Vào nội dung chính
VIỆT NAM - Y TẾ

Việt Nam : Thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết trên muỗi vào năm tới

Sốt xuất huyết hiện đang có mặt ở hơn 100 quốc gia. Mỗi năm có từ 50 đến 100 triệu ca nhiễm bệnh với 40 000 ca trường hợp tử vong. Dịch bệnh hoành hành mạnh nhất ở vùng Đông nam Á, Châu Mỹ La Tinh và Tây Thái Bình Dương. Các nhà khoa học đã tìm ra một biện pháp phòng ngừa mới, và sẽ thử nghiệm vào năm tới ở một số nước, trong đó Việt Nam là nước thử nghiệm đầu tiên. 

Muỗi vằn (Aedes aegypti)
Muỗi vằn (Aedes aegypti) DR
Quảng cáo

Thông tin trên tờ Southeast Asia Globe Phnom Penh được Courrier International dẫn lại với dòng tựa khá ấn tượng: “Chống bệnh sốt xuất huyết, hãy tiêm vắc-xin cho muỗi !”.

Theo các chuyên gia, Châu Á là vùng bị sốt xuất huyết nhiều nhất. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam đã có 30 000 người bị nhiễm bệnh. Còn tại Thái Lan, mỗi năm có hơn 60 000 ca nhiễm, và phải chi 8,2 triệu đô la cho công tác điều trị và 26 triệu đô la để diệt muỗi vằn (Aedes aegypti), vật trung gian truyền bệnh.

Hiện tại, biện pháp đối phó sốt xuất huyết tập trung vào việc hạn chế số lượng muỗi vằn, tức tiêu diệt chúng. Thế nhưng, các loại thuốc diệt côn trùng đã cho thấy không thể giải quyết vấn đề dù đã được sử dụng từ mấy chục năm nay.

Chương trình nghiên cứu Eliminate Dengue huy động các nhà nghiên cứu của Úc, Braxin, Việt Nam, Thái Lan và Mỹ đã tìm hướng đi mới, đó là không giết muỗi vằn mà ngược lại phải bảo vệ chúng. Cụ thể là người ta tiêm cho muỗi vằn một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia pipientis. Vi khuẩn này hiện diện ở 70% loài muỗi, nhưng lại không có trong muỗi vằn. Mục đích là ngăn vi rút sốt xuất huyết sinh sản thêm trong cơ thể của muỗi. Nếu vi rút không thể phát triển trong cơ thể muỗi thì chúng không thể được truyền sang người.

Hồi đầu năm, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này ở Úc bằng cách thả vào thiên nhiên 300 000 muỗi vằn trưởng thành đã được tiêm vi khuẩn Wolbachia. Kết quả là sau năm tuần, hầu hết muỗi khác trong thiên nhiên đã có mang trên mình loại vi khuẩn Wolbachia.

Vùng Đông nam Á là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch xuất huyết, vì thế phương pháp mới này sẽ được thử nghiệm trước hết tại đây.Vào năm 2012, Việt Nam sẽ là quốc gia thử nghiệm đầu tiên, sau đó đến lược Thái Lan và Indonesia. Nếu kết quả khả quan, thì phương pháp này sẽ được nhân rộng trên toàn thế giới.

Bài viết cũng cho biết, hồi đầu năm, tập đoàn Sanofi Pasteur của Pháp đã bắt đầu thử nghiệm một loại vắc-xin ngừa sốt xuất huyết ở Thái Lan và kết quả rất hứa hẹn. Theo tập đoàn này, trong những năm tới có thể ra đời một loại vắc-xin ngừa sốt xuất huyết. Như vậy, vắc-xin dành cho người giúp ngăn chặn vi rút phát triển ở người, còn phương pháp Wolbachia thì ngăn chặn vi rút phát triển ở muỗi vằn. Hai phương pháp này có thể bổ sung cho nhau để cho ra kết quả tốt nhất.

Tóm lại, viễn cảnh khá sáng sủa. Nếu mọi thứ diễn ra như mong muốn, thì như tờ báo đánh giá, sẽ tránh được dịch bệnh cho 593 triệu người đang sống trong đe dọa sốt xuất huyết ở vùng Đông Nam Á, và 2 tỷ người trên khắp năm châu.

Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào than trong nhiều năm nữa !

Từ nhiều năm nay, than giữ một vai trò tối quan trọng ở Trung Quốc. Bước vào thế kỷ 21, với những thách thức của ô nhiễm môi trường và của hàng loạt tai nạn hầm mỏ, chính phủ đã cố tìm nguồn năng lượng khác, thế nhưng tình hình cho thấy nước này vẫn chưa thể hết sự lệ thuộc vào than. Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 11 dành bài phân tích khá chi tiết chủ đề này với dòng tựa gây chú ý : « Trung Quốc bị bệnh vì than ».

Bắc Kinh dự định tăng cường xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các đập thủy điện. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tìm các nguồn than khác ở những nước có trữ lượng than dồi dào như Nam Phi hay Colombia. Tuy vậy, than vẫn luôn giữ vị trí thống trị và là chọn lựa ưu tiên của các chủ doanh nhiệp. Các mỏ than nội địa cung cấp đến 60% nhu cầu. Hiện tại ở nước này có 12 000 mỏ than đang hoạt động chính thức, nếu cộng thêm các mỏ không chính thức thì con số có thể tăng gấp hai lần.

Mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp, nhưng nước này sẽ còn lệ thuộc nhiều vào than. Theo dự phóng chính thức của nhà nước Trung Quốc, từ năm 2015, mỗi năm người Bắc Kinh sẽ tiêu thụ đến 20 triệu tấn than, trong khi năm 2010 chỉ có 11 tấn. Có ba nguyên nhân để biện hộ cho việc tiếp tục chọn than này : 1) Trung Quốc là một trong những nước sản xuất than lớn nhất thế giới với trữ lượng ước tính lên đến 118 tỷ tấn ; 2) Ngành công nghiệp khai thác than giúp giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người ; 3) Sử dụng than ít tốn kém.

Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là, an toàn tại các mỏ than không được đảm bảo tốt. Tờ báo cho biết, kể từ năm 2010, tai nạn xảy ra trong các hầm khai thác than đã bắt đầu tăng nhanh chóng. Riêng năm đó, tại Trung Quốc đã có 1 403 vụ tai nạn hầm mỏ làm 2 433 người thiệt mạng. Tình hình đến mức mà thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng yêu cầu các chủ mỏ than phải đích thân xuống hầm than, để chia sẻ nguy hiểm với công nhân, để từ đó họ sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo đảm an toàn trong khai thác.

Trung tâm thế giới dịch chuyển về Châu Á ?

Trong lĩnh vực địa chính trị, Le Monde Diplomatique nhìn lại quá trình vận hành của « Trọng tâm thế giới », từ Châu Âu qua Mỹ rồi hiện tại là đến Châu Á. Bài viết chạy dòng tựa : « Các nước đế quốc biến đổi như thế nào ? ».

Bài viết nhắc lại, hồi thế kỷ 19, Châu Âu giữ vai trò thống trị thế giới về kinh tế và thuộc địa, trong đó đứng đầu là Anh. Giữa thế kỷ 19, dân số Anh chỉ chiếm 2% dân số thế giới, nhưng lại sản xuất đến 53% sắt, 50% than và thu mua đến 50% lượng bông vãi trên thế giới, Anh chiếm ¼ thương mại thế giới và 2/3 giao dịch sản phẩm chế biến, Anh là trung tâm tài chính thế giới ….

Thế rồi đệ nhất thế chiến nổ ra vào năm 1914 đã chấm dứt sự thống trị của Anh. Cuộc chiến đã làm chao đảo các đế quốc Châu Âu, kích thích tinh thần chống thuộc địa, mở đường cho cuộc cách mạng tháng 10 Nga … đặc biệt là góp phần dịch chuyển trọng tâm thế giới từ Châu Âu sang Mỹ.

Thật ra, trước đó Mỹ đã tìm cách nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong giai đoạn 1846-1898, Mỹ đã tiến hành 28 cuộc can thiệp quân sự ở vùng Chây Mỹ La Tinh, 19 lần ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đầu thế kỷ 20, Mỹ đã vượt Anh về công nghiệp. Chẳng hạn như vào năm 1900, nước này chiếm 23,5% sản lượng công nghiệp chế biến thế giới, trong khi Anh chỉ có 18,5%.

Sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Anh phải chấp nhận chia sẽ ảnh hưởng với Mỹ. Sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã thật sự đứng ở vị trí trung tâm và trên đỉnh của thế giới, đã « truất ngôi » Châu Âu, đã tái cấu túc và hiện đại hóa nền kinh tế thế giới, đã hình thành các liên minh an ninh hùng mạnh.

Trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, theo tờ báo, Mỹ luôn « thống trị » thế giới. Hoa Kỳ đã trở thành « một siêu cường độc tôn» mạnh đến mức mà giới lãnh đạo nước này bắt đầu mơ về một « kỷ nguyên Hoa Kỳ ». Năm 2001, cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Nobel Hòa Bình 1973, ông Henry Kisinger nhận định : « Sự thăng hoa của nước Mỹ trên trường quốc tế là đặc biệt, không giống với bất kỳ cường quốc nào trong quá khứ ». Đến hiện tại, mơ ước đó được tiếp diễn với tổng thống Obama khi ông này đề ra mục tiêu cho mình là « làm cho thế kỷ này trở thành một thế kỷ khác của nước Mỹ ».

Tuy nhiên, vị trí độc tôn của nước Mỹ không còn được giữ vững trong tình hình mới. Tờ báo nhận định, ngày nay là kỷ nguyên đa cực, bộ mặt thế giới đã thay đổi với sự trỗi dậy của Châu Á và của nhũng vùng thuộc địa cũ, với vai trò ngày càng lớn của các quốc gia như Trung Quốc. Trong tương lai nước Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc rất mạnh, nhưng nước này cần phải hội nhập vào một thế giới đa cực và phải chấp nhận một vai trò khiêm tốn hơn trên thế giới.

Cả Châu Âu không thể chỉ phụ thuộc vào cặp bài trùng Pháp-Đức

Liên quan đến Châu Âu, mục thời luận của tuần san L’Express có bài viết nhận định : «Sự đoàn kết của Châu Âu không thể bị giới hạn ở cập đôi Pháp-Đức ».

Cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa nhấn chìm con tàu Châu Âu, Pháp và Đức thì vất vả tìm sự đồng thuận. Sự việc diễn ra gần đây có vẻ như là số phận của cả con thuyền Châu Âu phụ thuộc vào quyết định của Berlin và Paris.

Theo bài viết, trong tình hình khẩn cấp, mọi người có thể hiểu được vì sao lãnh đạo Đức và Pháp chạy vạy tìm kiếm đồng thuận bởi đó làm một trong những điều kiện để thoát khủng hoảng. Thế nhưng, sau khủng hoảng, phải chăng nên chờ đợi một sự nổi dậy của các nước khác trong khu vực đồng euro và của cả những nước muốn theo con đường hội nhập Châu Âu như Ba Lan chẳng hạn.

Còn đối với tổng thống Sarkozy, bài viết cho rằng, trong tình hình cấp bách, ông này đã chấp nhận một nguy cơ chính trị to lớn cho Châu Âu, đó là nguy cơ làm suy yếu khối đại đoàn kết Châu Âu, một khối đoàn kết mà hiện tại không thể chỉ phụ thuộc vào ý chí của Pháp và Đức. Các nhà ngoại giao Pháp cần phải tăng cường hành động sao cho không một nước nào trong khối euro có cảm giác là bị phó cho ý chí của cặp đôi Berlin-Paris.

Trung Quốc giúp Châu Âu để tìm lợi ích ?

Bàn về việc Trung Quốc chấp nhận đến cứu giúp Châu Âu trong cơn khủng hoảng, tác giả không ngại nói rõ rằng, nước này không giúp đỡ vô tư, mà là với tinh thần có đi có lại. Trước tiên, Trung Quốc muốn tranh thủ thời cơ gây sức ép buộc Liên Hiệp Châu Âu công nhận nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Kế đến, Bắc Kinh có thể can thiệp bằng cách tăng cường đóng góp vào tổ chức IMF, để qua đó gia tăng ảnh hưởng để trở thành đối trọng của Mỹ trong tổ chức quốc tế quan trọng này. Đó là con đường ngắn nhất để đạt đến vị trí cường quốc thống trị, một vị trí mà Trung Quốc đang ra sức kiếm tìm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Courrier International dẫn lại bài của một tờ tạp chí kinh tế Trung Quốc thể hiện quan điểm của một nhà kinh tế nước này đang làm việc ở Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết : Trung Quốc phải biết tận dụng thời cơ này để cũng cố vị thế và tâm ảnh hưởng của mình.

Ấn Độ : Trường học đào tạo nghệ thuật tỏ tình

Tại Ấn Độ, đã xuất hiện một loại trường đặc biệt, đó là trường dạy « cưa gái ». Đó là thông tin đăng trên tờ Courrier International qua bài viết : « Trường đào tạo đao phủ của con tim ».

Bài viết giới thiệu về một trường dạy tỏ tình ở Bombay hiện có đến 500 người học, đa số là tuổi từ 22 đến 32. Ở đó, người ta dạy phương pháp tỏ tình, cách tiếp cận phụ nữ một cách bài bản.

Tuy nhiên, tờ báo cũng cho biết, dù tuổi trẻ muốn thoát li truyền thống, nhưng hiện tại từ thành thị đến nông thôn, người Ấn Độ đa số vẫn chấp nhận kiểu hôn nhân do cha mẹ quyết định. Theo thống kê, có đến 90% cuộc hôn nhân ở Ấn Độ là thuộc loại này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.