Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Nga can thiệp bầu cử Nghị Viện: Trắc nghiệm năng lực giám sát mạng xã hội của Liên Âu

Bạo lực là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp sau cuộc tấn công bằng dao khiến một người chết tại Bordeaux. Trong lúc tờ Le Figaro nhấn mạnh đến bạo lực chủ yếu xuất phát từ Hồi giáo cực đoan, nhật báo Công giáo La Croix kêu gọi chú ý nhiều hơn đến các vùng ngoại ô, bị bỏ rơi về văn hóa. Les Echos chú ý đến ‘‘kế hoạch đột phá của chính phủ về nhà ở xã hội’’, trong lúc chủ đề số một của Libération là nước khan hiếm tột độ tại châu Mỹ Latinh.

Ảnh minh họa : Hội trường Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp.
Ảnh minh họa : Hội trường Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp. © AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Nguy cơ Nga can thiệp bầu cử Nghị Viện Châu Âu là hồ sơ trang nhất của Le Monde. Còn gần hai tháng nữa Liên Âu mới bước vào cuộc bầu cử Nghị Viện 5 năm một lần, nhưng nỗi lo can thiệp bầu cử đè nặng lên đa số các quốc gia. Trung tâm Quốc tế chống Khủng bố, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, hôm thứ Tư 10/04 vừa qua, công bố một báo cáo công phu về mười quốc gia châu Âu đang đối mặt với ‘‘các chiến dịch gây bất ổn’’ của Nga, bao gồm nhiều thủ đoạn, trong đó có việc hậu thuẫn cho các nhóm chính trị rất nhỏ, vốn có các tư tưởng hết sức cực đoan, chủ trương có các hoạt động bạo động vì lý do sắc tộc, chủng tộc, bên cạnh các đảng phái cực hữu truyền thống như đảng AfD Đức, đảng Tự do Áo (FPO), hay đảng Liên đoàn của Ý, đảng Tập Hợp Quốc Gia Pháp… Mười quốc gia được Trung tâm Quốc tế chống Khủng bố châu Âu chú ý là Pháp, Áo, Đức, Ý, Hungary, Serbia, CH Séc, Slovakia, Thụy Điển và Ba Lan.

Bầu cử Nghị Viện: Điểm yếu của Liên Âu

Le Monde, bài viết khác về can thiệp Nga, nhấn mạnh đến điểm yếu của bầu cử châu Âu, khác hẳn so với các cuộc bầu cử quốc gia, đó là bầu cử châu Âu trải ra trên một diện tích lãnh thổ rộng lớn, số lượng người tham gia ít hơn, và các chiến dịch gây ảnh hưởng ‘‘chỉ cần tác động đến một nhóm nhỏ, cũng có thể để lại các hậu quả quan trọng’’. Cuộc bầu cử nghị viện sắp tới là một trắc nghiệm lớn đối với năng lực châu Âu trong việc ngăn chặn tin giả trên các mạng xã hội. Bên cạnh việc hậu thuẫn các phe nhóm chính trị cực đoan ở châu Âu, thường là cực hữu, đích nhắm chính khác của Matxcơva là các mạng xã hội.

Tháng 3/2024 vừa qua, theo Luật châu Âu về kỹ thuật số (DSA), Ủy Ban Châu Âu đã ban hành nhiều biện pháp mới. Theo chuyên gia Valentin Chatelet của Digital Forensic Research Lab, một trong số vài tổ chức phi chính phủ châu Âu đi đầu trong việc nghiên cứu các can thiệp bầu cử, các biện pháp của Ủy Ban Châu Âu được hy vọng sẽ mang lại các tác động điều chỉnh quan trọng đối với nhiều nền tảng kỹ thuật số, cho đến nay vốn gần như là không gian ‘‘hoàn toàn nằm ngoài mọi sự giám sát’’.

Tin giả : ‘‘Chỉ cần một đột phá cũng làm thay đổi cục diện’’

Trong hiện tại một số cơ quan tình báo châu Âu như Ba Lan, hay CH Séc, đã xác định được một số nhóm tung tin giả phục vụ cho lợi ích của Nga, tập hợp xung quanh trang mạng Voici of Europe. Bộ Ngoại Giao Pháp tố cáo can thiệp của mạng xã hội Nga RRN. Le Monde cảnh báo về tính chất đặc biệt nguy hại của các chiến dịch loan tin giả, khi ‘‘chỉ cần một thành công có thể làm thay đổi cục diện’’. Giới chuyên gia thường nêu ví dụ của cuộc bầu cử Quốc Hội Slovakia tháng 9/2023, khi băng âm thanh giả mạo tiếng nói của ứng cử viên thân châu Âu Michal Simecka, lãnh đạo đảng chính trị Slovakia cấp tiến, đảng đối lập hàng đầu tại quốc gia này. Thông tin giả lan truyền vào giai đoạn cao điểm của cuộc tranh cử, và đúng vào lúc ứng cử viên nói trên không còn có quyền phát biểu.

Tác động của các thông tin giả - ‘‘deepfake’’ - được phổ biến bằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo là điều được đặc biệt chú ý. Chuyên gia Valentin Chatelet nhấn mạnh là, theo đòi hỏi của Ủy Ban Châu Âu, các mạng xã hội sẽ buộc phải dán nhãn các nội dung do trí tuệ nhân tạo sản xuất, để giúp người xem cảnh giác. Tập đoàn Meta cho biết việc ‘‘dán nhãn’’ sẽ được thực hiện kể từ đầu tháng 5, một tháng trước bầu cử.

Lôi kéo dân biểu châu Âu theo Nga: Điện Kremlin lợi đủ đường

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nhấn mạnh đến ảnh hưởng của giới tuyên truyền cho điện Kremlin trên các mạng xã hội, là ‘‘nguy hiểm hơn’’ so với các đảng phái châu Âu thân Nga. Các cơ quan tình báo của Nga bị cáo buộc đứng sau nhiều hoạt động tung tin giả trên các mạng xã hội. Cũng theo Les Echos, cho dù cho đến nay các cơ quan điều tra châu Âu chưa phát hiện được nhiều trường hợp can thiệp với ‘‘các bằng chứng không thể chối cãi được’’, nhưng chính sách can thiệp của Nga là rất rõ ràng, như khẳng định của nhân vật số hai của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Dmitri Medvedev.

Hồi đầu tháng 2, nhân vật này nói rõ : điều quan trọng là hậu thuẫn các lãnh đạo chính trị châu Âu ủng hộ chính sách của điện Kremlin, ‘‘bằng tất cả các biện pháp có thể, chính thức cũng như bí mật’’. Việc hối lộ các dân biểu để lôi kéo họ ủng hộ Matxcơva là lợi đủ mọi đường với chế độ Putin. Trong trường hợp thành công, các dân biểu bị mua chuộc sẽ bảo vệ lợi ích Matxcơva, trong trường hợp bại lộ, Matxcơva cũng sẽ hài lòng bởi điều này khiến cử tri hoài nghi các định chế châu Âu, và đây cũng là ‘‘một mục tiêu chính của điện Kremlin’’.

Nghị Viện Liên Âu ra luật nhập cư: Một thành công ‘‘cay đắng’’

Vẫn về châu Âu, đạo luật nhập cư và tị nạn châu Âu, được Nghị Viện Châu Âu, thông qua hôm thứ Tư là một chủ đề chính của nhiều báo. Bài xã luận của Le Monde, với tiêu đề ‘‘Luật nhập cư châu Âu, một thỏa hiệp với dư vị cay đắng’, nhấn mạnh đến việc đây là ‘‘lần đầu tiên kể từ khủng hoảng nhập cư’’ với các làn sóng tị nạn tràn vào châu lục cách nay mười năm, Liên Âu ra được bộ luật xác lập các quy tắc chung trong việc tiếp nhận người nhập cư. Bộ luật được thông qua với đa số sít sao.

Bộ luật nhập cư và tị nạn châu Âu bị chỉ trích mạnh từ nhiều phía. Đối với cánh cực hữu, bộ luật này là chưa đủ cứng rắn, ngược lại với giới bảo vệ nhân quyền, luật được coi là quá nặng nề, thậm chí phủ nhận các giá trị nhân bản. Với ba nhóm chính trị ủng hộ luật này (các đảng cánh hữu, xã hội - dân chủ và đảng tự do), nhiều nhân nhượng, thỏa hiệp đã được đưa ra, bởi cho dù như vậy thì còn hơn là không thông qua được luật, sau nhiều năm nỗ lực. Nếu điều này xảy ra, hình ảnh châu Âu sẽ trở nên xấu đi ghê gớm, trước thềm cuộc bầu cử Nghị Viện.

Le Monde nhấn mạnh đến hai nét chính của bộ luật vừa được thông qua. Thứ nhất là việc Liên Âu sẽ siết chặt việc nhập cư, với việc thành lập các trung tâm giữ người tại biên giới của khối, và nơi mà dân nhập cư đệ đơn tị nạn, với thời hạn quy định là sáu tuần. Những người có đơn bị bác bỏ sẽ đưa ra khỏi châu Âu trong vòng từ 6 đến 10 tuần lễ, có thể là tới một nước thứ ba. Nét chính thứ hai của luật là khẳng định nguyên tắc đoàn kết của 27 nước thành viên, với việc các quốc gia khác trong khối có nghĩa vụ hỗ trợ các nước biên giới, bằng cách tiếp nhận một số lượng nhất định người xin tị nạn, trong trường hợp có làn sóng nhập cư. Các nước không trực tiếp nhận có thể đóng góp tài chính. Theo Le Monde, thách thức lớn hiện nay là quyết tâm chính trị của các quốc gia thành viên trong việc thực thi luật, sẽ có hiệu lực kể từ năm 2026.

Cựu tổng thống Đài Loan thăm Trung Quốc: Lợi cho Bắc Kinh hại cho Đài Bắc ?

Về thời sự châu Á, Le Monde chú ý đến chuyến thăm Trung Quốc của cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu. Đối với Le Monde đây là chuyến công du ‘‘có ý nghĩa biểu tượng rất cao’’. Vì sao đây là một chuyến đi có ý nghĩa biểu tượng cao? Ông Mã Anh Cửu, 73 tuổi, là tổng thống Đài Loan duy nhất khi còn tại vị hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc. Ông Mã Anh Cửu đi Trung Quốc 10 ngày. Trong thời gian này, cựu tổng thống Đài Loan có chuyến đi Thiểm Tây, quê hương Tần Thủy Hoàng, được coi là người sáng lập nên đế chế Trung Hoa. Cựu lãnh đạo Đài Loan cũng viếng thăm nhiều di tích gắn liền với Tôn Trung Sơn (hay Tôn Dân Tiên), người khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc, cũng được chế độ Bắc Kinh coi là anh hùng dân tộc. Cựu tổng thống Đài Loan được lãnh đạo Nhà nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp hôm 10/04.

Theo chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Đài Loan, Wen Ti-Sung, Đại học Quốc gia Úc, chuyến đi của ông Mã Anh Cửu có thể giúp cho chế độ Bắc Kinh khẳng định với công luận Trung Quốc là một giải pháp hòa bình cho việc thống nhất với Đài Loan là còn có thể, và cần kiên nhẫn. Với chính quyền Đài Loan, việc lãnh đạo đảng đối lập Quốc Dân Đảng đi Trung Quốc có thể là điều bất lợi, gây khó khăn cho chính sách của chính phủ.

Trên thực tế, theo Le Monde, tiếng nói của ông Mã Anh Cửu đã không còn có nhiều trọng lượng của Quốc Dân Đảng những năm gần đây. Phát biểu được coi là quá quỵ lụy trước chính quyền Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu ba ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Đài Loan, đã buộc các ứng viên đảng này phải giữ khoảng cách với cựu lãnh đạo. Báo chí Đài Loan cho hay, tiếp theo chuyến đi của cựu tổng thống, lãnh đạo đảng đối lập Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân (Eric Chu) có kế hoạch tới Hoa lục vào tháng 6 tới, theo lời mời của Bắc Kinh. Chuyến đi diễn ra sau khi tổng thống tân cử Lại Thanh Đức nhậm chức.

Nga xâm lược Ukraina : Khi một phải chọi mười…

Về cuộc chiến tranh Nga chống Ukraina, Le Figaro có bài nói về cuộc chiến tranh hao mòn đang làm cạn kiệt các nguồn lực của Ukraina. Liên tục trong những ngày gần đây, nhiều tín hiệu tiêu cực phát đi từ phía chính quyền Kiev. Trên CNN đầu tuần này, tổng thống Zelensky khẳng định, nếu Quốc Hội Mỹ không giúp Ukraina, Ukraina sẽ thua trong cuộc chiến này. Trước đó ít tuần, tổng tham mưu trưởng lục quân Ukraina, tướng Schill, thừa nhận quân đội Ukraina buộc phải lui về thế phòng thủ.

Tướng Yuriy Sodal, chỉ huy các lực lượng miền đông, cho biết quân địch đông gấp từ 7 đến 10 lần so với quân Ukraina. Vấn đề giờ đây không chỉ là vũ khí, mà còn là quân số. Theo một nguồn tin quân sự Pháp, trong hai bên, bên nào có thể huy động nhanh hơn, và nhiều hơn binh sĩ sẽ là bên chiến thắng. Le Figaro nhấn mạnh, quân Nga cho dù ‘‘ít được huấn luyện hơn, và ít có động lực chiến đấu hơn’’, nhưng có điểm mạnh là trẻ hơn so với binh sĩ Ukraina, với tuổi trung bình khoảng 40 tuổi. 

Iran – Israel: Nguy cơ chiến tranh nhãn tiền

Tại khu vực Trung Cận Đông, trong lúc chiến tranh tại Gaza chưa chấm dứt, một cuộc chiến mới có thể bùng nổ giữa Iran và Israel, theo ghi nhận của Le Figaro. Nguy cơ chiến tranh Iran – Israel là nhãn tiền. Le Figaro nhắc lại cảnh báo của tổng thống Mỹ hôm thứ tư vừa qua. ‘‘Đây cũng là lần đầu tiên’’ mà Israel lo ngại Iran có thể trực tiếp tấn công các vùng lãnh thổ của nước này với hỏa tiễn đạn đạo và drone. Cho đến nay, Iran chỉ tấn công gián tiếp Israel, thông qua các lực lượng đồng minh trong khu vực, như lực lượng Hezbolah ở Liban.

Jacques Attali : ''Đối diện với quá khứ để chuẩn bị cho tương lai”

Các khủng hoảng dồn dập diễn ra trên thế giới vào lúc mà ‘‘các nền dân chủ đang rơi vào tình trạng mệt mỏi’’ là chủ đề một bài nhận định của Les Echos. Về đối sách của các nền dân chủ, Les Echos giới thiệu góc nhìn của học giả Jacques Attali, với tựa đề ‘‘Đối diện với quá khứ để chuẩn bị cho tương lai”. Học giả Pháp dẫn lại nhiều bài học lịch sử, đặc biệt là thất bại của Pháp trước phát xít Đức năm 1940, để độc giả cùng suy ngẫm.

Số báo đặc biệt của Libération do các nhà văn thực hiện

Nhật báo Libération hôm nay có số báo đặc biệt, với tác giả là các nhà văn tham dự Liên hoan Sách của Paris (từ ngày 12 đến 14/04/2024), với các văn sĩ Québec, Canada, là khách mời danh dự. Một nửa trong số các thành viên biên biên tập đặc biệt này là các nhà văn Québec. Chủ đề chính của số báo đặc biệt do các nhà văn thực hiện này là nạn thiếu nước trầm trọng tại Nam Mỹ, do biến đổi khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.