Vào nội dung chính
TUNISIA

Cửa ải lớn đầu tiên của nền dân chủ Tunisia : Thông qua Hiến pháp mới

Một tuần nữa là tròn ba năm ngày chế độ độc tài Ben Ali bị lật đổ tại Tunisia (14/01/2011-14/01/2014), « cái nôi » của phong trào Mùa xuân Ả Rập. Ba năm sau cuộc « cách mạng », nền dân chủ tiên phong của khối Ả Rập đang đi về đâu ? Giới quan sát ghi nhận, đối với nhiều người dân Tunisia, tình hình của đất nước vẫn rất đáng lo ngại, về chính trị, kinh tế cũng như an ninh.

Một phiên họp của Quốc hội lập hiến Tunisia (wikipedia.org)
Một phiên họp của Quốc hội lập hiến Tunisia (wikipedia.org)
Quảng cáo

Mặc dù tăng trưởng đã trở lại, nhưng chưa đủ để đẩy lùi nạn thất nghiệp. Chính sách của chính phủ Tunisia đối với các nhóm phái Hồi giáo cực đoan bị cho là làm thổi bùng lên bạo lực. Và đặc biệt về mặt chính trị, Quốc hội lập hiến dưới sự lãnh đạo của bộ ba liên đảng cầm quyền từ hai năm nay, bao gồm đảng Hồi giáo Ennahda cùng hai đảng nhỏ liên minh, đã bất lực trong việc cho ra đời một bản Hiến pháp mới theo thời hạn dự kiến. 

Tuy nhiên, sau gần nửa năm rơi vào bế tắc chính trị, kể từ vụ một lãnh đạo đối lập bị ám sát vào tháng 7/2013, trong những tuần gần đây, chính giới Tunisia đã đạt được những bước tiến quan trọng trong giai đoạn quá độ chính trị. Theo dự kiến, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Tunisia sẽ phải được thông qua trước ngày 14/01 tới. 

Thông qua Hiến pháp là một trong ba mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn trước mắt để nền dân chủ Tunisia có được các định chế vững chãi. Hai mục tiêu còn lại là thành lập chính phủ mới và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Theo thỏa thuận giữa đảng cầm quyền Hồi giáo Ennahda và các đảng phái đối lập, các « nhóm làm việc » được thành lập từ cuối tháng 10 để chuẩn bị lộ trình cho việc thực hiện ba mục tiêu này. 

Cho đến đầu tháng 1/2014, bất đồng vẫn còn rất nhiều. Cụ thể như trong vấn đề thành lập chính phủ quá độ phi đảng phái để thay thế chính phủ hiện thời, trong giai đoạn trước bầu cử Quốc hội và Tổng thống mới. Mặc dù, các đảng phái chính đã chấp nhận bổ nhiệm tân Thủ tướng, là một bộ trưởng trong chính phủ cũ, nhưng các bên vẫn không thống nhất được với nhau về ngày chính phủ mới chính thức đi vào hoạt động. Nghiệp đoàn UGTT, lực lượng đứng ra làm môi giới chủ yếu, khẳng định thời hạn cuối cùng phải là ngày mai 08/01, nhưng Thủ tướng đương nhiệm nhấn mạnh ông chỉ từ chức một khi Hiến pháp và luật bầu cử của Tunisia được thông qua. 

Luật Hồi giáo không được chấp nhận làm nền tảng Hiến pháp

Ngày 03/01/2014, Quốc hội lập hiến Tunisia bắt đầu bỏ phiếu từng điều khoản của bản Hiến pháp mới, bao gồm 146 điều, cùng với 250 đề nghị sửa đổi. 

Ngày đầu tiên làm việc về dự thảo Hiến pháp mới đầu tiên cũng là ngày gây ấn tượng, với quyết định của phe đa số, đảng cầm quyền Ennahda, chấp nhận không đưa luật Hồi giáo (Charia) vào làm nền tảng của Hiến pháp. Điều một của Hiến pháp mới khẳng định : « Tunisia là một Nhà nước tự do, độc lập và có chủ quyền toàn vẹn. Hồi giáo là tôn giáo quốc gia ». Hồi giáo là tôn giáo của quốc gia, nhưng không phải là ngọn nguồn, là cơ sở của Hiến pháp.

Sự khác biệt tưởng như không đáng kể, nhưng đây là điểm tranh chấp quyết liệt giữa đảng cầm quyền và đối lập. Việc không coi đạo Hồi là nền tảng của Hiến pháp, nhưng vẫn dành cho Hồi giáo quy chế « quốc giáo » có thể dẫn đến những giải thích khác nhau về vai trò của Hồi giáo đối với nền pháp luật quốc gia. Đây là điều khoản tiếp tục gây nhiều phản đối trong hàng ngũ đối lập. Dù sao, việc loại bỏ luật Hồi giáo ra khỏi nền tảng Hiến pháp khẳng định mạnh mẽ tính chất thế tục của Nhà nước Tunisia, mở ra những thay đổi lớn khác trên phương diện thể chế chính trị. 

Tiếp theo điều khoản liên quan đến Hồi giáo, ngày 05/01, một loạt các điều khoản quan trọng khác đối với nền dân chủ đã được thông qua : điều khoản bảo đảm tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng, cấm kích động bạo lực và cấm quy ai đó vào tội chống lại đạo Hồi (« takfir »). Quy tội chống đạo Hồi là một cáo buộc rất thường được giới cực đoan tôn giáo sử dụng để chống lại những người bất đồng. 

Chính sự kiện ngày 04/01, một nghị sĩ Mặt trận bình dân, một tổ chức chính trị đối lập, bị đe dọa giết chết, sau khi một dân biểu thuộc đảng Ennahda xếp ông vào nhóm « những kẻ thù của đạo Hồi ». Ngay sau đó, các nghị sĩ đã tuyên bố sẵn sàng tẩy chay cuộc họp của Quốc hội để phản đối. Phản ứng quyết liệt của đối lập khiến nghị sĩ cực đoan nói trên bị chỉ trích ngay trong hàng ngũ đảng mình, và buộc phải xin lỗi về hành động kể trên. Chính trong dịp này, đối lập Tunisia đã đòi đưa lại đề nghị sửa đổi về cấm quy buộc ai đó vào tội chống lại đạo Hồi, ra bỏ phiếu lại. Và điều khoản này đã được thông qua. 

Ngày hôm qua, 06/01, Quốc hội lập hiến Tunisia tiếp tục thông qua điều khoản về bình đẳng nam nữ. Đây là điều mà đảng cầm quyền trước đó vẫn kiên quyết bác bỏ, với đề nghị thay thế bằng nguyên tắc « nam và nữ » là hai giới tính bổ sung cho nhau. 

Chặng đường một tuần còn lại hứa hẹn sẽ còn những căng thẳng và bất ngờ, nhưng nhìn chung, các dân biểu Tunisia, thuộc phe đa số và phe đối lập, đều hy vọng dự thảo Hiến pháp mới sẽ nhận được đủ số 2/3 của tổng số nghị sĩ 217 người ủng hộ, để có hiệu lực ngay, không cần phải đưa ra trưng cầu dân ý. Thông qua Hiến pháp là yếu tố quyết định giúp Tunisia thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, vào thời điểm tròn ba năm cuộc cách mạng dân chủ. 

Báo cáo Quốc hội Pháp : Tunisia có thể cung cấp một mẫu hình cho các nước đang chuyển đổi dân chủ

Về những diễn biến của quá trình xây dựng các định chế pháp lý – chính trị của nền dân chủ Tunisia non trẻ, Quốc hội Pháp có một báo cáo quan trọng mang tên : « Comprendre les révolutions arabes » (Để hiểu các cuộc cách mạng Ả Rập) vừa được công bố hồi tháng 12/2013. Đây là kết quả một năm làm việc của một nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Pháp. 

Trước những thay đổi dữ dội trong thế giới Ả Rập ba năm vừa qua, báo cáo « Để hiểu về các cuộc cách mạng Ả Rập » nhấn mạnh đến niềm tin của nhóm nghiên cứu rằng : các chuyển động trong thời gian gần đây cho thấy sự kết thúc một chu kỳ lịch sử, chu kỳ của sự « ổn định dưới chế độ độc tài » tại thế giới Ả Rập, một chế độ đã trở nên hoàn toàn bất lực.

Các tác giả báo cáo nghiên cứu nói trên nhận định có thể nói đây là một thay đổi chưa từng thấy của khu vực, kể từ khi đế chế Ottoman, tức đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, sụp đổ vào đầu thế kỷ XX. Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ vốn trị vì suốt hơn 6 thế kỷ trên hầu hết vùng đất phía nam và đông Địa Trung Hải. Xu thế thay đổi vô cùng lớn lao vừa diễn ra trong thế giới Ả Rập, tuy nhiên, đã gần như không được các nước láng giềng Châu Âu dự báo trước. 

Báo cáo của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Pháp về các cuộc cách mạng Ả Rập đặc biệt chú ý đến các kinh nghiệm của Tunisia. Bất chấp những khó khăn mà nền dân chủ Tunisia đang trải qua, báo cáo đặt câu hỏi phải chăng Tunisia có thể trở thành một ví dụ, một mẫu hình cho các nước Ả Rập đang trong quá trình chuyển biến cách mạng. 

Các lợi thế của Tunisia được báo cáo ghi nhận là : Quốc gia này không phải chịu các thiệt hại nặng nề trong quá trình diễn ra cách mạng, sự vững chãi của tầng lớp trung lưu và đặc biệt là quy mô và sức sống của xã hội dân sự. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò to lớn của nghiệp đoàn UGTT, ra đời từ thời kỳ đấu tranh chống thực dân giành độc lập.

Bất chấp một giai đoạn bị chính quyền độc tài chi phối, nghiệp đoàn UGTT đã lấy lại được vai trò hàng đầu trong đời sống chính trị, xã hội của Tunisia. UGTT khi thì đóng vai trò đối lập, khi thì đóng vai trò môi giới tích cực trong quá trình ra đời bản Hiến pháp mới của nước Tunisia dân chủ. UGTT được khẳng định là một lực lượng ổn định căn bản trong đời sống chính trị Tunisia trong giai đoạn chuyển tiếp đầy trắc trở hiện nay.

Các tin bài liên quan

Quốc hội Lập hiến Tunisia xem xét dự luật "tư pháp chuyển tiếp"

Tunisia mở đối thoại quốc gia, sau 3 tháng bế tắc chính trị

Tunisia : Hồi giáo mất điểm

Tunisia tổng đình công sau vụ ám sát một dân biểu

Tổng thống Pháp cổ vũ Tunisia "quá độ" dân chủ thành công

Tunisia: Nhà nước bên bờ tan vỡ

Tunisia : Đến lượt đảng cầm quyền Hồi giáo kêu gọi xuống đường

Khủng hoảng chính trị tại Tunisia sau vụ sát hại một lãnh đạo đối lập

Tunisia : Liên minh cầm quyền đạt thỏa hiệp về Hiến pháp mới

Washington di tản các nhân viên ngoại giao và kiều dân khỏi Tunisia

Mùa Xuân Ả rập: tiến trình dân chủ không thể đảo ngược

Một nhà đối lập cánh tả lên làm tổng thống đầu tiên của chế độ mới tại Tunisia

Đảng Hồi giáo Ennahda chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Tunisia

Sáu tháng sau Cách mạng Hoa Nhài, người dân Tunisia tin tưởng vào tương lai

Tư pháp Tunisia giải tán đảng của cựu tổng thống Ben Ali

Từ Tunis đến Cairo, cả một hệ thống chế độ toàn trị hấp hối

Tunisia củng cố thành quả của « cách mạng hoa lài »

Tunisia: biểu tình đòi lật đổ chính phủ lâm thời

Tổng thống Ben Ali trốn sang Ả Rập Xê Út dưới áp lực của đường phố

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.