha đều có thực đơn trong ngày, theo khảo sát của Hostelería de España, cứ trên 10 thực khách thường xuyên ăn ngoài sở làm thường là hai hoặc ba lần mỗi tuần, có đến 8 người chọn ''menu del día'' vì thực đơn này có giá phải chăng, trong khi các món ăn khá đa dạng, menu luôn thay đổi từng ngày, cách phục vụ cũng nhanh chóng và tiện lợi cho khách hàng. Giới doanh nhân hay thương gia (có nhiều tiền hơn) có thể chọn ''menu ejecutivo'' đắt hơn một chút, nhưng dựa trên cùng một mô hình : ba món ăn theo menu chọn sẵn, dọn với một chút đồ uống, kể cả cà phê.

Thế nhưng, tình thế đang thay đổi hẳn. Kể từ tháng 04/2022, tức là từ trước khi tỷ lệ lạm phát ở Tây Ban Nha lên tới ngưỡng hai con số, ngành nhà hàng một mặt tìm cách tiết kiệm chi phí, mặt khác tăng giá menu các bữa ăn trưa (một truyền thống có từ hơn nửa thế kỷ qua) chứ không còn duy trì mức giá ưu đãi cho thực khách. Phần lớn cũng vì trong bối cảnh vật giá leo thang, giá của các nguyên liệu thông dụng lại tăng nhanh nhất.

Các thành phần nấu ăn đơn giản đã tăng giá 40%

Để có thể hình dung một cách đơn giản, thì các thành phần chính để chế biến món trứng chiên khoai tây của người Tây Ban Nha (món tortilla de patatas còn được gọi là tortilla auténtica) đều đã tăng rất nhiều. Chẳng hạn như giá dầu ô liu đã tăng 42%, trứng gà lên thêm 23%, khoai tây 35%. Bên cạnh đó, hầu hết các nguyên liệu thô được dùng để chế biến các món ăn của thực đơn trong ngày, chẳng hạn như thịt cá, bơ sữa hoặc mì ống cũng đã tăng từ 20% đến 32%. Chi phí của tất cả các thành phần này chiếm khoảng 25% các chi phí của các hàng quán cấp phổ thông hay trung bình, và có thể lên tới 45% chi phí tại các nhà hàng sang trọng, chuyên sử dụng các nguyên liệu đắt tiền hơn. Bên cạnh giá thực phẩm, các hóa đơn điện nước (tăng thêm 25%), giá bình gas dành cho lò nướng hay bếp chuyên nghiệp đều tăng vọt, trong khi năng lượng chiếm từ đến 8% chi phí của ngành khách sạn nhà hàng.

Trong thời buổi khó khăn các hàng quán trước mắt ít có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá. Điều đó dĩ nhiên ảnh hưởng đến khách hàng, nhất là các thực khách đến ăn thường xuyên sẽ nhận thấy ngay những nét thay đổi lớn. Nhiều hàng quán tìm kiếm cách tiết kiệm chi phí, chẳng hạn như họ liên kết với nhau đặt hàng với khối lượng lớn hơn để rồi chia đều sau đó. Sản phẩm như thịt cá đặt nguyên khối hay nguyên con thay vì được bán dưới dạng từng phần được cắt sẵn, cũng rẻ hơn.

Một số nhà hàng thay vì dọn ba món, bắt đầu hạn chế menu còn hai món, khách có thể tùy chọn một món chính cùng với món khai vị (đầu bữa ăn) hoặc món tráng miệng (cuối bữa ăn), nhưng không thể chọn cả hai. Ngoài ra còn có những hình thức hạn chế khác được ngụy trang, chỉ có khách tinh ý mới nhận thấy, chẳng hạn như quán ăn không tăng giá bán nhưng lại "giảm" phần ăn, hoặc giá đồ uống không còn nằm trong thực đơn, điều đó buộc khách hàng phải gọi thêm đồ uống trong trường hợp họ muốn dùng rượu. Các quán ăn đang chờ xem phản ứng từ phía khách hàng. Du khách nước ngoài khi đi chơi có lẽ sẽ không phàn nàn gì mấy về chuyện này, nhưng trước mắt việc tăng giá lại làm mất lòng thực khách tại chỗ, họ bớt đi ăn tại các hàng quán có bán thực đơn trong ngày.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.