Vào nội dung chính
VĂN HÓA XÃ HỘI

Live Nation : Vé đi xem biểu diễn ca nhạc ngày càng đắt

Trong số các thần tượng nhạc pop, ai sẽ là người có đợt biểu diễn đạt mức 1 tỷ đô la doanh thu ? Le Figaro đặt câu hỏi này trong bài viết đăng hôm 16/07. Theo tờ báo, năm 2023 đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của những đợt biểu diễn hoành tráng trên các sân vận động : Taylor Swift, Beyoncé, Madonna hay The Weeknd. Tuy nhiên, nhiều khách hâm mộ lại tỏ vẻ bất mãn trước hiện tượng giá vé tăng vùn vụt.

Ảnh minh họa : Ca sĩ Taylor Swift tại lễ trao giải Âm nhạc Mỹ ở Los Angeles, ngày 24/11/2019.
Ảnh minh họa : Ca sĩ Taylor Swift tại lễ trao giải Âm nhạc Mỹ ở Los Angeles, ngày 24/11/2019. Jordan Strauss/Invision/AP - Jordan Strauss
Quảng cáo

Với chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới ''Eras Tour'', bao gồm 106 buổi trình diễn tại 5 châu lục, ngôi sao nhạc country pop Taylor Swift (33 tuổi) là gương mặt sáng giá nhất, có nhiều triển vọng lập kỷ lục 1 tỷ đô la doanh thu. Giới quan sát cũng dự báo một đà thành công tương tự cho Beyoncé, còn được mệnh danh là ''Queen Bey'', sau khi cô lập thành tích tại Bắc Âu, vừa bắt đầu chặng đường Bắc Mỹ trong chuyến lưu diễn thế giới ''Renaissance'' của mình.

Bên cạnh hai ngôi sao này còn có nhiều tên tuổi lớn khác đồng loạt lên đường đi trình diễn vào lúc nhu cầu nghe ''nhạc sống'' trên sân khấu đang dâng cao sau thời kỳ đại dịch. Từ Bruce Springsteen đến Muse hay Coldplay, từ ca sĩ Drake đến The Weeknd, các sân vận động cũng như sân khấu lớn đều chật kín người xem, tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới. Báo Le Figaro trích dẫn cô Stacy Merida, giáo sư chuyên về ngành kinh doanh giải trí, thuộc trường Đại học American University tại Washington DC, chưa bao giờ lại có nhiều nghệ sĩ đến như vậy đi trình diễn hầu như cùng lúc và họ sử dụng cùng một hệ thống phân phối và tổ chức.

Năm 2023 hứa hẹn phá vỡ nhiều kỷ lục sân khấu

Mặc dù đã phải lùi lại đợt lưu diễn vài tháng do có vấn đề sức khỏe, nhưng Madonna vẫn là một trong những ứng cử viên đáng gờm do cô là nhân vật tiên phong trong việc tổ chức các tour trình diễn hiện đại kết hợp công nghệ âm thanh hình ảnh, thiết kế trang phục táo bạo, hoạt cảnh sân khấu ngoạn mục kèm theo vũ đạo. Nhưng theo Le Figaro, về mặt doanh thu, kỷ lục này hiện đang nằm trong tay Elton John. Nam danh ca người Anh đã bắt đầu vào năm 2018 chuyến lưu diễn giã từ khách hâm mộ ''Farewell Yellow Brick Road Tour'' nhưng chỉ kết thúc vào ngày 08/07 vừa qua tại Stockholm sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid. Theo trang thông tin chuyên ngành Billboard Boxscore, đợt biểu diễn này đã thu về 910 triệu đô la, tính đến ngày 18/06/2023. Trước Elton John, một ca sĩ nhạc pop người Anh khác là Ed Sheeran đã đạt mức 776 triệu đô la nhờ vòng lưu diễn ''Divide Tour'' trong hai năm (2017-2019). Tuy nhiên, giá trung bình để đi xem Ed Sheeran trình diễn là 100 đô la mỗi vé, trong khi vé đi xem Beyoncé hoặc Taylor Swift, có giá trung hình hiện thời là 250 đô la, cao ít nhất gấp đôi.

Tập đoàn giải trí Live Nation chuyên tổ chức các đợt trình diễn khổng lồ (từng mua lại vào năm 2010 công ty bán vé trực tuyến Ticketmaster), cho biết họ đã bán được hơn 100 triệu vé vào cuối tháng 06/2023, tức chỉ cần 6 tháng đủ để phá kỷ lục của cả năm 2019. Một lợi thế khiến cho Live Nation thu hút các ngôi sao hàng đầu của làng nhạc pop rock quốc tế.

Theo Financial Times, hiện tượng giá vé tăng mạnh trước hết là do luật cung cầu, nhưng bên cạnh đó còn có yếu tố ưu thế áp đảo, thiếu vắng sự cạnh tranh, khiến cho các công ty giải trí có thể ra giá cao. Tờ báo trích dẫn trưởng ban tài chính của Danske Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất Thụy Điển, cho biết hai buổi biểu diễn của Beyoncé hồi tháng 05/2023 tại Stockholm đã gây tác động khá bất ngờ. Sau nhiều năm vắng bóng tại Bắc Âu, Beyoncé đã khai mạc vòng lưu diễn thế giới tại thủ đô Stockholm.

Từ khắp nơi, người hâm mộ đã đổ xô về thủ đô Thụy Điển, trong đó có rất nhiều fan đến từ Hoa Kỳ để tham dự sự kiện này. Đối với khách châu Âu, giá vé xem Beyoncé thuộc vào hàng đắt đỏ, giá chót (hạng 3) là 95 euro, giá trung hạng là 220 euro, còn giá thượng hạng lên tới 650 euro. Giá ''trải nghiệm VIP'' lại lên tới 1.300 cho các fan nào muốn được chỗ ngồi riêng tốt nhất trong khán đài, có dịch vụ đưa đón, vào cửa trước mọi người …. Nhưng đối với các fan đến từ Bắc Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ, giá vé châu Âu coi vậy mà vẫn còn rẻ, do tại Mỹ khách hâm mộ đôi khi phải trả giá vé vào cửa cao gấp đôi. Qua hai buổi trình diễn, Beyoncé đã thu hút hơn 100.000 khán giả. Lượng người xem này cũng tác động đến hai ngành dịch vụ khách sạn và nhà hàng. Giá phòng ở trung tâm Stockholm đã tăng gấp ba lần trong hai đêm có Beyoncé trình diễn.

Thế độc quyền thương mại của Live Nation ?

Còn theo báo Business Insider, vé đi xem các ngôi sao quốc tế biểu diễn càng lúc càng đắt, nhưng không phải vì thế mà dễ tìm mua hơn. Trường hợp gần đây nhất theo tờ báo, là thần tượng country pop Taylor Swift. Nhân đợt bán vé vào tuần trước để xem cô biểu diễn ở Singapore, đã có hơn 1 triệu người đăng ký ''xếp hàng'' trực tuyến để mua vé.

Còn tại Úc, đợt biểu diễn gồm 7 buổi của Taylor Swift tại Sydney và Melbourne đều hết sạch chỉ sau vài giờ được bán trên mạng chính thức. Cũng như Beyoncé, tên tuổi của Taylor Swift tạo ra hiện tượng ''săn lùng vé'', giá trung bình theo mạng Ticketek là 250 đô la, thế nhưng gói trải nghiệm VIP lại cao hơn gấp 5 lần, lên tới 1270 đô la mỗi vé. Sự kiện ca sĩ người Mỹ đến Úc biểu diễn cũng tác động đến hai ngành hàng không và khách sạn. Hãng Qantas thông báo tăng thêm hàng chục chuyến bay trong thời gian biểu diễn của Taylor Swift tại Úc. Khách hâm mộ ở nước láng giềng là New Zealand ngoài phương tiện di chuyển còn cần có chỗ lưu trú. Do vậy, các ngành dịch vụ đều có thêm cơ hội tăng doanh thu nhân đợt lưu diễn này.

Bên cạnh yếu tố cung cầu, ngày càng có nhiều ý kiến phải đối, thậm chí nhiều khách hâm mộ đã tỏ ra bất mãn trước thế độc quyền của tập đoàn Live Nation và Ticketmaster. Theo ông Andrew Leff, giáo sư chuyên khoa âm nhạc thuộc đại học USC (University of Southern California), mặc dù bị chỉ trích nhưng tập đoàn này tiếp tục bán vé với giá cao. Sự bùng phát của nhu cầu đi xem biểu diễn chỉ thực sự có lợi cho một số nghệ sĩ, chứ không phải mọi người đều hưởng lợi. Theo ông Andrew Leff, ngành giải trí hiện có hai vận tốc và các nhà tổ chức chủ yếu phục vụ một thiểu số nghệ sĩ có khả năng sinh lợi cao, phần lớn còn lại ít được ai quan tâm đến …..

Thời hậu Covid, chi phí tổ chức một đợt biểu diễn đã tăng mạnh, từ khâu mướn sân khấu cho tới khâu chuyên chở máy móc và dụng cụ biểu diễn. Điều đó khiến cho nhiều nghệ sĩ độc lập trong đó có nữ ca sĩ Santigold phải hủy bỏ đợt lưu diễn, chủ yếu cũng vì họ không đủ tiền đầu tư vào khâu tổ chức cũng như không được giúp đỡ về mặt tài chính theo kiểu ứng tiền trước, hoàn trả sau. Trong một thị trường bị ứ đọng với hàng loạt đợt biểu diễn của các ngôi sao quốc tế, không có lý do gì giá vé sẽ giảm từ đây cho đến mùa hè năm tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.