Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Nước Pháp trước trào lưu ''thức uống chức năng''

''Functionnal drinks'' (Thức uống chức năng) là thuật ngữ chuyên ngành ẩm thực dùng để chỉ các loại đồ uống không có rượu nhưng lại hàm chứa nhiều chất chiết xuất thảo dược, giúp cho thực khách có thêm cảm giác hưng phấn khỏe khoắn, hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Đây là xu hướng mới tại Hoa Kỳ và bắt đầu du nhập vào các nước châu Âu, kể cả Pháp, Hà Lan hay Anh quốc.

Ảnh minh họa : Đồ uống của công ty Pulp Culture+.
Ảnh minh họa : Đồ uống của công ty Pulp Culture+. © Business Wire
Quảng cáo

Theo phụ trang văn hoá báo Le Figaro, trào lưu ''Functionnal drinks'' (Thức uống chức năng) phát triển song song với nhu cầu giảm bớt lượng rượu nơi giới trẻ nói riêng, người tiêu dùng nói chung. Chuyện thực khách bớt uống rượu, đầu tiên, là nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên theo tờ báo, điều đó cũng ảnh hưởng tới tinh thần chung vui cũng như không khí lễ hội, vì người Âu Mỹ có truyền thống cụng ly sâm banh để ăn mừng, chứ không ai dùng trà trong những buổi tiệc tùng.

Thức uống có tẩm thêm chất bổ ?

Bắt nhịp trào lưu ''giảm cồn bớt thịt'', ngành sản xuất bia rượu bắt đầu chuyển qua các loại thức uống không có cồn hoặc có rất ít độ cồn ''no-low''. Mục tiêu là cung cấp các loại thức uống có thể thay thế cho rượu và bia. Những loại đồ uống thời thượng này, được xem là công phu hơn trong cách chế biến so với các loại nước ngọt soda hoặc nước trái cây tươi.

Trong bối cảnh đó, các loại thức uống "chức năng", được quảng cáo như đồ uống có tẩm thêm chất bổ, do hàm chứa những chất chiết xuất từ hoa quả, trái cây hay thảo mộc có khả năng tạo ra một số tác dụng gần giống với rượu. Theo ông Eric Fossard, đồng giám đốc công ty Liquid Liquid chuyên kinh doanh các thương hiệu rượu khai vị kể cả loại không cồn : ''thức uống chức năng'' đang phát triển mạnh, vì khách hàng không chỉ cảm thấy thoải mái mà còn không sợ say sưa ''quá chén'' khi uống nhiều.

Trong số các loại thức uống mới thịnh hành hiện nay, có hiệu ''Three Spirit 0%'' đến từ Hà Lan bảo đảm một loại rượu khai vị hoàn toàn không có độ cồn. Đồ uống này gồm các chất chiết xuất từ lá ổi, lá bùi (guayusa), hạt ngũ vị tử (schisandra) dùng để làm tinh dầu, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhân sâm (ginseng) có vị ngòn ngọt đăng đắng, nổi tiếng là bổ dưỡng cho khí huyết. Hiệu ''Three Spirit'' tung ra ba loại khác nhau : không cồn, không đường hoặc có thêm chất cafein. Loại thức uống này có mùi vị của quả lựu pha với một chút dưa hấu, sắc màu đỏ ửng của hoa dâm bụt, dùng để nhâm nhi thưởng thức, uống theo từng ngụm chứ không phải theo một hơi dài, uống nhiều để giải khát.

Hồng sâm, gừng cay và thảo dược

Bên cạnh đó, còn có loại Savoia của nhà chế biến G.Gallo của Ý, một loại rượu ngâm thảo mộc nhưng không cồn gồm các chất cam đắng, cần ta, thảo cúc, hạt tiêu và đặc biệt là củ gừng, tất cả được ủ trong thùng gỗ sồi để tạo ra vị cay một cách tinh tế, hương thơm mà vẫn không nồng, vị cay của gừng hòa quyện với vị đăng đắng nhưng vẫn dịu dàng của loài hoa gentiane, có tác dụng ''an thần'' giảm stress.

Trào lưu ''Functionnal drinks'' (Thức uống chức năng) ngày càng trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ. Trong một xã hội mà sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể là mối ưu tiên hàng đầu, các thức uống chức năng thu hút đông đảo người tiêu dùng. Đà phát triển này cũng giống như vài thập niên trước khi các loại vitamin và thực phẩm bổ sung bùng phát trên thị trường. Các loại thức uống này dùng nhiều chất của hồng sâm panax, các chất chiết xuất của các loài cây thân thảo như ashwagandha, eleuthro, schisandra, rhodiola, rhaponticum …. hầu hết được xếp vào hàng dược thảo, có tính chữa bệnh theo quan niệm của ngành Đông y.

Về điểm này, người Mỹ nói chung có đầu óc cởi mở hơn so với người Pháp. Theo Le Figaro, tại Hoa Kỳ, hầu như tháng nào cũng có một thương hiệu mới được tung ra thị trường, nếu thành công thì trụ lại, khi thất bại dễ bị đào thải ngay. Ngược lại, mọi thứ ở Pháp có vẻ tiến triển chậm hơn. Bên cạnh các rào cản về mặt văn hóa, còn có một loạt quy đinh nghiêm ngặt, khắt khe hơn so với Bắc Mỹ, khiến cho việc tiếp thị thiếu sự linh hoạt, đồng thời việc quảng bá sản phẩm mới do khuôn khổ cứng rắn, cũng trở nên khó khăn.

Tránh lạm dụng ngay cả các chất bổ dưỡng

Tuy được quảng cáo là những loại đồ uống có khả năng giảm căng thẳng, giúp cho tinh thần vui vẻ yêu đời hơn, thế nhưng loại ''thức uống chức năng'' cũng đang gây ra nhiều cuộc tranh luận nơi giới chuyên gia y tế. Các bác sĩ cũng như các nhà dinh dưỡng học lo lắng về tác động của các chất ''dược thảo''. Uống vài lần có thể không sao, nhưng về lâu dài, thì chưa chắc gì các loại thức uống này có lợi cho sức khỏe. Các chất tinh dầu chiết xuất từ cây thuốc cũng vậy, điều quan trọng là ở liều lượng. Nếu không biết cách dùng, việc lạm dụng các thực phẩm chức năng có thể gây ra tác dụng phụ, từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Trên trang thông tin của Cơ quan quốc gia về An toàn thực phẩm và môi trường (Anses) của Pháp hiện giờ các loại thức uống chức năng vẫn được xếp vào hạng thực phẩm chức năng (compléments alimentaires). Trên danh sách, cơ quan này liệt kê các loại thực phẩm cần được theo dõi, kể cả thực phẩm dùng để giảm cân, giảm stress hay giảm cholesterol, bên cạnh đó còn có các loại thực phẩm chứa rất nhiều protein hầu phát triển cơ bắp nơi giới chuyên tập gym, một số ''thực phẩm tăng cường'' như trái cây xay nhuyễn có thêm vitamin A, hoặc loại sữa chua có thêm vitamin D, nổi tiếng là bổ xương, giúp cho cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn chất calcium.

Riêng về thức uống chức năng, loại thực phẩm này vẫn được xếp vào cùng hạng mục của loại nước tăng lực (energy drinks). Loại thức uống này từng gây nhiều tranh luận tại Pháp, bị cấm trong vòng 12 năm liền, rồi sau đó mới được bày bán trên thị trường Pháp, do không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các tác hại về mặt sức khỏe người tiêu dùng. 

Dù vậy, trang thông tin của cơ quan Anses vẫn áp dụng nguyên tắc thận trọng qua việc khuyến kích người tiêu dùng ở Pháp cũng như giới chuyên gia y tế báo cáo về các triệu chứng như dị ứng với các loại thức uống này. Ngoài ra, nếu như cơ thể bạn hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng, không bị bệnh tật gì thì việc dùng thường xuyên thực phẩm chức năng (dù là nhân sâm) thực sự là không cần thiết. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.