Vào nội dung chính
Ý

Đốt tranh để phản đối cắt giảm ngân sách văn hóa

Trên một nước tự nhận là nơi có đến một nửa di sản văn hóa của nhân loại, chính phủ Ý lại chỉ dành 0,21% ngân sách cho ngành văn hóa. Bị khủng hoảng tài chánh đe dọa, các chính sách khắc khổ liên tiếp đã không ngần ngại cắt xén các chi tiêu trong lãnh vực này.

Antonio Manfredi, giám đốc Viện Bảo tàng Nghệ thuật CAM (Reuters)
Antonio Manfredi, giám đốc Viện Bảo tàng Nghệ thuật CAM (Reuters)
Quảng cáo

Tức nước vỡ bờ, hôm 17/04/2012, giám đốc một viện bảo tàng gần thành phố Napoli miền Nam Ý đã bắt đầu thực hiện một hình thức phản đối triệt để : đốt hiện vật lưu trữ trong bảo tàng. 

Là giám đốc đồng thời là sáng lập viên của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Casoria CAM, ông Antonio Manfredi đã đích thân châm lửa đốt một bức tranh của nữ họa sĩ Pháp Séverine Bourguignon. Nghệ sĩ này trước đó đã chấp thuận cho đốt tranh của bà và đích thân theo dõi trực tiếp sự kiện này qua đường internet. Bà giải thích : 

« Tôi có đọc một bài báo về ý định của ông Manfredi mà tôi quen biết từ lâu. Tôi rất muốn ủng hộ ông ấy cho nên tôi đã gọi điện cho ông và đề nghị lấy tranh của tôi để khai mào cho chiến dịch. Đốt một tác phẩm nghệ thuật là một việc hệ trọng. » 

Theo Giám đốc Viện Bảo Tàng Casoria, vụ đốt tranh trên chỉ là khởi điểm của cả một chiến dịch được ông mệnh danh là Art War – Chiến tranh Nghệ thuật – theo đó mỗi tuần sẽ có ba bức tranh bị thiêu hủy. Ông giải thích : “Dẫu sao thì một ngàn tác phẩm mà chúng tôi trưng bày cũng sẽ bị hủy hoại một cách tự nhiên vì sự thờ ơ của chính phủ”. 

Đúng như lời đe dọa, 24 tiếng đồng hồ sau, ông Manfredi đã phóng hỏa đốt một bức tranh khác, lần này là của Rosaria Matarese, một nữ họa sĩ Ý, người cũng đã cho phép và đến tận nơi chứng kiến vụ đốt tranh. Phát biểu với báo chí, nữ họa sĩ Matarese công nhận là bà rất đau lòng khi thấy tác phẩm của mình bị thiêu rụi, nhưng cuộc phản kháng này rất quan trọng để cứu viện bảo tàng, mà sự tồn tại rất cần thiết cho lãnh vực văn hóa.

 

Chiến dịch tiếp diễn tối thứ năm 19/04, với một tác phẩm điêu khắc của một nghệ sĩ Hy Lạp, trực tiếp trên chương trình truyền hình "Piazza Pultia". 

Sở dĩ Giám đốc Bảo tàng CAM phải đi đến hành động tuyệt vọng như trên, đó là để đánh động công luận về thảm cảnh mà chính viện bảo tàng của ông đang phải trải qua, cũng như phản đối chủ trương cắt giảm ngân sách văn hóa để tiết kiệm.

Phải nói là tại Ý, ngân sách dành cho các Viện Bảo tàng nói riêng, và văn hóa nói chung vốn lâm vào tình trạng eo hẹp từ hàng chục năm nay, đã lại càng thêm bi đát do hàng loạt kế hoạch khắc khổ được ban hành dưới sức ép của khủng hoảng kinh tế. Từ Rôma, thông tín viên Huê Đăng nhận định : 

Bên cạnh những vấn nạn hiện nay của xã hội Ý, do tình hình kinh tế tài chánh khó khăn, như thất nghiệp lan tràn, hảng xưởng đóng cửa, vật giá gia tăng, hàng quán ế ẩm ... chính sách thắt lưng buộc bụng và cắt xén để chấn chỉnh ngân sách nhà nước của chính phủ Ý hiện nay cũng đang gây khó khăn cho một số dịch vụ công ích xã hội như giáo dục, y tế, giao thông ... và cả các sinh hoạt về văn hóa nghệ thuật cũng bị điêu đứng, điển hình là những vụ sạt lở ở một số di tích nằm trong khu vực khai quật nổi tiếng thế giới Pompei (gần Napoli). 

Cũng để phản đối chính phủ cắt xén ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hôm 14/04/2014 vừa qua, ông Antonio Manfredi, giám đốc của viện “Bảo tàng Nghệ thuật đương đại” CAM (Contemporary Art Musem), nằm ở thành phố Casoria (gần Napoli) đã bắt đầu “chiến dịch đốt” các tác phẩm nghệ thuật đương đại của viện. 

Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại CAM được thành lập năm 2005 dựa trên sáng kiến của Ủy ban quản trị thành phố Casoria, nhưng chính ủy ban thành phố đã bị buộc phải bị giải thể vì bị tình nghi là bị Mafia khống chế. Do đó, theo lời của ông giám đốc viện bảo tàng, trong 7 năm hoạt động vừa qua, CAM đã không hưởng được bất cứ một hỗ trợ tài chánh nào của Nhà nước, mà chỉ thuần nhờ vào các chương trình tài chánh đỡ đầu cá nhân của các nhà hảo tâm.  

“Trên lý thuyết, tôi tin rằng, trong một môi trường lành mạnh, các hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn có thể có sự hỗ trợ đến từ phía các cá nhân cũng như của Nhà nước, tương tự như các viện bảo tàng ở Mỹ”. Vẫn theo lời tuyên bố của giám đốc viện bảo tàng CAM, “nhưng ở Casoria này, một phương thức hoạt động kiểu nói trên không có điều điện khả thi bởi vì đại bộ phận các hoạt động kinh tế tài chánh đều nằm trong vòng ảnh hưởng của các băng đảng Mafia, do đó nhà nước cần phải có những chủ trương hỗ trợ trực tiếp hoạt động văn hóa nghệ thuật”. 

Được biết hiện nay các lĩnh vực văn hoá là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi kế hoạch thắt lưng buộc bụng và cắt xén ngân sách của chính phủ Ý. Thậm chí Bộ Văn hóa gần đây, đã công bố quyết định ủy trị Maxxi, viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Rome, vì các khoản nợ chồng chất của ban quản trị. Trợ cấp cho bảo tàng đã bị cắt giảm 43% so với 2010. 

Phải nói là sáng kiến triệt để của ông Antonio Manfredi đã bắt đầu có tiếng vang. Tại xứ Wales (Vương quốc Anh), điêu khắc gia John Brown hôm thứ tư 18/04 cũng phóng hỏa đốt một công trình của mình để tỏ tình đoàn kết với Giám đốc viện Bảo tàng CAM ở Ý và tố cáo « cách thức các chính quyền áp dụng để đối phó với khủng hoảng kinh tế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.