Vào nội dung chính
PHÁP

Nước Pháp : mục tiêu chính của Hồi Giáo cực đoan

Sau sự kiện 11/9/2001, người ta cứ nghĩ rằng Mỹ luôn là mục tiêu chính của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan. Thế nhưng, thời thế đổi thay, đến hiện tại, nước Pháp dường như đã bị đẩy vào vị trí nhạy cảm này. Đó cũng là nhận định của báo chí Pháp, trong đó có tờ báo cánh hữu Le Figaro với bài viết đề tựa : «Pháp, mục tiêu chính của bọn Hồi Giáo cực đoan ».

Quảng cáo

Bài viết bắt đầu từ việc ngày hôm qua có thêm 7 người Pháp bị bắt cóc bởi quân Hồi Giáo cực đoan ở bắc Cameroon, trong vùng giáp ranh với Nigeria. Tổng thống Pháp François Hollande ngay lập tức đã xác nhận vụ việc và cho rằng, thủ phạm là nhóm Hồi Giáo khủng bố Bako Haram, trong khi đó lại có người cho rằng đó là nhóm Hồi Giáo cực đoan Ansaru.

Tuy nhiên, Ansaru lại là một nhánh ly khai của Bako Haram. Nhóm Ansaru không chấp nhận phương pháp hoạt động của Bako Haram và muốn noi theo cách hoạt động của tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida.

Tờ báo nhắc lại, giai đoạn thứ nhất của quân Pháp tại Mali đã diễn ra « hoàn hảo » bằng việc nhanh chóng chiếm lại tất cả các thành phố bắc Mali. Từ đó, chiến dịch Serval của quân đội Pháp tại Mali đã bước sang giai đoạn thứ hai, đó là truy kích quân khủng bố, giải phóng con tin và đào tạo lực lượng địa phương để tiếp quản quá trình tái thiết Mali.

Quân Hồi Giáo hiện tại đã rút sâu vào khu vực cực bắc Mali hoặc lẫn trốn ở các nước lân cận như Libya hay Niger, các nước có biên giới rất dễ dàng qua lại với Mali. Le Figaro nhận định, chưa thể biết chắc chắn là vụ bắt cóc nói trên có liên quan đến việc Pháp tham chiến tại Mali hay không, nhưng nếu quả thật có liên quan, thì rõ ràng đây là một sự thất bại đầu tiên kể từ khi Pháp bắt đầu chiến dịch Serval tại Mali.

Pháp bị nhắm từ lâu

Theo Le Figaro, nguy cơ người Pháp bị bắt cóc không phải bắt đầu từ cuộc chiến này. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2005, lực lượng Al Qaida tại bắc phi (AQMI) đã chỉ đích danh nước Pháp là « kẻ thù chính ». Năm 2010, thủ lĩnh AQMI còn buông lời hăm dọa nước Pháp. Và như vậy, theo tờ báo, việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali đã làm tăng thêm nguy cơ bị bắt cóc hoặc bị tấn công đối với người Pháp trong khu vực.

Không chỉ có người dân Pháp, mà ngay cả những phóng viên Pháp tác nghiệp tại Mali cũng có nhiều nguy cơ bị tấn công hoặc bắt cóc. Tình hình nghiêm trọng đến mức mà Pháp đã phải cho tăng cường an ninh tối đa để bảo vệ các lợi ích của Pháp trên thực địa, và bộ Quốc phòng Pháp đã phải thừa nhận : «Chúng tôi biết rằng từ lâu nay chúng tôi đã trở thành mục tiêu ».

Danh sách của những người Pháp bị bắt cóc ngày càng dài, thế nhưng Le Figaro chua xót, các biện pháp giải cứu con tin thì lại quá ít, tức chỉ trong việc đàm phán, sử dụng đặc công hoặc gây sức ép quân sự. Về giải Pháp tiền chuộc, thì tổng thống Hollande đã tuyên bố không chấp nhận.

Đã có tổng cộng 15 người Pháp bị bắt cóc

Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến hồ sơ này, Le Figaro đã dành một bài chi tiết cho biết với 7 người bị bắt cóc nói trên, đến hiện tại Pháp đã có 15 con tin đang nằm trong tay các lực lượng Hồi Giáo cực đoan tại Châu Phi. Tờ báo nêu rõ tên họ và bối cảnh bị bắt cóc của các nạn nhân.

Trong bối cảnh đó, tờ báo có vẻ bi quan khi nhắc lại một số trường hợp Pháp thất bại trong việc giải cứu con tin vừa qua ở Somali, và ở khu dầu khí In Amenas tại Algeri. Tờ báo nhắc lại, nhóm khủng bố thực hiện vụ bắc cóc In Amenas đã tuyên bố nguyên nhân bắt cóc là để trả đũa việc Pháp « đánh bom người Hồi Giáo tại Mali ».

Le Figaro dự đoán, có thể tất cả những người này đang bị nhốt trên lãnh thổ Mali hoặc trong khu vực lân cận. Việc bắt cóc này có liên quan đến việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali hay không, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng Le Figaro khẳng định : tính mạng của họ từ đây bắt đầu lệ thuộc vào cuộc chiến của Pháp tại Mali.

Giải pháp nằm ở người Touareg ?

Bàn về vụ bắt cóc nói trên, Libération có cùng nhận định với Le Figaro khi cho rằng, từ nhiều năm nay, các nhóm Hồi Giáo cực đoan, nhất là các nhóm tại Châu Phi, đã xem Pháp là « một kẻ thù của Hồi Giáo », và là một trong những mục tiêu tấn công ưu tiên.

Tờ báo nhắc lại một số sự kiện khiến Pháp bị thù hận như vậy : đó là việc Pháp tham chiến tại Afghanistan để lật đổ phe Hồi Giáo Taliban, việc Pháp cấm phụ nữ Hồi Giáo tại Pháp đeo khăn trùm kín mặt, hay là vụ Pháp tấn công giải cứu con tin vừa qua tại khu vực Sahel, và hiện tại là việc Pháp tham chiến truy kích lực lượng Hồi Giáo cực đoan tại Mali.

Libération cho hay, ý thức được sự nhạy cảm của vấn đề, nên từ buổi đầu chiến dịch Serval tại Mali, Paris đã cố tránh dùng từ « Hồi Giáo cực đoan » để chỉ đối thủ của mình trên thực địa, mà là dùng từ « bọn khủng bố ». Trong chuyến thăm Mali vừa qua, tổng thống Pháp François Hollande cũng đã cố gắng giải thích rằng, Pháp đến Mali không phải với tư cách nước thực dân như trước kia, mà là để giúp « một quốc gia anh em » giành lại chủ quyền quốc gia.

Dù vậy, theo tờ báo, lực lượng AQMI và các đồng minh của nhóm này trong khu vực vẫn cho rằng, Pháp đến Mali là để gây chiến với « những người Hồi Giáo ủng hộ thánh chiến ». Và đó chính là động cơ của việc tăng cường bắt cóc con tin.

Nói về số phận các con tin, Libération cho rằng, có thể hiện tại họ đang bị nhốt ở tổng hành dinh của AQMI tại khu vực rừng núi bắc Mali. Khu vực này rộng khoảng 250 000 km2, với nhiều hang động rất thuận lợi cho việc ẩn nấp và rất khó khăn cho các lực lượng bên ngoài tiếp cận.

Bắc Kinh-Bình Nhưỡng : Không thân thiện như người ta tưởng

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro đăng bài phân tích đáng chú ý về quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng. Bài viết của giáo sư Jean-Vincent Bisset, thuộc viện Nghiên cứu quan hệ chiến lược quốc tế tại Paris (IRIS).

Tác giả cho rằng, quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng là « đồng minh quân sự » trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên hồi những năm 1950. Rồi năm 1961, hai nước ký hiệp ước hữu nghị, tương trợ và hợp tác, theo đó Trung Qu ốc sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên « bằng mọi phương tiện » khi nuớc này bị tấn công.

Nhưng đó là chuyện xưa, chứ còn hiện tại, quan hệ thật sự của hai nước này thân thiện đến đâu thì nó còn mờ mịt, mờ mịt giống như những vụ thử hạt nhân của Băc Triều Tiên, mà khi xảy ra chỉ có chính Bình Nhưỡng và Washington tuyên bố thì mọi người mới biết.

Theo tác giả, trong quan hệ kinh tế thì rõ ràng Bắc Kinh là đối tác chính của Bình Nhưỡng. Trong quan hệ chính trị, đó là « quan hệ giữa hai đảng cộng sản nhiều hơn là giữa hai chính phủ ». Còn trong quan hệ quân sự, thì không ai biết rõ cả. Thế nhưng, có những biểu hiện cho thấy Bắc Kinh bắt đầu lạnh nhạt với Bình Nhưỡng, như việc từ những năm 1990, Trung Quốc đã cho tăng cường an ninh ở khu biên giới với Bắc Triều Tiên, đề phòng công dân nước này ồ ạt chạy vào lãnh thổ Trung Qu ốc khi có rối loạn trong nước.

Sự lạnh nhạt nói trên, theo tác giả, chủ yếu là do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Theo tác giả, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, bán đảo Triều Tiên là một bức tường bảo vệ Trung Quốc khỏi bị Mỹ và các nước đồng minh tấn công. Thế nhưng, tác giả nhấn mạnh, bức tường này chỉ hữu hiệu khi mà bán đảo Triều Tiên là một khu vực ổn định và phi hạt nhân.

Còn phản ứng mạnh bạo vừa rồi của Bắc Kinh đối với việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 3, giáo sư Brisset cho rằng, hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã làm cho Trung Quốc khó xử. Quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất. Dù rằng người ta đã biết ai được bố trí vào vị trí nào trong ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc, nhưng các ảnh hưởng của các bên vẫn chưa được ổn định, đấu đá nội bộ vẫn còn tiếp diễn.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình, dù được cho là người có đường lối dân tộc chủ nghĩa, nhưng khi lên lãnh đạo thật sự thì ông không phải chỉ làm theo ý ông là được, mà ông phải dung hòa được phe bảo thủ, phe dân tộc chủ nghĩa và phe thực dụng : phe bảo thủ thì muốn duy trì quan hệ lịch sử với Bình Nhưỡng, còn phe dân tộc chủ nghĩa thì lại cho rằng sự ổn định của bán đảo Triều Tiên là cần thiết cho an ninh của Trung Quốc, còn phe thực dụng thì lại muốn tăng cường quan hệ với Mỹ.

Tăng trưởng OECD thấp nhất từ 4 năm nay

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development-OECD) quy tụ 34 nước có nền kinh tế phát triển nhất hành tinh. Năm 2012, tăng trưởng GDP của khối này chỉ tăng có 1,3%. Đó là thông tin được phản ảnh trên tờ nhật báo kinh tế Les Echos trong số ra hôm nay.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP bình quân của OECD hồi năm 2011 là 1,9%. Gần về cuối năm 2012, thì tăng trưởng các nước của khối này bị mất đà : hồi quí 3 tăng trưởng GDP tăng 0,3%, trong khi ở quí 4 thì lại giảm 0,2%. Đây là lần đầu tiên từ bốn năm nay khối này chịu sự sụt giảm ở mức như vậy. Khu vực bị giảm nặng nề nhất đó là Liên Hiệp Châu Âu : tăng trưởng GDP bình quân của 27 nước EU năm qua đã giảm 0,5%, trong khi của 10 nước khu vực đồng euro giảm 0,6%.

Sự sụt giảm này một phần là do sự sụt giảm của 4 nền kinh tế chính của EU. Đức năm qua đã giảm 0,6%, cao nhất kể từ năm 2009, Pháp và Anh ở quí tư năm 2012 đã giảm 0,3% sau khi tăng 1% và 0,9% vào quí 3 năm 2012, Ý là nước tệ nhất với 2,7% sụt giảm tăng trưởng. Về phần mình, tỷ lệ tăng trưởng toàn năm 2012 của Hoa K ỳ là +1,5%, tức cao nhất trong các nước phát triển.

Ngành ô tô Châu Âu bắt đầu năm mới đầy u ám

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài viết đề tựa :  «Ô tô Châu Âu lún sâu vào trì trệ ». Tờ báo cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2013, lượng xe hơi mới bán ra ở Liên Hiệp Châu Âu đã giảm 8,7% so với năm 2012. Đây là mức giảm cao nhất kể từ năm 1990.

Trong số các thị trường lớn, chỉ có thị trường Anh là tăng 11,5% trong tháng 1/2013, còn ở Pháp thì giảm 15,1%, ở Ý giảm 17,6%, ở Đức giảm 8,6%. Riêng ở Ý, thì trong giai đoạn 2007-2012, lượng xe hơi mới bán ra của nước này giảm đến 44%, còn ở Tây Ban Nha giảm đến 56% trong cùng giai đoạn.

Năm 2007, thị trường Châu Âu tiêu thụ được 16 triệu chiếc ô tô, nhưng năm 2012 chỉ còn 12,05 triệu chiếc. Như vậy, năm nay là năm thứ 6 liên tiếp thị trường ô tô Châu Âu bị sụt giảm. Tập đoàn Peugeot Citroen dự báo năm 2013 sẽ giảm doanh số đến 5%, còn hãng Renault cũng dự phóng sẽ giảm 3%.

Trong khi thị trường Châu Âu uể oải, thì thị trường Trung Qu ốc và Mỹ lại khởi sắc. Theo Le Figaro, vào tháng 01/2013, lượng xe hơi bán ra tại Trung Qu ốc đã tăng đến 46,4%, còn tại Mỹ cũng tăng được 14,2%.

« Thịt ngựa giả bò » tiếp tục làm tốn hao giấy mực báo giới

Vụ xì căn đan « thịt ngựa giả bò » tại Châu Âu tiếp tục được báo giới quan tâm. Nhật báo Le Monde có bài cho hay, bộ Nông nghiệp Pháp đã cho phép công ty Spanghero của Pháp trở lại hoạt động bình thường. Đây là công ty đầu dây mối nhợ của vụ tai tiếng « treo đầu bò bán thịt ngựa » vừa qua.

Giải thích cho quyết định này, bộ trưởng nông nghiệp Pháp Stéphanne Le Foll cho biết đã dựa vào báo cáo của các thanh tra chính phủ được cử đến hiện trường. Theo báo cáo này, thì trong quá trình kiểm tra, « không tìm thấy có một vi phạm y tế nào ».

Tuy nhiên, theo Le Monde, từ khi bị đình chỉ hoạt động sau khi nổ ra vụ xì căn đan nói trên, có nhiều hoạt động đã diễn ra để gây sức ép buộc cho công ty tái hoạt động : như việc lãnh đạo công ty hợp báo để phủ nhận gian lận thương mại, hay việc các tổ chức nghiệp đoàn lên tiếng cảnh bảo về số phận của mấy trăm nhân công của công ty …

Les Echos và Le Figaro thì đồng loạt đăng bài báo động : Đến lượt Nestlé bị dính vào vụ khủng hoảng thịt ngựa . Hai tờ báo cho biết, đại gia Nestlé của Thụy Sĩ đã tìm thấy thịt ngựa trong một vài sản phẩm của mình : kết quả xét nghiệm cho thấy, có 1% ADD ngựa bị phát hiện trong một số sản phẩm được cho là thịt bò của hãng này.

Lập tức, Nestlé đã quyết định thu hồi những sản phẩm bị tình nghi tại Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Sự việc cho thấy, xì căn đan thịt bò giả ngựa vẫn tiếp tục lan rộng và gây khó khăn cho các đại gia ngành công nghiệp nông thực phẩm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.