Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Pháp : Lạm phát khiến nhiều quán bánh mì kebab đóng cửa

Vật giá leo thang, hoá đơn năng lượng tăng mạnh. Hai yếu tố này khi gộp lại tiếp tục gây khó khăn cho nhiều ngành nghề tại Pháp. Sau các tiệm bánh mì Pháp truyền thống, giờ đây đến lượt của các quán ăn kebab bị lôi vào vòng xoáy khủng hoảng. Hầu hết các quán ăn nhanh ở Pháp khó mà duy trì được lượng khách hàng đông đảo, khi không còn bán thực đơn với giá ''bình dân''.

Ảnh minh họa : Alihan Turgut, chủ một cửa hàng kebab đang chuẩn bị món thịt nướng trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AP ở Wiener Neustadt, Áo (ảnh chụp năm 2017).
Ảnh minh họa : Alihan Turgut, chủ một cửa hàng kebab đang chuẩn bị món thịt nướng trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AP ở Wiener Neustadt, Áo (ảnh chụp năm 2017). AP - Ronald Zak
Quảng cáo

Tuy không hẹn, nhưng tạp chí L'Express và nhật báo 20 Minutes đều quan tâm đến cùng một chủ đề. Dù là ở thủ đô Paris hay ở thành phố Lille (miền bắc nước Pháp) các quán ăn kebab đều đứng trước một sự chọn lựa khó khăn : một là phải tăng giá và như vậy có nguy cơ bị mất khách, hai là giữ giá rẻ như trước kia nhưng bù lại phải giảm khẩu phần, hoặc loại bỏ một trong những thành phần của kebab. Trong mắt khách hàng, giải pháp thứ nhì cũng có nghĩa là giảm ''chất lượng'' món ăn. 

Phóng sự của tuần báo L'Express (số ra ngày 16/03/2023) mô tả khung cảnh các quán bánh mì kebab tại nhiều khu phố Paris ở quận 5 (Jussieu), quận 9 (Poissonnière) hay quận 18 (Porte de Clignancourt). Vào giờ ăn trưa, các quán kebab thường ngày đông đảo người đứng xếp hàng, nay bỗng dưng lại thưa khách. Các quán này lại càng vắng hơn khi đại đa số khách hàng là học sinh cấp hai. Đó là trường hợp của quán Ilane, có một vị trí ''đắc địa'' nằm giữa ba trường trung học phổ thông, cách mỗi trường khoảng 200m. Quán Ilane chuyên làm pizza và bánh mì kebab chủ yếu phục vụ giới thanh thiếu niên, có giá cả phù hợp với túi tiền của các bạn trẻ. Thế nhưng, theo tuần báo Le Point, từ khoảng hai tháng nay, giới học sinh Pháp ít còn lui tới quán này. 

Kebab soán ngôi bánh mì Hy Lạp, Liban và Do thái 

Phải nói rằng giá bánh mì kebab đã tăng mạnh trong vòng một năm, từ khoảng 6 euro trung bình nay được bán với giá 7,5 euro một ổ, nếu dùng thêm nước ngọt hoặc soda có thể lên tới 8,5 hay 9 euro một thực đơn. Đối với nhiều học sinh không có nhiều tiền túi, giá kebab đã trở nên quá đắt, họ đi tìm những món ăn thường ngày khác và lâu lâu mới mua kebab một lần. Cái thời thực đơn kebab được bán với giá mềm, ở mức tượng trưng 5 euro, giờ đây coi như không còn nữa.

Cũng cần biết rằng, bánh mì kebab bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu phát triển mạnh tại Đức trước khi du nhập vào nhiều quốc gia châu Âu, kể cả Pháp. Vào đầu những năm 1980 tại Paris, hầu như chưa có các quán kebab, mà chủ yếu là các quán bán bánh mì kẹp thịt nướng của Hy Lạp (sandwich grec). Các quán đầu tiên nằm trên đường Mouffetard cũng như gần đại lộ Saint-Michel, khu phố La Tinh cũng là nơi tập trung rất nhiều trường học và cơ sở giảng dạy. 

Với thời gian, bánh mì kebab đã ''soán ngôi'' bánh mì gyros của Hy Lạp (ngoại trừ ở góc đường Huchette-Saint Séverin), các món malawah cũng như falafel của người Do Thái (phố Rue des Rosiers) hoặc món bánh mì shawarma của người Liban. Một khi du nhập vào Pháp, loại bánh mì mềm kẹp thịt cừu nướng, được thay thế bằng thịt gà xiên nhiều lớp thành một khối. Dù ở đâu đi chăng nữa, quán ăn kebab thường phải có máy quay đứng thẳng để nướng thịt gà xiên khối. 

Chừng nào có khách đặt mua, thì người bán hàng mới cắt thịt trên xiên thành nhiều lát mỏng, rồi đem thịt nhồi vào bánh, trộn thêm với một chút rau sà lách, hành tây, dưa leo, cà chua …. nhờ vậy mà ăn đỡ ngán. Nước sốt bỏ vào bánh mì cũng có nhiều loại, loại trắng có vị chua ngọt, loại màu đỏ có vị thơm của ớt tây (nếu đúng theo truyền thống ''biber salçasi'' của Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc màu ớt xanh nhưng vẫn cay như tabasco của Mỹ, màu ớt đỏ mọng cay nồng không kém gì harissa của người Tunisia. 

Thời lạm phát, nhiều quán kebab phải đóng cửa 

Bánh mì kebab trở nên phổ biến trong xã hội nhờ có gu hấp dẫn ''khoái khẩu'', đồng thời thu hút đông đảo các bạn trẻ nhờ giá cả bình dân.Theo báo Le Point, cách đây khoảng 3 năm, một thực đơn kebab với giá 5,5 euro có thể được tìm thấy khá dễ dàng ở thủ đô Paris. Thế nhưng, rất nhiều quán ăn không còn giữ được mức giá bình dân này, vào lúc giá nguyên liệu đã tăng vọt, từ cà chua, sà lách ''iceberg'' cho tới thịt gà… tất cả đều đã tăng gần gấp đôi. Theo số liệu của cơ quan Eusostat, lạm phát tại các nước vùng euro trong năm qua lên tới 9,2%. Đầu năm nay, tỷ lệ lạm phát có phần giảm bớt một chút, nhưng vẫn còn ở một mức cao. 

Theo ông Bernard Boutboul, nhà sáng lập văn phòng tư vấn Gira, chuyên nghiên cứu về ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng, các quán chuyên bán thức ăn nhanh (cũng như các nhà hàng truyền thống) bị tác động kép bởi dịch Covid cộng thêm chiến tranh Ukraina. Trong một thời gian dài, các quán fast food hầu như không tăng giá. Giờ đây, như thể để bù lại những năm bị thất thu, các nhà phân phối lại tăng mạnh giá thực phẩm cũng như các thành phần chế biến, điều đó tác động đến ngay các tiệm fast food, trong đó có các quán kebab. 

Theo số liệu gần đây nhất của Hội đồng quốc gia các Thư ký tòa án (CNG) trong năm 2022, các quán chuyên bán thức ăn nhanh đứng hạng nhì trong số các ngành nghề bị đóng cửa nhiều nhất. Thật vậy, có khoảng số 35.000 tiệm bánh mì trên lãnh thổ Pháp, nhưng có tới 17% bị ''phá sản'' trong năm qua. Còn về phía 14.000 quán kebab, có gần 1.600 điểm bán hàng (12%) buộc phải đóng cửa, do doanh thu không còn đủ để trang trải các chi phí hoạt động. 

Các quán kebab khó duy trì mức giá bình dân 

Tình trạng này tác động trực tiếp đến các quán kebab nổi tiếng như quán ăn Pacha ở thành phố Lille, miền bắc nước Pháp. Dưới sự điều hành của anh Daniel Nouri (38 tuổi), quán này đã ba lần đoạt giải nhất nhân các kỳ thi làm kebab ngon nhất nước Pháp. Quán Pacha vẫn duy trì được chất lượng nhưng buộc phải tăng giá thực đơn, chủ yếu cũng vì chủ quán cho biết anh phải trả tiền điện nước 1.400 euro mỗi tháng. Các quán kebab khác ở Lille như quán Tummy hay chi nhánh mới của hiệu Berliner (Das Original) chính thống của Đức cũng buộc phải cầm cự, khi hóa đơn điện đã nhân lên gấp hơn ba lần, từ 300 euro hai năm trước, nay lại lên đến hơn 1.000 euro mỗi tháng. 

Tình hình của các quán kebab ở Paris cũng không sáng sủa gì hơn. Nhiều hàng quán ở khu vực Porte de Clignancourt (quận 18) đã đóng cửa từ 6 tháng qua. Tại phố Stalingrad (quận 19), quán kebab nổi tiếng ''Les Délices d'amour'' mở cửa từ năm 2001, do thiếu nhân viên nên buộc phải giảm giờ hoạt động, thay vì mở cửa phục vụ khách hàng mỗi ngày từ trưa cho đến 2 giờ sáng. Còn tại tiệm ''Délice Jussieu'' nằm gần trường đại học cùng tên, quán này năm nay vừa tròn 40 tuổi, được đưa vào sách hướng dẫn vì nổi tiếng là nơi phục vụ món kebab rất ngon từ năm 1983. Đầu bếp ở đây luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm từ bánh mì, nước sốt, khoai tây chiên cho đến thịt gà xiên đều là tự làm. Nhưng kể từ khi món kebab đạt tới mốc 10 euro, quán này đã mất 20% khách hàng, đa phần là sinh viên đại học. 

Trong thời buổi khó khăn, các quán bánh mì kebab (hiểu theo nghĩa bình dân nhất) đang dần biến mất. Món ăn này sẽ vẫn được bán nhưng không còn hợp với túi tiền của giới học sinh. Các quán kebab đánh mất đối tượng này nhưng để thay thế, lại chưa chắc gì chinh phục được thành phần khách hàng mới. Trong mắt của thực khách nói chung, do bánh mì kebab được xếp vào hàng fast food, hương vị có thể ngon nhưng về mặt sức khỏe chưa thể gọi là bổ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.