Vào nội dung chính
THỰC PHẨM

Nguồn dự trữ lương thực thế giới đang cạn dần

Điều kiện khí hậu không thuận lợi, nguồn dự trữ lương thực đang cạn dần và thao túng giá nguyên vật liệu nông nghiệp là ba nguyên nhân chính có thể sẽ gây ra nạn đói vào năm 2013. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ còn chỉ trích mạnh mẽ chính sách phát triển nguồn nhiên liệu sinh học của một số quốc gia, dẫn đến cuộc chiến về giá cả giữa các thị trường nông sản và năng lượng, góp phần đẩy giá các nguyên liệu nông nghiệp. Đề tài này được nhật báo thiên tả Libération phản ảnh lại qua bài viết đề tựa « Các nguồn dự trữ lương thực đang cạn dần ».

Nông dân làng Ngãi Cầu ở ngoại thành Hà Nội phơi lúa. Ảnh chụp ngày 18/10/2012.
Nông dân làng Ngãi Cầu ở ngoại thành Hà Nội phơi lúa. Ảnh chụp ngày 18/10/2012. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Mở đầu bài viết, Libération đặt câu hỏi : « Liệu có thể nào nạn đói năm 2008 sẽ tái diễn vào năm 2013 ? ». Trong phiên họp tại Roma hồi tuần rồi, các chuyên gia trong Ủy ban an ninh lương thực tại Roma đã báo động khả năng nạn đói có thể xảy ra vào năm 2013.

Theo các chuyên gia, điều kiện khí hậu bất bình thường khiến cho mùa màng thất bát tại một số nước như Hoa Kỳ, Ukraina và một số vùng chuyên xuất khẩu nông sản. Hậu quả là giá lương thực bị đội lên và một số quốc gia bắt đầu mở các kho dự trữ lương thực của mình.

Các đợt hạn hán lớn hồi mùa hè này tại Nga và Mỹ đã làm trữ lượng nông sản dự trữ sụt giảm thê thảm. Và theo lô-gich, giá nông sản bùng nổ. Chỉ trong vòng có một năm, giá bắp và lúa mì đã tăng thêm 25% và giá đậu nành tăng lên 17%.

Thế nhưng, dự đoán trên lại không được một số chuyên gia thuộc tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đồng tình. Họ cho rằng tình hình căng thẳng trên chưa đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực lớn. Theo họ, dĩ nhiên là mối đe dọa lúc nào cũng tồn tại. Nếu như điều kiện khí hậu ở vùng Nam cực vẫn bình thường vào mùa đông này, thì tại các khu vực Nam Mỹ hay Úc, mùa màng sẽ được bội thu vào tháng Ba sang năm. Như vậy, giá nông sản sẽ rớt xuống. Thế nhưng, ai mà đoán trước được chuyện nắng mưa của Trời.

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, nếu như mùa màng lại thất bát vào năm 2013, các quốc gia buộc phải mở các kho dự trữ, vốn đã bắt đầu thực hiện từ trong năm nay. Nếu năm tới vẫn tiếp tục phải mở kho dự trữ, tức là hai năm liên tiếp, thì rõ ràng sẽ có chuyện chẳng lành.

Nhưng dù sao đi nữa, bất chấp mùa màng năm tới sẽ như thế nào, lượng tiêu thụ lương thực đã cao hơn mức sản xuất đến gấp 6 lần trong suốt một thập niên qua. Cách đây 12 năm, lương thực dự trữ có thể nuôi sống cả hành tinh trong vòng 107 ngày, thì nay xuống chỉ còn có 74 ngày trong năm 2012.

Một mặt, trong bối cảnh đó, Ủy ban an ninh lương thực lại không thể nào đưa ra một biện pháp để chống lại hiện tượng giá cả leo thang, chủ yếu qua việc yêu cầu thành lập các kho dự trữ thực phẩm chiến lược. Một số nước như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Tây Ban Nha bảo vệ chính sách lương thực, nhưng điều đó lại gây bất bình cho nhiều nước khác. Bởi vì, trong quá khứ, vào những thập niên 1960 – 1970, đã từng có nhiều quốc gia sử dụng chính sách bảo hộ lương thực cho mục đích chính trị hay tham nhũng. Ngày nay, lương thực được dự trữ chủ yếu tại các kho tư nhân. Còn tại các nước Tây Phi thì gần như không có.

Mặt khác, nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ trích mạnh mẽ các chính sách phát triển nguồn nhiên liệu sinh học, góp phần đẩy giá nông phẩm tăng cao. Bà Clara Jamart, thuộc tổ chức Oxfam cho rằng điều kiện khí hậu không thuận lợi làm thất mùa chỉ là một phần nhỏ. Tại châu Âu, 65% dầu thực vật và hầu hết lượng ngô sản xuất ra tại Hoa Kỳ đều dùng cho thị trường năng lượng. Và điều này đã tạo ra sự cạnh tranh giữa thị trường lương thực và năng lượng.

Theo Libération, điều đáng mừng là vừa qua, Ủy ban châu Âu đề nghị áp đặt mức trần nhập khẩu nguồn nhiên liệu sinh học thế hệ đầu tiên là 5% so với mức 10% như trước đây.

Hãy ngừng lãng phí thực phẩm !

Cũng liên quan đến chủ đề an ninh lương thực, tờ « Aujourd’hui en France » số ra cuối tuần cho biết chính phủ Pháp sẽ triển khai một kế hoạch chống lãng phí thực phẩm.

« Hãy chấm dứt lãng phí thực phẩm »
là lời kêu gọi của Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll. Trả lời các phóng viên trước thềm Hội chợ Thực phẩm Pháp, mở ra vào ngày mai, Chủ nhật 21/10/2012, tại Paris, ông Stephane Le Foll cho biết chi tiết kế hoạch chống lãng phí thực phẩm.

Theo đó, một loạt các biện pháp sẽ được đề ra như tuyên truyền giáo dục người dân, ban hành các quy định về quy cách đóng gói bao bì sản phẩm, kêu gọi các chính quyền địa phương chống lãng phí trong các căng-tin, hay thu nhặt các sản phẩm tươi sống bị vứt bỏ nhưng vẫn còn sử dụng được tại các khu chợ đầu mối lớn vì lý do không đúng cỡ quy định để tiêu thụ hay chế biến lại… Theo các đánh giá, hàng năm, mỗi người Pháp vứt bỏ khoảng 90kg thực phẩm vẫn còn ăn được.

Pháp khó thể thông qua luật bầu cử địa phương cho người nước ngoài

Quyền bỏ phiếu của người nước ngoài tại các kỳ bầu cử địa phương ở Pháp là một trong những chủ đề tranh cử tổng thống của đảng Xã hội có từ thời ông François Mitterand , cố Tổng thống Pháp. Trong đợt vận động tranh cử tổng thống hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống François Hollande cũng đã đưa chủ đề này vào trong chiến dịch tranh cử. Thế nhưng, giờ đây dường như lời hứa đó lại một lần nữa khó có thể thực hiện được. Về chủ đề này, Libération có bài viết nhận định đề tựa « Phủ Tổng thống vẫn giữ người nước ngoài xa các phòng phiếu ».

Từng nằm trong 101 lời hứa tranh cử của ông François Mitterand trong đợt vận động tranh cử tổng thống năm 1981, và lần này lời hứa đó cũng đã được ông François Hollande lặp lại trong quá trình tranh cử tổng thống năm nay. Thế nhưng giờ đây, có vẻ lời hứa đó sẽ khó có thể thực hiện được.

Libération cho biết, hiện tại, không một thành viên nào trong nội các chính phủ cánh tả cũng như một dân biểu đảng Xã hội nào dám hé lời về lời cam kết đó. Tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng chính phủ đương nhiệm đang đi vào ngõ cụt.

Bởi lẽ, để thông qua việc thay đổi một quy định trong Hiến Pháp, nhất thiết phải hội đủ 3/5 số phiếu tại Quốc hội lưỡng viện. Như vậy, cánh tả và các đồng minh phải thuyết phục được ít nhất khoảng 30 nghị sĩ phe hữu. Một nhiệm vụ bất khả thi. Ngay cả trước đây, phe trung từng ủng hộ cho quyền bỏ phiếu của người nước ngoài, thì giờ đây một số nghị sĩ cánh trung cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ nên từ bỏ lời hứa đó.

Theo Libération, khó khăn không chỉ đến từ phía chính phủ, mà còn từ phía công luận Pháp. Một thăm dò cho biết ngày nay có đến 60% người Pháp không đồng tình với chủ trương này. Trong khi đó, chỉ cách đó có vài tháng, đa số dân chúng lại cho ý kiến ủng hộ. Một quan chức cao cấp trong chính phủ giải thích rằng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, người dân Pháp có xu hướng tìm lại phản xạ cũ kỹ là đổ lỗi cho người nước ngoài. Trong tình hình khó khăn hiện nay, có lẽ đây không phải là lúc để thông qua đạo luật đầy nhạy cảm này.

Trung Quốc : Hành trình kiểm duyệt phim khúc khuỷu

« Những lắt léo của sự kiểm duyệt tại Trung Quốc », là tựa đề bài viết đăng trên mục Văn hóa của báo Le Monde. Cuối cùng, bộ phim « Mistery » của đạo diễn Lâu Diệp cũng được phép công chiếu tại Bắc Kinh sau khi chấp nhận bị cắt mất mấy đoạn.

« Mistery », được trình chiếu tại Cannes vào tháng 5 năm nay và cho công chiếu tại Bắc Kinh từ ngày hôm qua, là tác phẩm thứ bảy của đạo diễn Lâu Diệp. Bộ phim xoay quanh một chuyện tình tay ba kết thúc trong bi kịch, được thực hiện trong một không gian đầy mưa bụi tại Vũ Hán. Bộ phim được dựa từ nhân chứng ở trên mạng Internet của một người phụ nữ bị đánh lừa, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009. Và đây cũng là bộ phim duy nhất, cùng với tác phẩm Purple Butterfly sản xuất năm 2003, được phép công chiếu tại Trung Quốc.

Nhưng để được trình làng ngay trên chính mảnh đất quê hương, bộ phim Mistery đã phải vượt qua một thử thách đầy cam go để rồi phải chấp nhận cắt bớt 3 giây và 28 hình ảnh phải biến mất trong một hình chồng màu đen. Đạo diễn Lâu Diệp đã quyết định không để tên mình lên trong phần giới thiệu. Ngược lại, ông cho công bố trực tiếp trên mạng Vi Bác (Twitter Trung Quốc) các mẩu trao đổi giữa ông với các nhà kiểm duyệt.

Le Monde nhắc lại rằng Lâu Diệp đã từng bị chính quyền Bắc Kinh cấm làm phim ngay trong nước đến 5 năm chỉ vì ông dám trình chiếu bộ phim Tuổi trẻ Trung Quốc vào năm 2006 tại Cannes mà không có sự cho phép của chính quyền.

Khi trình chiếu bộ phim Mistery tại Cannes, Lâu Diệp từng nghĩ rằng chuyện công chiếu bộ phim trên các màn ảnh tại Trung Quốc chỉ là chuyện tiếu lâm, thì giờ đây điều đó đã thành sự thật. Tuy nhiên, theo bà Nai An, nhà sản xuất phim chính cho Lâu Diệp, từ khâu kịch bản cho đến phiên bản trình chiếu tại Cannes là kết quả của một quá trình đàm phán căng thẳng với chính quyền .

Theo Le Monde, Mistery là bộ phim sống động, đẹp và bạo lực, hòa lẫn cùng với cảm xúc trong các cảnh chiếu. Bộ phim phản ảnh những sự hũ bại trong xã hội Trung Qu ốc ngày nay : tham nhũng, tiền bạc, và sự đảo lộn của giá trị đạo đức con người.

Le Monde cho biết, ngoài việc thay đổi hồi kết của bộ phim (nguyên bản là hồi kết mở, còn trong phiên bản chiếu tại Trung Quốc, thì đoạn giới thiệu kết thúc phải ghi rõ là hai kẻ có liên can đến tội ác sẽ bị công an bắt), cơ quan kiểm duyệt phim thành phố Bắc Kinh còn gây khó dễ với đạo diễn về việc đồng hợp tác với một nhà sản xuất phim của Pháp. Đồng thời, cơ quan này còn cắt bớt hai cảnh phim (một cảnh bạo lực tình dục và một cảnh gây án).

Bà Kristina Larsen, đồng sản xuất phim phía Pháp cho rằng « Việc đặt lại vấn đề hợp tác đồng sản xuất bộ phim ba tuần trước khi trình chiếu bộ phim sẽ gây nguy hiểm về mặt tài chính. Vì nó sẽ làm suy yếu nhà sản xuất và nhà phân phối phim tại Pháp và tại Trung Quốc ». Le Monde kết luận : « Mistery hay những bí ẩn của sự kiểm duyệt tại Trung Quốc… »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.