Vào nội dung chính
PHÁP

Paris tiếp tục quyến rũ du khách bốn phương

Khủng hoảng nợ công hay các kế hoạch thắt lưng buộc tại Châu Âu không hề làm nản lòng du khách. Họ vẫn đổ về Châu Âu : trong những tháng qua lượng khách đến Châu Âu đã tăng 6%, tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Và Paris vẫn là nơi được ưa chuộng nhất, sẽ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng vào năm 2011 này.

Đồi Montmartre với thánh đường Sacré-Coeur, một trong các thắng cảnh của Paris
Đồi Montmartre với thánh đường Sacré-Coeur, một trong các thắng cảnh của Paris DR
Quảng cáo

Dĩ nhiên là kế hoạch tiết kiệm của thủ tướng Pháp nhằm giảm thâm thủng ngân sách, là hồ sơ lớn nổi bật hôm nay, chiếm như hầu hết tựa lớn trang nhất, bên cạnh tình hình Libya và các hồ sơ châu Á, như chuyến đi Nga của lãnh đạo Kim Jong- Il, hay việc Nhật Bản bị hạ điểm tín nhiệm ...

Nhưng trong không khí gần cuối hè này, với tình hình kinh tế khó khăn, tờ Les Echos đã lý thú ghi nhận một điểm lạc quan : sức thu hút của thủ đô nước Pháp không suy giảm : ‘‘Mặc dù khủng hoảng, Paris vẫn ngày càng thu hút thêm nhiều du khách’’, tựa trang nhất.

Les Echos đưa ra nhận xét hóm hỉnh là quả thật nợ công cũng như các kế hoạch thắt lưng buộc đã không làm cho du khách hoảng sợ chút nào. Họ vẫn đổ về Châu Âu : trong những tháng qua lượng khách đến Châu Âu đã tăng 6%, tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Và Paris vẫn là nơi được ưa chuộng nhất, tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng vào năm 2011 này.

Les Echos nhìn lượng khách giữ phòng khách sạn đã tăng 3% trong sáu tháng đầu năm, với 17, 6 triệu lượt. Từ 10 năm qua, chưa bao giờ khách sạn Paris đông khách như hiện nay. Theo tờ báo, du khách đến Paris không chỉ tăng vào mùa hè, mà còn sẽ tiếp tục tăng lên từ giờ cho đến cuối năm.

Họ là ai ? Les Echos nêu trước tiên tầng lớp trung lưu tại các quốc gia đang trỗi dậy và doanh nhân, trong một loại hình du lịch đang phát triển : vừa đi tiếp xúc với đối tác, vừa du ngoạn.

Du khách từ các nước láng giềng của Pháp ít hơn, trong lúc mà những người đến từ Châu Mỹ La Tinh tăng cao nhất : hơn 22%, kế đến là vùng Trung Đông và Châu Á tăng gần 14%. Riêng du khách Trung Quốc đã tăng 17,7%, tính ra có khoảng 64.000 người.

Tuy nhiên Les Echos cho là số liệu về du khách Trung Quốc không phản ánh đúng thực tế, vì đây là số liệu của khách sạn ở trong Paris, trong lúc 80% khách Trung Quốc lại ở ngoài Paris.

Thống kê trên cho thấy tầng lớp trung lưu - trên đà gia tăng ở các quốc gia đang trỗi dậy - ngày càng có khả năng đi du lịch ở ngoài. Do đó, theo ước tính của giới chuyên môn trong ngành, lượng khách nước ngoài đến Paris có thể tăng 50% từ đây đến năm 2020.

Báo Les Echos cũng nhìn lại giá khách sạn ở Paris. Dĩ nhiên là vớí lượng khách giữ phòng ngày càng tăng, giá cả cũng tăng lên theo, tăng gần 8%, nâng giá trung bình khách sạn Paris lên đến 158,40 euros một đêm. Nhưng dù tăng lên, nhưng theo Les Echos, giá của Paris còn thấp hơn các thủ đô láng giềng, như Luân Đôn, giá trung bình phải là 165 euro, Genève phải 234 euro, Matxcơva còn cao hơn Paris với 183 euro.

Nhưng cái gì thu hút du khách đến Paris nhiều nhất : tờ báo nhận thấy vấn đề mua sắm là một thế mạnh của thủ đô nước Pháp, nhưng lãnh đạo Pháp thì vẫn còn bất đồng ý kiến trên việc khai thác lợi thế này.

Toà đô chính Paris vẫn không muốn liệt khu phố Haussmann nơi có các trung tâm thương mại, cửa hàng lớn nổi tiéng La Fayette, Printemps, thành khu du lịch, vì như thế phải cho mở cửa ngày chủ nhật. Chính quyền cũng không muốn gây xáo trộn sinh hoạt người dân Paris.

Pháp : khắc khổ thật, công bằng giả ?

Trở lại với thực trạng kinh tế tài chính nước Pháp, các báo nêu một số chi tiết cụ thể kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà thủ tướng Fillon công bố hôm qua với những đánh giá khá khác nhau. Les Echos tóm lược trong hàng tựa : chống thâm thủng thông qua những sắc thuế mới. 

Le Figaro nêu con số : « một kế hoạch 12 tỷ để chống thâm thủng » và nhắc lại những biện pháp mới nổi bật như đánh thuế 3% ngay vào năm nay, trên những thu nhập hơn 500.000 euro /năm, tăng giá thuốc lá, thiết lập một loại thuế chống ‘'béo phì’' tức là thuế trên các loại nước ngọt. Chỉ riêng khoản thu nhờ thuốc lá và nước ngọt sẽ mang lại cho chinh phủ 550 triệu euros.

Bên cạnh những sắc thuế mới, chính phủ cũng tăng một loạt thuế và đóng góp hiện hành : các khoản tiền lời ở ngân hàng, đóng góp về y tế, v.v. , thuế đối với các xí nghiệp cũng sẽ tăng lên.

Một chính sách thắt lưng buộc bụng, trong tình hình tăng trưởng của nước Pháp mà thủ tướng Fillon, theo le Figaro, đã đánh giá một cách thực tế là chỉ ở mức 1,75% cho năm 2011 và 2012 thay vì 2 và 2,25% dự kiến trước đây.

Trong bài xã luận tựa đề ngân sách thực tiễn, Le Figaro nhìn thấy là trước mức tăng trưởng yếu như thế, tổng thống và thủ tướng Pháp đã thực sự đưa ra một ngân sách của thời kỳ khủng hoảng, một ngân sách thắt lưng buộc bụng nghiêm khắc. Tờ báo cho là việc làm này càng đáng khen ngợi, khi nó được thực hiện trong giai đoạn trước cuộc bầu cử tổng thống 2012 và để bảo vệ uy tín của nước Pháp đối với các chủ nợ.

Các báo thiên tả L’Humanité và Libération tỏ ra gay gắt hơn. L’Humanité nhìn thấy trước tiên vấn đề bất công xã hội : thắt lưng buộc bụng thì thật nhưng công bằng thì giả tạo, vì kế hoạch giảm chi tiêu chủ yếu dựa trên nhũng người có thu nhập thấp, còn những người thu nhập cao nhất thì chỉ bị tạm thời ‘'trầy xát một chút mà thôi’', vì phần thuế 3% đánh lên những thu nhập trên 500.000 euros sẽ được bỏ khi thâm thủng ngân sách đạt trở lại mức 3% GDP.

Libération ghi nhận trước tiên là ông Sarkozy đã chối bỏ những cam kết trước đây. Tờ báo nhại lại chủ trương của tổng thống Pháp « làm việc nhiều hơn, để thu nhập nhiều hơn » và chạy hàng tít mỉa mai : « tự chối bỏ nhiều hơn để cắt xén nhiều hơn ». Libération cũng khá bất bình trước thuế đánh trên thu nhập cao : cho đấy là ‘'thuế tí hon dành cho người giàu sụ'’.

Nhật Bản và mối lo đồng yen quá mạnh

Châu Á hôm nay được chú ý trước tiên với Nhật Bản vừa bị hạ điểm tín nhiệm cũng về nợ công, và chuyến đi Nga của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Về Nhật Bản, điều mà tờ Les Echos thích thú gợi lên là việc hạ điểm hầu như xẩy ra trong sự thờ ơ của thị trường, và đồng yen còn tăng giá nữa là khác, cho nên tờ chạy tựa : Moody’s hạ điểm, nước Nhật ... vẫn bình thản, và nhắc lại thị trường chứng khoán Tokyo chỉ sụt giảm 1,07%.

Theo tờ báo, điều gây lo ngại cho chính quyền Nhật hiện nay khiến họ phải ra sức đối phó, đó là giá đồng yen quá cao, lên tới mức cao nhất của thời hậu chiến, trước một đồng đô la yếu do tình hình trồi sụt của nền kinh tế Mỹ.

Tờ Le Monde trên trang kinh tế tóm lược khó khăn của Nhật qua hàng tựa gộp cả hai yếu tố : Nhật vùng vẫy giữa món nợ nặng trĩu và đồng yen mạnh. Tờ báo đánh giá việc Moody’s hạ điểm vào lúc Nhật đang chuẩn bị thay thủ tướng - ông Naoto Kan có thể ra đi vào ngày 26/08 - sẽ gây sức ép rất nặng lên người thay thế ông để chỉnh đốn tài chính nhà nước.

Kim Jong Il đến Nga để đáp ứng yêu cầu của Mỹ ?

Chuyến đi Nga của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il cũng nổi bật trên các báo hôm nay. Le Figaro nhấn mạnh trên đề nghị tạm hoãn việc thử nghiệm hạt nhân của ông Kim Jong- Il và cho rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến tận Nga để đáp ứng một phần yêu cầu của Mỹ.

Theo Le Figaro, qua chuyến đi này của ông Kim Jong Il, Bình Nhưỡng muốn giảm nhẹ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, thúc đẩy trở lại trục Bình Nhưỡng - Matxcơva. Kim Jong Il muốn noi gương người cha Kim Nhật Thành, đã biết cân bằng quan hệ giữa hai người anh cộng sản.

Libération nhìn về hướng phiá Nam, phía Hàn Quốc, ghi nhận là Kim Jong - Il đến Sibir đã chấp nhận nối lại đối thoại với người láng giềng phương Nam. Cho nên trong hàng tựa, Libération nói đến thái độ hoà hoãn dưới sự hướng dẫn của Nga. Theo tờ báo, ông kim Jong- Il đã chấp nhận cho Nga xây đường ống dẫn khí đến Hàn Quốc xuyên qua lãnh thổ của mình.

Đối với Libération, ngoài vấn đề kinh tế, Kim Jong Il đến Nga còn là để tìm hậu thuẫn của Matxcơva cho người thừa kế, là cậu con út Kim Jong – Un, được chính thức đặt vào ‘‘quỹ đạo’’ tháng 10 năm ngoái, một việc làm mà giới quân đội có vẻ không mấy ưa thích.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.