Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

World Cup 2022 : Pháp - Achentina, trận chung kết đi vào lịch sử

Đội tuyển bóng đá Pháp lọt vào chung kết World Cup 2022 là chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay 16/12/2022.

Ảnh ghép : Danh thủ Achentina Lionel Messi (T) và ngôi sao đội tuyển Pháp Kylian Mbappé.
Ảnh ghép : Danh thủ Achentina Lionel Messi (T) và ngôi sao đội tuyển Pháp Kylian Mbappé. © AFP / ALFREDO ESTRELLA,PAUL ELLIS
Quảng cáo

Nhật báo Le Monde dành trang nhất về chiến thắng của các cầu thủ Áo Lam trước đội tuyển Maroc, và đặc biệt chú ý đến phong độ ổn định của các « chú gà trống Gô-loa » sau khi lọt vào trận chung kết World Cup thứ tư trong vòng 24 năm. Mặc dù các tuyển thủ Pháp dường như đã « quen » với những trận chung kết World Cup, nhưng Le Monde vẫn nhấn mạnh rằng đây là một thành tích rất đáng ca ngợi, bởi trước kỳ World Cup 1998 được tổ chức trên sân nhà, đội tuyển Áo Lam chưa bao giờ lọt vào trận chung kết của giải đấu này.

Thành công của đội tuyển Pháp trong những năm gần đây gợi nhớ đến thành công của đội tuyển Đức từ 1974-1990. Trong khoảng thời gian đó, « Cỗ xe tăng » cũng đấu 4 trận chung kết và 2 lần giành chiến thắng. Các cầu thủ Tây Đức đã phá tan giấc mộng Cúp Vàng của hàng loạt ngôi sao bóng đá vào thời điểm đó như Johan Cruyff của Hà Lan vào năm 1974, Diego Maradona của Achentina vào năm 1990, hay Michel Platini của Pháp trong hai trận bán kết vào năm 1982 ở Tây Ban Nha và năm 1986 ở Mexico.

Trong trường hợp giành chiến thắng trước Achentina vào Chủ nhật 18/12, các cầu thủ Áo Lam không chỉ gắn lên ngực ngôi sao thứ 3, mà còn trở thành nước thứ 3 trong lịch sử World Cup bảo vệ thành công chức vô địch sau Ý và Brazil. Ngoài ra, nếu số phận mỉm cười với đội tuyển Pháp, huấn luyện viên Didier Deschamps cũng sẽ đi vào lịch sử với thành tích 3 lần vô địch World Cup, 1 lần lúc còn là cầu thủ và 2 lần trong cương vị huấn luyện viên.

Đối đầu Messi-Mbappé

Nhật báo Công Giáo La Croix thì quan tâm đến cuộc đọ sức giữa ngôi sao của hai đội tuyển là Lionel Messi và Kylian Mbappé. Ngôi sao người Pháp năm nay mới 23 tuổi và đang đứng trước cơ hội vô địch thế giới lần thứ 2 liên tiếp. Nhiều nhà quan sát đánh giá Mbappé có khả năng sẽ trở thành « người kế vị xứng đáng » của huyền thoại người Brazil Pélé. Pélé là cầu thủ duy nhất giành được 3 chức vô địch World Cup (1958, 1962, 1970). Ở tuổi 23 và còn nhiều năm chơi bóng phía trước, Kylian Mbappé hoàn toàn có khả năng san bằng, hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục đáng kinh ngạc này.

Về phần mình, Lionel Messi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá, đang mơ ước giành danh hiệu lớn duy nhất mà anh còn thiếu trong bộ sưu tập của mình ở tuổi 35. Tại kỳ World Cup này, danh thủ người Achentina trong 6 trận đã ghi được 5 bàn thắng và thực hiện 3 đường chuyền quyết định. Anh đã phá vỡ mọi kỷ lục trong sự nghiệp của mình, trong đó có 7 Quả bóng vàng. Mặc dù vậy, Lionel Messi biết rằng anh chỉ có thể thực sự đi vào huyền thoại nếu giành được chức vô địch World Cup, sánh ngang với thành tích của bậc tiền bối lẫy lừng, cố danh thủ Diego Maradona tại World Cup 1986 ở Mexico. Nhật báo thiên tả Libération cũng cho rằng lịch sử chỉ ghi nhớ những kỳ tích của Messi nếu các tuyển thủ Achentina nâng cao chiếc cúp vô địch vào Chủ nhật.

Antoine Griezmann - linh hồn đội tuyển Pháp

Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì dành trang nhất cho một ngôi sao khác của đội tuyển Áo Lam - Antoine Griezmann. Mặc dù không ghi bàn và cũng không có pha kiến tạo quyết định nào trong trận bán kết với Maroc, nhưng Griezmann vẫn được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Với việc Karim Benzema, N’Golo Kanté và Paul Pogba vắng mặt tại kỳ World Cup này do chấn thương, Griezmann dường như đang thay thế vai trò của cả 3 ngôi sao nói trên. Mọi người tự hỏi có bao nhiêu Griezmann trên sân, hoặc anh ấy có bao nhiêu lá phổi ? Anh là « nhạc trưởng » của đội tuyển Pháp, là người vừa tấn công ở đầu sân, vừa phòng thủ ở cuối sân. Hậu vệ cánh phải Jules Koundé nhấn mạnh rằng Griezmann cứ chạm bóng là anh thắp sáng trận đấu và phong độ tốt của anh đã tạo điều kiện cho các « chú gà trống Gô-loa » lọt vào chung kết.

Le Figaro khẳng định rằng Griezmann là biểu tượng của một cầu thủ quả cảm và không ngần ngại dấn thân vì lợi ích chung. Tuy Griezmann chưa ghi được bàn thắng nào tại kỳ World Cup này, nhưng Le Figaro nhấn mạnh rằng đây là cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết World Cup 2018, là Vua phá lưới Euro 2016 (6 bàn) và cũng là người mà huấn luyện viên tại câu lạc bộ của anh là Diego Simeone coi là « tiền đạo trung giỏi nhất thế giới ». Và anh vẫn là một trong những chân chuyền tốt nhất giải với 3 pha kiến tạo quyết định.

Các cổ động viên quá khích làm hoen ố hình ảnh nước Pháp

Nhật báo Libération thì dành bài xã luận nói về những bạo loạn ở Pháp sau khi trận đấu kết thúc. Tờ báo đặc biệt chỉ trích thành phần cực hữu ở Pháp sẵn sàng hành động khi có cơ hội, dù nhỏ nhất. Nếu như trên sân, hai đội tuyển đã thi đấu hết mình nhưng vẫn tôn trọng lẫn nhau, thì tại Pháp đã nổ ra những vụ bạo loạn trên khắp cả nước. Ở Paris, nếu cảnh sát không can thiệp, tình hình có thể đã trở nên rất nghiêm trọng : một băng nhóm khoảng 40 người đã bị bắt vì mang theo người nắm đấm sắt và dùi cui. Tương tự như vậy ở các thành phố khác của Pháp và đặc biệt là ở Lyon.

Libération quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo cực hữu về những hành vi này. Bắt đầu với Eric Zemmour của đảng Reconquête, người mà trong một thời gian dài đã khuấy động lòng căm thù tất cả những người không phải là da trắng. Marine Le Pen và Jordan Bardella của đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) thì mặc dù đã trau chuốt những bài phát biểu của mình, nhưng vẫn liên tục nhấn mạnh rằng người nước ngoài là nguồn gốc của mọi tệ nạn của đất nước.

Thị trưởng Istanbul, mối đe dọa của tổng thống Erdogan, bị kết án tù

Về thời sự quốc tế, Le Monde và La Croix đều chú ý đến tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu, một nhân vật đối lập có uy tín và là đối thủ tiềm năng của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hôm 14/12 bị kết án 2 năm 7 tháng tù giam vì tội « xúc phạm » các quan chức cấp cao của nhà nước.

Le Monde nhận định rằng đây là một phán quyết tàn bạo và không chính đáng từ nhà chức trách, khi chỉ còn 6 tháng nữa là diễn ra các cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau khi phán quyết được công bố, vài nghìn người đã đổ xuống đường ra đứng trước tòa thị chính Istanbul và hô « Her sey çok güzel olacak » (mọi thứ sẽ ổn), khẩu hiệu tranh cử của Ekrem Imamoglu trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố năm 2019. Khẩu hiệu này đã trở thành lời kêu gọi tập hợp của một phe đối lập bị nghiền nát, dường như đã mất hết hy vọng.

Thông qua vụ biểu tình này, nhà đối lập Meral Aksener, cựu bộ trưởng Nội vụ, tự nhận mình « là người duy nhất có khả năng khiến Erdogan sợ hãi », đã nhắc lại rằng chính ông Erdogan cũng từng bị kết án tù một cách bất công vào năm 1998 vì những nhận xét mà ông đưa ra khi còn là thị trưởng Istanbul trước khi tiếp nhận chức vụ cao nhất đất nước. Đây dường như là một cảnh báo về một « hiệu ứng boomerang » có thể xảy ra.

Về phần mình, Ekrem Imamoglu nói với đám đông rằng phiên tòa này « tóm tắt tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ », rằng chính quyền Erdogan đã từng tìm cách tước đi chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố ở Istanbul vào năm 2019.

Ông Imamoglu đã thông báo sẽ kháng cáo. Thành viên của Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP, cánh tả theo chủ nghĩa dân tộc), ông Imamoglu đã lọt vào tầm ngắm của chế độ Ankara vì đã khiến đảng của tổng thống Erdogan thất bại nhục nhã khi ông giành được tòa thị chính Istanbul, nơi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan đã cầm quyền trong 25 năm.

Nhật báo La Croix dẫn lời Didier Billion, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, kiêm phó giám đốc IRIS (Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược) : « Đây là một sự bất công, bởi phiên tòa phúc thẩm tiếp theo có thể sẽ không diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 06/2023. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Imamoglu bị kết án, đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, ông vẫn sẽ là một nạn nhân, và đó không phải là điều mà ông Erdogan muốn. »

Là một người chân chính, doanh nhân 52 tuổi này được coi là chính khách gần gũi với mọi người, quan tâm đến nhu cầu của người dân, bất kể nguồn gốc, quan điểm chính trị hay tôn giáo của họ. Sinh ra ở thành phố Trabzon, bên bờ Hắc Hải, ông theo học ngành kinh doanh tại đại học Istanbul. Năm 2009, ông tham gia chính trường và trở thành quận trưởng của Beylikdüzü, một quận của Istanbul từ năm 2014-2019. Vào năm 2019, Ekrem Imamoglu từng hứa sẽ « hòa giải dân tộc », đồng thời chỉ ra rằng tham vọng của ông sẽ không dừng lại ở việc lãnh đạo thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.